“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Đại dịch COVID -19 đã khiến cho cuộc sống của không ít người gặp khó khăn, vì vậy câu “Một miếng khi đói/ bằng một gói khi no”, càng khiến tôi nhớ đến lời ru của mẹ: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Bởi trong khi đói khát, hoạn nạn con người ta cần lắm sự giúp đỡ, sẻ chia của mọi người và cộng đồng xã hội.

Các địa phương đã kịp thời hỗ trợ cho hộ bán vé số ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh: Báo Đồng Tháp

Trước đây, khi đại dịch COVID -19 chưa ập tới, những người công nhân hay làm thuê cuốc mướn, bán vé số, xe ôm, bán hàng rong… còn có công việc để làm thì bữa cơm, họ có quyền “kén cá chọn canh”, thậm chí lãng phí thức ăn nếu họ không thích nhưng khi không còn việc để làm, thất nghiệp thì cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày họ chỉ mong có đủ miếng  ăn chứ chưa cần đến miếng ngon. Họ trân quý thức ăn biết chừng nào, vì lúc đói khổ họ mới nhận ra có thứ để lấp đầy cái bao tử thật sự là rất cần thiết. Tôi còn nhớ hồi nhỏ đi học, được mẹ mua cho ổ bánh mì ăn sáng. Tôi vùng vằng không ăn mà vứt ngay vào thùng rác. Tôi thấy một cô bé cũng bằng tuổi tôi, khắc khổ, quần áo tả tơi, mặt mày lấm lem. Bạn ấy chạy nhanh đến nhặt ổ bánh tôi vừa vứt rồi lao vội đi trong niềm vui sung sướng. Tôi tò mò đi theo bạn ấy, đến một góc khuất của con hẻm thấy bạn ấy bẻ đôi cái bánh mì vừa nhặt được đưa cho cậu em một nửa. Cậu em vui mừng hỏi: “Tiền đâu mà chị mua bánh mì vậy?”. Bạn ấy trả lời đầy tự hào: “Có người tốt bụng đã cho chị!”. Và rồi hai chị em ăn trong niềm vui và hạnh phúc. Mãi đến nhiều năm sau này, tôi vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết về chiếc bánh mì và hai chị em đó. Câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” cứ nhắc nhở tôi về những cái mà mình không trân trọng lại là điều quý giá với một người khác. Và tôi hiểu ra rằng, mọi vật đều có giá trị nếu nó được đến đúng nơi cần đến. Lúc đói thì được ăn một miếng nhỏ cũng đã đủ thấy hạnh phúc, vì nó mang lại sự sống.

Khi đại dịch COVID - 19 xuất hiện, chỉ nói riêng trên đất nước Việt Nam ta thôi, đã có không biết bao nhiêu doanh nghiệp lao đao, thậm chí phá sản. Biết bao nhiêu công nhân thất nghiệp, cộng theo đó là sự giãn cách xã hội đã khiến cho không biết bao nhiêu người làm nghề dịch vụ như xe ôm, bán vé số, bán hàng rong… phải lao đao vì miếng cơm, manh áo, cứ tưởng không biết cuộc sống rồi sẽ đi đến đâu. Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn, ở TP.HCM xuất hiện những “ông Bụt” giữa đời thường, họ là các Mạnh Thường Quân, những tấm lòng thiện nguyện, những nhà hảo tâm đã có tấm lòng “Thương người như thể thương thân” giống như trong chuyện cổ tích xuất hiện. Những cây ATM gạo, thực phẩm, trứng, hoa quả…và chợ 0 đồng, quán cơm 2.000 đồng… xuất hiện đã là địa chỉ thân thương với những người có  hoàn cảnh khó khăn. Câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” đã được dân tộc ta biến thành một nghĩa cử cao đẹp đầy tính nhân văn trong cuộc sống.

Mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau nhưng nếu ta biết đặt mình vào hoàn cảnh của những người gặp khó khăn, hoạn nạn thì cách hành xử của ta sẽ trở nên tốt đẹp và nhân văn hơn. Thức ăn vốn rất quý, chỉ cần ăn được là đã quý rồi. Hãy trân trọng chính cái đã nuôi sống mình. Những thứ mình không thích, có thể vẫn có ích với nhiều người khác. Ông bà ta dạy “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” là vì thế!

Tác giả: Hoàng Bích Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

 

;