Kiến trúc Pháp - Đông Dương: Từ góc nhìn di sản

Có thể nói, những công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội chính là những di sản quý báu, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn là di sản lịch sử, văn hóa đã chứng kiến một thời kỳ đầy biến động, làm nên nét đặc trưng văn hóa của thành phố ngàn năm văn hiến. Nhân dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, Omega Plus phối hợp cùng Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức tọa đàm Kiến trúc Pháp - Đông Dương - từ góc nhìn di sản nhằm giúp độc giả hiểu hơn về những di sản, giá trị văn hóa, lịch sử thông qua những câu chuyện về công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương nổi tiếng tại Hà Nội.

Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội

Cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội được Nxb Mỹ thuật và Omega Plus phát hành năm 2022, tái bản năm 2023. Gồm những tư liệu, hình ảnh bản thiết kế các công trình cùng lời thuyết minh bằng ba ngôn ngữ Việt - Pháp - Anh, cuốn sách giúp khám phá những kiến trúc của Pháp đặt vào bối cảnh Đông Dương bấy giờ với rất nhiều tầng bậc, lịch sử thuộc địa, lịch sử quan hệ ngoại giao… của cư dân bản địa, kể từ khi người Pháp đặt chân đến Đông Dương.

Trên nền lịch sử thăng trầm của Hà Nội trong một thế kỷ XX đầy biến động, những dinh thự, biệt thự Pháp cổ được xây dựng ở đây cũng mang một lịch sử ly kỳ, hấp dẫn tương tự. Có thể nói, những công trình Kiến trúc Pháp Đông Dương tại Thủ đô cũng là những di sản quý báu, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn là di sản lịch sử, văn hóa bởi đã chứng kiến một thời kỳ đầy biến động và góp phần làm nên nét đặc trưng văn hóa của thành phố ngàn năm. Và phía sau những bể dâu lịch sử ấy chính là những câu chuyện, những phận người với rất nhiều tầng bậc của cư dân bản địa. 

Với những tư liệu quý, hình ảnh bản thiết kế các công trình cùng lời thuyết minh bằng ba ngôn ngữ Việt - Pháp - Anh, cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội hé mở cho độc giả những câu chuyện mà chắc hẳn nhiều người chưa biết tới, khám phá những kiến trúc của Pháp đặt vào bối cảnh Đông Dương bấy giờ. Khám phá 37 công trình kiến trúc Pháp Đông Dương quanh Hà Nội, tác giả Trần Hữu Phúc Tiến cùng nhóm biên soạn đã phân chia theo quận, địa bàn, địa phương. Cách thiết kế khoa học và trực quan sinh động đó như mời bạn đọc “dạo bước” trên từng trang sách, bắt đầu từ trung tâm chính trị: Quảng trường Ba Đình, quận Ba Đình. Điểm cuối của cuộc dạo chơi chính là: Cầu Doumer - cầu Long Biên.

TS, KTS Lê Phước Anh, ThS Bùi Thị Hệ và nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến tại Tọa đàm

Nhiều công trình kiến trúc được khảo sát vốn đã trở nên thân thuộc với người Hà Nội như Nhà Hát Lớn, Cầu Long Biên (Doumer), Viện Pasteur, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Louis Finot)… nhưng với cách thực hiện khảo tả, lựa chọn ảnh và tư liệu lại đầy tinh tế, mới lạ. Bên cạch đó là sự xuất hiện những công trình mà ngay cả những người từng hiểu biết nhiều về Hà Nội, đến nay mới lần đầu được tiếp cận. Đó là những kiến trúc đến nay đã tròn trăm năm tuổi như ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu hay tòa biệt thự 18 Tông Đản.

Giá trị của di sản kiến trúc đối với Hà Nội hôm nay

Đối với nhịp sống thời nay, khi mà nhiều câu chuyện về giữ gìn giá trị văn hóa trở thành điểm nóng thì nét đẹp của kiến trúc Pháp tại Hà Nội như một di sản văn hóa quý báu, mang đậm nét tâm hồn, tính cách Hà Thành. Những nét đep ấy làm nên một Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại. Không chỉ làm giàu có thêm cho trầm tích văn hóa Thủ đô mà đối với người Hà Nội, những di sản văn hóa này còn là một phần của sự nên thơ, lãng mạn rất riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Buổi Tọa đàm Kiến trúc Pháp - Đông Dương: Từ góc nhìn di sản có sự tham gia của nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội; TS. KTS Lê Phước Anh, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội; ThS Bùi Thị Hệ, Phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và các khách mời. Tại Tọa đàm, các nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia văn hóa đã cùng thảo luận, chia sẻ về tầm quan trọng, vai trò và ý nghĩa của các di sản kiến trúc Pháp - Đông Dương đối với lịch sử của Hà Nội và trong đời sống hôm nay. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, sách đề cập đến những công trình kiến trúc được ví như “những viên ngọc quý” ở Hà Nội. Ông cũng chia sẻ những hiểu biết của mình về các công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương ở Nà Nội. Ví như ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu được giới thiệu bản vẽ kiến trúc gốc của tòa biệt thự, ông tiết lộ đây vốn là ngôi biệt thự của Chánh Sở Mỏ Đông Dương, do hãng thầu Aviat xây dựng vào đầu thập kỷ 20 của thế kỷ trước. Hay tòa biệt thự 18 Tôn Đản ban đầu là khu nhà Giám đốc Tài chính Đông Dương, đã có lúc nó được dành cho các nhân vật đại diện đầu tiên của Hoa Kỳ (trong đó có Đại tá A.Patti, đứng đầu cơ quân Tình báo Chiến lược OSS) đến Hà Nội ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và hiện nay là nhà công vụ của Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam… 

 Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Tọa đàm

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng khẳng định: “Đương nhiên, nếu mỗi công trình kiến trúc tiêu biểu ấy được ví như một viên ngọc, thì chuỗi ngọc di sản “kiến trúc thuộc địa” của Thủ đô chúng ta chắc chắn còn dài hơn nữa, cũng có nghĩa là còn dư địa cho nhiều tác giả khác quan tâm và nhiều cuốn sách nữa sẽ ra mắt bạn đọc… Điều đáng nói là, nhiều ấn phẩm cũng như nhiều hình thức trưng bày nhằm giới thiệu giá trị của các tài liệu lưu trữ như cuốn sách này cho thấy những thay đổi tích cực của ngành lưu trữ nói chung và của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I nói riêng trong việc đưa những di sản tưởng như câm lặng của quá khứ vào đời sống sôi động của đương đại…”

 Th.S Bùi Thị Hệ - Phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, sách viết về kiến trúc Hà Nội không mới, kể cả người nước ngoài cũng từng tổ chức biên soạn và công bố sách về đề tài này. Chính ngay Cục Lưu trữ kết hợp với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở Hà Nội (EFEO) cũng từng xuất bản một cuốn chủ yếu giới thiệu các bản vẽ thiết kế được lưu trữ tại Việt Nam và Pháp. Nhưng cuốn sách lần này được xuất bản với khổ sách lớn hơn, dày xấp xỉ 300 trang, bìa cứng có cả bìa bao, đẳng cấp như một “album nghệ thuật”. Nét nổi trội so với các ấn phẩm trước là bên cạnh những bản vẽ thiết kế là những tấm ảnh tư liệu được sưu tầm và lựa chọn kỹ cũng lời thuyết minh bằng 3 thứ tiếng (Việt-Pháp-Anh), do một nhà báo có nhiều kinh nghiệm kết hợp cả hai phẩm chất nghiêm túc về khoa học và uyển chuyển về chữ nghĩa chủ trì.

Chọn nhà báo Phúc Tiến làm công việc biên tập cả về hình ảnh và nội dung, Omega Plus và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I không chỉ khai thác tính chuyên nghiệp của một người có kinh nghiệm đã từng làm một cuốn sách tương tự về Thành phố Sài Gòn cách đây đã lâu, mà ngay cả cách nhìn của một người sống ở Sài Gòn quan sát Hà Nội cũng có cái nét riêng, đôi khi chính người sống Hà Nội cũng không nhận ra…. Không thể không nói đến nhóm chủ lực góp phần làm nên cuốn sách này chính là những người đang làm công tác lưu trữ, đã bảo tồn và khai thác nguồn tư liệu quý giá trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I của mình cũng như từ các nguồn khác cũng kinh nnghiệm làm sách đặc thù của ngành lưu trữ. Tất cả đã nỗ lực tạo nên một cuốn sách không chỉ đẹp mà còn rất giá trị.

PHƯƠNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023

;