Để bạn đọc tiếp cận gần hơn với nguồn tài nguyên thông tin trong hệ thống thư viện

 

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định việc chuyển đổi số là một tất yếu khách quan cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có kế hoạch số 402/KH – UBND ngày 15/9/2021 về Triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 335 /KH-UBND, ngày 12/9/2021 về Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030...

Sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đã thể hiện tính bức thiết và yêu cầu tất yếu trong việc chuyển đối số ở các lĩnh vực nói chung và Thư viện nói riêng.

Thư viện tỉnh Hà Tĩnh là cơ quan chuyên môn thuộc sự quản lý và chỉ đạo của Sở VHTTDL, nằm trong hệ thống thư viện công cộng và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam - Bộ VHTTDL.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, đến nay, Thư viện tỉnh đã bổ sung xây dựng được gần 300.000 bản sách, trong đó có kho sách địa chí với nhiều tài liệu được coi là quý hiếm; trên 300 loại báo và tạp chí, hơn 4.000 tư liệu địa chí về địa phương Hà Tĩnh. Thư viện tỉnh Hà Tĩnh có mạng lưới thư viện từ tỉnh đến cơ sở với 13 Thư viện huyện, thị. Thư viện đã có nhiều hình thức hoạt động thu hút được nhiều đối tượng độc giả và phục vụ tốt nhu cầu đọc của đông đảo nhân dân trong tỉnh. Thư viện tỉnh Hà Tĩnh là nơi cung cấp và lưu trữ thông tin tri thức thuộc mọi lĩnh vực khác nhau, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục.

Chuyển đổi số trong ngành Thư viện tại Thư viện tỉnh sẽ mang lại một số lợi ích thiết thực, phù hợp với định hướng và xu thế phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay:

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của Thư viện.

Tạo được bộ cơ sở dữ liệu số, tài nguyên số, số hóa các dạng tài liệu quý hiếm để lưu trữ và cung cấp cho bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu.

Cung cấp nguồn tài liệu phong phú dưới nhiều dạng thông tin khác nhau, nguồn thông tin được khai thác nhanh và chính xác, trên nhiều hệ thống, phương tiện điện tử thay cho việc phải khai thác một cách chậm chạp hiện nay. Thiết lập hệ thống thông tin đối thoại, trao đổi giữa bạn đọc, nhà đầu tư, nhà nghiên cứu, các cá nhân với Thư viện tỉnh, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của các tầng lớp nhân dân và xây dựng xã hội học tập.

Thư viện ngày càng thu hút nhiều người trẻ - Ảnh: Hà Tuyên

 

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành tại Thư viện tỉnh sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Thư viện tỉnh, cung cấp các phương thức tích hợp, chia sẻ thông tin với các hệ thống đã có của các cơ quan nhà nước, cũng như nâng cao khả năng trao đổi thông tin, kết nối với các cơ sở dữ liệu. Đồng thời, nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thư viện trong giai đoạn mới và nâng cao công tác thư viện phục vụ được bạn đọc tốt hơn, số lượng đông hơn, đưa hoạt động thư viện lên một bước tiến mới, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của các tầng lớp nhân dân và xây dựng xã hội học tập.

Chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu trong sự phát triển hiện nay,  với xu thế thông tin toàn cầu thì việc xây dựng một hệ thống thông tin phục vụ cho các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, giải trí… của nhân dân địa phương là một nhu cầu không thể thiếu được. Hệ thống thông tin này phải xây dựng một cách hiện đại, đáp ứng được yêu cầu sử dụng hiện tại cũng như trong tương lai. Hệ thống thông tin được xây dựng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện cho phép quản lý, lưu trữ và tìm kiếm, khai thác một cách dễ dàng, đồng thời bảo đảm được vấn đề bảo mật.

Để thực hiện được mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra đối với Thư viện tỉnh là phải ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý thư viện, mục tiêu cụ thể khi thực hiện chuyển đổi số:

Nâng cấp trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh thành Cổng thông tin điện tử theo hướng hiện đại gắn với cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, tích hợp các thành phần dữ liệu mở.

Nâng cấp hệ thống các phần mềm thư viện điện tử hiện đại phục vụ cho công tác thư viện, hỗ trợ đắc lực cán bộ thư viện phục vụ bạn đọc, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Số hóa các tài liệu cổ, quý hiếm và nguồn tư liệu có giá trị trong nước và trên thế giới, sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh Hà Tĩnh thu thập, quản lý.

Xây dựng và phát triển vốn tài liệu phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa của địa phương và đối tượng phục vụ; thống kê nhu cầu độc giả, tìm kiếm chọn lọc để bổ sung các nguồn thông tin phù hợp và có giá trị với địa phương thông qua các phương thức khác nhau (mua, nhận lưu chiểu, nhận tặng biếu và trao đổi tài liệu…)

Thu nhập thông tin mới, tiến bộ, giới thiệu và cung cấp các thông tin đó cho độc giả thông qua các loại hình và sản phẩm thông tin của Thư viện tỉnh.

Liên kết với các Thư viện công cộng trong toàn quốc, các nhà xuất bản, các nhà cung ứng xuất bản phẩm trong việc nghiên cứu, định hướng nhu cầu đọc, các kế hoạch xuất bản và phát hành các loại hình tài liệu phù hợp và cung ứng với công tác thư viện.

Bổ sung sách, báo, tạp chí, tranh ảnh, bản đồ, các vật mang tin và các nguồn thông tin khác từ trong và ngoài thư viện thông qua các phương thức khác nhau. Cung cấp các thông tin, tư liệu cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức, các cán bộ lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, giới trí thức và tất cả các tầng lớp nhân dân.

Quản lý và lưu trữ dữ liệu, trao đổi và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thông tin - thư viện; xử lý tư liệu đầu vào theo các phương pháp nghiệp vụ chuyên ngành; cung cấp thông tin cho độc giả về các tài liệu mới, về các chuyên đề khi có yêu cầu đảm bảo nhanh, chính xác, hiệu quả nhất phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu giải trí của nhân dân…

Việc chuyển đổi số trong công tác quản lý thư viện là hết sức cấp bách và cần thiết từ đầu tư về trang thiết bị, hệ thống mạng LAN, CSDL, hệ thống phần mềm quản lý thư viện sẽ giúp cho Thư viện tỉnh Hà Tĩnh thành một thư viện điện tử hiện đại phù hợp với sự phát triển của hoạt động thư viện theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, giúp bạn đọc tiếp cận gần hơn với nguồn tài nguyên thông tin và hướng tới xây dựng xã hội học tập.

 

MAI QUỐC QUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;