Chuyện thêm về Lê Hiến Tông

Trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 471 (kỳ 2, tháng 8/2021), chúng tôi đã có bài viết về Lê Hiến Tông - ông vua “lấy lòng nhân chế ngự kẻ dưới”. Song, Lê Hiến Tông không chỉ nổi tiếng trong lịch sử về sự ôn hòa, nhân từ mà ông còn là vị hoàng đế anh minh, có nhiều chính sách đúng đắn, tiến bộ phát triển đất nước cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI.

Dụ Lăng thờ vua Lê Hiến Tông ở Thanh Hóa

Mùa thu, tháng 7, ngày 29 (âm lịch) năm 1501, vua có chiếu rằng: “Từ nay trở đi, quan hai ty Thừa Hiến các xứ phải xét kỹ công/tội của các quan phủ/huyện đã làm, cứ đến cuối năm, định làm ba bậc khảo là thượng, trung, hạ. Người nào thương dân, liêm khiết, chăm chỉ, có chính tích là hạng thượng khảo; người nào thương dân, thu thuế khóa không phiền nhiễu, làm việc quan không có lỗi gì là hạng trung khảo; người nào thường thường theo người mà tiến lui là hạng hạ khảo. Các lại viên ở các ty Thừa Hiến và phủ, huyện, châu, người nào liêm khiết, tài năng, cần mẫn là trung đẳng; người nào bỉ ổi không chăm việc là hạ đẳng. Đều kê họ tên, theo loại chưa rõ công việc, làm bản gửi cho bộ Lại thu xét. Quan viên thì thông tính đủ lệ khảo 9 năm, theo lệ khảo khóa mà thi hành thăng giáng. Lại điển thì đủ niên hạn, được nhiều lần trung đẳng thì cho chiếu lệ thăng bổ. Quan lại có người quả là tham ô nhũng nhiễu, gian trá lười biếng, tham tang có bằng chứng đích thực thì gửi cho bộ Lại xét thực; như lệ trị tội. Quan Thừa Hiến người nào quả vì ân oán đút lót mà kê tâu không công, để đến nỗi thiện ác lẫn lộn, công tội không đúng sự thực thì các quan khoa đài xét thực tâu hặc lên, sẽ giao xét hỏi. Quan Ngự sử đài cũng xét rõ công tội của các quan Thừa Hiến các xứ, cứ đến cuối năm định làm ba hạng khảo thượng - trung - hạ, chia loại tâu lên, đều theo như lệ các quan Thừa Hiến kê tâu các quan phủ, huyện, châu mà thi hành”… (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 749).

Về giáo dục, ngày 25 tháng 12 (âm lịch) cùng năm, Lê Hiến Tông có sắc chỉ định thể lệ thi Hương. Theo đó “xã trưởng ở các xứ đoan nhận các học trò trong xã mình, từ sinh đồ ở cục Tú Lâm không kể, còn các quân sắc nhân dân, quả là con em nhà lương thiện, có hạnh kiểm học vấn, có thể làm văn đủ lối bốn trường, cũng cho đoan nhận. Nếu là sĩ nhân ở bốn xứ Hưng Hóa, Yên Bang, Tuyên Quang, Lạng Sơn thì người nào làm văn đủ ba trường cũng cho vào thi. Xã lớn 20 người, xã vừa 15 người, xã nhỏ 10 người. Xã nào ít người học tập thì không bó buộc phải theo lệ ấy. Xã trưởng kê khai họ tên, quan bản phủ/huyện/châu xét lại từng người, thi ám tả một trường, người nào đỗ thì hai ty Thừa Hiến theo như lệ mà khảo thí. Nếu xã trưởng nào đoan cung không thực, phủ/huyện/châu khảo hạch không kỹ, để đến nỗi sĩ nhân vào thi còn có kẻ làm không thành bài, cùng là có người vì họ hàng con em mà gửi gắm thì sai nhân của khoa đài dò xét được thực, đều phải giao xét trị tội” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 750).

Việc thi cử thời Lê Hiến Tông cũng rất nghiêm túc, công bằng: “Khi sĩ nhân vào thi, các quan đề điệu, giám thí khiến các giám quan kiểm cử phải công đồng kiểm xét trong trường, hoặc có dấu vết chôn giấu sách vở, hết thảy tìm xét. Đến khi sĩ nhân vào trường thì khám xét kỹ từ ngoài cửa trường, nếu thấy người nào sao chép văn bài mang theo, hoặc là người vào làm thay thì bắt ngay bản thân người ấy đưa ra xét hỏi. Người can phạm như hạng nói trên sung làm quân bản phủ 3 năm, suốt đời không được đi thi. Di phong giám không rõ thì bắt tội biếm hay giáng. Hai ty Thừa Hiến cũng phải công đồng kiểm xét, rồi mới cho vào trường để thi. Nếu người nào nêu ghi dấu gian thì bắt giữ đích thân, đem việc tâu lên để giao xét. Quan Thừa Hiến người nào dám trái phép dung túng kẻ gian làm bậy, quan khoa đài và sai nhân kiểm xét được thực, cũng đều đưa ra xét hỏi trị tội”… (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 751).

Về nông nghiệp, ngày mồng 8 tháng giêng năm Quý Hợi (1503), vua “có sắc chỉ dụ cho bọn Thanh Hoa tán trị thừa tuyên xứ ty tham nghị Dương Tĩnh rằng: Ta rất lưu ý về việc nhà nông, ngươi coi binh dân phải nên hết sức. Đi thăm nom không lười biếng; chứa, tháo nước phải theo thì. Chăm làm chính hay, để giữ công mãi (…) Trừ ra những việc đã tâu lên không kể, nơi nào bị hạn hay bị lụt, cần phải dự bị đề phòng trước về việc cày cấy. Các quan châu huyện kia, coi dân như người nước Tần, nước Việt, ai béo ai gầy không bợn lòng đến.  

Ta mỗi khi sai nội thần đi khám đồng điền thì thấy hoặc có chỗ ruộng đồng bờ thấp, hoặc đường đi bỏ rậm, hoặc bờ ruộng bị lở, hoặc thả vịt hại lúa, nước chứa chỉ được vài ngày, không thể lâu được, nắng chưa mấy ngày ruộng đã cạn hết nước, đó đều là do người chia lo với ta không được người giỏi, phương pháp để ngừa chống chưa có kế hay. Than ôi! Bọn các ngươi mũ áo cho đẹp, bổng lộc cho nhiều để làm cửa nhà cho giàu ư? Hay là để giúp việc cho vua? (…) Ngươi phải lập tức sửa làm các cống nước, xe guồng, khe nhỏ, đường lớn trong hạt, hạn 2 tháng phải xong. Ngươi phải thân đến kiểm lại, nếu hoàn hảo thì đặt vào hạng khảo bậc thượng, sửa đắp không tốt thì biên vào hạng không xứng chức, đề rõ ràng lên, để định thăng giáng. Nếu bọn người vô tình không chịu đốc thúc, đến khi mưa dầm, lúa ruộng bị ngập, xét được đích thực, sẽ giao xét hỏi cả” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 755).

Còn nhiều việc làm tốt đẹp, tích cực khác nữa của Lê Hiến Tông chứng tỏ ông là vị minh quân, được sử sách ghi nhận nhưng trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, chúng tôi không thể đề cập hết. Không phải vô cớ mà khi từ Bắc triều mang sắc phong sang, phong cho Lê Hiến Tông làm An Nam Quốc vương, vị quan đi sứ của nhà Minh là Lương Trừ đã nói với Đông các đại học sỹ Bùi Nhân của nhà Lê rằng: “Hôm nay được thấy quốc vương tuổi đã lớn, thực là tướng thánh nhân, thực là tướng trường thọ, quả là phúc lớn của sinh linh phương Nam. Sao mà học rộng và ứng tiếp mọi việc nhanh chóng, mẫn tiệp đến thế”! 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021

;