“Lửa từ đất” là câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ - Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội.
Vở nhạc kịch làm cháy lên ngọn lửa của lòng yêu nước và niềm tin vào một tương lai tươi sáng - Ảnh: Thanh Hoa
Lửa từ đất là ngọn lửa của lòng yêu nước, của niềm tin về một tương lai tươi sáng, là ngọn lửa của đấu tranh giải phóng dân tộc, ngọn lửa của những người anh hùng tiên phong dám hy sinh thân mình và cảm hóa được các tầng lớp nhân dân tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Bằng sự truyền lửa cho những người cùng chí hướng đi tiếp hành trình đầy thử thách cam go nhưng cũng đầy tự hào vẻ vang, Lửa từ đất ấy là ngọn lửa thiêng trong lòng dân. Lửa tượng trưng cho tinh thần và niềm tin bất diệt, đất chính là nhân dân, tượng trưng cho việc Đảng thắp lên ngọn lửa trong đêm tối của chế độ nô lệ, ngọn lửa này được sinh ra và bùng cháy mạnh mẽ từ nhân dân bởi chính Đảng được sinh ra từ khát vọng độc lập tự do của dân tộc.
Nhạc kịch Lửa từ đất là vở nhạc kịch số 3 do NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ làm Tổng Đạo diễn. Trả lời phỏng vấn với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật về thông điệp của vở diễn, NSƯT Cao Ngọc Ánh nhấn mạnh đến lý tưởng và khát vọng sẽ là ngọn lửa thổi bùng sức mạnh dân tộc và soi sáng tình yêu đất nước.
NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ
Phóng viên: Từ Sóng, Viên đá ngũ sắc cho đến Lửa từ đất, động lực nào giúp chị thực hiện ước mơ đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình Nhạc kịch của người Việt mà chị ấp ủ bấy lâu?
NSƯT Cao Ngọc Ánh: Niềm tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và ước muốn Việt Nam xứng vai với cường quốc năm châu trong mọi lĩnh vực. Là một nghệ sĩ sáng tạo, tôi đặc biệt tâm huyết với những tác phẩm nghệ thuật ca ngợi con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam - những tác phẩm vang lên âm hưởng tự hào dân tộc.
Phóng viên: Cảnh nào trong vở nhạc kịch Lửa từ đất khiến chị tâm đắc nhất?
NSƯT Cao Ngọc Ánh: Mỗi phần, mỗi cảnh, mỗi lớp trong vở diễn đều là sự tâm huyết, trau truốt và sáng tạo của tập thể các đạo diễn âm nhạc, múa, sân khấu, âm thanh, ánh sáng, cảnh trí hòa quyện tạo nên một tổng thể chạy xuyên suốt.
Phóng viên: Điều gì là khó khăn nhất khi thực hiện một vở nhạc kịch về hình tượng một người chiến sĩ cách mạng như Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội - Nguyễn Ngọc Vũ, thưa chị?
NSƯT Cao Ngọc Ánh: Xử lý hòa quyện giữa ca từ và diễn xuất trong nhạc kịch luôn là một thách thức không hề nhỏ, nhất là, đây là một vở diễn chính trị cách mạng nên phải làm sao để nêu bật được thành tích, quá trình hoạt động của ông Nguyễn Ngọc Vũ mà không bị gượng ép, cưỡng ngôn cũng là một áp lực lớn lên toàn bộ ê-kíp nghệ sĩ chúng tôi. Với chủ ý chọn thể loại anh hùng ca lãng mạn thì càng khó hơn để không hô khẩu hiệu mà vẫn thấm đẫm lịch sử cách mạng của Đảng bộ; đồng thời, cần thể hiện được tính nhân văn trong tâm hồn người chiến sĩ cộng sản.
Cảnh trong vở nhạc kịch - Ảnh: Thanh Hoa
Phóng viên: Hành trình đưa Lửa từ đất trở thành hiện thực thế nào, thưa chị?
NSƯT Cao Ngọc Ánh: Năm 2022, khi tham gia bộ phim điện ảnh về 9 nhân vật điển hình sinh năm 1972 tại Hà Nội do Hội Điện ảnh Hà Nội thực hiện, tôi đã tự nhủ, tôi là một người con của Hà Nội, nên sẽ có một tác phẩm nghệ thuật dành riêng cho Hà Nội. Đó là một lời hứa với Hà Nội.
Từ khi đó, tôi rất trăn trở về tác phẩm nghệ thuật xứng tầm với Thủ đô, để thông qua tác phẩm đó bày tỏ tấm lòng của mình với Hà Nội, với bao nhiêu tầng tầng lớp lớp văn hóa và nhà cách mạng, để chúng ta có được một Hà Nội như hôm nay.
Hữu duyên là gia đình tôi có một tập tài liệu mà mỗi thế hệ phải truyền lại cho nhau. Ông ngoại tôi trước khi mất đã truyền lại bộ tài liệu cho mẹ tôi (NGƯT Mai Hương) - đó chính là bộ tài liệu của ông Nguyễn Ngọc Vũ - anh cả của ông ngoại tôi. Từ đó tôi đọc đi đọc lại nhật ký của gia đình viết về ông Vũ, tôi rất xúc động.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ là anh cả của ông ngoại tôi - ông Nguyễn Ngọc Châu. Ông Vũ tuy quá trình hoạt động khá ngắn, ông chính thức là Bí thư Thành ủy Hà Nội tháng 6-1930, tuy nhiên ông bị bắt và tra tấn dã man, và mất năm 1932, những tư liệu mà ông hoạt động thế nào, ông được giao nhiệm vụ và những công việc của ông cụ thể ra sao thì tư liệu của Thành ủy cung cấp cũng không có quá nhiều. Một đặc điểm nữa, thời điểm lúc đó chúng ta đang nặng về vấn đề tuyên truyền, thành công là ở tuyên truyền, làm sao cho tất cả những giai cấp ở Hà Nội lúc đó họ có thể nhìn thấy con đường sáng, đó là con đường của Đảng. Do đó, tư liệu về hoạt động của ông chủ yếu ghi nhận việc tuyên truyền, phát triển tổ chức. Mục tiêu là thành lập Đảng bộ Hà Nội. Đảng bộ chính thức ra đời vào ngày 17-3-1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930.
Vào thời điểm đó, ông Đỗ Ngọc Du là Bí thư lâm thời, nhưng ông Du bị địch ráo riết, lúc nào cũng trực là bắt, nên lúc đó tổ chức của chúng ta phải chuyển ông Du sang Trung Quốc để giúp việc cho ông Nguyễn Lương Bằng, chính vì vậy tháng 6-1930, ông Nguyễn Ngọc Vũ mới được chính thức là Bí thư chính thức đầu tiên của Hà Nội.
Một việc nữa là tôi tự tin xây dựng vở này từ những ghi chép cá nhân của gia đình, và cảm xúc để tôi dựng vở này thật sự chia sẻ là từ bà mẹ (tôi gọi là bà cố) - bà Đàm Thị Lan, một người mẹ Hà Nội đã theo ông Vũ, tức là giúp con để hoạt động. Bà rất nhiều lần đánh lạc hướng khi bị mật thám theo dõi, bà rất nhanh trí, lần thì bà cải trang cho các đồng chí thành người đầu bếp hay gì đó để thoát đi. Hoặc khi con đang họp bà có nói với hàng xóm là hôm nay nhà tôi có khách, bà mang thớt ra băm, bà cứ băm ầm ĩ lên để cho hàng xóm nghĩ rằng nhà bà có khách thật - thực ra là để che mắt, và ghi chép của gia đình thì trên thớt không có gì, băm cái thớt không thôi, nhưng gây tiếng động để che chở cho đồng chí, đồng đội của con.
Có chi tiết xúc động là khi ông Vũ bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò, ông bị địch tra tấn bằng cách dùng ghế gỗ khoét lỗ, đặt ông ngồi lên, rồi đặt đèn thông gió nóng ở phía dưới. Hình thức tra tấn này gây ra những vết thương nghiêm trọng cho ông. Bà mẹ luôn tìm cách thế nào để tiếp cận được với tay quản ngục, để hàng ngày bà nấu cháo, súp mang vào cho con bởi vì chỉ ăn được cháo và súp thôi, nếu ăn bất cứ một đồ gì rắn thì ông đi đại tiện rất là đau đớn, nên bà chỉ có tiếp như vậy. Sau đó khi ông bị rất nặng, rồi chuyển vào bệnh viện Bạch Mai, bà lại tiếp tục tìm cách tiếp cận để gặp được con, để động viên con. Bà không bao giờ nói rằng con dừng lại đi, mà bà luôn động viên là con hãy cố lên có mẹ ở đây. Bà Đàm luôn theo con, che chở cho con, cho đến khi ông Vũ mất ở nghĩa trang rồi bà vẫn chưa bỏ cuộc, cứ rằm, mồng 1 bà lại luộc quả trứng và bát cơm và lại nhờ quản trang chôn xuống mộ cho ông, khi đó do bị lính Pháp và mật thám canh giữ nghiêm ngặt. Suốt 2 năm, bà luôn tìm cách đưa thi hài con về... Có một đêm ông Vũ báo mộng (ghi chép của gia đình) ông Vũ có nói là mẹ ơi con muốn rửa mặt, con muốn được thay quần áo, và sau đêm báo mộng đó thì bà Đàm Lan đã quyết tâm là phải đưa được xác con về, và có câu chuyện đời thực là bà Đàm cũng cảm hóa được những người trông nghĩa trang để giúp đỡ, đồng ý cho bà lấy xác con về trong đêm (đúng là khi hất lớp đất lên vì chôn ông trong cái quan tài gỗ mục, nên tất cả gỗ mục đó đã phủ lên mặt ông, đúng như ông báo mộng “con muốn rửa mặt, con muốn được thay quần áo” và gia đình đã đón được ông về). Đó là tất cả tư liệu (tư liệu của gia đình và tư liệu của Thành ủy cung cấp) thì có rất nhiều điều có thật, và có những điều chúng tôi hư cấu để làm nó mạch lạc lên, toát lên được ý là Đảng đã dẫn đường chỉ lối, Đảng đã cảm hóa được các tầng lớp nhân dân ở trong Hà Nội để tạo nên chiến thắng cho Hà Nội.
Tôi cùng ê-kíp sáng tạo bàn bạc và trao đổi, tập hợp tất cả các tư liệu của Thành ủy Hà Nội cung cấp, cùng tư liệu gia đình. Tôi cùng đạo diễn Duy Anh đã trao đổi với nhà viết kịch Lê Quý Hiền để chúng tôi có được một kịch bản sân khấu, từ đó, cùng với nhạc sĩ Minh Đạo, NSND Trần Ly Ly, NSND Doãn Bằng, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ... chúng tôi đã chuyển thành kịch bản nhạc kịch.
Nhờ sự giúp sức của Nhà hát Tuổi trẻ, Thành ủy Hà Nội và các nhà tài trợ (VietinBank, Aconnect...) tất cả chúng tôi đã tập hợp lại để cùng bàn bạc, để làm nên Nhạc kịch Lửa từ đất.
Cảnh trong vở nhạc kịch - Ảnh: Thanh Hoa
Phóng viên: Thông điệp toàn bộ ê-kíp muốn gửi gắm đến khản giả qua vở nhạc kịch Lửa từ đất là gì, thưa chị?
NSƯT Cao Ngọc Ánh: Đó là lý tưởng, là niềm tin, sẽ là ánh sáng đưa ta đi đến tận cùng khát vọng. Là ngọn lửa thổi bùng sức mạnh dân tộc và soi sáng tình yêu đất nước và tình yêu Hà Nội tha thiết.
Phóng viên: Chị có thể chia sẻ thêm về dự định sắp tới của chị dành cho nhạc kịch Việt?
NSƯT Cao Ngọc Ánh: Thời gian này chúng tôi đang tập trung cao độ cho Lửa từ đất. Tuy nhiên, với tôi, những con người gợi nhiều cảm xúc mạnh mẽ, những câu chuyện mang tính nhân văn cao sẽ luôn là động lực mạnh mẽ cho tôi say mê và khát vọng. Và tất nhiên vẫn tiếp tục là nhạc kịch của người Việt.
Phóng viên: Xin cảm ơn chị. Hy vọng rằng Lửa từ đất sau lần đầu công diễn ngày 15 và 16-3-2025, sẽ được đông đảo khán giả tiếp tục đón nhận.
THANH HOA - LIÊN HƯƠNG (thực hiện)