Di sản đình trong phố cổ đến gần với tầm tay du khách

Các điêu khắc trong đình thường phô diễn vẻ tuyệt mỹ qua các cấu kiện gỗ ở trên cao. Điều này tạo rào cản với công chúng khi tiếp cận di sản của cha ông. Nhưng, nhiếp ảnh gia Lê Bích cùng Bối Ân Studio đã phá vỡ giới hạn của các giác quan, bằng việc hạ thấp độ cao của di sản đến gần hơn với người xem.

Không gian bên trong đình Kim Ngân (Hà Nội). Ảnh: Lê Bích

Cuộc lãng du qua những ngôi đình

Lý tưởng ấy được hiện thực hóa trong triển lãm Chạm đình trong phố, diễn ra từ 29/11 đến 15/12, tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, Hà Nội). Triển lãm do nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích phối hợp với Bối Ân Studio thực hiện. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội đón nhận bằng Di tích lịch sử quốc gia và 20 năm hoạt động không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (2004-2024). 

Các bức chạm khắc ở nhiều ngôi đình trên địa bàn phố cổ quận Hoàn Kiếm được tái hiện qua khoảng 80 tác phẩm từ nhiếp ảnh, điêu khắc gỗ, cho tới bản mô phỏng. Các hình ảnh được thực hiện bằng công nghệ đồ họa, kỹ thuật kim hoàn,… Cùng với đó, công chúng cũng được chiêm ngưỡng những ảnh chụp, dụng cụ chế tác kim hoàn ở nhiều làng nghề nổi tiếng của Đồng bằng Sông Hồng. 

Du khách nước ngoài hào hứng với triển lãm. Ảnh: Lê Bích

Đây là triển lãm đầu tiên do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội hợp tác với nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích và Bối Ân Studio thực hiện. Lựa chọn đình Kim Ngân cho dự án lần này, theo nhiếp ảnh gia Lê Bích tiết lộ, nơi đây hội tụ nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo, có niên đại lâu đời. Đồng thời, nơi đây thờ Hiên Viên Hoàng Đế - ông tổ bách nghệ và ông tổ nghề kim hoàn Lưu Xuân Tín - người Hải Dương. Dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497), Lưu Xuân Tín được triều đình giao cho lập xưởng đúc bạc nén tại Kinh thành. Ngôi đình lại tọa lạc tại con phố nổi tiếng khắp chốn Kinh kỳ về nghề làm bạc - phố Hàng Bạc. 

Lê Bích “bén duyên” với việc chụp ảnh các ngôi đình từ khi anh tham gia các hoạt động của câu lạc bộ Đình làng Việt. Đồng hành cùng với Đình làng Việt trong thời gian dài, anh đã có đi qua nhiều ngôi đình cổ ở Bắc Bộ, và cảm xúc trong anh đã lắng đọng lại thành những bức ảnh quý giá. Riêng đối với đình trong phố, Lê Bích bắt đầu niềm hứng khởi nhiếp ảnh của mình với đình Kim Ngân từ năm 2011. Khi mới khánh thành sau 2 năm tôn tạo, anh đã là một trong những người đầu tiên có cơ may được chụp ảnh tại ngôi đình. Những năm trở lại đây, nhiều kiến trúc công cộng ở phố cổ như đình Nam Hương, đình Hà Vỹ,… được hồi sinh. Lê Bích cũng đã nhanh chóng ghi chép lại nét độc đáo của các ngôi đình ấy bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Nghê tại Hội quán Quảng Đông (nay là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm). Ảnh: Lê Bích

Nếu có dịp tham quan các triển lãm ảnh trước đây của Lê Bích, khán giả hẳn đã ấn tượng với phong cách nhiếp ảnh gợi mở cho nhiều xem nhiều suy tư sau khi xem tranh. Thay vì quá đặt nặng vấn đề máy móc, thiết bị, kỹ thuật. Bởi vậy, trong Chạm đình trong phố, Lê Bích không muốn triển lãm nhấn mạnh vào ảnh của mình nữa. Mà thông qua đó, muốn truyền tải câu chuyện với mạch nối tiếp dài hơn về hành trình chuyển biến của di sản.

Khi lên ý tưởng cho triển lãm, Lê Bích đã nghĩ ngay tới KTS Bùi Tiến, đại diện Bối Ân Studio. Bùi Tiến phụ trách chuyển hóa ảnh của Lê Bích thành những bức vẽ vector đơn nét. Phương pháp này sử dụng đồ họa máy tính để diễn giải lại hình ảnh dưới dạng 2D. Theo Bùi Tiến, mỗi hình ảnh trưng bày trong triển lãm đều có giá trị riêng, phục vụ cho đối tượng người xem nhất định. Với ảnh tư liệu, đây là cơ sở để quan sát quá trình biến đổi của di sản theo thời gian. Trong trường hợp hiện vật bị hư hại, có thể tiến hành phục chế dựa vào tư liệu này. Còn hình ảnh vector do Bùi Tiến thiết kế rất có giá trị đối với những nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật. Cùng với đó, các nhà thiết kế, nghệ nhân có thể lấy đây làm cơ sở, sáng tạo nên các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Trong vòng 1 tháng xây dựng triển lãm, Lê Bích chụp ảnh đến đâu, Bùi Tiến tiếp tục vẽ lại đến đấy.

Chạm để phá vỡ sự giới hạn của thời gian

Lý do lấy cái tên Chạm đình trong phố, nhiếp ảnh gia Lê Bích giải thích, “chạm” là một động từ mang nhiều nét nghĩa. Đó vừa là sự tiếp xúc bằng xúc giác vào hiện vật, cũng vừa là tạo tác ra những tác phẩm tuyệt mỹ. Ở đây, “chạm” hiện lên thật phong phú với những tác phẩm chạm khắc trên những cấu kiện gỗ của những ngôi đình nổi tiếng đất Thăng Long. Và rồi, “chạm” lại thu hẹp không gian địa lý, trở về với phố Hàng Bạc. Đó là nét truyền thống, là kế mưu sinh của người dân nơi đây - nghề chạm bạc. 

Các hình ảnh vector được phối màu sắc mới mẻ, khỏe khoắn. Ảnh Bối Ân Studio

Hành trình của chạm bạc không chỉ gói gọn trên phạm vi phố Hàng Bạc, mà đi xa hơn tới nhiều địa phương ở Bắc Bộ. KTS Bùi Tiến cho biết, điểm đặc sắc của triển lãm đã tập trung nhiều hơn vào các kỹ thuật đặc trưng của từng làng nghề. Như ghép tam khí của làng Đại Bái (Bắc Ninh) - sự kết hợp hoàn hảo giữa 3 chất liệu đồng, bạc và vàng trên một sản phẩm. Hay làm quỳ làng Kiêu Kỵ (Hà Nội) - dát đập vàng, bạc để sơn thếp lên các sản phẩm thủ công. Đến kỹ thuật đậu của làng Định Công (Hà Nội) - kéo vàng, bạc thành những sợi chỉ với nhiều kích thước, rồi bện chúng thành các hoa văn sống động. Cho tới kỹ thuật thúc bạc của làng Đồng Xâm (Thái Bình) - chạm trổ những món đồ mỹ nghệ bằng sự phối hợp nhịp nhàng giữa sức mạnh và sự tinh tế của đôi tay. 

Nghê và rồng được tái hiện bằng hình ảnh vector. Ảnh Bối Ân Studio

Từ những chạm trổ công phu ấy, công chúng khi tham quan triển lãm sẽ được chạm vào lịch sử. Cái chạm đầu tiên là bằng thị giác, vào các bức ảnh của Lê Bích. Các bức tranh vector do Bối Ân Studio minh họa, đưa người xem chạm tiếp vào hiện tại. Xa hơn nữa, KTS Bùi Tiến bày tỏ, đích đến của triển lãm là chạm vào tương lai, chạm vào những cái mới được nảy sinh từ di sản vốn có. 

La hầu được tái hiện bằng hình ảnh vector. Ảnh Bối Ân Studio

Từ hình ảnh vector, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, từ làng Định Công, Hà Nội đã thực hiện được bức tranh hình tượng la hầu bằng kỹ thuật đậu bạc. Hay KTS Nguyễn Giang, thương hiệu Gỗ Giang đã tái hiện những bức chạm đầu rồng trên gỗ. Đồng thời, những bức minh họa ấy tiếp tục được Bối Ân Studio phối màu, sử dụng công nghệ in ấn, để đưa trực tiếp lên vải. Màu sắc của những hoa văn in lên vải được KTS Bùi Tiến lấy cảm hứng từ đầm sen. Trong đó, có màu đỏ, hồng của cánh sen, màu vàng của nhụy hoa, màu xanh lá của lá. Việc này mở ra tương lai cho ngành thời trang có thể ứng dụng những hoa văn khỏe khoắn, cứng cáp trên gỗ lên vải - chất liệu vốn mềm mại. 

Chạm khắc đầu rồng bên trong đình Kim Ngân (Hà Nội). Ảnh: Lê Bích

KTS Bùi Tiến cho rằng, nếu dừng ở số hóa hình ảnh di sản mới, mới chỉ kể được câu chuyện bảo tồn. Câu chuyện tiếp theo đó cũng cần có những cánh tay trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề nữa nối dài. Từ đó, mạch chảy của di sản luôn được khơi thông, tiếp nối. Nhiếp ảnh gia Lê Bích mong đợi, sau triển lãm Chạm đình trong phố, sẽ mở ra nhiều triển lãm hơn nữa về các đình trong phố. Nhờ đó, có thêm nhiều sáng tạo mới, đưa hoa văn trên cao đến gần hơn với công chúng, và hòa nhịp cùng đời sống đương đại.

Chạm khắc sen hóa la hầu tại đình Kim Ngân (Hà Nội). Ảnh Lê Bích

NGỌC DIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024

;