Từ gia đình, văn hóa gia đình, giáo dục gia đình đến xây dựng chiến lược gia đình trong thời kỳ mới

Gia đình là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống của dân tộc; là chiếc cầu nối giữa cá nhân với cộng đồng; là hạt nhân, tế bào của xã hội. Gia đình là tổ ấm hạnh phúc mà mỗi con người đều hướng tới. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội chính là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gia đình truyền thống Việt Nam xưa rất chú trọng xây dựng gia đạo, gia phong và gia lễ, trong đó gia đạo là sức mạnh của gia đình. Gia đạo là đạo đức của gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em. Đạo hiếu là hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Gia lễ là phép ứng xử của con người trên nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết, đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh - ở thời đại nào văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh con người trong từng tế bào của xã hội. Bởi vậy, gia đình tốt là bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”.

Kế thừa, phát triển các quan điểm chỉ đạo của Đảng qua các kỳ đại hội, những hội nghị Trung ương về lĩnh vực văn hóa trước đây, các Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng không chỉ đặt vấn đề “Đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam” mà còn nhấn mạnh, làm rõ yêu cầu về “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển, công cuộc hội nhập công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngày càng sâu rộng, việc gắn bó chặt chẽ hữu cơ mối quan hệ “ Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” với hệ giá trị gia đình Việt Nam là một nhận thức mới, trong đó đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng của nó với tư cách là tế bào xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa con người Việt Nam. Văn hóa gia đình là một dạng đặc thù của văn hóa xã hội, bao gồm tổng thể các giá trị chuẩn mực, cách hành xử mà các thành viên trong gia đình tiếp nhận, ứng xử với nhau trong gia đình và xã hội. Hệ giá trị văn hóa gia đình bao gồm hai yếu tố chính: Giá trị cấu trúc và giá trị chức năng. Giá trị cấu trúc là giá trị biểu hiện các mối quan hệ bên trong của gia đình: quan hệ giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái, quan hệ giữa anh, chị - em, ông bà - các cháu. Giá trị cấu trúc trong văn hóa gia đình còn biểu hiện ở quy mô gia đình, số lượng các thành viên quan hệ trong các hình thái gia đình và vai trò của mỗi thành viên trong các hình thái đó. Giá trị chức năng của gia đình gồm : Chức năng sinh đẻ; chức năng nuôi dưỡng và giáo dục con cái; chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình; chức năng kinh tế. Văn hóa gia đình góp phần duy trì và phát triển văn hóa các nhóm cộng đồng xã hội. Nó lưu giữ, bảo tồn các giá trị chuẩn mực văn hóa truyền thống của các cộng đồng trong đời sống gia đình bởi lẽ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình luôn gắn kết chặt chẽ với các giá trị tốt đẹp của cộng đồng xã hội. Trong văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam, các giá trị “ trung - hiếu”, “ hiếu - nghĩa” luôn gắn bó, hòa quyện hữu cơ với nhau.

Vai trò giáo dục của ông bà, cha mẹ đối với các thành viên trong gia đình rất quan trọng. Trước hết là giáo dục để các thành viên thấm nhuần đạo lý truyền thống của người Việt Nam: có tình yêu quê hương, đất nước, biết trân trọng và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, có tình thương với mọi người, biết kính trọng người cao tuổi, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, họ hàng; biết ứng xử có văn hóa với thầy cô, bè bạn, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ mọi người; có các đức tính trung thực, thẳng thắn, ý chí vượt mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Giáo dục trí tuệ giúp các thành viên trong gia đình có thêm những kiến thức ở nhiều lĩnh vực,  hiểu biết những điều cơ bản của pháp luật; các con có thêm kinh nghiệm, kỹ năng sống để biết tự bảo vệ mình không sa vào các tệ nạn xã hội. Giáo dục về sức khỏe không ngừng nâng cao thể lực cho các thành viên, hình thành thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên, hướng dẫn các con giữ gìn nâng cao sức khỏe, có chế độ ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng, giữ vệ sinh cá nhân, nghỉ ngơi hợp lý, giữ gìn môi trường vệ sinh sạch sẽ trong gia đình, hàng xóm và cộng đồng. Giáo dục lao động giúp các thành viên gia đình nâng cao nhận thức về lao động, coi lao động là con đường tốt nhất để xây dựng gia đình phát triển bền vững. Vợ chồng, con cái đều phải tham gia lao động, làm việc nhà, phát triển kinh tế tùy theo điều kiện sức khỏe, khả năng của mỗi người. Giáo dục sức khỏe sinh sản trong gia đình là giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, nam giới; kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, thanh niên thời kỳ tiền hôn nhân. Tóm lại, trong giáo dục gia đình, có rất nhiều nội dung vừa cụ thể vừa thiết thực. Nếu mọi gia đình đều chú ý đến nội dung quan trọng này sẽ là cơ sở vững chắc để gia đình phát triển bền vững, xã hội bớt đi những gánh nặng... từ đó có thể dành nhiều nguồn lực cho phát triển an sinh xã hội.

Nhiều thập kỷ qua, cơ cấu xã hội có sự biến đổi nhưng tổ chức gia đình không biến đổi nhiều. Gia đình là tế bào của xã hội, do đó văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được từ sự giao lưu mở cửa hội nhập, gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách sóng gió. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội, các giá trị văn hóa, gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Hiện nay, khi đại dịch COVID - 19 tiếp tục hoành hành, công ăn việc làm của nhiều gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thời gian các thành viên ở nhà nhiều hơn, phải đối mặt với những mâu thuẫn từ những bức bối trong cuộc sống dễ dẫn đến xung đột. Điều này lý giải tại sao xu hướng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng.

Gia đình, văn hóa gia đình, giáo dục gia đình có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Muốn làm tốt công tác quản lý gia đình để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội tất yếu phải có chiến lược gia đình. Chiến lược này qua từng giai đoạn, từng thời kỳ cần những nội dung, mục tiêu cụ thể. Để công tác gia đình đi vào nề nếp, có bước phát triển vững chắc rất cần thiết phải xây dựng Chiến lược phát triển Gia đình trong giai đoạn mới. Vậy trong giai đoạn 2021 – 2030, khi xây dựng Chiến lược phát triển gia đình cần chú ý những vấn đề gì? Theo tôi, chúng ta cần chú ý đến một số nội dung sau: Thứ nhất, cần có chính sách cụ thể của Nhà nước để đảm bảo cho mục tiêu phát triển gia đình bền vững. Xin đưa ra một số ví dụ: Nâng cao chất lượng công tác y tế, giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm đảm bảo an sinh xã hội. Chú trọng đồng bộ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, nâng cao y đức của đội ngũ y, bác sĩ; tập trung huy động nhiều nguồn lực tăng cường xã hội hóa để xây dựng và nâng cấp hệ thống bệnh viện công từ tuyến huyện đến tỉnh, củng cố trạm y tế, xã, phường, thị trấn. Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021- 2030 của Đảng Cộng sản Việt Nam được nêu rõ trong Đại hội XIII: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Tận dụng hiệu quả các cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số… Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới mười ngàn người, đặc biệt là dân tộc thiểu số có nguy cơ suy giảm giống nòi… Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân” nâng cao chất lượng dân số gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo mức tăng dân số hợp lý và cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cho nhân dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ, an toàn thuốc chữa bệnh...

Thứ hai cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác gia đình, thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác gia đình. Các ngành, các cấp cần lưu ý công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Sở, ngành chuyên môn có kế hoạch cung cấp đến các gia đình kiến thức, kỹ năng sống thông qua các các hoạt động phù hợp tránh tình trạng lâu nay không có đơn vị nào lo cụ thể ở mảng việc này.

Thứ ba, cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác gia đình ở các cấp, xây dựng các đề án cụ thể để thực hiện công tác xã hội hóa gia đình. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, lồng ghép các chương trình và đẩy mạnh hợp tác để phát triển kinh tế gia đình. Sở VHTTDL, Sở Lao động, Thương binh xã hội phối hợp với Hội Phụ nữ thực hiện có hiệu quả mô hình gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, CLB phòng chống tệ nạn xã hội, CLB gia đình hạnh phúc… tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận các kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng cơ sở phúc lợi xã hội, giúp đỡ chăm sóc người già, người tàn tật, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi gia đình người có công với cách mạng, chính sách trợ giúp xã hội với gia đình gặp rủi ro, thiên tai.

Gia đình là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Vận động các gia đình tích cực thực hiện hương ước, quy ước văn hóa; giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội; chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để chúng ta tăng cường nhận thức, chung tay góp sức của các cấp, các ngành để gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người dân. Công tác gia đình là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Tác giả: Trần Văn Quang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

 

 

 

;