Góp phần tìm hiểu quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng và phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam

Xây dựng, phát triển và lãnh đạo quân đội nhân dân là một trong những điều kiện quan trọng để chiến thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ và phát triển những thành quả cách mạng. Xuyên suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán tập trung xây dựng, củng cố, và phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thực sự là công cụ sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngay từ khi ra đời, do yêu cầu của thực tiễn nhiệm vụ cách mạng cần phải tiến hành bạo lực cách mạng để đập tan “bạo lực phản cách mạng”, Đảng ta đã sáng suốt thành lập và lãnh đạo chặt chẽ nhiều tổ chức vũ trang quần chúng với những tên gọi khác nhau: Tự vệ Đỏ (tự vệ công nông năm 1930-1931); các đội du kích, các trung đội Cứu quốc quân và các đội du kích ở Việt Bắc, chiến khu Quang Trung, chiến khu Trần Hưng Đạo... Chủ trương của Đảng ta đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội lần thứ I, họp từ ngày 27 đến 31-3-1935. Trong đó xác định: từ Trung ương cấp ủy tới mỗi thành ủy, tỉnh ủy phải tổ chức ngay quân ủy, quân ủy này gồm một bộ phận quân đội vận động, một bộ phận thì lo tổ chức chỉ huy đội tự vệ. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, đảng bộ các địa phương đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn) giành thắng lợi vang dội (27-9-1940). Từ cuộc khởi nghĩa này, các đội du kích Bắc Sơn đã ra đời.

Diễu binh trong ngày lễ - Ảnh: Hà Hữu Nết

Trước sự phát triển nhanh chóng lực lượng vũ trang ở các địa phương, tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương xác định: mỗi trung đội, đại đội và liên tiểu tổ du kích có đội trưởng, đội phó chỉ huy quân sự và một chính trị viên lãnh đạo chính trị. Tháng 2-1943, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào kháng Nhật cứu nước, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra nghị quyết chuẩn bị khởi nghĩa và nhấn mạnh: các đảng bộ phải tổ chức và củng cố các đội tự vệ và tiểu tổ du kích, đồng thời phải huấn luyện quân sự cho những tổ chức ấy. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Sam Cao, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổ chức này đã đặt nền móng vững chắc cho việc hình thành, phát triển đường lối quân sự, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, về tổ chức và lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam của Đảng ta suốt chặng đường lịch sử hơn 75 năm qua.

Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Từ ngày 13 đến 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Chỉnh đốn và phát triển bộ đội, thống nhất tên gọi Quân giải phóng Việt Nam; về vấn đề Đảng, phải tổ chức Đảng trong Quân giải phóng Việt Nam (trung đội làm đơn vị tổ chức)” (1). Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 9-1945, Hồ Chủ tịch chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên Việt Nam giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn - tổ chức quân đội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 1-1946, Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Trung ương Quân ủy do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư. Đây là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng trong quân đội. Trung ương Quân ủy có ủy ban quân sự, ủy ban chính trị, ủy ban đảng vụ giúp việc. Từ đây, quân đội đã có cơ quan chuyên trách Đảng trực tiếp lãnh đạo toàn diện công tác quân sự. Như vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội ngày càng được củng cố chặt chẽ.

Vào tháng 3-1946, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã quyết định thành lập “Toàn quốc kháng chiến ủy viên hội”. Tổ chức này có nhiệm vụ chỉ huy quân đội và các lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước. Tháng 10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng đã quyết định thống nhất Quân sự ủy viên hội với Bộ Quốc phòng và quy định chế độ chính trị viên cùng cơ quan chính trị trong quân đội. Về tổ chức đảng: ở đại đội hay cơ quan từ tiểu đoàn bộ trở lên sẽ tổ chức một chi bộ. Hệ thống tổ chức theo hệ thống dọc và ngang, trong đó hệ thống dọc là chính. Đến cuối năm 1946, toàn quân có 12 chiến khu, 33 trung đoàn, 10 tiểu đoàn; về tổ chức đảng: toàn quân có Quân ủy Trung ương; chi bộ ở đại đội, trung đội; tổ đảng ở trung đội, tiểu đội.

Ngày 20-5-1952, theo Nghị quyết số 07/NQ-TƯ, các tổ chức đảng trong bộ đội chủ lực được củng cố. Ở đại đội có hội nghị toàn thể chi bộ và ban chấp hành chi bộ (gọi tắt là chi ủy). Ở tiểu đoàn có đại hội đại biểu tiểu đoàn và ban chấp hành tiểu đoàn (gọi tắt là tiểu đoàn ủy). Ở trung đoàn có đại hội đại biểu trung đoàn và ban chấp hành trung đoàn (gọi tắt là trung đoàn ủy). Ở đại đoàn có đại hội đại biểu đại đoàn và ban chấp hành đại đoàn (gọi tắt là đại đoàn ủy). Ở các trường quy mô nhỏ thì có hội nghị toàn thể chi bộ trong trường và ban chấp hành chi bộ (gọi tắt là chi ủy), nếu là quy mô lớn thì có đại đội đại biểu toàn trường và ban chấp hành nhà trường (gọi tắt là hiệu ủy). Trong toàn quân, có Tổng Quân ủy do Trung ương chỉ định, đặt dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Bộ Chính trị. Các cấp bộ đảng và đảng viên trong toàn quân đều phải chấp hành và lãnh đạo quần chúng thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương về quân sự, chính trị do Đảng đề ra. Từ sau Chiến dịch Biên giới 1950, ta thành lập đảng ủy trong bộ đội chủ lực, bỏ chế độ “chính ủy tối hậu quyết định”, bắt đầu thực hiện sự lãnh đạo tập thể thống nhất của Đảng về mọi mặt công tác trong quân đội.

Trong giai đoạn (1965-1975), khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung ương Đảng đã hoàn thiện và mở rộng quy mô các lực lượng. Trong giai đoạn này, tổ chức bộ máy lãnh đạo trong toàn quân có Quân ủy Trung ương; chi bộ ở đại đội, cơ quan tiểu đoàn, cơ quan trung đoàn và tương đương trở lên. Cấp tiểu đoàn và tương đương trở lên đến các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, cơ quan từ cấp sư đoàn trở lên thành lập đảng ủy. Ở một số cơ quan, đảng ủy vừa lãnh đạo công tác của cơ quan vừa lãnh đạo toàn diện các đơn vị trực thuộc, đồng thời là cấp ủy cấp trên của các đơn vị trực thuộc.

Trong giai đoạn từ 1976-1985, do tình hình thực tiễn xây dựng quân đội có sự điều chỉnh cả về cơ cấu, tổ chức, biên chế nên cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội cũng có sự thay đổi, điều chỉnh nhất định. Ở cơ quan quân sự địa phương, có đảng ủy quân sự tỉnh, thành, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của tỉnh ủy, thành ủy và sự chỉ đạo mọi mặt của quân khu, do tỉnh ủy, thành ủy chỉ định sau khi đã trao đổi thống nhất ý kiến với quân khu. Các huyện, quận nếu có đơn vị bộ đội địa phương thì lập đảng ủy, nếu không có đơn vị bộ đội địa phương thì lập ban cán sự, do huyện ủy chỉ định, tỉnh ủy, thành ủy chuẩn y sau khi đã lấy ý kiến của đảng ủy quân sự tỉnh, thành.

Ngày 15-12-1982, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) ra Nghị quyết 07/NQ-TƯ Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội, trong đó quy định thực hiện chế độ một người chỉ huy ở tất cả các cấp trong quân đội. Để tăng cường cho chế độ một người chỉ huy, thành lập Hội đồng quân sự ở Bộ Quốc phòng; các tổng cục, các quân khu, quân đoàn, quân chủng và binh chủng… với tính chất là một tổ chức lãnh đạo quân sự tập thể. Bỏ hệ thống cấp ủy đảng từ Quân ủy Trung ương đến cấp trên trực tiếp cơ sở. Cơ quan chính trị các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam là cơ quan lãnh đạo về Đảng, đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Các tổ chức cơ sở đảng trong quân đội được thành lập theo đúng Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Ngày 4-7-1985, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) ra Nghị quyết 27/NQ-TƯ về tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam theo hệ thống dọc từ cơ sở đến toàn quân. Thực hiện chương VI Điều lệ Đảng (khóa VI) ngày 30-7-1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 12/QĐ-TƯ về “Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, có xác định rõ: tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức theo hệ thống dọc từ cơ sở đến toàn quân. Ở mỗi cấp có ban chấp hành đảng bộ (gọi tắt là đảng ủy) do dân chủ bầu cử và được đảng ủy cấp trên chuẩn y, trường hợp đặc biệt do đảng ủy cấp trên trực tiếp chỉ định.

Ngày 19-7-1993, Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) ban hành Quy định số 72/QĐ-TƯ về “Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Theo đó, về tổ chức đảng trong quân đội từ năm 1995 đến nay, toàn quân có Đảng ủy Quân sự Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định, gồm một số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương công tác trong quân đội và một số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương công tác ngoài quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương có từ 5 đến 7 đồng chí, gồm Bí thư, Phó bí thư và các ủy viên. Từ cấp ủy đảng trực thuộc Đảng ủy Quân sự Trung ương đến cơ sở, ở cấp nào do đại hội cấp đó bầu, trường hợp đặc biệt do cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định.

Thực tiễn đã chứng minh, tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn hoạt động theo Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phù hợp với tính chất nhiệm vụ, đặc điểm hoạt động của quân đội, bảo đảm ở đâu có lực lượng vũ trang, có chỉ huy, ở đó có lãnh đạo. Cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội được thực hiện nghiêm túc cả trong bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên và công tác quân sự địa phương. Hệ thống đảng ủy quân sự địa phương, nhất là đảng ủy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, được thiết lập (thay cho ban cán sự) đã nâng cao trách nhiệm và hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác quân sự và quốc phòng ở địa phương; khẳng định được vai trò là hạt nhân lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội và sự nghiêp quốc phòng.

Toàn quân thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách và các chế độ sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ được giữ vững, chất lượng chính trị của tổ chức đảng ở các cấp từng bước được nâng lên. Cấp ủy các cấp đã thực hiện tốt chức năng lãnh đạo toàn diện đi đôi với phát huy hiệu lực của người chỉ huy và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện nghị quyết, đã góp phần quyết định những chuyển biến mới có chiều sâu và đạt độ vững chắc hơn về chất lượng chính trị của lực lượng vũ trang. Đảo đảm trong mọi tình huống quân đội luôn là lực lượng chính trị, chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn bộc lộ những mặt hạn chế, nổi lên là: việc thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp quốc phòng còn những bất cập so với sự phát triển của tình hình nhiệm vụ, nhất là trước yêu cầu khôi phục chế độ chính ủy, chính trị viên nhằm phát huy vai trò và hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội.

Có thể thấy rằng, là quân đội kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và dân tộc sâu sắc, quân đội ta luôn được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Đây là nhân tố quyết định mọi sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những biến động nhanh chóng và phức tạp. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thường xuyên đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đồng thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, chia rẽ Đảng với quân đội làm cho quân đội xa rời bản chất giai cấp công nhân, phai nhạt mục tiêu lý tưởng chiến đấu. Mặt khác, những biến đổi nhiều mặt về kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cũng tác động nhiều mặt đến hoạt động của quân đội, đặt ra nhiều yêu cầu mới về sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Do đó, việc tiếp tục tuân thủ nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt là điều kiện tiên quyết, bảo đảm cho quân đội ta luôn vững vàng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đủ sức mạnh hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

_______________

1. Văn kiện quân sự của Đảng, tập 1 (1930-1945), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1969, tr. 303-311.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

2. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1983.

3. Tổ chức sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.

4. Tổng cục Chính trị, Tổ chức sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam (Biên niên), tập 1, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.

5. Tổng cục Chính trị, Một số vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn mới của cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.

Tác giả: Nguyễn Thị Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

;