Thương hiệu VFC

Luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng phim truyền hình, VFC không chỉ đẩy mạnh việc đặt hàng, khai thác, chuyển thể, Việt hóa kịch bản mà còn chú trọng đến tiêu chuẩn lỹ thuật để gia tăng sức hấp dẫn cho các bộ phim.

Cảnh trong phim Thương ngày nắng về

Trong kế hoạch dài hơi của mình, VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam) từng liên tục khẳng định mục tiêu đặt ra trong đó chú trọng tới việc “Nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt”. Mục đích là tạo ra một thương hiệu để đối trọng, giành thị phần với các chương trình, gameshow thực tế, các chương trình ca hát, hẹn hò… từng chiếm phần lớn dung lượng cũng như thu hút khán giả xem truyền hình trong suốt một thời gian dài. Mục tiêu đó đã từng được ông Đỗ Thanh Hải - Nguyên Giám đốc VFC và nay là Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định nhiều lần trên báo chí rằng: “Bao năm qua, VFC vẫn luôn kiên định với chiến lược Nâng cao chất lượng phim truyền hình và mục tiêu lâu dài đó đã tạo ra nhiều bộ phim có chất lượng tới người xem”.

Để có nhiều phim đạt chất lượng cao tới với khán giả, VFC đã tận dụng mọi nguồn lực để có đầu vào phong phú. VFC luôn chú trọng khai thác kịch bản từ nhiều nguồn trong đó có đặt hàng các tác giả chuyên nghiệp, các nhà văn, nhà biên kịch. Lực lượng này với sự dầy dặn về vốn sống, văn hóa, trình độ nghề nghiệp đã mang tới một lượng kịch bản ổn định và luôn đảm bảo về chất. Một nguồn quan trọng khác được VFC khai thác từ các hội chợ phim được tổ chức ở nước ngoài trước khi có diễn biến dịch. Hiện tại, nguồn kịch bản đến từ nước ngoài (các phim Việt hóa, làm lại, mua kịch bản của nước ngoài) chiếm tới 40% lượng phim do VFC sản xuất.

Là một đơn vị sản xuất phim truyền hình gần như sớm nhất cả nước, VFC luôn xác định: Với các đài truyền hình, dù phát triển nhiều gameshow, chương trình tấu hài, ca nhạc… nhưng thể loại phim truyền hình vẫn luôn có vị thế và được khán giả quan tâm. Tuy nhiên, để duy trì và giữ vững sức hấp dẫn cần đến một định hướng, mục tiêu dài hạn và kiên trì thực hiện trong nhiều năm. 

Để thu hút khán giả, VFC luôn yêu cầu, đòi hỏi các nhà sản xuất, đạo diễn phải đưa tới công chúng những bộ phim có chất lượng tốt. Chất lượng phim phải được thể hiện ở tất cả các khâu từ kịch bản, công tác chỉ đạo của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên cho đến các khâu khác hình thành nên bộ phim như dựng phim, kỹ xảo, âm nhạc...

Với các đài truyền hình, ngoài nâng cao chất lượng phim, còn phải tạo ra bản sắc riêng. Với VFC, vị thế đầy thách thức của Đài truyền hình Trung Ương là phải giữ chân các khán giả trung thành với những bộ phim mang đậm bản sắc Việt. Mảng phim đó chỉ có thể khai thác, đặt hàng, chuyển thể từ các tác phẩm văn học hay các cây bút, nhà văn, nhà biên kịch trong nước. Tuy coi trọng phim khắc họa bản sắc, văn hóa Việt đậm đặc nhưng VFC vẫn dành một thời lượng tương đối để sản xuất, chuyển thể các phim từ kịch bản, nguyên tác ăn khách của nước ngoài. Bởi phim truyền hình Việt hóa, dù không thể mang đậm hồn cốt, nét văn hóa hay bản sắc đậm đặc của người Việt Nam nhưng các câu chuyện nhân văn, những mâu thuẫn điển hình trong dòng tộc, gia đình, cá nhân vẫn có nhiều nét tương đồng cũng như sức hấp dẫn đối với khán giả. 

Bên cạnh hai dòng chủ đạo khai thác kịch bản, văn hóa Việt và phim chuyển thể, làm lại, VFC còn chú trọng sản xuất các phim nói về người Việt ở nước ngoài nhằm đổi món cho khán giả cũng như phản ánh cuộc sống của người Việt xa xứ trong các giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Điều này đặc biệt kích thích sự tò mò của khán giả về cuộc sống của người Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa khi sự đi lại, chọn môi trường sống, làm việc đã có nhiều thay đổi, mở rộng. Phim Matxcova Mùa thay lá, Tình khúc Bạch Dương... là những bộ phim như thế. Không còn là câu chuyện đơn thuần về gia đình, bộ phim chạm được đến những vấn đề được nhiều đối tượng khán giả đón nhận. Câu chuyện về những thế hệ lưu học sinh người Việt sống và làm việc ở Liên Xô trước đây không chỉ thu hút những lưu học sinh, người lao động từng sinh sống, học tập và làm việc tại Nga mà thiên nhiên, bối cảnh, văn hóa của vùng đất lạ với những khác biệt, khó khăn xứ người cũng cuốn hút sự quan tâm của khán giả.

Cảnh trong phim Bí mật Tam giác vàng

Ngoài câu chuyện về các du học sinh, câu chuyện về buôn lậu ma túy với sự liên kết của các thế lực trong và ngoài nước trong đường dây buôn bán cái chết trắng cũng được phản ánh trong bộ phim truyền hình nhiều tập như Bí mật Tam giác vàng với bối cảnh được quay nhiều tại Lào, Campuchia, Thái Lan. Phim Khúc hát mặt trời có một số cảnh quay tại Nhật Bản... Việc mở rộng đề tài, các chủ đề trong và ngoài nước không chỉ tạo nên một thực đơn phim truyền hình phong phú mà còn thể hiện sự xông xáo, dám nghĩ dám làm và luôn khuyến khích cái mới.

Bên cạnh việc chú trọng, nâng cao chất lượng phim, yếu tố kỹ thuật cũng được VFC quan tâm, đầu tư, cập nhật các công nghệ mới trong sản xuất phim. Nhiều bộ phim được sử dụng kỹ thuật mới trong cách quay, cách dựng cũng như cách làm phim hiện đại với nhiều máy quay tại nhiều góc trong cùng một bối cảnh. Bộ phim Cả một đời ân oán được áp dụng công nghệ quay phim 4K và thu thành đồng bộ, sử dụng giọng thật của diễn viên để tạo khả năng truyền tải cảm xúc tốt hơn. Phim Thương nhớ ở ai lại thu hút bởi nhiều bối cảnh đẹp của nông thôn Việt Nam thuộc vùng quê Bắc Bộ một thời chưa xa với nhiều bối cảnh đẹp đến nao lòng. Bên cạnh các cảnh quay thực, một số êkip đã khéo léo cài cắm các cảnh quay kỹ xảo. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng chia sẻ: Tổng cộng có tới 2000 cảnh quay kỹ xảo được thực hiện với đội ngũ hơn 40 người trong suốt hơn 2 năm. Nỗ lực đó đã mang tới nhiều khuôn hình, bối cảnh đậm chất nông thôn Bắc Bộ dù câu chuyện phim được đẩy lùi cả nửa thế kỷ.

Nâng cao chất lượng, cải tiến kỹ thuật, đa dạng đề tài... phim truyền hình Việt đã từng bước lấy lại tình yêu của khán giả. Nhưng với các nhà quản lý thì chừng đó dường như vẫn chưa đủ. Khát vọng đặt ra là phim truyền hình Việt phải được xuất khẩu, được giới thiệu với bạn bè, công chúng khu vực và thế giới. Tuy nhiên, giấc mộng xuất khẩu vẫn vướng nhiều trở ngại mà một trong những lý do khiến phim Việt chưa thể xuất khẩu phim truyền hình là yếu tố kỹ thuật. Kỹ thuật của phim Việt mới từ SD sang HD trong khi các nước đã phổ biến công nghệ 4K. Ở Việt Nam vài năm lại đây mới đưa công nghệ 4K vào quy trình làm phim.

Nói về việc nâng cấp, cập nhật kỹ thuật, đại diện VFC cho biết: Khi truyền hình nước ngoài phát triển thì một trong những tiêu chí đầu tiên họ lựa chọn là vấn đề kỹ thuật. Chúng ta phải nâng cao hạ tầng kỹ thuật mới đáp ứng được yêu cầu của họ. Bây giờ các đài mới tiếp cận việc đó là quá chậm.

Một lý do khác khiến phim truyền hình Việt chưa thể xuất khẩu được là do các đơn vị giữ bản quyền chia sẻ bản quyền với nhiều nước khác. Vì thế, khi Việt Nam có phim Việt hóa thì đồng thời một số nước khác cũng có phim tương tự theo phiên bản của họ. 

Về lâu dài, khi phim Việt đủ điều kiện kỹ thuật để xuất khẩu thì chỉ những bộ phim mang đậm văn hóa, bản sắc Việt trong khi vẫn chuyển tải được mẫu số chung của nhân loại về tính nhân bản, tình yêu, sự tham lam, đố kỵ hay lòng bao dung, vị tha vượt qua nghịch cảnh mới có thể tạo nên tính cạnh tranh và sự hấp dẫn.

PHƯƠNG HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

;