Thư viện công cộng với việc bảo tồn thông tin di sản văn hóa

Tóm tắt: Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quý báu, phản ánh lịch sử, bản sắc của một quốc gia và cần được bảo tồn. Trong bối cảnh chuyển đổi số, thư viện công cộng đóng vai trò trung tâm trong việc bảo tồn và phổ biến thông tin di sản văn hóa. Thư viện công cộng không chỉ bảo quản tài liệu di sản vật thể và phi vật thể mà còn xây dựng các cơ sở dữ liệu số để giúp công chúng và nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, thư viện tổ chức các hoạt động triển lãm, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản. Bên cạnh đó, sự hợp tác với bảo tàng, viện nghiên cứu cũng góp phần tối ưu hóa công tác bảo tồn. Bài viết phân tích vai trò của thư viện công cộng trong việc thu thập, lưu trữ, số hóa và phổ biến tri thức về di sản văn hóa. Đồng thời, cũng chỉ ra những thách thức đối với thư viện công cộng trong bảo tồn thông tin di sản văn hóa hiện nay.

Từ khóa: thư viện công cộng, thông tin di sản văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa, số hóa tài liệu, chuyển đổi số.

Abstract: Cultural heritage is a valuable resource that reflects a nation’s history and identity and must be preserved. In the context of digital transformation, public libraries play a central role in preserving and disseminating cultural heritage information. This article analyzes the role of public libraries in collecting, storing, digitizing, and disseminating knowledge about cultural heritage. Public libraries not only safeguard tangible and intangible cultural heritage materials but also develop digital databases to facilitate access for the public and researchers. Additionally, libraries organize exhibitions and educational activities to raise community awareness of the value of cultural heritage. Furthermore, collaboration with museums and research institutes helps optimize preservation efforts. However, public libraries face numerous challenges, including limited funding, inadequate infrastructure, incomplete preservation policies, and low public awareness. To overcome these challenges, investment, interdisciplinary collaboration, and the application of modern technology are essential to ensure the sustainable protection and promotion of cultural heritage.

Keywords: public library, cultural heritage information, cultural heritage preservation, document digitization, digital transformation.

Công tác số hóa tài liệu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam - Ảnh: Công ty Cổ phần IDT Việt Nam

Di sản văn hóa (DSVH) luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền và là nguồn tài nguyên quý báu, góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc (1). Việc bảo tồn và phổ biến thông tin về DSVH không chỉ giúp lưu giữ những giá trị truyền thống mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và thế hệ trẻ về tầm quan trọng của di sản.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc bảo tồn thông tin DSVH ngày càng trở nên quan trọng hơn. Công nghệ số giúp duy trì tính chính xác, nhất quán của DSVH và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản và giảm thiểu tác động tiêu cực của phát triển hạ tầng đối với các địa điểm di sản (2). Việc áp dụng các phương pháp bảo tồn kỹ thuật số, như số hóa tài liệu, sử dụng trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo đang trở thành xu hướng quan trọng trong quản lý và bảo tồn thông tin di sản.

Thư viện công cộng đóng vai trò trung tâm trong việc bảo tồn và truyền bá tri thức về DSVH. Thư viện công cộng không chỉ thu thập, lưu trữ tài liệu DSVH mà còn có trách nhiệm giúp cho cộng đồng tiếp cận tới các thông tin này. Bên cạnh đó, thư viện công cộng còn đóng góp vào quá trình giáo dục và nghiên cứu, hỗ trợ các nhà nghiên cứu, học giả và công chúng tiếp cận các nguồn tài liệu quan trọng về DSVH (3).

1. Một số khái niệm

Di sản văn hóa

Khái niệm về di sản văn hóa đã có sự thay đổi đáng kể theo thời gian, từ cách tiếp cận mang tính quy phạm chặt chẽ đến một cách nhìn nhận linh hoạt hơn. Giá trị văn hóa của một đối tượng không chỉ được xác định bởi các quy chuẩn mà còn bởi khả năng gợi lên giá trị văn hóa của nó. Di sản phi vật thể ngày càng được công nhận là một phần quan trọng của di sản cần được bảo vệ và gìn giữ (4).

DSVH có thể được phân loại thành 3 nhóm chính: di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản số hóa. Di sản vật thể là các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, hiện vật khảo cổ, tranh ảnh, sách cổ và các tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử. Di sản phi vật thể gồm các phong tục, tập quán, nghi lễ, tri thức dân gian, truyền thống nghệ thuật và ngôn ngữ của các cộng đồng. Di sản số hóa là các dạng thông tin di sản được chuyển đổi sang định dạng số để lưu trữ, bảo tồn và phổ biến rộng rãi hơn.

Bảo tồn thông tin DSVH

Thông tin DSVH được hiểu là các dữ liệu, tài liệu, hình ảnh, âm thanh liên quan đến các DSVH của một quốc gia hoặc cộng đồng. Thông tin này giúp lưu giữ, bảo tồn, quảng bá và phổ biến giá trị của DSVH đến công chúng.

Bảo tồn thông tin DSVH là một quá trình quan trọng nhằm gìn giữ và phổ biến tri thức về di sản cho thế hệ hiện tại và tương lai. Các phương pháp chính trong bảo tồn thông tin DSVH bao gồm: giữ nguyên trạng hoặc tu bổ các tài liệu, hiện vật, kiến trúc để đảm bảo tính nguyên vẹn của di sản; chuyển đổi thông tin di sản sang định dạng số để bảo tồn và tiếp cận dễ dàng hơn, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mất mát do hư hỏng vật lý và xây dựng các kho dữ liệu số, nền tảng truy cập mở để giúp công chúng, nhà nghiên cứu tiếp cận thông tin di sản một cách thuận tiện.

Thư viện công cộng không chỉ là nơi lưu trữ tri thức mà còn đóng vai trò trung tâm trong việc bảo tồn và quản lý nguồn tài nguyên văn hóa. Nhờ vào hệ thống lưu trữ và phục vụ thông tin, thư viện công cộng giúp các thế hệ tương lai có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu và tận hưởng giá trị của DSVH (5).

Bên cạnh việc thu thập và bảo quản tài liệu DSVH, thư viện công cộng còn có vai trò quan trọng trong việc phổ biến tri thức về DSVH đến công chúng; hỗ trợ các nhà nghiên cứu và học giả; ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Như vậy, thư viện công cộng đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn và phổ biến thông tin DSVH, góp phần duy trì kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

2. Vai trò của thư viện công cộng trong việc bảo tồn thông tin DSVH

Thư viện công cộng là trung tâm lưu trữ thông tin DSVH

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của thư viện công cộng là thu thập và bảo quản các tài liệu DSVH. Các tài liệu này bao gồm tài liệu dạng văn bản, hình ảnh, bản đồ, ghi âm, phim tư liệu và các tác phẩm nghệ thuật. Việc bảo tồn di sản không chỉ giới hạn trong các tài liệu vật thể mà còn cả di sản phi vật thể, chẳng hạn như truyện dân gian, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, nghi lễ và tập quán truyền thống. Tại Iran, các thư viện công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phổ biến DSVH phi vật thể thông qua việc thu thập tài liệu địa phương, tổ chức triển lãm công cộng và kể lại các câu chuyện truyền thống. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao nhận thức cá nhân về giá trị của DSVH mà còn thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng (6). Một hoạt động quan trọng trong bảo tồn thông tin DSVH là số hóa tài liệu. Việc số hóa giúp bảo vệ các tài liệu quý giá khỏi nguy cơ hư hỏng về khía cạnh vật lý. Đồng thời, nó còn tạo ra cơ hội để cộng đồng và các nhà nghiên cứu tiếp cận dễ dàng hơn. Thư viện công cộng có thể thực hiện các dự án số hóa tài liệu DSVH nhằm đảm bảo việc lưu trữ lâu dài và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dùng.

Bên cạnh đó, thư viện công cộng còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về DSVH. Những cơ sở dữ liệu này giúp công chúng có thể tra cứu và tiếp cận thông tin về các hiện vật, tư liệu và câu chuyện liên quan đến DSVH một cách nhanh chóng và thuận tiện. Các cơ sở dữ liệu có thể bao gồm các tài liệu số hóa về các tác phẩm nghệ thuật, sách cổ, tài liệu lưu trữ lịch sử; tài liệu ghi chép lại các câu chuyện truyền miệng, truyền thuyết, dân ca, nghi lễ và phong tục truyền thống; bản đồ DSVH, cung cấp thông tin về các địa điểm văn hóa quan trọng, di tích lịch sử và không gian văn hóa cộng đồng. Việc xây dựng và duy trì các cơ sở dữ liệu này không chỉ giúp bảo tồn thông tin DSVH mà còn thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng đối với các giá trị truyền thống.

Thông qua việc thu thập, bảo quản, số hóa tài liệu và xây dựng các cơ sở dữ liệu, thư viện công cộng giúp duy trì và phát huy giá trị của DSVH trong xã hội hiện đại. Đồng thời, bằng cách thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và nâng cao nhận thức về DSVH, thư viện công cộng đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa và duy trì sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng.

Thư viện công cộng là cầu nối truyền bá và phổ biến thông tin DSVH

Một trong những phương thức hiệu quả để quảng bá thông tin DSVH là tổ chức các sự kiện, triển lãm và chương trình giáo dục nhằm giới thiệu các giá trị lịch sử, nghệ thuật và văn hóa đến công chúng. Thư viện công cộng có thể tổ chức các cuộc triển lãm tài liệu di sản, trưng bày sách cổ, bản thảo quý, tranh ảnh lịch sử hoặc hiện vật có giá trị văn hóa; xây dựng chương trình giáo dục dành cho học sinh, sinh viên, giúp họ tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của các DSVH; và tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm với chuyên gia văn hóa và lịch sử, tạo không gian đối thoại và trao đổi kiến thức về DSVH.

Sự phát triển của công nghệ số đã tạo điều kiện để thư viện công cộng mở rộng phạm vi tiếp cận thông tin DSVH cho người dùng thông qua các nền tảng trực tuyến. Việc số hóa tài liệu giúp bảo tồn và quảng bá DSVH đến đông đảo công chúng, tạo ra sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Các thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phổ biến DSVH thông qua số hóa và cung cấp khả năng tiếp cận toàn cầu, giúp nâng cao nhận thức về bản sắc đương đại đồng thời bảo vệ các giá trị quá khứ cho các thế hệ tương lai (7). Thư viện công cộng có thể xây dựng kho lưu trữ tài liệu số hóa về DSVH, gồm sách, bản đồ, tranh ảnh, băng ghi âm và phim tư liệu; áp dụng ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường để tạo ra các trải nghiệm tương tác với người dùng; tạo cổng thông tin mở, cho phép người dân truy cập và tìm hiểu về các di sản văn DSVH.

Thư viện công cộng cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức liên quan như bảo tàng, viện nghiên cứu, cơ quan văn hóa và các tổ chức phi chính phủ để lưu trữ và phổ biến thông tin DSVH. Sự hợp tác này giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng bảo tồn và giúp việc tiếp cận DSVH đến cộng đồng được mở rộng hơn. Một số hình thức hợp tác phổ biến như: chia sẻ nguồn tài liệu và dữ liệu số hóa giữa thư viện, bảo tàng và viện nghiên cứu; tổ chức các chương trình triển lãm, sự kiện văn hóa nhằm tăng cường tiếp cận công chúng; nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới trong bảo tồn và phổ biến DSVH để phục hồi tài liệu cổ. Sự hợp tác giữa thư viện công cộng và các tổ chức như bảo tàng, viện nghiên cứu, cơ quan văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn hiệu quả DSVH. Những mối quan hệ đối tác này giúp mở rộng khả năng tiếp cận, thúc đẩy chia sẻ tri thức và đảm bảo việc lưu trữ, phổ biến thông tin DSVH một cách toàn diện trong kỷ nguyên số (8).

Thông qua các hoạt động triển lãm, giáo dục, phát triển thư viện số và hợp tác với các tổ chức văn hóa, thư viện công cộng góp phần bảo tồn di sản một cách bền vững và đảm bảo thế hệ tương lai có thể tiếp cận, tìm hiểu và phát huy giá trị DSVH một cách hiệu quả nhất (9).

Thư viện công cộng thúc đẩy nghiên cứu và học tập về DSVH

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của thư viện công cộng là cung cấp thông tin và hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong quá trình tìm hiểu và phân tích DSVH. Các thư viện công cộng thường sở hữu nhiều bộ sưu tập tài liệu quý, từ sách, bản thảo cổ, tài liệu lưu trữ lịch sử cho đến các nghiên cứu mới nhất về văn hóa. Bên cạnh đó, thư viện công cộng có thể xây dựng các nền tảng dữ liệu để giúp nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận thông tin DSVH một cách hệ thống. Việc số hóa và cung cấp dữ liệu trực tuyến giúp cho những người ở xa hoặc thuộc các nhóm yếu thế trong xã hội có thể tiếp cận tri thức về di sản một cách bình đẳng hơn. Thư viện công cộng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng văn hóa, tăng cường sự tham gia và gắn kết của cộng đồng, đặc biệt trong các khu vực khó khăn, bằng cách nâng cao năng lực văn hóa và kết nối cộng đồng với DSVH (10). Nhờ đó, không chỉ giới nghiên cứu mà cả cộng đồng nói chung đều có thể tiếp cận và học tập về DSVH, góp phần duy trì và phát huy các giá trị truyền thống.

Bên cạnh việc cung cấp tài liệu, thư viện công cộng còn đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn cộng đồng và các nhà nghiên cứu khai thác hiệu quả các nguồn tài liệu về DSVH. Các hoạt động này có thể bao gồm: hướng dẫn sử dụng kho tài liệu số để tìm kiếm và khai thác thông tin di sản; tổ chức các buổi tập huấn về cách tiếp cận, phân tích và nghiên cứu tài liệu văn hóa; và cung cấp danh mục tài liệu chuyên sâu theo từng chủ đề để hỗ trợ nghiên cứu chuyên biệt. Những hoạt động này giúp người đọc và các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận thông tin di sản một cách khoa học, hệ thống và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, thư viện công cộng có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu và số hóa DSVH. Một số hình thức thúc đẩy nghiên cứu mà thư viện có thể thực hiện bao gồm: hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển các nghiên cứu liên quan đến bảo tồn và phát huy DSVH; thực hiện các dự án số hóa nhằm bảo vệ tài liệu quý, tránh hư hại theo thời gian và tăng khả năng tiếp cận cho công chúng; tổ chức các hội thảo, tọa đàm nghiên cứu để tạo diễn đàn trao đổi giữa các chuyên gia, học giả về DSVH.

Thư viện công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu và học tập về DSVH, không chỉ bằng cách cung cấp nguồn tài liệu mà còn thông qua việc hỗ trợ học giả, tổ chức các hoạt động giáo dục, cung cấp dịch vụ tham khảo và thúc đẩy các dự án số hóa. Đặc biệt, bằng việc nâng cao năng lực văn hóa và kết nối cộng đồng với DSVH, thư viện công cộng góp phần thu hẹp khoảng cách tiếp cận tri thức và khuyến khích sự tham gia của công chúng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH (11).

3. Những thách thức đối với thư viện công cộng trong bảo tồn thông tin DSVH

Trong kỷ nguyên số, quản lý thông tin DSVH, đặc biệt là tài liệu quý hiếm trong thư viện, đang có nhiều thay đổi nhằm bảo tồn bền vững và mở rộng cơ hội tiếp cận (12). Mặc dù thư viện công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phổ biến thông tin DSVH, nhưng quá trình này vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Các khó khăn về kinh phí, chính sách bảo tồn, nhận thức cộng đồng và khả năng tiếp cận tài nguyên di sản đang cản trở việc bảo vệ và truyền bá hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống (13).

Một trong những rào cản lớn nhất đối với thư viện công cộng trong việc bảo tồn thông tin DSVH là sự thiếu hụt về kinh phí. Việc bảo tồn tài liệu di sản đòi hỏi các nguồn lực đáng kể để thực hiện các hoạt động như số hóa, bảo trì, phục chế tài liệu cũ và phát triển cơ sở dữ liệu truy cập mở. Tuy nhiên, hầu hết thư viện công cộng không được cấp đủ ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ này một cách toàn diện. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng bảo tồn tại nhiều thư viện công cộng còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống lưu trữ, điều kiện bảo quản và các thiết bị hỗ trợ số hóa. Nhiều thư viện không có phòng bảo quản đủ tiêu chuẩn để bảo vệ các tài liệu dễ bị hư hỏng theo thời gian. Điều này khiến cho việc bảo tồn trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh vấn đề tài chính, sự thiếu hụt các chính sách bảo tồn cũng là một trở ngại đáng kể. Nhiều thư viện công cộng chưa có chiến lược bảo tồn lâu dài và chưa xây dựng được các quy trình tiêu chuẩn để bảo vệ và số hóa tài liệu di sản. Các chính sách bảo tồn thường không nhất quán giữa các khu vực, dẫn đến tình trạng tài liệu di sản bị phân tán, không được quản lý tập trung và khó tiếp cận đối với công chúng. Điều này khiến cho việc chia sẻ và khai thác nguồn tài nguyên DSVH trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn.

Một thách thức quan trọng khác là sự thiếu nhận thức về giá trị của thông tin DSVH trong cả cộng đồng và chính những người làm công tác thư viện. Việc bảo tồn thông tin DSVH không phải lúc nào cũng được coi là ưu tiên trong các hoạt động thư viện, đặc biệt là ở những nơi có nguồn lực hạn chế. Hơn nữa, nhiều người dân không nhận thức được tầm quan trọng của DSVH đối với lịch sử và bản sắc dân tộc. Điều này dẫn đến sự thờ ơ trong việc bảo vệ và sử dụng tài liệu di sản. Sự thiếu quan tâm này khiến cho thư viện công cộng gặp khó khăn trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn và phổ biến di sản.

Việc bảo tồn DSVH đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa thư viện công cộng với các tổ chức khác như bảo tàng, viện nghiên cứu và cơ quan quản lý văn hóa. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, sự phối hợp giữa các đơn vị này còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong việc quản lý, bảo tồn và phổ biến thông tin di sản. Bên cạnh đó, do hạn chế về chính sách và cơ sở hạ tầng, nhiều thư viện công cộng chưa thể tham gia vào các mạng lưới bảo tồn di sản số hóa quy mô lớn. Điều này làm giảm khả năng tiếp cận và chia sẻ nguồn tài liệu di sản với các tổ chức trong và ngoài nước.

Một trong những trở ngại lớn đối với việc bảo tồn và phổ biến DSVH là vấn đề bản quyền. Nhiều tài liệu di sản, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật, tài liệu lịch sử hoặc bản ghi âm, thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức hoặc nhà nước. Việc này dẫn đến các hạn chế trong việc số hóa và cung cấp truy cập mở. Thư viện công cộng phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến pháp lý khi muốn số hóa và chia sẻ thông tin DSVH. Nếu không có các chính sách linh hoạt và sự hợp tác giữa các bên liên quan, việc phổ biến DSVH sẽ bị hạn chế đáng kể.

Mặc dù thư viện công cộng đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phổ biến thông tin DSVH, nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn cần được giải quyết. Các vấn đề như thiếu kinh phí, hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu chính sách bảo tồn rõ ràng, nhận thức thấp về giá trị di sản, sự phối hợp không hiệu quả và rào cản về bản quyền đang ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của các hoạt động bảo tồn tại thư viện công cộng. Để khắc phục những thách thức này, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự hợp tác giữa các tổ chức văn hóa nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH một cách bền vững (14).

4. Kết luận

Thư viện công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phổ biến và thúc đẩy nghiên cứu về DSVH, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số. Bằng cách thu thập, bảo quản và số hóa tài liệu di sản, thư viện công cộng không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu mà còn tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn thông tin này. Bên cạnh đó, thư viện công cộng còn là cầu nối truyền bá thông tin DSVH thông qua các hoạt động giáo dục, triển lãm và hợp tác với các tổ chức văn hóa khác. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn thông tin DSVH tại thư viện công cộng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế về kinh phí, cơ sở hạ tầng, chính sách bảo tồn, cũng như sự thiếu nhận thức của cộng đồng về giá trị của DSVH. Để khắc phục những khó khăn này, cần có sự đầu tư đồng bộ từ các cơ quan quản lý, sự hợp tác giữa thư viện, bảo tàng và viện nghiên cứu, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Trong tương lai, thư viện công cộng cần tiếp tục đổi mới phương thức bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, tận dụng các tiến bộ công nghệ để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phổ biến. Việc xây dựng các nền tảng truy cập mở và tăng cường hợp tác quốc tế cũng là những hướng đi quan trọng nhằm đảm bảo rằng thông tin DSVH không chỉ được bảo vệ mà còn có thể phát triển bền vững, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục và giải trí của các thế hệ sau (15).

_________________________

1. Lê Thị Bích Thủy, Phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch bền vững hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu dân tộc, 2023.

2. Cuikitalia Cuikitalia, Digital preservation and mitigation of cultural heritage (Bảo tồn kỹ thuật số và giảm thiểu rủi ro di sản văn hóa), tập 2, Tạp chí Vườn tri thức: Tạp chí quốc tế về nghiên cứu thư viện, số 1, 2024, tr.1-17.

3, 5. Connie Monica Setshwane và Lillian Oats, Cultural preservation through public libraries: Lessons from Kanye Public Library (Bảo tồn văn hóa thông qua thư viện công cộng: Bài học từ Thư viện Công cộng Kanye), Hội nghị Vệ tinh: Dịch vụ Tham khảo và Thông tin, 2017, tr.11-13.

4. Marilena Vecco, A definition of cultural heritage: From the tangible to the intangible Định nghĩa về di sản văn hóa: Từ hữu hình đến vô hình), tập 11, Tạp chí Di sản văn hóa, https://doi.org/10.1016/j.culher.2010.01.006, Hà Lan, 2010, tr.321-324.

6. Leili Seifi và Marziyeh Soltanabadi, Iranian public libraries’ capacities in preserving and disseminating intangible cultural heritage (Năng lực của các thư viện công cộng Iran trong việc bảo tồn và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể), tập 46, Tạp chí IFLA, 2019, số 15.

7, 9. A. Kalisdha, Media Libraries: Catalysts for cultural heritage preservation and dissemination (Thư viện Truyền thông: Chất xúc tác cho việc bảo tồn và phổ biến di sản văn hóa), tập 11, Tạp chí Quốc tế về nghiên cứu tiên tiến, 2023, số 11, tr.126-133.

8. Tanishq Prasad, Aman Sehgal và Saksham Ghiya, A study on cultural heritage preservation in the digital era (Một nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa trong kỷ nguyên số), Tập 8, Tạp chí quốc tế về nghiên cứu khoa học về kỹ thuật và quản lý, số 2, 2024, tr.1-9.

10, 11. Sarah Summers và Steven Buchanan, Public libraries as cultural hubs in disadvantaged communities: Developing and fostering cultural competencies and connections (Thư viện công cộng như trung tâm văn hóa trong các cộng đồng khó khăn: Phát triển và thúc đẩy năng lực và kết nối văn hóa), tập 88, Tạp chí Thư viện hàng quý, số 3, tr.286-302.

12. Nguyễn Thị Ngọc Mai, Nguyễn Thị Ngà, Quản lý thông tin di sản văn hóa - nghiên cứu trường hợp tài liệu quý hiếm tại các thư viện ở Việt Nam, Hội thảo quốc tế Trường Đại học Văn hóa, 2023, tr.603-627.

13, 14. Antonina A. Nikonova và Marina Biryukova, The role of digital technologies in the preservation of cultural heritage (Vai trò của công nghệ số trong việc bảo tồn di sản văn hóa), tập 5, Tạp chí Bảo tàng học và di sản văn hóa, 2017, số 1, tr.169-173.

15. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài mã số CS.2025.30.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 15-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 20-4-2025; Ngày duyệt đăng: 29-4-2025.

TS BÙI THANH THỦY - ĐINH DIỆU LY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025

;