Luật Thư viện Việt Nam thúc đẩy phát triển mô hình thư viện số đại học dùng chung

Tóm tắt: Luật Thư viện Việt Nam đã tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ của hệ thống thư viện, đặc biệt là các thư viện số đại học dùng chung. Các quy định tại Điều 29, 31 và 32 của Luật tập trung vào việc hiện đại hóa thư viện, xây dựng và chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung, đồng thời tăng cường kết nối và liên thông giữa các thư viện trong nước và quốc tế. Sự ra đời của Luật đã mở ra cơ hội cho việc thiết lập và vận hành các mô hình thư viện số đại học dùng chung như Trung tâm Kết nối tri thức số, Hệ thống thư viện số dùng chung của Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng như các mô hình thư viện số thuộc đại học vùng và khối ngành đào tạo. Bài viết giới thiệu các mô hình thư viện số đại học dùng chung, đồng thời đưa ra các giải pháp thực thi Luật Thư viện trong xây dựng mô hình thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục và nghiên cứu khoa học hiện nay.

Từ khóa: Luật Thư viện, mô hình, thư viện số, đại học.

Abstract: Vietnamese library law has established a solid legal foundation, fostering the comprehensive and robust development of the library system, particularly shared digital university libraries. Articles 29, 31, and 32 focus on modernizing libraries, building and sharing common information resources, and enhancing connectivity and integration among domestic and international libraries. This legal framework has created opportunities for establishing and operating shared digital university library models, such as the Digital Knowledge Connection Center and the Shared Digital Library System of Vietnam National University Ho Chi Minh City, as well as digital library models for regional universities and specialized training sectors. This article introduces shared digital university library models and proposes solutions for implementing the Library Law to build such libraries in Vietnam, contributing to the digital transformation of education and scientific research.

Keywords: Library Law, model, digital library, university.

Hình 1: Giao diện cổng tìm kiếm tập trung Trung tâm kết nối tri thức số - Nguồn: hub.idk.org.vn

Trong những năm qua, thư viện số đại học tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy nhu cầu chia sẻ và sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện đại học. Các hình thức hợp tác và chia sẻ tài nguyên thông tin đã được hình thành theo nhiều mô hình như Trung tâm kết nối tri thức số, Hệ thống thư viện Đại học Quốc gia TP.HCM, khối thư viện đại học vùng, khối lĩnh vực đào tạo đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của các thư viện đại học. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vẫn gặp nhiều khó khăn hợp tác thiếu sự thống nhất và chưa có những hướng dẫn, quy định cụ thể, cũng như cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai rộng rãi mô hình này trên phạm vi toàn quốc. Trong bối cảnh này, sự ra đời của Luật Thư viện vào năm 2019 đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc, mở ra hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của các thư viện số dùng chung, trong đó có thư viện trường đại học. Luật Thư viện không chỉ tạo nền tảng cho việc quản lý và phát triển các thư viện số, mà còn góp phần hình thành các chính sách, quy định cần thiết để thúc đẩy việc chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong và ngoài nước, từ đó tạo ra một hệ thống thư viện số thống nhất và hiệu quả, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

1. Luật Thư viện và sự phát triển các mô hình thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam

Quy định của Luật Thư viện về việc liên thông, kết nối và phát triển thư viện số đại học tại Việt Nam

Luật Thư viện Việt Nam đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng, thúc đẩy sự phát triển mô hình thư viện số đại học dùng chung, thể hiện rõ trong các điều khoản sau:

Khoản 1, Điều 4 của Luật Thư viện (sau đây gọi tắt là Luật) nhấn mạnh việc “xây dựng, xử lý, bảo quản và kết nối tài nguyên thông tin phải đáp ứng nhu cầu của người dùng thư viện”.

 Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của thư viện đại học tại điểm b, khoản 1, Điều 5, yêu cầu các thư viện phải “hiện đại hóa, xây dựng thư viện số, phát triển tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở và thiết lập liên thông giữa các thư viện trong nước và nước ngoài”.

Đặc biệt, tại điểm d, khoản 2, Điều 14, Luật nhấn mạnh chức năng và nhiệm vụ của thư viện đại học là “thực hiện liên thông với các thư viện trong nước và nước ngoài”, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc hợp tác này. Bên cạnh đó, Điều 29 của Luật quy định chi tiết về nội dung liên thông thư viện, bao gồm “hợp tác trong việc bổ sung, mua sắm, thu thập tài nguyên thông tin dùng chung”, “chia sẻ và sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện”, và “liên kết các tổ chức cung cấp dịch vụ thư viện”.

Điều 29 của Luật quy định chi tiết về nội dung liên thông thư viện, bao gồm: “a) Hợp tác trong việc bổ sung, mua sắm, thu thập tài nguyên thông tin dùng chung và xây dựng mục lục liên hợp; b) Chia sẻ và sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện; chia sẻ kết quả xử lý tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện; c) Liên kết các tổ chức cung cấp dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện”; Về phương thức liên thông, Luật quy định các hình thức sau: “a) Liên thông theo khu vực địa lý; b) Liên thông theo nhóm thư viện có chức năng, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ tương đồng; c) Liên thông theo lĩnh vực hoặc nội dung tài nguyên thông tin; d) Liên thông giữa các loại thư viện”; Liên thông thư viện được thực hiện theo cơ chế sau: “a) Các thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư, đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện; b) Hợp tác trong việc bổ sung, mua quyền truy cập và chia sẻ tài nguyên thông tin quốc tế, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ Nhà nước và xã hội; c) Các tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông và chia sẻ giữa các thư viện”.

Ngoài ra, Điều 31 của Luật quy định về việc phát triển thư viện số, bao gồm xây dựng tài nguyên thông tin số, số hóa tài liệu và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp trong bảo quản, lưu giữ tài liệu số, sử dụng phần mềm quản lý thư viện số hiện đại, đảm bảo tính liên thông và dễ dàng tra cứu, khai thác tài nguyên số. Điều 32 đề cập đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối các thư viện trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam.

Các quy định này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các thư viện đại học, thúc đẩy việc chia sẻ tài nguyên thông tin và áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại để kết nối thư viện trong và ngoài nước, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học.

Thực thi Luật Thư viện trong xây dựng mô hình thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam

Kể từ khi Luật Thư viện được ban hành các quy định về liên thông, kết nối và chia sẻ tài nguyên dùng chung đã được cụ thể hóa, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết và phát triển hệ thống thư viện số, đặc biệt trong phát triển các mô hình thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam.

Một số mô hình thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam

Mô hình Trung tâm Kết nối tri thức số: được thành lập vào tháng 10-2021, trực thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, hiện kết nối 103 thư viện đại học và cao đẳng. Mô hình tích hợp được hơn 1.004.755 cơ sở dữ liệu thư mục của các thư viện thành cơ sở dữ liệu thống nhất, truy cập vào cổng tìm kiếm tập trung tại hub.idk.org.vn.

Mô hình này tạo ra sự thống nhất trong cơ sở dữ liệu tích hợp, cho phép người dùng truy cập thông tin mọi lúc, mọi nơi với dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực. Việc kết nối giữa các thư viện đơn giản thông qua kết nối giao thức OAI-PMH. Tuy nhiên, mô hình thiếu chính sách ràng buộc, các thành viên tham gia theo hình thức tự nguyện. Ngoài ra, sự phát triển không đồng đều và thiếu chuẩn hóa nghiệp vụ trong các thư viện là những trở ngại liên thông. Để xây dựng phát triển mô hình, cần có đồng bộ chính sách và sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan lãnh đạo.

Mô hình Hệ thống thư viện số dùng chung của Đại học Quốc gia TP.HCM: gồm 9 thành viên, với cơ sở dữ liệu kết nối hơn 29.444 tạp chí điện tử và 20.000 sách điện tử từ các nhà xuất bản uy tín trên thế giới. Người dùng có thể truy cập cơ sở dữ liệu điện tử này từ máy tính trong hệ thống mạng Đại học Quốc gia TP.HCM hoặc sử dụng tài khoản cá nhân để truy cập từ bất kỳ máy tính nào có kết nối internet. Mô hình tuân thủ các chính sách và chuẩn nghiệp vụ thống nhất, giúp tiết kiệm chi phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các thư viện. Các thư viện thành viên duy trì quyền tự chủ nguồn lực thông tin và dễ dàng tìm kiếm tài liệu trong cơ sở dữ liệu dùng chung. Tuy nhiên, việc duy trì hệ thống liên tục 24/7 đòi hỏi kinh phí lớn cho hạ tầng và phần mềm.

Mô hình thư viện số dùng chung của đại học vùng

Mô hình liên kết thư viện số dùng chung Đại học Thái Nguyên: Mô hình Trung tâm Số của Đại học Thái Nguyên kết nối và chia sẻ thông tin với 13 trường đại học và cao đẳng, phục vụ 105.936 người dùng. Trung tâm hiện sở hữu 65.000 tài liệu, 62.795 số tài liệu và 3 cơ sở dữ liệu đã được kết nối và mua quyền truy cập. Mô hình cho phép các thành viên khai thác và sử dụng tài liệu số từ Trung tâm Số. Tuy nhiên, mô hình kết nối này vẫn còn thiếu tính chặt chẽ và thống nhất, chưa có cổng tìm kiếm tập trung. Hiện tại, chưa có chính sách chung về việc sử dụng tài nguyên, chỉ dựa vào các biên bản ghi nhớ hợp tác, dẫn đến sự thiếu ràng buộc rõ ràng. Việc chia sẻ tài liệu số từ Trung tâm Số với các đơn vị hợp tác cũng chưa có sự đóng góp tài liệu từ các đơn vị thành viên.

Mô hình Mạng thư viện Đại học Đà Nẵng: kết nối và liên kết với 11 trường đại học và các đơn vị thành viên với 200.000 nhan đề và 800.000 tài liệu in và 94.747 cơ sở dữ liệu thư mục bao gồm sách, ấn phẩm định kỳ, luận án, luận văn, báo cáo khoa học và các tài liệu in. Mô hình đã thực hiện việc chia sẻ tài liệu giữa các trường, cho phép các đơn vị tham gia khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu chung, đồng thời hợp tác mua cơ sở dữ liệu quốc tế để sử dụng chung và có cổng tìm kiếm tập trung. Tuy nhiên, sự kết nối giữa các trường trong mô hình này vẫn còn thiếu tính chặt chẽ và còn rời rạc, với việc thực hiện chủ yếu dựa vào các biên bản ghi nhớ hợp tác mà chưa có quy định hay chính sách bắt buộc đối với các thư viện thành viên tham gia.

Mô hình thư viện số đại học dùng chung vùng Đồng bằng sông Cửu Long: kết nối 13 trường đại học và cao đẳng trong khu vực do Trung tâm học liệu - Trường Đại học Cần Thơ chủ trì. Mô hình có nguồn tài nguyên thông tin 149.454 tên tài liệu, 54.742 tài liệu số. Các trường tham gia có thể khai thác tài liệu số từ Trung tâm học liệu - Đại học Cần Thơ. Tuy nhiên, mô hình chưa có cổng tìm kiếm tập trung, vẫn thiếu tính chặt chẽ, thiếu chính sách dùng chung và chỉ thực hiện theo biên bản hợp tác ghi nhớ, dẫn đến sự thiếu ràng buộc và lỏng lẻo trong việc chia sẻ tài liệu số.

Mô hình thư viện số đại học dùng chung khối lĩnh vực đào tạo

Mô hình liên kết thư viện số khối các trường đại học kinh tế: kết nối, hợp tác 45 trường đại học, trong đó có 6 trường thành viên chính. Thư viện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đảm nhận vai trò mối quản lý. Mô hình sở hữu 12.667 đầu sách (57.608 cuốn), 37.750 cuốn sách điện tử và 6 cơ sở dữ liệu có quyền truy cập bản quyền. Mô hình mang lại lợi ích về tiết kiệm chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin và mua cơ sở dữ liệu nước ngoài. Các thành viên thư viện không phải đóng góp tài chính và có cổng tìm kiếm dùng chung. Tuy nhiên, mô hình thực hiện theo dự án nên kết nối tài nguyên thông tin giữa các thư viện chưa có, duy trì và phát triển lâu dài không đảm bảo. Sự đóng góp và cam kết từ các thành viên thư viện hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động hiệu quả.

Mô hình liên kết thư viện số khối các trường đại học kỹ thuật: mô hình liên kết giữa Trung tâm Truyền thông và Tri thức số của Đại học Bách Khoa Hà Nội và khoảng 25 trường đại học thuộc khối kỹ thuật với 12.497 đầu sách (42.498 cuốn), 9.224 luận văn, 2.170 luận án, và 267 tên tạp chí tiếng Việt với 19.409 tài liệu số. Mô hình thiết lập cơ sở kết nối biểu thị thư mục giữa các trường kỹ thuật và tổ chức các buổi huấn luyện, hội thảo chung. Mô hình đã kết nối cơ sở dữ liệu biểu thị thư mục giữa các trường kỹ thuật và tổ chức các buổi huấn luyện, hội thảo chung. Tuy nhiên, mô hình này vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ, chưa có cổng tìm kiếm tập trung và việc tìm kiếm tài liệu chủ yếu dựa vào các thành viên thư viện đại học.

Mô hình liên kết thư viện số khối các trường đại học luật: Hiện nay, cả nước có 64 thư viện thuộc cơ sở đào tạo Luật. Việc hợp tác và chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện luật tại Việt Nam đã được phát triển tại các cơ sở đào tạo Luật, với 6 trường kết nối được 23.848 tên tài liệu (192.952 bản), 6.388 tài liệu điện tử. Mô hình có ưu điểm khi hợp tác hình thành mối liên hệ gắn kết giữa các trường luật, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn thông tin và dịch vụ của các thư viện khác. Điều này cung cấp hoạt động chuyên nghiệp, tăng lượt truy cập và tiết kiệm chi phí bổ sung tài liệu. Tuy nhiên, việc liên kết, chia sẻ tài nguyên và dịch vụ giữa các ngành luật vẫn diễn ra chậm, rời rạc, chưa thống nhất. Số lượt truy cập tài liệu và sử dụng các dịch vụ thông tin theo yêu cầu còn ở mức độ thấp, cùng với dịch vụ mượn liên thư viện chưa hiệu quả, mô hình chưa có cổng tìm kiếm tập trung.

Hiện nay, các mô hình thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam đang tích cực thúc đẩy hợp tác, liên thông và chia sẻ tài nguyên thông tin số, hướng tới việc xây dựng một hệ thống quy mô lớn để hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng do số lượng thư viện đại học tham gia còn hạn chế, khả năng liên kết và chia sẻ chưa thực sự mạnh mẽ. Đặc biệt, các mô hình vẫn chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng, dẫn đến hoạt động rời rạc, thiếu sự gắn kết. Để phát triển thư viện số dùng chung hiệu quả hơn, cần có những chính sách cụ thể, trong đó Luật nên quy định rõ về việc chuẩn hóa nghiệp vụ và kết nối dữ liệu chung.

2. Giải pháp thực thi Luật thư viện trong xây dựng mô hình thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam

Để phát triển các mô hình thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam cần có cơ chế, chính sách rõ ràng hơn. Vì vậy, các cơ quan cần ban hành các văn bản dưới Luật Thư viện quy định chuẩn hóa nghiệp vụ thư viện, chuẩn hóa dữ liệu kết nối để thúc đẩy mạnh hơn xây dựng một thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam phù hợp hơn. Bộ VHTTDL cần ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện dưới Luật để thực hiện hướng dẫn thống nhất trong việc kết nối liên thông thư viện trường đại học.

Tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo và hướng dẫn Luật Thư viện, các văn bản dưới luật, các cơ chế, chính sách của các hệ thống thư viện, nguyên tắc triển khai liên thông thư viện số, trong đó có thư viện số đại học, để thực hiện đồng bộ hóa cơ chế, chính sách nhà nước trong phát triển hệ thống thư viện.

Tăng cường phát triển nguồn tài nguyên thông tin số có bản quyền và tài nguyên thông tin truy cập mở để chia sẻ dùng chung.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ tin, đặc biệt cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung đảm bảo các cổng kết nối dùng chung cho toàn bộ hệ thống.

Tăng cường nâng cao trình độ cán bộ thông tin - thư viện thông qua các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo, đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở các trình độ cao hơn.

Kể từ khi chính thức được áp dụng, Luật Thư viện đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả việc xây dựng hệ thống thư viện liên thông, liên kết, chia sẻ, dùng chung tài nguyên thông tin và phát triển thư viện số tại Việt Nam. Trên cơ sở quy định của Luật Thư viện, lãnh đạo các đại học, trường đại học… đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng thư viện số dùng chung, từ đó hình thành một số mô hình thư viện số dùng chung đại học Việt Nam hiện nay. Các mô hình thư viện số dùng chung đại học đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống đại học, cao đẳng Việt Nam, đưa hệ thống đại học, cao đẳng Việt Nam sớm hội nhập quốc tế.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thị Hạnh, Hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện luật ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 6, 2019, tr.3-9.

2. Phạm Thị Mai, Đặng Văn Thống, Xây dựng thư viện số và trung tâm tri thức số tại một số thư viện đại học ở Việt Nam, Sách chuyên khảo Xây dựng trung tâm tri thức số và mô hình thư viện đại học thông minh, Nxb Đại học Vinh, Vinh, 2023, tr.255-269.

3. Nguyễn Thị Nhung, Assurnce Policy for buiding a shared digital library model in higher education in Vietnam (Chính sách đảm bảo xây dựng mô hình thư viện số đại học dùng chung Việt Nam), Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai về các vấn đề khoa học xã hội và nhân văn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.693-704.

4. Nguyễn Thị Nhung, Cơ sở lý luận xây dựng mô hình thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam, tập 9, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, 2024, tr.146-159.

5. Quốc hội, Luật Thư viện số 46/2019/QH14, 22-11-2019.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 25-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 5-2-2025; Ngày duyệt đăng: 26-2-2025.

Ths NGUYỄN THỊ NHUNG - TS NGUYỄN HUY CHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025

;