Đại dịch COVID-19 và những thách thức đặt ra đối với ngành Thư viện

Ngày 30-3-2020 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn dân chung sức để chiến thắng đại dịch COVID – 19: “Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch”, “hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” (1).

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Việt Nam đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch COVID-19 với việc kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả. Sau thời gian cả nước thực hiện cách ly xã hội, đã tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Để góp phần vào cuộc chiến này, ngành Thư viện đã và đang tham gia tích cực. Thực hiện nghiêm túc quy định trong công tác phòng, chống dịch và cách ly xã hội, các thư viện đã đóng cửa phục vụ bạn đọc tại chỗ và ngừng các hoạt động luân chuyển, phục vụ lưu động. Thậm chí, ngay cả các hoạt động trưng bày triển lãm cũng không thể tổ chức trực tiếp.

Theo Luật Thư viện số 46/2019/QH 14, thư viện là thiết chế văn hóa, thông tin, giáo dục, khoa học, thực hiện việc xây dựng, xử lý, bảo quản, cung cấp tài nguyên thông tin, phục vụ nhu cầu của người sử dụng. Một trong những chức năng nhiệm vụ quan trọng của thư viện là: tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí; góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện (2).

Thách thức lớn nhất đặt ra trong thời điểm này là làm cách nào để các thư viện vừa tuân thủ Chỉ thị 19/CT-TTG, nhưng vẫn có thể cung cấp dịch vụ đến với mọi đối tượng bạn đọc; cán bộ, nhân viên thư viện vẫn hỗ trợ bạn đọc trong các hoạt động tìm kiếm và sử dụng tài nguyên thông tin với nhiều mục đích khác nhau.

Thư viện Cần Thơ phục vụ bạn đọc qua mạng internet

Để góp phần chung tay phòng chống dịch, ngành Thư viện đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau:

Thứ nhất, các thư viện tích cực góp phần tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh

Ngày 6-2-2020, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 445/BVHTTDL-TV gửi các thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 và triển khai một số biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chỉ thị của Thủ tướng, văn bản hướng dẫn của Bộ VHTTDL và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thư viện đã tích cực góp phần vào công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh bằng cách tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin kịp thời, đúng đắn về dịch bệnh, cách phòng chống dịch bệnh đến bạn đọc và mọi tầng lớp nhân dân qua công tác phục vụ tại thư viện, ngoài thư viện và trên trang thông tin điện tử.

Ba thông tin chuyên đề do Vụ Thư viện phối hợp với Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thư viện thành phố Cần Thơ là “Phòng chống và đẩy lùi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra”, “Những điều cần biết về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra và biện pháp phòng chống” và “Chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19” đã được nhiều thư viện sử dụng để phổ biến trên không gian mạng. Chỉ tính riêng tại chuyên trang thư viện, các bài viết hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên đề về phòng chống dịch đã thu hút hơn chục nghìn lượt đọc và tham khảo. Đây là các chuyên đề được thực hiện với việc thu thập, phản ánh kịp thời các văn bản của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng như các tài liệu, thông tin hữu ích về dịch bệnh và cách ứng phó với dịch bệnh.

Tất cả các thư viện, từ Thư viện Quốc gia Việt Nam đến các thư viện tỉnh, thành, thư viện chuyên ngành đều dán pano hình ảnh hướng dẫn cách phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Nhiều thư viện phát tờ rơi hướng dẫn cho bạn đọc cách phòng lây nhiễm dịch COVID-19. Trên trang thông tin điện tử, các thông tin chuyên đề về phòng chống dịch bệnh được tuyên truyền, phổ biến để giúp bạn đọc có thêm kiến thức kỹ năng bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng. Nhiều thư viện tỉnh, thành phố đã chủ động trưng bày sách, báo hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe. Tại các phòng đọc: tổng hợp, thiếu nhi, báo, tạp chí, phòng mượn… các thủ thư thường xuyên hướng dẫn bạn đọc cách phòng tránh dịch bệnh nơi công cộng.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng dịch trong công tác phục vụ người sử dụng

Ngay từ khi dịch bệnh mới xuất hiện, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh, Công văn của Bộ VHTTDL, chỉ đạo của Sở VHTTDL, Sở VHTT, các thư viện tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch và khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, các hoạt động phục vụ lưu động tạm ngưng, các đơn vị tiến hành tổng vệ sinh phòng chức năng, nhất là những phòng có nhiều bạn đọc như: phòng phục vụ thiếu nhi, phòng đa phương tiện, phòng mượn, phòng đọc tổng hợp...

Khi xuất hiện dịch COVID-19 ở Việt Nam, học sinh, sinh viên cả nước đã nghỉ học, gần đây là toàn xã hội thực hiện cách ly. Để hỗ trợ cho bạn đọc, đặc biệt là học sinh, sinh viên có thể sử dụng thời gian rảnh rỗi vào việc học tập, nghiên cứu và giải trí, các thư viện đã thúc đẩy dịch vụ thân thiện và hữu ích như: tăng cường cho mượn sách trực tuyến. Tại nhiều địa phương, thư viện được xem là một trong những địa chỉ lý tưởng được nhiều phụ huynh có con nhỏ, các em học sinh và sinh viên yêu thích lựa chọn.

Trong thời gian đầu dịch bệnh, các thư viện vẫn mở cửa phục vụ. Từ nhận thức thư viện là một thiết chế giáo dục ngoài nhà trường có vốn tài liệu phong phú, là môi trường an toàn, nhiều gia đình đã cho con em đến thư viện thay vì để con trẻ ở nhà. Với những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo vệ sinh, thư viện công cộng được coi là điểm đến an toàn, nơi các em có thể lựa chọn những cuốn sách hay để đọc và tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức. Cùng với việc xây dựng môi trường đọc sách lành mạnh, một số thư viện tỉnh còn tăng cường hoạt động dành cho bạn đọc trong mùa dịch như giáo dục kỹ năng sống…

Trong giai đoạn sau, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có cách ly xã hội, các thư viện đã đóng cửa toàn bộ các phòng phục vụ, triển khai chế độ làm việc tại nhà. Để đảm bảo an toàn và không hình thành đám đông, các hoạt động phục vụ lưu động tạm ngưng, nhưng Thư viện Quốc gia Việt Nam và nhiều thư viện tỉnh, thành phố vẫn triển khai các hoạt động để hỗ trợ người sử dụng đọc sách, báo và tài liệu trực tuyến.

Thứ ba, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trực tuyến và cho mượn về nhà.

Ngành Thư viện đã cố gắng thúc đẩy các dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến, hỗ trợ học tập, nghiên cứu và giải trí cho mọi người. Không gian mạng và internet kết nối vạn vật cho phép các thư viện có thể mở rộng cánh cửa của mình đến từng nhà, từng người để đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng người sử dụng. Vai trò của các thư viện vẫn tiếp tục được thể hiện trong các hoạt động kết nối, cung cấp thông tin và tri thức. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh dịch bệnh này, các thư viện cần đẩy mạnh việc cung ứng các dịch vụ trực tuyến, bao gồm: Cung cấp thông tin, hỗ trợ đọc sách, báo điện tử; Giới thiệu sách, tài liệu mới, triển lãm sách trực tuyến, đặc biệt là giới thiệu các tài liệu số của thư viện có hoặc có thể sử dụng tại các thư viện khác, của các nhà xuất bản, nhà sách cho bạn đọc; Tư vấn, hướng dẫn cho bạn đọc sử dụng các dịch vụ trực tuyến, triển khai dịch vụ hỏi - đáp, hỗ trợ sử dụng thư viện trực tuyến; Thiết lập chuyên mục cho thiếu nhi đối với các thư viện công cộng cần, tăng cường dịch vụ kể chuyện, giới thiệu sách trực tuyến cho trẻ em; Hướng dẫn phương pháp và kỹ năng tra tìm sử dụng thông tin trực tuyến, nâng cao năng lực tìm kiếm và khai thác thông tin của người sử dụng; Tích cực góp phần vào công tác phòng chống dịch bằng cách phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương.

Để làm được điều đó, các thư viện cần đẩy mạnh những nội dung sau:

Phát triển vốn tài liệu số/ tài liệu điện tử bằng cách: Tăng cường bổ sung tài liệu điện tử; Tăng cường liên thông, thu thập, khai thác các nguồn tài nguyên thông tin mở, nguồn tài liệu miễn phí của các nhà xuất bản có chất lượng để làm giàu thêm vốn tài liệu của mình và sẵn sàng chia sẻ cho các thư viện khác khi có nhu cầu.

Tăng cường biên soạn thông tin chuyên đề. Để tiết kiệm ngân sách và tạo nhiều sản phẩm phong phú có thể phân công các thư viện trong cùng liên hiệp/ khu vực/ nhóm để sử dụng chung.

Triển khai dịch vụ cấp thẻ trực tuyến để bạn đọc thuận lợi sử dụng thư viện, đồng thời có thể phát triển dịch vụ mượn sách trực tuyến.

Nghiên cứu và giới thiệu cho bạn đọc các nguồn tin đáng tin cậy, hữu ích trên internet như: hướng dẫn bạn đọc tham quan và tìm hiểu về truy cập mở tới các di sản văn hóa thư viện bảo tàng trên internet để có thể vừa giải trí vừa học (Open Galleries, Libraries, Archives, Museums viết tắt là: OpenGLAM) do UNESCO khởi xướng, hay giới thiệu cho các nhà khoa học, bác sĩ, nhân viên y tế tạp chí điện tử về lĩnh vực y học của nhà xuất bản Science Direct và toàn văn sách điện tử lĩnh vực y dược của nhà xuất bản Springer Nature do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia đã mua quyền truy cập toàn văn…

Trong thời gian vừa qua, một số thư viện đã tích cực thúc đẩy các dịch vụ trực tuyến cho bạn đọc. Một số thư viện công cộng cấp tỉnh đã hỗ trợ bạn đọc từ xa, cung cấp thẻ đọc sách điện tử miễn phí, tích cực tuyên truyền về phòng chống COVID-19 qua các thông tin chuyên đề trên trang web của thư viện. Thư viện Khoa học và Công nghệ quốc gia, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội đã thường xuyên cập nhật các bài nghiên cứu về COVID-19 để phổ biến cho các nhà nghiên cứu, sẵn sàng cung cấp tài khoản miễn phí cho các nhân viên y tế. Thư viện một số trường đại học đã tiếp tục hỗ trợ cho sinh viên và học viên tài liệu học trực tuyến và từ xa với các hình thức khác nhau. Đó là những việc làm rất đáng khích lệ, cần tiếp tục phát huy, nhân rộng.

Trong thời gian cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội, Vụ Thư viện đã có sáng kiến thành lập kênh “Cùng bạn đọc sách - Truyền cảm hứng, kết nối và lan tỏa tri thức” để hỗ trợ mọi người có thể tiếp cận với những cuốn sách hay, sách tốt, có thể nghe đọc và kể chuyện sách trực tuyến, có góc dành cho bạn đọc tương tác. Từ sự chủ động và tích cực tổ chức các dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, các thư viện đã và đang phát huy vai trò là thiết chế giáo dục ngoài nhà trường hỗ trợ bạn đọc học tập suốt đời trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó, gần 1.000 cuốn sách đã được Vụ Thư viện trao tặng cho những người đang ở khu cách ly của Bệnh viện Đức Giang và Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) với mong muốn tiếp sức và tạo động lực tinh thần cho lực lượng tuyến đầu, những “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận chống dịch. Việc trao tặng sách thể hiện sự đồng lòng của Vụ Thư viện với các bộ, ban, ngành, lực lượng chức năng khác trên cả nước trong việc “ứng chiến”, đẩy lùi dịch bệnh.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Thư viện cần có những việc làm thiết thực góp phần tuyên tuyền về phòng chống dịch bệnh và giúp người đọc có thể sử dụng thời gian ở nhà một cách hiệu quả, hữu ích qua việc kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin và tri thức trực tuyến qua các trang web và mạng xã hội một cách kịp thời, thuận lợi, hiệu quả

__________.___

1. quochoi.vn

2. vanban.chinhphu.vn

Tác giả: Vũ Dương Thúy Ngà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

;