Nhìn lại 5 năm thực hiện Luật Thư viện

Tóm tắt: Ngày 21-11-2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 46/2019/QH14 về Thư viện (sau đây gọi tắt là Luật), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Luật ra đời tạo điều kiện cho thư viện góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và thúc đẩy phát triển thư viện và văn hóa đọc nói riêng, khẳng định vai trò quan trọng của thư viện trong tiến trình phát triển đất nước. Qua 5 năm tổ chức thực hiện Luật, ngành Văn hóa nói chung và thư viện nói riêng đã đạt những thành quả bước đầu, tuy nhiên cũng còn nhiều việc phải tiếp tục thực hiện để Luật thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

Từ khóa: thư viện, pháp luật, Luật Thư viện, thực hiện.

Abstract: On November 21, 2019, the 14th National Assembly passed Law No. 46/2019/QH14 on Libraries, which came into effect on July 1, 2020. The enactment of this law has facilitated the contribution of libraries to the advancement of Vietnamese culture and the well-being of its citizens, while also promoting the growth of libraries and reading culture in particular. It underscores the significant role of libraries in the national development process. After five years of implementation, the cultural sector, and the library sector in particular, have achieved initial successes. However, sustained efforts are required to ensure the law’s full effectiveness in society.

Keywords: library, law, Library Law, implementation.

Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện tại Đà Lạt, tháng 11-2024 - Ảnh: Hồng Vân

1. 50 năm xây dựng pháp luật để hình thành Luật Thư viện

Ngày 16-9-1970, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 178-CP về công tác thư viện. Quyết định đã khẳng định sách, báo là phương tiện để tàng trữ, là công cụ quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thư viện là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của văn hóa và giáo dục, là một công cụ trọng yếu để thực hiện chức năng cập nhật, nâng cao trình độ kiến thức, tri thức về mọi mặt và giáo dục tư tưởng, chính trị cho nhân dân. Tác động của Quyết định đã tạo sự thay đổi và phát triển cơ bản sự nghiệp thư viện nước ta trong những thập niên 70, 80 và 90 của thế kỷ trước.

 Công cuộc đổi mới ở nước ta đã tạo điều kiện và đòi hỏi ngành Thư viện cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao và đa dạng của người dân. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 28-12-2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh số 31/2000/PL-UBTVQH10 về thư viện, đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và cao hơn để góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân.

Tuy nhiên, sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, đòi hỏi cần có Luật Thư viện để điều chỉnh.

Từ năm 2012, dự án dự thảo Luật Thư viện được triển khai thực hiện, đến năm 2018 Bộ VHTTDL trình dự thảo Luật đến Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội để thực hiện quy trình xem xét, thẩm định theo luật định. Ngày 21-11-2019 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua dự thảo Luật Thư viện và quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

Luật Thư viện tạo hành lang pháp lý cao nhất để phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích; phát huy đầy đủ chức năng của thư viện trong bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản và học tập suốt đời của công dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

2. Triển khai thực hiện Luật Thư viện

Sau khi Chủ tịch nước công bố Luật Thư viện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước truyền thông, phổ biến để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong cả nước biết, nhận thức, quán triệt và tổ chức thực hiện Luật Thư viện.

Ngày 8-9-2020, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 3283/BVHTTDL-TV gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Công văn nhấn mạnh trách nhiệm phổ biến Luật và các văn bản dưới luật; thực hiện quản lý nhà nước, xây dựng, kiện toàn thư viện và kiểm tra xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm luật... trong trách nhiệm quản lý.

Triển khai thực hiện Luật Thư viện, Bộ VHTTDL đã dự thảo những nội dung Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện. Ngày 18-8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2020/NĐ-CP quy định chi tiết 5 điều trong Luật: về thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư tại điểm a khoản 1 Điều 5; về tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học được Nhà nước đầu tư tại điểm c khoản 1 Điều 5; về không gian đọc, phòng đọc cơ sở tại khoản 1 Điều 6; về điều kiện thành lập thư viện tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 18; về trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện tại khoản 5 Điều 22; về liên thông thư viện tại Điều 29 của Luật Thư viện.

Bộ VHTTDL đã chủ động ban hành kịp thời 4 thông tư Quốc hội giao trong Luật Thư viện: Thông tư số 01/2020/TT-BVHTTDL ngày 22-5-2020, quy định các mẫu văn bản thông báo thành lập, sáp nhập, hợp nhất chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện; Thông tư số 02/2020/TT-BVHTTDL ngày 25-5-2020, quy định về bảo quản, thanh lọc tài nguyên thông tin và tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện; Thông tư số 05/2020/TT-BVHTTDL ngày 28-8-2020, quy định về đánh giá hoạt động thư viện; Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL ngày 4/-8-2022, hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.

Căn cứ Luật Thư viện, các Bộ đã ban hành mới các thông tư quy định về tiêu chuẩn thư viện, hướng dẫn thực hiện về tổ chức bộ máy và hoạt động thư viện phù hợp với Luật để thay thế các thông tư đã ban hành trước đó, cụ thể: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 2 thông tư: Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT ngày 22-11-2022, quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT ngày 17-7-2023, quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục đại học. Bộ VHTTDL ban hành 3 thông tư: Thông tư 09/2021/TT-BVHTTDL ngày 22-9-2021, hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 02/2022/TTLT-BVHTTDL ngày 1-7-2022, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành Thư viện; Thông tư số 07/2023/TTLT-BVHTTDL ngày 31-5-2023, ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu...

Ngoài ra, Bộ VHTTDL tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định phê duyệt các đề án, chương trình có liên quan để tổ chức hoạt động và phát triển thư viện như: Quyết định 1862/QĐ-TTg ngày 4-11-2021, về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Quyết định 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021, phê duyệt “chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 9-12-2022, phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”; Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 1-11-2022, về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; và một số quyết định, công văn khác của Bộ VHTTDL.

Các bộ, ngành, địa phương đều ban hành văn bản để cụ thể hóa thực hiện Luật Thư viện và các văn bản của Chính phủ và Bộ VHTTDL. Nội dung các văn bản tập trung xác định lại chức năng, nhiệm vụ thư viện; kiện toàn về tổ chức bộ máy, nội dung hoạt động; kế hoạch triển khai thực hiện phát triển văn hóa đọc, chuyển đổi số, hoạt động phục vụ học tập suốt đời; quy tắc ứng xử nghề nghiệp đối với người làm công tác thư viện; bộ tiêu chí đánh giá hoạt động thư viện; chương trình phối hợp giữa thư viện và các cơ quan tổ chức có liên quan...

Nhìn chung, công tác truyền thông, phổ biến pháp luật từ Luật Thư viện đến Nghị định 93/2020/NĐ-CP, các Quyết định của Chính phủ, các Thông tư và Quyết định của các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, rộng rãi và thường xuyên trong 5 năm qua bằng nhiều hình thức tập huấn, phổ biến trực tiếp, trực quan trên các phương tiện truyền thông, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật, phát hành văn bản, tài liệu để phổ biến, hướng dẫn; nội dung truyền thông, phổ biến gắn với từng đối tượng, phù hợp với từng loại hình thư viện. Đội ngũ truyền thông, phổ biến là giảng viên giảng dạy pháp luật các cơ sở đào tạo cán bộ thư viện, cán bộ quản lý các thư viện có vai trò quan trọng, đồng thời phối hợp với các cơ quan thực hiện công tác pháp chế, các tổ chức đoàn thể... ở các cơ quan, địa phương cùng thực hiện tốt công tác này. Song hành với công tác truyền thông, phổ biến những quy định pháp luật về thư viện, là triển khai các nội dung chỉ đạo, xác định trách nhiệm triển khai thực hiện những quy định pháp luật về thư viện đối với các cơ quan quản lý và người làm công tác thư viện.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND, ngành Văn hóa các địa phương, theo chức năng và thẩm quyền đã ban hành cơ bản kịp thời, đầy đủ những quy định pháp luật nhằm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thư viện, xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm, nội dung hoạt động thư viện... cho các thư viện thuộc phạm vi quản lý. Sau 5 năm thực hiện, những quy định pháp luật mới về thư viện, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những chuyển biến, khởi sắc nhất định so với thời gian trước khi Luật Thư viện ban hành.

3. Thành quả bước đầu mang lại

Thực tiễn thực hiện Luật Thư viện và theo báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện của Bộ VHTTDL, cho thấy:

Số lượng thư viện Việt Nam tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển về số lượng, chất lượng hoạt động thư viện từng bước được khẳng định. Tính đến tháng 9-2024, số lượng thư viện thuộc các loại hình đang hoạt động, gồm: Thư viện Quốc gia; 63 thư viện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 647 thư viện cấp huyện và tương đương; gần 22.000 thư viện cấp xã hay thư viện cộng đồng, phòng đọc - không gian đọc cơ sở; 400 thư viện đại học, trường đại học; khoảng 27.000 thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông (còn khoảng 13.000 cơ sở giáo dục chưa có thư viện); 100 thư viện thuộc các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu khoa học; 2.700 thư viện, phòng đọc, tủ sách của ngành công an nhân dân; 490 thư viện và 2.668 tủ sách, phòng đọc Hồ Chí Minh trong hệ thống thư viện quân đội.

Kính phí đầu tư để tổ chức hoạt động cho từng loại hình thư viện cơ bản được giữ ổn định, đảm bảo thực hiện những nhiệm vụ của thư viện. Một số thư viện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang... được Nhà nước đầu tư tăng từ 30% trở lên; tuy nhiên một số tỉnh còn khó khăn như Kon Tum, Đắk Nông, Lai Châu, Sơn La... kinh phí nhà nước cấp cho thư viện tỉnh hoạt động còn có hạn. Thư viện các trường đại học được xem như dẫn đầu về đầu tư cơ sở vật chất và điều kiện tiện ích thư viện hiện đại, tiến độ thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn các loại hình thư viện khác.

Nhân lực làm công tác thư viện đảm bảo đủ về số lượng để thực hiện nhiệm vụ quản trị, tổ chức hoạt động thư viện. Những thư viện có quy mô lớn như Thư viện Quốc gia có 117 người, thư viện các tỉnh và tương đương trung bình có 21 người/ thư viện; những thư viện cỡ vừa như thư viện các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học trung bình có từ 2 đến 5 người/ thư viện; những thư viện cỡ nhỏ thường có 1 người làm việc hay phải vừa làm thư viện, vừa kiêm nhiệm thực hiện thêm công việc khác của cơ quan. Điều nhận thấy là chất lượng người làm công tác thư viện được nâng cao, cụ thể có trên 90% người làm công tác trong các thư viện cỡ vừa trở lên đã tốt nghiệp trình độ đại học, người làm công tác trong các thư viện cỡ nhỏ ít ra cũng tốt nghiệp trình độ trung cấp hay cao đẳng; hầu hết các viên chức làm công tác thư viện đã qua lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành Thư viện và xếp vào ngạch theo quy định của Thông tư số 02/2022/TTLT-BVHTTDL ngày 1-7-2022 của Bộ VHTTDL (1).

Tất cả thư viện thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trân trọng quyền của người sử dụng thư viện theo Luật. Tùy vào quy mô, điều kiện, các thư viện tổ chức hoạt động theo 13 nội dung Luật quy định. Tuy nhiên, có một số nội dung hoạt động mới như đánh giá hoạt động thư viện, liên thông thư viện các thư viện triển khai thực hiện chậm, đặc biệt là các thư việc cấp cơ sở; một số nội dung hoạt động khác như phát triển thư viện số, hiện đại hóa thư viện tiến độ thực hiện các thư viện còn phụ thuộc vào chính sách đầu tư từ phía nhà nước; phát triển văn hóa đọc là hoạt động được hầu hết các thư viện thực hiện sáng tạo bằng nhiều hình thức đa dạng đạt kết quả đáng ghi nhận.

Xã hội hóa trong hoạt động thư viện luôn được các cơ quan quản lý nhà nước và các thư viện quan tâm, chủ động thực hiện. Ngoài chính sách đầu tư của nhà nước, đây là công tác nhằm huy động thêm các nguồn lực từ xã hội nhằm giúp thư viện được đầy đủ về điều kiện và phát triển nhanh hơn. Thông qua công tác xã hội hóa, nhiều thư viện được đầu tư về cơ sở vật chất, tiện ích thư viện, tài nguyên thông tin, nhiều chương trình phối hợp giữa thư viện với các doanh nghiệp, cơ quan xuất bản, hội nghề nghiệp... để tổ chức các sự kiện, hội thảo, tọa đàm, phản biện xã hội về thư viện nhằm nâng cao năng lực của thư viện, phát triển văn hóa đọc và phục vụ người dân có điều kiện học tập suốt đời.

Một trong những điểm sáng của công tác xã hội hóa là Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để hình thành loại hình thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Tính đến cuối năm 2024, có 115 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng được thành lập với mức đầu tư từ 200-300 triệu đồng/ thư viện.

4. Vài ý kiến nhận xét

5 năm thực hiện Luật Thư viện là thời gian có tính khởi đầu đối với sự nghiệp thư viện Việt Nam, triển khai thực hiện Luật trong điều kiện Nhà nước thực hiện chính sách đầu tư các nguồn lực cho thư viện còn nhiều khó khăn; đại dịch COVID-19 đã tác động toàn diện tạo thêm nhiều khó khăn đến hoạt động thư viện trong phần lớn thời gian giai đoạn này.

Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực, trách nhiệm, thường xuyên thực hiện tốt công tác truyền thông, phổ biến, quán triệt các quy định pháp luật và thực hiện tốt công tác pháp chế về thư viện. Các văn bản dưới Luật được Chính phủ và các Bộ có liên quan ban hành kịp thời, tạo sự thông suốt đối với những quy phạm pháp luật về thư viện. Các văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa những quy định của Luật và dưới Luật cũng được các cơ quan quản lý nhà nước về thư viện nghiên cứu, ban hành kịp thời. Tuy phần lớn thời gian bị tác động bởi dịch, bệnh, nhưng chủ thể và khách thể thực hiện tuyên truyền, phổ biến và áp dụng pháp luật thư viện cũng đã cơ bản nhận thức và chấp hành tốt pháp luật về thư viện.

Hoạt động của các thư viện luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ, quy định pháp luật, từng bước thực hiện đổi mới, chú trọng và nâng cao chất lượng trong hoạt động với mục tiêu là sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực của thư viện, đổi mới các hoạt động thư viện, trong đó tập trung thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hóa thư viện và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thành quả là không nhỏ, những hạn chế, tồn tại trong giai đoạn này vẫn còn khá nhiều. Hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, thiếu những quy định về cơ cấu bộ máy, hướng dẫn xác định vị trí việc làm, hướng dẫn cụ thể về các nội dung công tác chuyên môn, nghiệp vụ thư viện hay cụ thể hóa 13 nội dung hoạt động thư viện theo quy định tại chương III của Luật Thư viện. Về quản lý nhà nước, Luật đã phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương, nhưng những nội dung quản lý nhà nước như đầu tư cơ sở vật chất, tiện ích thư viện, cấp phát kinh phí cho hoạt động và phát triển thư viện chưa xác định cụ thể, rõ ràng. Người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách quản lý nhà nước về thư viện còn thiếu chuyên môn và không ổn định về thời gian công tác. Thư viện công cộng cấp huyện và xã - cấp gần dân nhất hiện đang thiếu và yếu, có nguy cơ bị mai một trong tương lai, nếu chính sách của Nhà nước thiếu quan tâm đến loại hình này. Phát triển thư viện số và hiện đại hóa thư viện là hai lĩnh vực cần sự đầu lớn của Nhà nước, nhưng đang gặp nhiều khó khăn bởi nguồn kinh phí, có khả năng hết giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ khó thực hiện được. Việc hợp tác quốc tế, liên thông thư viện, đánh giá hoạt động thư viện, cần có cơ chế rõ ràng hơn để thực hiện. Tư duy, năng lực của cán bộ quản lý cũng như viên chức làm công tác chuyên môn thư viện còn chậm đổi mới, tâm lý còn ỷ lại, trông chờ ...

Hiện nay, và những năm sắp tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thư viện, đặc biệt chú ý đến đối tượng cán bộ cấp trên quản lý trực tiếp thư viện và người dân; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật để tạo sự đầy đủ, thống nhất phù hợp với thực tiễn và sự phát triển từng loại hình thư viện. Hoạt động của các thư viện được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước; chủ động dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình thư viện trong mối liên thông, liên kết chặt chẽ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện. Nguồn nhân lực làm công tác thư viện cần rà soát lại về năng lực, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu phát triển từ thư viện có tính truyền thống sang mô hình thư viện số, hiện đại. Từng thư viện cần nghiên cứu để thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội hóa nhằm giúp thư viện phát triển nhanh hơn…

Luật Thư viện được ban hành và hệ thống các văn bản pháp luật dưới Luật đã có những tác động bước đầu, tạo nhiều thời cơ và điều kiện cho sự nghiệp thư viện nói chung và từng thư viện ở Việt Nam nói riêng từng bước phát triển bền vững. Nhà nước và từng thư viện cần nỗ lực nghiên cứu, có những nhiệm vụ và giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại, bất cập, khó khăn để đưa những giá trị, quy định pháp luật về thư viện đạt được những kết quả trong thực tiễn. Tiếp tục, trách nhiệm triển khai thực hiện Luật Thư viện kết hợp thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 và 2030-2035 kỳ vọng sự nghiệp thư viện Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển với những những thành quả mới trong những năm sắp tới.

________________________

1. Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành Thư viện.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Thư viện số 46/2019/QH14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2019.

2. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Nghị quyết số 162/2024/QH15 ngày 27-11-2024 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

3. Chính phủ, Nghị định 93/2020/NĐ-CP ngày 18-8-2020, quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện.

4. Chính phủ, Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

5. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

6. Bộ VHTTDL, Công văn số 3283/BVHTTDL-TV ngày 8-9-2020 về việc triển khai Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

7. Bộ VHTTDL, Kỷ yếu hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện, Đà Lạt, 2024.

8. Bộ VHTTDL, Quyết định số 3815/QĐ-BVHTTDL ngày 30-12-2022, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác thư viện.

9. Phạm Thế Khang, Cuộc hành trình 20 năm từ Pháp lệnh đến Luật Thư viện, vla.org.vn.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 22-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 21-3-2025; Ngày duyệt đăng: 31-3-2025.

PGS, TS NGUYỄN THẾ DŨNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025

;