Đặc điểm hôn nhân của người Tày ở Tuyên Quang

Người Tày quan niệm hôn nhân là cách thức để hình thành nên gia đình, nơi được xem là đơn vị xã hội nhỏ nhất để có người nối dõi tông đường, có sức lao động, có người phụng dưỡng cha mẹ, cúng bái tổ tiên. Bên cạnh những nghi lễ phức tạp, tốn kém, hôn nhân còn là phương thức để tạo dựng mạng lưới quan hệ xã hội giữa những người kết hôn với nhau và với dòng tộc, cộng đồng. Bài viết tập trung phân tích sâu về đặc điểm hôn nhân của người Tày ở Tuyên Quang thông qua quan niệm về hôn nhân, về chọn vợ, chọn chồng và các nghi thức tổ chức lễ cưới.

1. Vài nét về người Tày ở Tuyên Quang

Người Tày ở Việt Nam là sự tập hợp của nhiều thành phần như người Tày bản địa, người Tày gốc Kinh, người Tày gốc Tày, Thái, Nùng từ Trung Quốc di cư sang. Hiện nay, người Tày được chia thành bốn nhóm địa phương: Pa Dí, Thu Lao, Ngạn và Phén. Mỗi nhóm có những nét đặc trưng riêng, tương đối dị biệt so với cộng đồng người Tày nói chung. Người Tày ở một số huyện thuộc Thái Nguyên, Tuyên Quang còn tự gọi mình là Tày Măng giang (Tày Mảy rạng) hoặc Tày Mục (Tày Đooc) để phân biệt với những người nói theo các phương ngôn khác mà họ gọi là Tày Thúa.

Người Tày là tộc người cư trú lâu đời nhất ở Tuyên Quang, trải qua hàng nghìn năm sinh sống, họ đã cùng các tộc người khác tạo dựng nhiều truyền thống tốt đẹp. Từ TK XI, dòng họ Hà (người Tày ở Tuyên Quang) đã có công giúp triều đình nhà Lý đánh đuổi quân phong kiến nhà Tống, dựng bia ghi tạc công lao. Hiện nay, tấm bia được lưu giữ tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa.

Gần đây, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tiến hành thám sát, khai quật được một số di chỉ mộ táng của người Tày cổ ở Pù Quân, Heo Uẩn xã Trùng Khánh cũ, nay là lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; di chỉ Leo Luông, xã Thúy Loa có niên đại vào khoảng TK XIV - XV... Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều di vật như: rìu đá có vai, rìu đồng, mũi tên đồng...

Theo thống kê, ngày nay, người Tày ở Tuyên Quang có dân số đứng thứ hai, sau người Kinh, chiếm 25,5% dân số toàn tỉnh và 22,5% tổng số người Tày tại Việt Nam (1).

2. Đặc điểm cơ bản về hôn nhân của người Tày ở Tuyên Quang

Quan niệm về hôn nhân

Cũng như các tộc người khác, người Tày ở Tuyên Quang luôn quan niệm kết hôn là việc quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Bởi vậy, cha mẹ nào khi có con cái trưởng thành cũng đều lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con.

Hôn nhân là cơ sở hình thành nên các mối quan hệ mới. Đặc biệt là quan hệ giữa họ hàng người chồng và họ hàng người vợ, được gọi là quan hệ thông gia, tương phản với quan hệ huyết thống (2). Người Tày quan niệm, trai gái lấy nhau có được ở với nhau hay không là do duyên số, do mệnh trời. Cho nên việc dựng vợ, gả chồng cần phải so đôi tuổi, nếu ngũ hành tương sinh hợp nhau là tốt. Tốt ở đây nghĩa là vợ chồng ăn ở hòa thuận, làm ăn phát đạt, con cháu đông vui, súc vật yên ổn. Chính vì vậy, dù có môn đăng hộ đối đến đâu nhưng đôi trai gái không hợp số thì việc hủy hôn cũng được tiến hành ngay sau đó.

Tiêu chuẩn chọn vợ/chồng

Khi chọn vợ, chồng, người Tày rất chú ý đến việc tuyển chọn về mặt phẩm hạnh. Người phụ nữ phải ngoan ngoãn, thật thà, khỏe mạnh, đặc biệt phải giữ được trinh tiết. Yêu cầu phẩm hạnh này đều phải có ở cả hai. Quan niệm về phẩm hạnh, trinh tiết của người con gái, con trai trước hôn nhân rất khắt khe. Với người Tày, việc lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống cũng là một tiêu chuẩn để lựa chọn bạn đời phù hợp với truyền thống gia đình. Do đặc điểm làm nông nghiệp nên người Tày ưa thích những cô sơn nữ có thân hình nở nang, phốp pháp, giỏi cuốc nương làm rẫy, giỏi việc cày cấy, khéo léo... Những người như vậy không chỉ có sức khỏe, đảm đang việc nhà, mà còn thuận đường sinh nở, con cái. Những cô sơn nữ có hình dáng mảnh dẻ mặc dù cũng được lựa chọn song ít được ưu ái hơn. Bên cạnh đó, để được chọn làm chồng, người con trai cũng phải có sức vóc vạm vỡ, chăm chỉ, khéo léo… (3).

Nguyên tắc kết hôn

Đầu tiên là nguyên tắc ngoại hôn dòng họ. Người Tày rất coi trọng nguyên tắc này và răn dạy con cháu một cách nghiêm ngặt. Những người trong dòng họ không được lấy nhau, đặc biệt là nam nữ cùng chi, họ hay khác chi nhưng quan hệ huyết thống vẫn còn gần gũi. Nếu con gái đi lấy chồng, sau 5 đời các con cháu của họ mới được phép kết hôn. Để tránh vi phạm quy tắc ngoại hôn dòng họ, khi con cái lớn lên, cha mẹ và họ hàng có trách nhiệm chỉ bảo con cái biết ai có thể kết hôn được và ai không. Nếu xảy ra hôn nhân giữa các thành viên cùng dòng họ thì bị xử phạt rất nặng. Người Tày cho rằng, tội loạn luân sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, động chạm đến thần linh, làm cho các thần tức giận gây ra hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, mất mùa... Vì thế, nếu vi phạm không những bị phạt, làm lễ tạ tội trước bàn thờ tổ tiên, ma bản mà còn bị làng xóm, cộng đồng chê cười vì cho rằng gia đình không biết dạy bảo con cái, thậm chí còn bị khai trừ ra khỏi cộng đồng. Tục ngữ Tày có câu: “Con dì, con già lấy nhau được ăn/ Con chú, con bác lấy nhau chết chém”.

Vì những lý do trên, trong tất cả các cuộc hôn nhân của người Tày, vấn đề huyết thống luôn được đặt ra để xem xét đầu tiên. Theo đó, nam nữ trước khi kết hôn phải ghi rõ họ tên, tuổi vào lá số, một mặt, để nhờ thày so tên, tuổi xem có hợp tuổi hay không mặt khác xác định rõ quan hệ huyết thống của đôi trai gái có sai phạm gì không, sau đó mới quyết định các bước tiếp theo. Hiện tượng kết hôn cùng tông tộc luôn vấp phải sự cấm đoán quyết liệt của dòng họ. Đồng bào Tày cũng không đồng tình với việc lấy đổi giữa hai dòng họ hoặc hai anh em trai lấy vợ cùng một họ hoặc hai chị em ruột về làm dâu cùng một gia đình, một chi họ. Kết hôn với người trùng họ cũng không phải là hình thức hôn nhân được ủng hộ. Những trường hợp kết hôn cùng tên họ, tuy khác chi và xa dòng máu, dù không bị cấm đoán hoàn toàn nhưng cũng rất hiếm và không được khuyến khích.

Sau kết hôn, người Tày có các hình thức cư trú như: ở bên nhà chồng, ở bên nhà vợ hoặc tách ra ở riêng. Hình thức cư trú hẳn bên nhà vợ (ở rể đời) chỉ xảy ra đối với trường hợp nhà vợ không có anh em trai hoặc gia đình vợ muốn lấy rể đời để có thêm người làm ăn... Với trường hợp này, người con rể và vợ mình sẽ sinh con và làm ăn sinh sống bên họ hàng nhà vợ, nghĩa là trở thành gia đình thành viên của dòng họ vợ, bất kể sống chung cùng bố mẹ vợ hay tách riêng (4).

Theo luật tục của dân tộc Tày, phụ nữ sau khi kết hôn thường trở về nhà mẹ đẻ ở một thời gian, đến khi có con đầu lòng thì mới về ở hẳn bên nhà chồng. Trong suốt thời gian từ lúc mới cưới đến khi có con, người con dâu chỉ về nhà chồng trong những dịp lễ, tết hay lúc gia đình nhà chồng có công việc mùa màng.

Nghi lễ dạm ngõ, xem mặt

Theo tục lệ cưới xin của người Tày, việc đi dạm ngõ, xem mặt là một việc làm bình thường của hai gia đình có quan hệ quen biết nhau từ trước. Việc gả con là việc của hai gia đình tự thỏa thuận và đồng ý ngầm với nhau. Có thể hai đứa trẻ chưa biết mặt nhau hoặc tự nhận biết về tình yêu với nhau. Việc đi hỏi vợ cho con là việc chủ động của gia đình có con trai.

Nhà trai ủy nhiệm cho một người thân trong họ là nam giới đứng tuổi, lanh lợi, hoạt bát, hiểu biết khá rõ hoàn cảnh gia đình nhà trai, thay mặt nhà trai (gọi là ông mối) sang nhà gái để đàm luận về hôn thú của đôi trẻ. Ông mối có thể là bác ruột hoặc cậu ruột của chú rể. Khi đã định được ngày, giờ tốt nhà trai tiến hành lễ dạm ngõ, xem mặt. Đi theo ông mối có hai cô gái trẻ gánh lễ vật cầu hôn, gồm trầu cau và một ít bánh kẹo. Dự buổi lễ dạm hôn ấy, bên nhà gái gồm có ông bà nội, ông bà ngoại, cha, mẹ, chú, bác, cô, dì của cô gái.

Ăn hỏi thách cưới

Theo tập quán của người Tày, sau khi đối chiếu ngày, tháng, năm sinh thấy hợp nhau, sẽ xây dựng quan hệ vợ chồng giữa hai đứa trẻ. Nhà trai chủ động sang nhà gái để tiến hành lễ ăn hỏi và chính thức thiết lập quan hệ thông gia. Lễ vật để tiến hành ăn hỏi gồm: 2 con gà trống thiến, 2 lít rượu, 2kg gạo tẻ, trầu cau, bánh kẹo. Sau đó gia đình nhà trai và nhà gái tiến hành lễ thách cưới. Nhà gái đưa ra ý kiến lấy bao nhiêu đồ vật như lợn, gà, bánh trưng, bánh dày, rượu, gạo tẻ để tiến hành làm lễ cưới. Lễ thách cưới này do nhà trai đề xuất và chủ trì tại nhà gái. Các thỏa thuận giữa 2 bên nhà trai, nhà gái sẽ được ghi chép lại theo quy ước, có sự đồng ý của hai bên gia đình một cách công khai.

Tổ chức lễ cưới

Người Tày thường tổ chức lễ cưới từ tháng 8 đến hết tháng Chạp. Vì họ cho rằng, đây là thời điểm khí hậu mát mẻ, công việc rảnh rỗi. Trước khi tiến hành lễ cưới, nhà trai phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật trong thời gian từ 2 - 3 năm, có những hộ khá thì chỉ chuẩn bị trong năm. Khi đầy đủ lễ, nhà trai sẽ báo trước cho nhà gái khoảng từ 15 ngày đến 1 tháng để chuẩn bị cho đám cưới. Trong thời gian này, nhà trai sẽ phải nộp đầy đủ sính lễ như đã thỏa thuận.

Trước khi đám cưới diễn ra, gia chủ đã lên danh sách những vị khách thân thiết cần mời. Họ không mời khách quá cận ngày, tức là phải mời trước từ 8 - 10 ngày. Trong ngày cưới, ngôi nhà sàn được bố trí các vị trí ngồi theo thứ tự, cấp bậc: đối diện với bàn thờ tổ tiên là đại diện của các bậc gốc họ, các chi trong dòng họ và người chủ hôn. Đây là vị trí trung tâm diễn ra các nghi thức của đám cưới khi chú rể đến đón dâu hoặc khi đoàn nhà gái đến nhà trai. Từ vị trí chỗ ngồi của đại diện gốc họ ra đến cửa ra vào là đoàn đại diện nhà trai hoặc nhà gái và cô dâu cùng các phù dâu khi làm lễ trình họ, nhận họ và tiền mừng. Đám cưới thường được tổ chức vào chiều tối, không ảnh hưởng đến công việc trong ngày của mọi người. Đồ ăn trong ngày cưới được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trong đó khâu nhục là món ăn không thể thiếu. Món ăn này được chế biến công phu từ thịt ba chỉ ướp kỹ các loại gia vị và hấp cách thủy. Đối với dân tộc Tày, đây là món ăn dân dã, nhưng mang ý nghĩa tinh thần rất lớn.

Các lễ trong nghi lễ cưới xin của người Tày diễn ra đều gắn với không gian linh thiêng của ngôi nhà sàn, ngôi nhà sàn vừa là nơi chứng kiến, vừa là nơi để thực hành các nghi lễ, nơi cô dâu đã được sinh ra và nuôi dưỡng trưởng thành.

Có thể nói hôn nhân của người Tày ở Tuyên Quang là một việc rất hệ trọng trong cuộc đời, được các gia đình người Tày quan tâm, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và hết sức nghiêm túc. Hôn nhân của người Tày là tập hợp các nghi lễ phức tạp thể hiện quan điểm, giá trị sống của dân tộc. Nó là sự kế thừa và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Tày đã được truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

_______________

1. Tổng cục thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2010.

2. Nguyễn Ngọc Thanh, Văn hóa truyền thống dân tộc Tày ở Tuyên Quang, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2016.

3. Nguyễn Thị Hoa, Quan niệm hôn nhân của người Tày Cao Bằng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 354, tháng 12-2013.

4. Giang Thị Huyền, Biến đổi tập quán cưới xin của người Tày ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Luận án Tiến sĩ, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2017.

 

Tác giả : Nguyễn Thị Hoa Mai

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

;