Chuyển động của máy quay trong phim truyện

Hình ảnh chuyển động là một đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh. Đặc trưng này giúp điện ảnh khác biệt so với những môn nghệ thuật tạo hình khác như hội họa, nhiếp ảnh... Bài viết đề cập tới cách thức tạo ra các chuyển động của máy quay của các nhà đạo diễn, quay phim trong lịch sử điện ảnh thế giới bởi nó không chỉ là hình thức giúp hình ảnh sống động, nâng cao thẩm mỹ tạo hình mà còn là cách thể hiện nội dung mang tính nghệ thuật dựa trên nền tảng của thiết bị kỹ thuật…

Ảnh hậu trường phim Intolerance - Sử dụng thiết bị cần cẩu để tạo chuyển động máy quay thay đổi độ cao - Nguồn: provideocoalition.com

Năm 1896 (chưa đầy 1 năm ra đời của điện ảnh), nhà quay phim người Pháp Jean Alexandre Louis Promio đã đặt những nền móng đầu tiên cho việc chuyển động máy khi ông đặt chiếc máy quay lên thuyền để quay lại cảnh quan trên sông Venice ở Ý. Khi chiếc thuyền di chuyển, máy quay cũng di động theo, lần lượt những hình ảnh cứ lần lượt xuất hiện rồi vụt qua trong khuôn hình. Hình ảnh được chiếu lại sau đó đã tạo cảm giác thị giác giống hệt như những gì chúng ta vẫn cảm nhận được khi có sự vận động. Từ thời điểm ấy, hình thức tạo chuyển động bằng máy quay đã phát triển rộng rãi và mạnh mẽ đến ngày nay. “Cách thức” tạo chuyển động của máy quay dựa trên sự phát triển của công nghệ kỹ thuật đã giúp các nhà làm phim có thể tạo ra các cảnh quay chuyển động trong phim một cách thuận lợi và chính xác. Có những ý kiến cho rằng, những chuyển động được tạo ra “tại sao” và “khi nào” đôi khi gây ra những cuộc thảo luận hay tranh cãi phức tạp, thậm chí không có hồi kết như những bàn luận về cảnh quay theo dõi nổi tiếng mở đầu bộ phim Touch of Evil (Ngọn đuốc của quỷ) - 1958. Liệu rằng có cần thiết phải mở đầu bằng một cảnh dài như vậy, những chuyển động của máy quay phức tạp như vậy có quá khó để thực hiện hay không? Xét về phía cạnh của những người làm phim, cụ thể là dưới quan điểm của đạo diễn hay quay phim, sự thúc đẩy chuyển động máy quay dựa trên những hành động của chính các nhân vật và nó dẫn dắt được nội dung câu chuyện. Andy Romanoff, Chủ tịch của Hệ thống Panavision nói về cảnh quay mở đầu của phim Touch of Evil: Cảnh quay này vẫn đứng đầu danh sách những chuyển động máy quay tuyệt vời trong lịch sử phim điện ảnh - không phải về cảm xúc, mà chuyển động ấy là một phong cách kể chuyện tuyệt vời. Đó là một sự trình bày tuyệt vời, là cảnh quay tuyệt vời nhất, nhưng nó là để kể câu chuyện.

Trước khi bắt đầu thực hiện một cảnh quay, nhiều nhà làm phim băn khoăn và không muốn tùy tiện sử dụng di chuyển máy quay, các câu hỏi sẽ được đặt ra trong đầu họ: Khi nào nó cần thiết? Khi nào nên dừng lại? Và một chiếc máy quay đang di chuyển liệu có ý nghĩa gì đối với người xem?

Nhà quay phim người Mỹ Owen Roizman cho rằng: Triết lý của tôi là chuyển động tốt của máy quay xảy ra khi người xem thậm chí không nhận thức được sự chuyển động đó. Cách tiếp cận của tôi là luôn để bản năng, cảnh quay và những gì diễn viên đang làm quyết định liệu máy quay có nên di chuyển hay không. Đối với nhà quay phim, đạo diễn và nhà sản xuất phim người Mỹ William Ashman Fraker: Chuyển động của máy quay rất tuyệt, nhưng nó phải mang tính trình bày và tất cả đều xoay quanh câu chuyện. Bạn phải thu hút khán giả bằng hình ảnh, nhưng để làm được điều đó, bạn không cần chuyển động cầu kỳ như kiểu quay 360 độ hay những cú máy phức tạp trên dolly (1). Theo nhà quay phim, nhà sản xuất phim và đạo diễn người Mỹ Haskell Wexler, chuyển động của máy quay được sử dụng để dẫn dắt thị giác, mang lại cho mọi người cảm giác, cảm xúc, logic, kịch tính giống như cách ánh sáng và bố cục khuôn hình thể hiện vậy.

Từ những ý kiến được viết trong Tạp chí American Cinematographer của các nhà quay phim trên, chuyển động của máy quay không thể tách biệt khỏi những yếu tố quan trọng khác trong nghệ thuật tạo hình của nhà quay phim cũng như hình thức giúp gắn kết với nội dung. Hiểu theo cách ngắn gọn: chuyển động trong cảnh quay phải phù hợp với thiết kế hình ảnh tổng thể của bộ phim để có tác động chính xác tới tâm lý người xem.

Trên thực tế, chính sự chuyển động đã làm cho một bộ phim đến gần với khán giả hơn bởi vì nó phản ánh rất thật đời sống khi có sự vận động trong hình ảnh. Các nghệ thuật thị giác khác đều được thể hiện bằng chiếu sáng và bố cục, nhưng chỉ trong điện ảnh (và sau đó là truyền hình) mới có khả năng tái hiện lại một hình ảnh có tính chuyển động liên tục. Kể từ khoảng năm 1896, các nhà làm phim đã tìm mọi cách để làm được điều đó. Năm 1916, đạo diễn D.W. Griffith và nhà quay phim Billy Bitzer đã nghiên cứu để tạo ra một trong những chuyển động máy quay sớm nhất của điện ảnh trong bộ phim Intolerance (Không khoan dung)… Một cảnh quay được thực hiện bằng chuyển động máy quay đặt trên cần cẩu (crane shot) để miêu tả sự hoành tráng của buổi lễ đăng quang tại Babylonia. 

Khi phân tích lại cảnh quay thực hiện bằng chuyển động máy thay đổi độ cao, lý do cần thiết cho chuyển động đó là để thể hiện quy mô của bối cảnh, sau đó là mang tới trải nghiệm thị giác liên tục và chân thực hơn trong miêu tả hoạt động của nhân vật đang diễn ra. Đây là điều mà nhà phát minh ra thiết bị chuyển động chống rung Steadicam - Garrett Brown gọi là: “hiệu ứng 3-D”. Trong một đoạn trích từ bài viết về Máy quay chuyển động dành cho Zerb - Tạp chí của Hiệp hội quay phim truyền hình, Brown giải thích rằng khi máy quay bắt đầu chuyển động, chúng tôi bất ngờ nhận được thêm nhiều thông tin về hình dạng và kích thước của các đối tượng trong khuôn hình. Hình ảnh hai chiều mang lại ảo giác về không gian ba chiều và chúng ta được trải nghiệm qua màn hình, ngày càng đi sâu hơn vào một thế giới gần với chúng ta.

Khi kỷ nguyên phim câm đạt đến đỉnh cao vào những năm 20 của TK trước, các nghệ sĩ trên khắp thế giới đang tìm ra những cách mới để kết hợp chuyển động của máy quay phù hợp với ngữ cảnh phim. Trong khi ở Liên Xô (trước đây) Sergei Eisenstein đang tiên phong với những thử nghiệm về dựng phim, thì ở Đức đạo diễn Friedrich Wilhelm Murnau đang thử nghiệm các phương pháp kể chuyện khác thông qua các phương tiện như xe đạp, xe ô tô, máy quay cầm tay… nhằm tạo chuyển động trực quan. Bộ phim The Last Laugh (Tiếng cười cuối cùng -1924) của đạo diễn F. Murnau có những chuyển động hình ảnh biểu cảm trực quan ấn tượng. Trong một cảnh quay, máy quay được vận hành từ việc đặt lên chiếc xe đạp hay trong một cảnh khác, Karl Freund (trong vai trò quay phim) buộc máy quay vào ngực diễn viên để mô phỏng góc nhìn của một nhân vật say rượu. Khi Murnau đến Hollywood để làm bộ phim Sunrise - A song of two humans (Bình minh: Bài hát của hai con người - 1927) ông đã du nhập phong cách di động máy của mình, làm việc với các nhà quay phim Charles Rosher và Karl Struss để giải phóng máy quay khỏi sự ràng buộc tại một vị trí cố định. Sunrise - A song of two humans là bộ phim truyền hình lãng mạn được thu thanh đồng bộ. Nhà quay phim và đạo diễn phim người Mỹ John Bailey đã mô tả một cách đầy nhiệt huyết về những cảnh quay trong phim và coi đó là “một trong những cảnh quay nổi tiếng nhất trong tất cả các bộ phim câm”. Chuyển động trong cảnh quay đó bắt đầu với nhân vật chính - một nông dân bước vào đầm lầy vào ban đêm để hẹn hò với một phụ nữ dâm đãng trong thành phố. Khi người nông dân di chuyển qua bối cảnh đầy sương mù, máy quay chuyển động như đang theo dõi anh ta, không phải trên một chiếc xe lăn mà trên một đường ray trên cao với một bệ treo trên đó. Với một phân cảnh nổi tiếng khác trong Sunrise - A song of two humans, các nhà làm phim đã đặt máy quay trên một chiếc xe đẩy di chuyển liên tục trên đường ray từ vùng nông thôn đến thành phố. Murnau và các nhà quay phim của ông luôn tìm lý do để giải phóng máy quay, dù là để thể hiện cảm xúc (như trong cảnh đầm lầy) hay để đưa các nhân vật từ không gian này đến không gian khác một cách sinh động liền mạch thay vì cắt cảnh liên tục.

Đối với đạo diễn người Pháp Abel Gance, “chân máy là một bộ nạng, hỗ trợ trí tưởng tượng khập khiễng”. Điều đó cho thấy quan điểm rõ ràng của tác giả về sự cần thiết của những chuyển động máy quay mang tính di động hơn là cố định một vị trí khiến cho sự sáng tạo không thể đi xa. Nhớ lại tác phẩm lớn nhất của Gance, Napoleon (Hoàng đế Napoleon - 1927), ông cùng nhà quay phim Jules Kruger mạnh dạn gắn máy quay lên mọi loại phương tiện có thể thực hiện các cảnh quay trong phim. Từ buộc máy quay vào mông ngựa đang phi, ném máy quay đang ghi hình từ trên sườn núi xuống… nhằm thu được những hình ảnh mang đến ấn tượng khác lạ về chuyển động. Tuy nhiên, nó cũng mang tới nhiều rủi ro cho thiết bị, nên về sau, ít có bộ phim nào sử dụng lại cách làm này. Mọi thứ dường như thay đổi khi phim bắt đầu có lời thoại, các nhân vật được nói chuyện. Nhu cầu về kỹ thuật ghi âm cuộc đối thoại yêu cầu máy quay cố định hoặc ở gần nhân vật. Điều đó đã ảnh hưởng tới khả năng thực hiện các chuyển động máy ở những khoảng cách xa gần khác nhau. Do đó, trong thời điểm 1930-1940, có rất ít chuyển động của máy quay được thực hiện trong các bộ phim.

Trong những năm của thập niên 40 của TK trước, đạo diễn phim người Đức Max Ophuls đã du nhập phong cách tạo chuyển động trong hình ảnh bằng việc lia máy (2) vào điện ảnh Hollywood. Khi trở lại châu Âu, Ophuls đã đạo diễn bốn bộ phim: La Ronde (Điệu nhảy tình yêu), Le Plaisir (Vinh hạnh), The Earing of Madame de (Đôi hoa tai của Madame de), Lola Montes (Vũ công Lola Montes), tất cả đều do Christian Matras đảm nhiệm vai trò quay phim - đã nâng tầm cho chuyển động của máy quay. Thu hút sự chú ý của người xem từ cảnh mở đầu trong La Ronde, dài khoảng tám hoặc chín phút, được thực hiện trong trường quay. Chuyển động máy kéo dài được dàn dựng theo nền nhạc, người chủ trì nghi lễ Anton Walbrook dẫn dắt người xem xuyên suốt các không gian bối cảnh, cuối cùng bước xuống một băng chuyền, chuyển động máy trong cảnh này như phép ẩn dụ cho cấu trúc tường thuật của bộ phim “Một chặng đường của tình yêu”. Trong cuốn sách The American Cinema (Điện ảnh Mỹ - 1968), nhà phê bình phim Andrew Sarris cho rằng ý nghĩa của phong cách tạo chuyển động của Ophuls là: “Thời gian không có điểm dừng”.

Đạo diễn Stanley Kubrick (một đạo diễn tài năng chịu nhiều ảnh hưởng cũng như hâm mộ các chuyển động máy quay của Ophuls) trong bộ phim sử thi Paths of Glory (Đường tới vinh quang) về Thế chiến thứ nhất năm 1957, ông và nhà quay phim George Krause đã bày tỏ lòng kính trọng bằng một cảnh chuyển động mang tính bao quát. Tuy nhiên, Paths of Glory thậm chí còn đáng chú ý hơn nhờ những chuyển động máy quay kéo dài trong chiến hào (chiến hào phải làm rộng hơn hai feet so với thực tế để phù hợp với chuyển động của máy trong cảnh quay). Máy quay quay lại cảnh một vị tướng kiểm tra những đội quân mệt mỏi, mất tinh thần, những người xuất hiện và lùi dần về hai bên khung hình như những người tầm thường. Sau đó, chính vị tướng đó phái những đội quân đó qua chiến hào và vào chiến trường để thực hiện một nhiệm vụ tự sát, và máy quay di chuyển theo họ - dừng lại khi họ ngã xuống, rồi đi tiếp. Đối với Paths of Glory, nhà quay phim George Krause đã thực hiện một số động tác dolly ngoạn mục để giúp đạo diễn Stanley Kubrick truyền tải sự khủng khiếp của chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất. Các đường ray đặc biệt được xây dựng để các nhà làm phim có thể đưa người xem vào chiến hào. Những chuyển động máy này có sức mạnh rất lớn trong việc khiến khán giả cảm thấy điều tồi tệ không thể tránh khỏi đang diễn ra và tập trung họ hướng tới điều đó. Đây là chuyển động tạo ra cảm xúc cho người xem.

Khi xem các cảnh quay trong phim có sử dụng chuyển động máy, ta sẽ thấy có lúc chuyển động của máy quay phim không trùng khớp hành động của nhân vật, như di chuyển máy sớm hơn hoặc vẫn tiếp tục di chuyển sau khi nhân vật dừng lại. Nhưng bản chất sự di chuyển đó là thu hút sự chú ý thông qua ống kính máy quay để tạo cảm giác cho khán giả nhập cuộc, một sự hiện diện, nếu không muốn nói là một nhân vật khác đang tham gia câu chuyện. Khi có một căn phòng yên tĩnh, một người đang ngồi một mình và máy quay di chuyển xung quanh anh ta, khán giả sẽ có phản ứng chủ quan rằng có người khác ở đó. Điều đó có nghĩa tác giả đang nói với khán giả rằng đây là một bộ phim, nghĩa là cách mà chúng tôi kể chuyện. Sự phản ánh nội dung trong phim thông qua chuyển động máy quay sẽ thật hơn chứ không phải ghi lại đơn thuần.

Trong bộ phim Picnic (Chuyến đi dã ngoại - 1955), Wexler - nhà quay phim người Mỹ đã thực hiện cảnh quay chuyển động trên không trung bằng cách đưa máy quay lên trực thăng. Đánh dấu cho sự thay đổi về chuyển động máy quay ở một hình thức khác. Cảnh quay bắt đầu trên một chiếc xe buýt mà Kim Novak vừa lên, để lộ ra khung cảnh từ trên cao của vùng đất nông nghiệp Kansas. Sau đó, trực thăng di chuyển ngang qua rừng để bắt kịp chuyến tàu chở William Holden, người mà Novak đang đi gặp. Chuyển động này phục vụ hai mục đích: nó kết nối các không gian ở khoảng cách xa nhau và hơn hết là mang theo cảm xúc về hi vọng gặp được nhau. Có thể nói, việc tạo được hình ảnh liên tục giữa hai không gian cách xa nhau nhờ vào chuyển động máy quay không đơn giản. Để làm được điều này, nhà quay phim Wexler phải ngồi trên chiếc trực thăng của hải quân với sợi dây quanh eo, tay cầm máy quay để thực hiện nhiệm vụ. Nỗ lực này đã được đền đáp và cảnh chuyển động máy quay hoành tráng trên không đã trở thành đặc trưng của thể hiện hình ảnh trên màn ảnh rộng trong những năm 50, 60 của TK trước. 

Việc giải phóng máy quay khỏi ràng buộc thiết bị âm thanh trùng hợp với sự nổi lên của phong cách cá nhân trong phim. Điều đó có nghĩa là sự gia tăng các phong cách tạo chuyển động máy quay khác nhau. Điển hình là sự gia tăng đột ngột của hình thức máy quay cầm tay, nổi bật nhất là các nhà làm phim thuộc trào lưu “Làn sóng mới ở Pháp”. Nhà quay phim Raoul Coutard, người đã quay nhiều cảnh quay với máy cầm tay đã tạo ra cảm giác cho bộ phim Band of Outsiders (Những người ngoài cuộc - 1963) của Jean-Luc Godard như thể tường thuật trực tiếp. Khi xem phim của Godard, cái cách ông làm phim như một phản ứng chống lại bất cứ điều gì chưa được thực hiện. Máy quay cầm tay không được sử dụng để thực hiện chuyển động đi theo nhân vật trong lý thuyết làm phim truyền thông và ông ấy làm ngược lại. Nó đi cùng với mong muốn của tác giả chứng tỏ rằng không có gì là giới hạn trong nghệ thuật sáng tạo. Sự giải phóng quan điểm chính là điểm mấu chốt, điều ấy lại một lần nữa được thể hiện trong bộ phim Jules and Jim (Jules và Jim - 1962) do Francois Truffaut đạo diễn. Với cảnh quay bằng máy cầm tay nổi tiếng của Oskar Werner, hai nhân vật Henri Serre và Jeanne Moreau chạy thi trên một cây cầu ở Paris. Sự tự do của máy quay và sự tự do của các nhân vật đã hòa vào làm một.

Cuối thập kỷ đó, các nhà làm phim một lần nữa khám phá những khả năng chuyển động máy quay được tạo ra bằng cách gắn máy lên các phương tiện đang di chuyển. Để ghi lại cuộc rượt đuổi bằng ô tô tạo sự chân thật, Fraker - người quay bộ phim Bullitt (Nhân chứng câm lặng - 1968), đã gắn camera bên trong và bên ngoài ô tô. Đây là lần đầu tiên sử dụng rộng rãi đường ray ống để gắn camera trên ô tô. Fraker thậm chí còn được nhắc tới khi ông sử dụng chuyển động của máy quay trong một bộ phim khác, Rosemary’s Baby (Đứa con của Rosemary - 1968) do Roman Polanski đạo diễn. Một cảnh quay đặc biệt liên kết giữa Mia Farrow và John Cassavetes, đó là một cảnh quay tĩnh xuyên suốt, dài khoảng hai phút rưỡi hoặc ba phút. Sau đó, máy quay chuyển động tiến đến Mia và cô ấy nói: “Ôi, Chúa ơi. Nó còn sống, đứa bé còn sống”. Vào thời điểm đó, đạo diễn Roman Polanski đã có được khán giả. Tất cả chỉ là dành sự chuyển động cho thời điểm bạn muốn tạo điểm nhấn cho câu chuyện.

Roizman - nhà quay phim người Mỹ nổi tiếng đã mở rộng và cải tiến phong trào đặt máy quay phim trên xe hơi. Nhiều loại giá đỡ máy quay được lắp bên trong và bênh cạnh cửa chiếc ô tô để thực hiện các cảnh trong phim The French Connection (Sự kết nối của Pháp - 1971), do Owen Roizman quay. Cuộc rượt đuổi liên tục, trong đó thám tử Popeye Doyle của Hackman truy đuổi một tên tội phạm đang cố gắng trốn thoát trên tàu điện ngầm, đã được ca ngợi là một trong những cảnh ly kỳ nhất trong lịch sử điện ảnh. Những cảnh quay chuyển động miêu tả cuộc rượt đuổi xe hơi không chỉ nổi tiếng trong phim, từ đó đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phong cách thể hiện hình ảnh của các thế hệ sau.

Những cách mới để đạt được nhiều chuyển động hơn vẫn tiếp tục được phát triển. Thiết bị chuyển động chống rung Steadicam (3) của Brown đã tạo ra tác động mang tính cách mạng đối với những bộ phim như Rocky (Võ sĩ Rocky), Bound for Glory (Hướng tới vinh quang). Bound for Glory là bộ phim điện ảnh đầu tiên mà nhà phát minh Garrett Brown sử dụng Steadicam mới sáng chế của mình để quay các cảnh chuyển động cho máy quay. Những đóng góp không nhỏ của Stedicam đã giúp đạo diễn hình ảnh Haskell Wexler đã giành giải Oscar dành cho Quay phim xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 49. Haskell quan điểm rằng thiết bị này là một sự thay thế tốt cho chuyển động máy trên các thanh ray, nơi mà khi mà bạn không thể thực hiện cú máy miêu tả chuyển động của nhân vật theo một cách tự do. Mặc dù kỹ thuật quay Steadicam khó thực hiện hơn trên ray nhưng nó tạo được cảm giác hình ảnh tốt hơn nhiều so với chuyển động máy quay cầm tay. Trong The Shining (Khách sạn ma ám - 1980), thiên hướng quay theo chuyển động vô tận của Kubrick đã cho phép thiết bị của Brown phát huy một cách hoàn hảo công dụng của nó trong các cảnh quay của phim. Nhờ vào Stedicam, việc máy quay chuyển động lùi lại phía sau những nhân vật bị lãng quên ở những nơi đáng sợ đã khiến khán giả xem phim lo lắng, nhưng những chuyển động mượt mà của máy quay với cảm giác nhân vật chạy trốn, truy đuổi không ngừng nghỉ đã dần dần khiến cho khung cảnh lạnh lẽo bao la trong phim càng trở nên nguy hiểm.

Hiện nay, có quá nhiều phim và các chương trình truyền hình liên quan đến việc thu hút sự chú ý của mọi người bằng việc tạo chuyển động máy quay trong tác phẩm. Niềm đam mê với các ứng dụng trong công nghệ kỹ thuật và thiết bị hỗ trợ chuyển động đa dạng đôi khi đã ngăn cản nhiều nhà làm phim đương đại khám phá những cách khác để truyền đạt kịch tính bằng hình ảnh. Nhiều nhà làm phim sử dụng chuyển động của máy quay chỉ để tạo ra sự thú vị nào đó trong một cảnh mà bản chất cảnh quay đó không có sự thúc đẩy chuyển động và cũng không cần thú vị. Vấn đề cần thiết để thúc đẩy chuyển động máy được đưa ra vừa quan trọng vừa khó nắm bắt, mọi người trở nên say mê với ý tưởng về cảnh quay cần cẩu quy mô hoặc cảnh quay Steadicam dàn dựng công phu, và họ đặt ra một chuyển động được dàn dựng tỉ mỉ có giá trị trong hai phút, nhưng lại dễ rơi vào tình trạng cạn kiệt cảm xúc sáng tạo sau những cảnh quay đó.

Kết luận

Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển đã giúp các nhà làm phim thực hiện các chuyển động máy quay một cách đa dạng, thuận lợi. Tuy nhiên, khi chuyển động máy trở nên quá dễ dàng thì cái “chất” thực sự của chuyển động lại dễ mất đi. Có điều gì đó về những cảnh quay Dolly và cần cẩu thời điểm đầu của điện ảnh dù thực hiện với kỹ thuật vụng về trong các bộ phim cổ điển, nhưng chúng vẫn gây được tiếng vang. Có lẽ là những chuyển động ấy đã vượt lên khỏi những đánh giá về kỹ thuật thông thường mà đạt đến một tầm giá trị quan trọng hơn. Đó là chuyển động máy quay phải phục vụ cho mục đích kể chuyện, cho tính thẩm mỹ của hình ảnh và tạo ra ý nghĩa nội dung. Xuất phát từ những cơ sở đó, các nhà làm phim mới có thể thực hiện những cảnh quay bằng chuyển động máy quay tuyệt vời, bất kể nó là hình thức chuyển động nào. Chuyển động của máy quay hoàn toàn là vấn đề về phong cách, không có gì gọi là chuyển động quá nhiều trừ khi nó không phục vụ những gì bạn đang cố gắng đạt được. Nếu bạn là tác giả chỉ yêu thích nhạc Jazz, thì bạn sẽ khó có thể yêu thích một buổi biểu diễn nhạc Rock sôi động. Nhưng khán giả thì đa chiều, họ yêu thích nhiều thể loại nhạc khác nhau. Do đó trong phim, việc sử dụng các chuyển động máy quay vào các cảnh quay là không giới hạn, chỉ có điều tác giả vẫn luôn phải đi tìm câu trả lời phù hợp cho những chuyển động ấy.

____________________

1. Dolly là thiết bị hỗ trợ chuyển động máy quay, hệ thống này bao gồm các thanh ray được ghép lại tạo thành đường ray. Máy quay đặt trên bàn ray, bàn ray có bánh xe để trượt trên ray. Khi cần chuyển động sẽ có người đẩy bàn ray.

2. Lia máy: Thay đổi hướng ống kính thông qua tác động của người quay phim lên máy quay.

3. Stedicam: Thiết bị hỗ trợ chống rung khi chuyển động. Stedicam được thiết kế với bộ lò xo trợ lực, giảm sóc và tay cầm điều chỉnh.

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Tạo Kim, Ngôn ngữ tạo hình trong sự phát triển của kỹ thuật điện ảnh, Nxb Sân Khấu, 2009.

2. Phạm Thanh Hà, Quay phim Điện ảnh và Truyền hình, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2015.

3. Calhoun, John, Đưa chuyển động vào phim, tập 84, số 10, Tạp chí American Cinematographer, 2003.

4. Bordwell, David và Kristin Thompson, Phim nghệ thuật, tái bản lần thứ 7, Boston, 2004.

5. Kyle Barrowman, Cách thực hiện mọi việc với chuyển động của máy quay, Senses of Cinema, 2022.

6. Laura Mulvey, Niềm vui thị giác và điện ảnh kể chuyện, 1975, tr.6-18.

DƯƠNG HỒNG VINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;