Thành lập năm 2012, nhóm Đàn Đó ban đầu gồm Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc và Nguyễn Quang Sự, với hành trình sáng tạo nhất quán trên nền tảng chất liệu bản địa.
Lần đầu tiên nhóm Đàn Đó kết hợp cùng câc nghệ sĩ trẻ đến từ nhiều địa phương
Hành trình sáng tạo nhất quán trên nền tảng chất liệu bản địa
Với triết lý “lấy văn hóa làm gốc rễ, lấy con người làm năng lượng”, mọi dự án của nhóm Đàn Đó đều khởi phát từ chất liệu và tinh thần Việt, tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đậm chất bản địa và mang tinh thần đương đại. Từ 2015, Đàn Đó làm việc tại Phù Sa Lab, không gian dành cho các nghệ sĩ từ nhiều thể loại và sắc thái nhưng chung sự quan tâm cho văn hóa bản địa. Những điểm nhấn của nhóm chính là các dự án Lời của Tre - show diễn kết hợp sân khấu xiếc, âm nhạc và kịch, trong đó nhạc cụ trở thành đạo cụ trình diễn. Chuyện của Đó - show diễn âm nhạc kể lại hành trình tìm kiếm âm thanh nguyên bản. Xuyên không (Jazz Bản địa) - dự án hợp tác với nghệ sĩ jazz Quyền Thiện Đắc, mang tinh thần jazz kết hợp với âm nhạc bản địa.
Năm 2017, Đàn Đó tham gia chuỗi dự án SEA Sound do nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý khởi xướng. SEA Sound làm việc cùng các nghệ nhân âm nhạc từ Tây Bắc, Tây Nguyên và các cộng đồng Chăm ở Nam Trung Bộ. Năm 2020, Đàn Đó thực hiện triển lãm Đó là ở đâu - Đó là ở đây tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA, Hà Nội) cùng một chuỗi đa dạng nhiều sự kiện hoạt động nghệ thuật như trình diễn, talk, workshop. Triển lãm nhìn lại chặng đường sáng tạo nghệ thuật bền bỉ từ 2012 đến nay của các thành viên, qua các tác phẩm thị giác của họa sĩ Nguyễn Đức Phương về nhóm, các trình diễn âm nhạc của Đàn Đó, các sắp đặt và trưng bày nhạc cụ, một bộ phim tài liệu...
Tháng 6/2025, nhóm vừa cho ra mắt dự án GOm Show - Âm thanh từ Gốm với nhiều cách tân mới mẻ. Lần đầu tiên nhóm kết hợp cùng các nghệ sĩ trẻ đến từ nhiều địa phương trong một dự án nghệ thuật âm nhạc sáng tạo, được lấy cảm hứng từ văn hóa gốm truyền thống Việt. Kết hợp giữa âm nhạc bản địa và hệ thống nhạc cụ sáng tạo được chế tác từ gốm và các yếu tố tự nhiên như đất, nước, GOm Show mở ra một thế giới âm thanh kỳ diệu - nơi những thanh âm tưởng chừng như bị giấu kín từ bao đời cất lên đầy sống động, dẫn người nghe về những miền cảm xúc. Cảm hứng và lựa chọn trong vòng xoay bất tận của thời gian, con người không ngừng truy cầu ý nghĩa tồn tại, những giá trị trường cửu vẫn lặng lẽ bám sâu vào văn hóa và thiên nhiên. Gốm, với những con người tạo nên GOm, không chỉ là chất liệu - mà là nhịp cầu kết nối giữa con người và đất trời, mang trong mình câu chuyện không lời của lịch sử và văn hóa Việt. Việt Nam đa sắc - một hồn từ Chuyện GOm kể đến Quay về, Thời đó, Xuôi dòng tới Tìm Hani, Gom... mỗi tiết mục trong GOm Show là tiếng nói riêng từ các dân tộc bản địa: M’nông, Tày, Lô Lô, Nùng Dín, Ê Đê, Hà Nhì… kết hợp nhịp nhàng với âm nhạc từ nhiều nhạc cụ - cả nhạc cụ bản địa, truyền thống và nhạc cụ sáng tạo. Nhưng tất cả những chất liệu con người - âm nhạc - văn hóa được sắp đặt hòa quyện trong một không gian “Việt Nam đa sắc - một hồn”.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh chia sẻ, GOm Show sử dụng thủ pháp ước lệ, với người dẫn chuyện là chiếc bàn xoay gốm, những âm thanh giàu sức gợi từ nhạc cụ gốm như chum, vại, niêu,... GOm Show không tái hiện lịch sử, mà dẫn dắt sự tưởng tượng và cảm nhận của tâm hồn, đưa khán giả “ngấm” vào những không gian trải nghiệm, vượt qua giới hạn vật lý của không gian và thời gian. Từng chương, đoạn trong GOm Show không tập trung vào phô diễn kỹ thuật của người nghệ sĩ, mà kể lại câu chuyện của đất, của người, bằng tiếng nói truyền đời từ nhiều vùng miền. Câu chuyện không giảng giải mà thấm dần - như tiếng gốm lặng lẽ ngân vang giữa dòng lịch sử. Theo vòng xoay của GOm, không gian show trở thành hành trình “sáng - hội - chiều - về”. Nơi ngày mới bắt đầu bằng tiếng gà vọng lên từ lòng núi, ánh trăng nhường bước cho bình minh, mặt trời rọi sáng đỉnh rừng. Nơi âm thanh dẫn lối ta bước vào cảnh mùa màng tốt tươi, khắp nơi căng tràn nhựa sống. Cảnh hội làng rộn rã, lời tỏ tình và hứa hẹn về một đám cưới mùa lúa chín… để rồi khép lại trong ánh chiều buông và bản tình ca chưa viết hết lời.
Các nghệ sĩ biểu diễn một tiết mục trong GOm Show
Những biến tấu độc đáo
Dựa trên hành trình khám phá âm thanh từ chất liệu gốm, sau nhiều năm làm việc với tre và đất, Đàn Đó đã dành nhiều năm nghiên cứu để tạo nên những âm thanh độc đáo, cho ra đời những nhạc cụ tiêu biểu trong GOm Show.
Đó là Trống chum - xuất phát từ mong muốn tạo nên một âm thanh siêu trầm cho bộ nhạc cụ của Đàn Đó, nhóm đã nghiên cứu và phát triển loại trống đặc biệt dựa trên nguyên lý cộng hưởng từ chum sành đất nung kết hợp với màng rung làm từ săm xe máy. Sự kết hợp độc đáo này tạo ra hiệu ứng âm thanh trầm sâu bất ngờ. Trống chum không chỉ giữ nhịp mà còn có thể điều chỉnh cao độ, hoạt động như một chiếc đàn bass khổng lồ - bổ sung âm vực trầm hiếm có cho kho nhạc cụ dân tộc bản địa Việt Nam.
Một dụng cụ độc đáo khác là trống lãng được tạo tác từ chất liệu đất nung sành, mang hình khối như một chiếc bánh dày lớn. Trên mặt trống, các màng rung được sắp đặt đối xứng, tạo nên kết cấu cân bằng. Khi vang lên, trống phát ra âm thanh trầm ấm, mềm và sâu. Trong tổng thể dàn nhạc cụ của Đàn Đó, trống lãng đảm nhiệm vai trò truyền tải các dải âm trung trầm, góp phần làm dày và lan tỏa nền âm thanh của cả bộ gõ.
Trống đất là nhạc cụ bộ dây phát triển từ tư duy sáng tạo của Đàn Đó, sử dụng dây dẹt thay vì dây tròn truyền thống. Dây đàn được căng trên hộp cộng hưởng làm từ chum sành một thử nghiệm sau nhiều lần so sánh với chất liệu gỗ. Kết quả mang lại là âm thanh chắc, ấm, dày dặn và giàu nội lực. Trống đất không chỉ giữ vai trò là nhạc cụ gõ - dây mà còn mở rộng cách tiếp cận âm thanh với chất liệu gốm một cách đầy thuyết phục.
Chiêng sành được chế tác từ đất nung, tạo âm nhờ những lát cắt có độ dài ngắn khác nhau quanh thân chiêng. Mỗi chiếc chiêng được nặn thủ công, từ hình dáng miệng chiêng đến thân chiêng, độ dày mỏng của sành nung, chất liệu đất sét... tất cả đều ảnh hưởng đến cao độ và chất âm. Vì thế mỗi chiếc chiêng sành là một bản thể độc lập, mang “giọng nói” riêng, giống như từng đốt tre không cái nào giống cái nào. Chiêng sành hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm để mở rộng hệ nốt, giữ trọn chất âm tự nhiên và trầm đẹp của chất liệu sành.
Chuông sành được làm từ đất nung, với những đường xẻ trên thân để tạo ra các cao độ khác nhau - tương tự chiêng sành. Tuy cùng cách chơi là gõ trực tiếp, nhưng chuông sành được treo lên thay vì đặt nằm, giúp tăng hiệu ứng ngân vang trong không gian và mang lại vẻ đẹp thị giác cho người biểu diễn.
Các nghệ sĩ trẻ tạo nên linh hồn cho GOm Show
Đàn niêu được tạo tác từ chiếc niêu đất vốn dùng để nấu cơm - phần thân niêu đóng vai trò như hộp cộng hưởng. Trên miệng niêu, một lớp da trâu được căng làm màng rung, phía trên là các dây đàn nối với cần làm từ thân trúc. Đây là nhạc cụ thuộc bộ gảy, cho âm thanh trầm ấm, dịu dàng, mang chất mềm mại và gần gũi như chính tính cách của đất.
Đàn thuyền tranh là biến thể từ đàn tranh truyền thống, được thiết kế lại với hình dáng gợi nhớ chiếc xuồng ba lá của người dân vùng sông nước Nam Bộ. Những chiếc đàn thuyền tranh ban đầu được thử nghiệm với chất liệu sành sứ nhưng do trọng lượng nặng, nhóm chuyển sang tre và tận dụng các nông cụ phù hợp để tạo nên dáng đàn. Hiện đàn thuyền tranh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, vừa giữ âm sắc quen thuộc, vừa mang diện mạo mới lạ đầy chất thơ.
GOm Show - Âm thanh từ gốm nương tựa vào văn hóa gốm, tạo ra một câu chuyện mang nhiều giá trị đa chiều. Nơi người nghệ sĩ nỗ lực kể lại những giá trị văn hóa, lịch sử và triết lý sâu xa bằng tinh thần lao động sáng tạo không ngừng nghỉ. Các tác phẩm là lời mời gọi bước vào thế giới của những nhịp điệu, trầm mình trong không gian văn hóa, và cũng là một cách để văn hóa Việt được giới thiệu ra thế giới - giàu có hơn, sống động hơn trong đời sống nghệ thuật đương đại.
Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn cho biết, dự án này không chỉ giới thiệu cho khán giả Việt những nét độc đáo của thanh âm từ gốm mà còn nhằm quảng bá và thu hút khách nước ngoài. Hơn 12 năm sáng tạo và biểu diễn trên nền tảng chất liệu bản địa mang tinh thần đương đại, có nhiều đợt lưu diễn tại châu Âu, dự án là sự tiếp nối giữa hai thế hệ nghệ sĩ với nhiều tìm tòi mới mẻ độc đáo.
NGUYỄN KIM DUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 610, tháng 6-2025