Công tác truyền thông về phòng, chống đuối nước của báo chí thuộc Tổng cục Thể dục thể thao năm 2018-2019

Theo thống kê, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có 3.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tổng hợp báo cáo từ các tỉnh/ thành phố trong cả nước tỉ lệ trẻ em biết bơi chiếm dưới 30%, chính vì vậy việc phổ cập bơi và các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em là giải pháp hết sức cấp thiết để nhằm làm giảm thiểu tình trạng đuối nước. Với vai trò là cơ quan quản lý về thể dục thể thao (TDTT), trong nhiều năm qua Tổng cục TDTT đã nỗ lực trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em đặc biệt giai đoạn 2018-2019.

1. Xây dựng kế hoạch truyền thông phòng, chống đuối nước giai đoạn 2018-2019

Với chức năng quản lý nhà nước về các hoạt động bơi lặn và hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật môn bơi, trong những năm qua, Tổng cục TDTT đã phát huy rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, phòng, chống tai nạn đuối nước nói riêng, cụ thể:

Tham mưu xây dựng, trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, trong đó, tại khoản 3 Điều 4, khoản 1 Điều 21 và khoản 6 Điều 22 của Luật có quy định về chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và ưu tiên phát triển môn bơi trong nhà trường; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL ngày 19-1-2018 của quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi lặn. Để những quy định trên đi vào cuộc sống, Tổng cục TDTT đã rất tích cực trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về quan tâm đầu tư phát triển môn bơi; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các các cơ sở hoạt động bơi lặn, vui chơi giải trí dưới nước đảm bảo về chuyên môn, vệ sinh, an toàn sức khỏe, tính mạng cho người tham gia.

Tổng cục TDTT đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam trong việc đẩy mạnh tuyên truyền và đẩy mạnh việc tổ chức day bơi, dạy kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em. Trong năm 2017-2018, Tổng cục TDTT hướng dẫn các địa phương đã tổ chức được 60.108 buổi phổ biến, tuyên truyền cho 5.566.806 trẻ em, có 129.625 tài liệu, 8.602 tin bài, phóng sự tuyên truyền về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Từ 2016 đến 8-2020, giao cho Vụ TDTT quần chúng phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực chuyên môn cho 41 lớp cho hơn 4.500 học viên là công chức, viên chức, cộng tác viên, hướng dẫn viên của ngành VHTTDL, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành, đoàn thể liên quan; phối hợp với Kênh VTV7, VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng trên 50 clip hướng dẫn trẻ em học bơi và phòng chống đuối nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục TDTT cũng chủ trì biên soạn, in ấn và phổ biến tới các địa phương 45.000 cuốn tài liệu dành cho hướng dẫn viên dạy bơi, 35.000 tờ tranh kỹ thuật dạy bơi trườn sấp và bơi ếch, 20.000 tờ gấp hướng dẫn về kỹ năng phòng chống đuối nước, đặc biệt là biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước và triển khai thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước; tổ chức Lễ phát động quy mô quốc gia về phong trào trẻ em học bơi năm 2017 tại Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, năm 2018 tại tỉnh Ninh Bình; năm 2019, tại quận Long Biên, Hà Nội thu hút trên 12.000 cán bộ, giáo viên, các bậc phu huynh và học sinh tham gia. Tổ chức Lễ khai mạc thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước năm 2020 tại tỉnh Quảng Nam với hơn 1.000 học sinh trên địa bàn tỉnh tham dự; phối hợp hướng dẫn các đơn vị, trường học trong cả nước tổ chức 36.298 lớp dạy bơi; số trẻ em tham gia học bơi là 3.603.955 em; số trẻ em biết bơi sau khi tham dự lớp học bơi là 2.170.344 em; số trẻ em được học kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước là 4.941.957 em.

Xây dựng mô hình trẻ em toàn xã biết bơi tại 701 xã, phường, thị trấn; xây dựng mô hình học sinh toàn trường biết bơi tại 753 trường học; phối hợp tổ chức Giải bơi học sinh các trường phổ thông năm 2017 tổ chức tại Quảng Trị, Giải bơi Thiếu nhi toàn quốc Đường đua xanh năm 2017 tổ chức tại Hà Nội, năm 2018 tổ chức tại Đà Nẵng; Giải bơi cứu đuối học sinh, thanh thiếu nhi toàn quốc Đường đua xanh năm 2019 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Hội thi kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước năm 2019 tại Quảng Ninh. 05 giải thu hút sự tham gia của hơn 1.900 lượt học sinh có thành tích xuất sắc về tham dự, nâng cao nhận thức của cộng đồng, trẻ em về vai trò, tác dụng của việc học bơi và các kỹ năng phòng chống đuối nước.

Năm 2016, cả nước có gần 3.000 bể bơi, đến cuối năm 2018 tăng lên 4.689 bể bơi các loại, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng từ dưới 30% trong năm 2016 lên khoảng 35% trong năm 2019. Tỷ lệ tử vong do đuối nước được Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp là 3.000 thanh thiếu nhi trong năm 2015 đã giảm xuống dưới 2.000 em trong năm 2018 và 2019. Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em ngành VHTTDL nằm trong danh sách bình chọn sự kiện TDTT quần chúng tiêu biểu năm 2018 và 2019.

2. Tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về việc phòng, chống đuối nước thông qua khảo sát các cơ quan báo chí thuộc Tổng cục TDTT

Khảo sát báo in

Qua khảo sát Tạp chí Thể thao trong vòng 2 năm từ tháng 2 - 2018 đến tháng 8 - 2019 có 8 bài, Báo Thể thao Việt Nam có 20 bài điểm tin đều tập trung truyền thông các hoạt động về thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và trẻ em về lợi ích tác dụng của việc học bơi. Bên cạnh những bài tuyên truyền về lễ phát động trẻ em toàn quốc học bơi, an toàn về phòng, chống đuối nước, phóng viên cũng đưa tin về các tỉnh, thành thực hiện phát triển bể bơi và nêu những kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em.

Thực tế cho thấy, từ tháng 2-2018 đến tháng 8 - 2019, Tạp chí Thể thao có nhiều bài truyền thông được độc giả đánh giá cao về khía cạnh này như: Tăng cường phòng chống đuối nước và hướng tới thành công tại ASIAD 2018 (2-2018), có nêu những chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trước thực trạng mỗi năm nước ta có khoảng 6.400 người đuối nước trong đó có hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên, Bộ trưởng cho rằng nhiệm vụ cấp bách của Vụ TDTT quần chúng - Tổng cục TDTT hiện nay là phối hợp với các ngành, địa phương thống kê địa phương nào có đặc thù nhiều sông, hồ, tỉ lệ đuối nước còn cao để phối hợp triển khai chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không chuyển động thì các địa phương cũng sẽ không chuyển động. Phải chọn một mô hình điểm sau đó nhân rộng ra thì mới thành công được, nếu làm tràn lan thì sẽ không tạo ra hiệu quả”.

Tháng 3-2018, Tạp chí Thể thao có bài Tất cả vì sự an toàn của trẻ em, thông tin về những thành quả bước đầu sau khi Tổng cục TDTT ban hành Kế hoạch số 58/TCTDTT-HĐĐTW ngày 25-3-2017 về đẩy mạnh phong trào thiếu nhi toàn quốc học bơi phòng, chống đuối nước năm 2017. Sau đó là những văn bản hướng dẫn quản lý các loại hình hồ bơi, bể bơi đơn giản gửi các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa Thông tin, Tổng cục TDTT cũng đã phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Lễ phát động phong trào Thiếu nhi toàn quốc học bơi. Theo thống kê, 54/63 tỉnh/ thành phố đã ban hành kế hoạch, đề án triển khai Chương trình bơi phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn theo nhiều hình thức khác nhau (tùy vào điều kiện và đặc thù của từng địa phương).

Tháng 5-2019 có bài Triển khai thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đây là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2019 được Bộ VHTTDL ban hành. Bài viết đã nêu lên hiệu quả tích cực từ các chương trình đã giúp ngăn chặn tối đa nạn đuối nước, giảm thiểu số người chết, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, giảm tỷ lệ đuối nước là việc không dễ hoàn thành, đòi hỏi sự bền bỉ và chuyên tâm. Từ tháng 3 - 2019, Vụ TDTT quần chúng đã triển khai phổ biến các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng tại các cơ sở trường học. Vụ TDTT quần chúng phối hợp với Sở VHTTDL Quảng Ninh và Trung tâm Văn hóa và Truyền thông thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh tiến hành khảo sát, xây dựng tài liệu, dàn dựng các trò chơi và hướng dẫn kỹ năng cho trẻ em tại thị xã Đông Triều. Trong đó, Vụ trực tiếp mời chuyên gia Gary William Seghetrs giảng dạy và tham vấn xây dựng bộ tài liệu này. Theo bà Nguyễn Thị Chiên, Phó Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng thì tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước được biên soạn trên cơ sở các trò chơi mang tính hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em từ năm 2018. Từ đó, Vụ đã tiến hành khảo sát, xây dựng tài liệu để có thể phổ cập trên toàn quốc trong năm 2019.

Ảnh minh họa: Tuấn Minh

Trên Báo Thể thao Việt Nam với số lượng 20 bài điểm tin năm 2018 và 2019, góp phần tích cực vào công tác truyền thông về việc phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Các bài viết đã nêu lên những khó khăn của chương trình phòng, chống đuối nước ở nước ta. Ngày 17-4-2018, Báo Thể thao Việt Nam có bài viết Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2018, tác giả đã viết về các địa phương đã đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và vận động các nguồn xã hội hóa xây dựng, lắp đặt nhiều mô hình bể bơi phù hợp với điều kiện thực tiễn để phục vụ cho việc học bơi của trẻ em. Tuy nhiên, bài viết cũng nêu lên những khó khăn như thiếu thốn cơ sở vật chất, hướng dẫn viên, kinh phí. Chương trình, kế hoạch của các tỉnh/ thành ban hành triển khai chưa cụ thể, hiệu quả chưa cao, người dân chưa thực sự hiểu biết về ý nghĩa của chương trình.

Ngày 25-6-2019, Báo Thể thao Việt Nam có bài Dạy bơi cho học sinh, bài toán chưa có lời giải, nêu rõ tình hình tỷ lệ học sinh biết bơi còn rất thấp và có nhiều khó khăn khi đưa môn bơi vào trường học. Kinh phí các trường đầu tư giữ chuẩn Quốc gia còn khó khăn thì để có kinh phí xây dựng và vận hành bể bơi trong trường lại càng khó. Mỗi bể bơi xây dựng đã tốn 1-2 tỷ đồng, kinh phí vận hành mỗi tháng mất khoảng 50-100 triệu đồng. Tác giả cũng nêu lên nguyện vọng của các phụ huynh đưa môn bơi vào trường, vì thế việc đầu tư xây dựng và vận hành bể bơi như thế nào cho phù hợp cần sớm được giải quyết. Bể bơi do Nhà nước hay doanh nghiệp, tư nhân xây dựng, quản lý cũng đều vì mục đích duy nhất, đó là giúp trẻ em trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi rơi vào các tai nạn nguy hiểm do sông nước gây ra.

Khảo sát báo điện tử

Khảo sát 3 trang báo điện tử của Tổng cục TDTT có 42 tin bài về phòng, chống đuối nước. Trang Tạp chí Thể thao với 14 bài chiếm tỉ lệ cao nhất là 37%, sát ngay sau đó là trang Thể thao Việt Nam với 15 bài chiếm 32%. Cuối cùng là trang TDTT có 14 bài chiếm 31%.

Một số bài nổi bật như, ngày 2-7-2018 trên trang tdtt.gov.vn có bài Bắc Ninh đẩy mạnh hoạt động phòng, chống đuối nước đã nêu lên được thực trạng đuối nước trong giai đoạn 2010 đến 2013, trung bình có khoảng 3.000 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi bị tử vong do đuối nước mỗi năm. Năm 2016, số lượng tuy có giảm nhưng con số trẻ em tử vong do đuối nước theo ghi nhận ở 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn ở mức khá cao, 1.900 trẻ. Năm 2018, ngay khi vừa bước vào thời gian cao điểm, đầu tháng 5, đã có hàng loạt vụ đuối nước liên hoàn đặc biệt nguy hiểm đã xảy ra trên địa bàn các tỉnh. Bên cạnh việc nêu lên thực trạng, tác giả cũng đưa ra những giải pháp đối với vấn đề như: xây dựng bể bơi hoặc triển khai lắp đặt bể bơi di động để dạy bơi cho học sinh. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kỹ năng bơi, phòng tránh đuối nước cũng được đẩy mạnh tại các địa phương.

Ngày 27-11-2018 tại trang thethaovietnam.vn có bài Tổng kết 2 năm triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2017. Tác giả đã dẫn lời phát biểu của ông Phạm Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng ban tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2017 về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước nhiều năm là do chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ, do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy. Có thể nói công tác phòng, chống đuối nước là trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong đó ngành VHTTDL tập trung nhiệm vụ triển khai phổ cập bơi và hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Các tin bài đã cung cấp kiến thức về phòng, chống đuối nước trẻ em, giúp các em học sinh biết được và hình thành ý thức về nguy cơ đuối nước đang rình rập sức khỏe, tính mạng của mình trước những thói quen hành động hết sức bình thường diễn ra thường xuyên trong cuộc sống. Từ đó hình thành ý thức biết tự đề phòng, cảnh giác, có những kỹ năng cần thiết tự bảo bệ mình và bảo vệ bạn bè, hình thành nhu cầu tập luyện và phát triển kỹ năng bơi lội.

Về tần suất các bài phòng, chống đuối nước qua các trang báo chí thuộc Tổng cục TDTT

Quá trình thu thập thông tin từ năm 2018 đến năm 2019 cho thấy, có 61 bài thuộc báo chí Tổng cục TDTT viết về thông tin phòng, chống đuối nước nhưng tần suất thấp. Vì chương trình chỉ có thể đẩy mạnh vào mùa hè nên số lượng các bài đăng nhiều từ tháng 7 đến tháng 9. Nội dung đăng tải đẩy mạnh truyền thông về hoạt động phòng, chống đuối nước, triển khai các kế hoạch, phương án, giải pháp bảo đảm tính đổi mới, sáng tạo, phong phú về hình thức, nội dung, đáp ứng được mục đích, yêu cầu của Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước giai đoạn 2020-2030 do Chính phủ, Bộ VHTTDL ban hành và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Tổng cục TDTT. Đồng thời, tuyên truyền thông tin về kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối an toàn nhằm giúp cho người dân và trẻ em tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng một cách thuận tiện, dễ hiểu, dễ nhớ, đảm bảo an toàn và tập luyện đạt hiệu quả cao nhất.

3. Đánh giá chung

Có thể thấy, Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em thông qua công tác truyền thông trên báo chí thuộc Tổng cục TDTT đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các Bộ, ngành liên quan, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Từ đó, các chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và ưu tiên phát triển môn bơi trong nhà trường được quy định trong Luật TDTT năm 2018 đã tạo động lực và thu hút các đơn vị, doanh nghiệp, nhà tài trợ, nhà trường và gia đình ủng hộ kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác dạy bơi và công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng chống đuối nước. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành đều triển khai kế hoạch, Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước hoặc triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2019, các tỉnh/thành đã được tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước và huy động được các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tổ chức tập huấn, tổ chức dạy bơi và đầu tư xây lắp các mô hình bể bơi. Có thể thấy, các cơ quan, đơn vị truyền thông đã quan tâm, phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Các bài viết đã thẩm thấu đến các tầng lớp nhân dân làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của trẻ em, phụ huynh và cộng đồng về vai trò tác dụng của việc học bơi và học kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước. Các bài viết cũng đã cung cấp thông tin bổ ích trong các bài tuyên truyền từ đó tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả và cách xử lý thông qua các cuộc thi, tập huấn kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tế vẫn còn những tồn tại, trong đó phải kể tới lượng thông tin về quản lý công tác truyền thông về phòng, chống đuối nước của Tổng cục TDTT giai đoạn 2018-2019 chưa hoàn toàn đầy đủ, đăng tải các bài còn tương đối rời rạc và chưa có tính hệ thống. Số lượng phóng viên theo dõi mảng này chưa được sát sao dẫn đến chất lượng đăng tải chưa thỏa mãn được người đọc. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hệ quả đuối nước và tai nạn dưới nước. Các nguyên nhân cơ bản này đến từ hoạt động sinh hoạt bình thường, hoạt động giải trí và cả hoạt động TDTT cụ thể như sau:

Nhận thức của một số gia đình, cộng đồng về nguy cơ và tác hại của tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em còn hạn chế kèm theo đó là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT và bể bơi, hướng dẫn viên ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng sâu vùng xa rất khó khăn, trong khi đó trẻ em ở các vùng này không những thiếu sự quản lý, trông coi giám sát của gia đình mà bản thân các em phải đi làm, đi học trong môi trường tiểm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

Kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, PCĐN trẻ em của một số tỉnh/ thành còn chưa cụ thể, chưa được quan tâm đầu tư các nguồn lực đúng mức..., một số tỉnh/ thành đã xây dựng Đề án phổ cập bơi cho trẻ em trên địa bàn, nhưng do nguồn ngân sách để triển khai Đề án khó khăn, chưa huy động được các nguồn xã hội hóa nên Đề án không triển khai được.

 Một số địa phương tích cực vận động các nguồn xã hội hóa đầu tư kinh phí xây lắp bể bơi tại các trường học. Tính đến ngày 30-12-2019, cả nước có hơn 5.000 bể bơi, trong đó có 1.796 bể bơi đạt chuẩn, số còn lại là bể bơi, hồ bơi đơn giản được các địa phương cải tạo các điểm ao hồ, sông ngòi và lắp đặt mô hình bể bơi đơn giản để dạy bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, tổng số bể bơi nêu trên chưa đáp ứng được yêu cầu về phổ cập bơi trong toàn quốc, đặc biệt số bể bơi được đầu tư xây lắp tại các trường học rất ít. Cụ thể, các trường cấp tiểu học chỉ có 675 bể bơi/14.232 trường, chiếm tỷ lệ 0,047 bể bơi/trường học; cấp THCS có 227 bể bơi/10.487 trường, chiếm tỷ lệ 0,021 bể bơi/trường học; cấp THPT có tổng số 108 bể bơi/2.649 trường, chiếm tỷ lệ 0,4 bể bơi/trường.

Các địa phương tích cực trong việc tổ chức dạy bơi cho trẻ em, tuy nhiên, do điều kiện thiếu bể bơi và do trẻ em chưa có thói quen luyện tập môn bơi hoặc cha mẹ chưa tạo cơ hội cho các em được tập luyện thường xuyên nên có nhiều trường hợp trẻ em đã biết bơi nhưng lại tái mù bơi.

Một số tỉnh, thành chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp liên ngành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em. Công tác phối hợp rà soát môi trường sống tại gia đình, trường học và cộng đồng để kịp thời phát hiện, cải tạo và cắm biển báo những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước chưa thực hiện tốt nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác truyền thông.

Nhìn chung, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, đoàn thể rất quan tâm, chỉ đạo công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Bộ VHTTDL đã tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai các hoạt động cũng như ban hành các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Qua đó nâng cao vai trò quản lý nhà nước của ngành VHTTDL về hoạt động bơi, đồng thời đưa ra những giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khắc phục những khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, bể bơi và nguồn nhân lực. Có thể nói, quản lý hoạt động truyền thông về phòng, chống đuối nước của báo chí thuộc Tổng cục TDTT giai đoạn 2018-2019 là một trong những biện pháp hữu hiệu, cần được quan tâm và triển khai mạnh mẽ để góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

 

;