Đẩy mạnh công tác số hóa lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống

Lễ hội là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể tồn tại ở Việt Nam từ lâu đời, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là sinh hoạt văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng.

Những năm gần đây, đất nước ta thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong xu thế này, các hoạt động văn hóa truyền thống trong đó có lễ hội đã được phục hồi, phát huy, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội đã góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu cho kho tàng văn hóa Việt Nam, cần được bảo tồn vì lợi ích của toàn xã hội. Các lễ hội được diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước. Thông qua các lễ hội, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, không khí dân chủ trong xã hội được tăng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ‐ xã hội.

Lễ hội Xuân Yên Tử

Những năm gần đây, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống, do nhu cầu của xã hội, trên cơ sở đời sống kinh tế, văn hóa ngày một nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 8.868 lễ hội; trong đó có 8.103 lễ hội truyền thống, 687 lễ hội văn hóa, 74 lễ hội ngành nghề, 4 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Ngày nay, những thành tựu công nghệ thông tin đã có sự tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Internet đã kết nối các mạng máy tính trên phạm vi toàn cầu, tạo ra khả năng chia sẻ thông tin ở một phạm vi rất lớn. Sự hình thành của mô hình Chính phủ điện tử dẫn tới sự ra đời của tài liệu điện tử (một loại hình tài liệu lưu trữ mới) đã tác động đến công tác lưu trữ và yêu cầu số hóa tài liệu (chuyển tài liệu từ dạng analog (truyền thống) sang tài liệu dạng digital (số)) nhằm nâng cao tuổi thọ tài liệu gốc và phục vụ nhanh chóng, kịp thời yêu cầu tra cứu tài liệu lưu trữ mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa, lịch sử văn hóa và các hoạt động văn hóa đặc trưng của lễ hội đến nhân dân và du khách còn hạn chế, đặc biệt việc áp dụng công nghệ thông tin, số hóa lễ hội truyền thống chưa được khai thác hiệu quả. Để nâng cao năng lực, hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ VHTTDL đã triển khai Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021 ‐ 2025 (Quyết định số 2139/QĐ‐ BVHTTDL ngày 16/7/2021) với mục tiêu: Thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở nước ta, phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương và người dân trong hoạt động lễ hội; Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu trong quản lý hoạt động lễ hội và khai thác, cung cấp thông tin nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian; Góp phần cải cách hành chính, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội; Chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống; 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống được số hóa; Dữ liệu được số hóa đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và cập nhật bổ sung định kỳ các loại hình lễ hội truyền thống; Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý các loại hình lễ hội truyền thống, đảm bảo sử dụng hiệu quả.

Lễ hội đền Thái Vy - Ảnh: Đào Minh Tiến

Đề án được triển khai với những nội dung cụ thể:

‐ Xây dựng phương án, lập phiếu và tổ chức điều tra khảo sát phân loại các loại hình lễ hội: Xây dựng phương án và lập biểu thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam; Công bố Biểu Thống kê số liệu các loại hình lễ hội tại Việt Nam; Điều tra khảo sát tại địa phương, thu thập thông tin, tư liệu viết, hình ảnh và tổng hợp kết quả điều tra khảo sát, phân loại các loại hình lễ hội; Tổ chức hội thảo, tọa đàm… phân tích, đánh giá số liệu thu thập.

‐ Xử lý kết quả điều tra khảo sát, tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra thống kê.

‐ Số hóa, chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội được triển khai qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1: Số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống sau khi được điều tra, khảo sát; Giai đoạn 2: Số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.

‐ Xây dựng, vận hành Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam để lưu trữ, quản lý, khai thác và báo cáo từ các nguồn dữ liệu số hóa và điều tra thống kê, đảm bảo việc tra cứu thuận tiện, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về lễ hội, phục vụ nhu cầu tra cứu và sử dụng của bạn đọc và quảng bá về giá trị văn hóa của lễ hội Việt Nam. Sau khi đề án được triển khai, các địa phương đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, thu thập tài liệu, tổng hợp, hoàn thiện các mẫu biểu thống kê, bài viết, hình ảnh, video giới thiệu khái quát về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc trưng của lễ hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Cục Văn hóa cơ sở đã hoàn thành xây dựng phần mềm Cổng thông tin lễ hội Việt Nam (lehoi.com.vn) với hàng ngàn trang tư liệu, bài viết, hình ảnh, video giới thiệu các loại hình lễ hội của Việt Nam. Các tư liệu được tổng hợp, sắp xếp phân nhóm theo các loại hình: Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử ‐ văn hóa, lễ hội dân gian); Lễ hội văn hóa; Lễ hội ngành nghề và Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; trang hiển thị các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội; trang hiển thị tin tức, sự kiện các lễ hội đang và sắp diễn ra tại thời điểm cập nhập; nhóm tư liệu báo cáo, thống kê, các bài viết nghiên cứu về lễ hội; trang hiển thị lễ hội theo 63 tỉnh/thành trên cả nước. Việc số hóa lễ hội tại Việt Nam sẽ phục vụ hiệu quả công tác tra cứu tư liệu, tuyên truyền, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam, tạo sự chuyển biến quan trọng trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các tài liệu được biên tập, chỉnh sửa, biên tập, số hóa một cách toàn diện dưới nhiều hình thức, giúp cho việc tra cứu tư liệu, tuyên truyền, giới thiệu một cách nhanh chóng, hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam đến nhân dân và công chúng.

Khai hội Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN

Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác số hóa số liệu lễ hội Việt Nam cũng gặp những khó khăn, do lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có nguồn gốc lịch sử hình thành lâu đời, với 8.868 lễ hội được tổ chức ở nhiều thời điểm và quy mô khác nhau; nguồn tư liệu, tài liệu về lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống rất đa dạng, được lưu giữ dưới nhiều hình thức như: Thần phả, Thần tích, văn bia, tài liệu viết hoặc còn lưu truyền trong dân gian. Do vậy, việc khảo sát, thống kê, số hóa đối với từng lễ hội gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố có nhiều lễ hội như: thành phố Hà Nội, các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh… Bên cạnh đó, các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật (trang thiết bị, máy móc), công tác nghiên cứu, sưu tầm, xử lý, nhập dữ liệu; xây dựng các ấn phẩm điện tử giới thiệu về lễ hội ở các địa phương còn hạn chế, chưa có sự đầu tư đồng bộ. Đội ngũ cán bộ làm công tác số hóa, đặc biệt là cán bộ có chuyên môn kỹ thuật về lĩnh vực công nghệ, tin học, am hiểu về lễ hội còn hạn chế dẫn đến việc tổng hợp, số hóa tư liệu mới dừng lại ở việc thống kê; các bài viết, video giới thiệu về lễ hội của địa phương còn ít, dẫn đến chưa phản ánh được đầy đủ các giá trị văn hóa đặc trưng trong lễ hội truyền thống của địa phương.

Màn xòe Thái tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2018 - Ảnh: baodantoc.vn

Để đẩy mạnh công tác số hóa lễ hội trong thời gian tới, Cục Văn hóa cơ sở tiếp tục phối hợp với Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/ thành và các đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống dữ liệu về lễ hội truyền thống Việt Nam để đăng tải trên Cổng thông tin về lễ hội Việt Nam, bảo đảm phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý cũng như khai thác sử dụng của bạn đọc, đồng thời quảng bá rộng rãi về giá trị văn hóa của lễ hội Việt Nam.

BÙI DUY CHIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

;