Cần những không gian sáng tạo cho người trẻ

Diễn viên Ngọc Xuân đoạt Giải Diễn viên trẻ triển vọng, vai Miền trong bộ phim "Ngày xưa có một chuyện tình" tại LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII- Ảnh: Trần Huấn

 

Trong mọi lĩnh vực, ngành nghề luôn có sự tiếp nối, truyền thừa từ thế hệ trước sang thế hệ sau tạo nên một dòng chảy xuyên suốt. Trong quá trình đó sẽ có những giá trị, những yếu tố được bảo tồn, lưu trữ. Một số giá trị là sự tiếp nối, được xây dựng và phát triển trên nền hệ thống hay những thành tựu trong quá khứ. Tuy nhiên, sẽ có không ít những yếu tố mới, những giá trị mới được thiết lập. Tham gia vào quá trình đó, không thể thiếu lớp trẻ - nét gạch nối giữa quá khứ và tương lai. Để phát triển, để tiến về phía trước luôn cần một không gian đủ rộng để những tài năng trẻ có đất để dụng võ và trở thành nguồn lực trong sáng tạo.

Tuổi trẻ thường gắn với cái mới, với ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến và mong muốn thay đổi. Chính khát vọng đó mà các ngành nghề, mọi lĩnh vực sáng tạo đều thu hút người trẻ. Người trẻ với nhiệt huyết, tài năng, khát khao sáng tạo và đổi mới chính là lực lượng để thúc đẩy và tiến về phía trước. Trong văn hóa nghệ thuật, tuổi trẻ cũng gắn với hy vọng khi nguồn động lực, cảm xúc là một phần quan trọng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật.

Từng có những tiểu thuyết gia, các họa sĩ, nhạc sĩ thành danh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chính khát khao được nhìn ngắm, chinh phục và khẳng định mình đã thúc đẩy lớp trẻ lao vào cống hiến, tìm kiếm cái mới và miệt mài sáng tạo. Cá biệt, có những nghệ sĩ mà thành công buổi ban đầu lại chính là những thành quả rực rỡ nhất trong cả sự nghiệp của họ. Lý giải về điều đó có nhiều luồng ý kiến. Lớp trẻ có thể thiếu trải nghiệm, chưa tích lũy đủ kiến thức như những nghệ sĩ gạo cội, những người làm nghề lâu năm. Tuy nhiên, lớp trẻ có khát vọng, có sự nỗ lực và cả sự bạo gan khi dám thử nghiệm những điều mới mẻ. Và chính sự bồi đắp không ngừng của những người trẻ, hết lớp này đến lớp khác mà nhân loại nói chung, các ngành nghề nói riêng (trong đó có văn hóa nghệ thuật) đã không ngừng phát triển và tiến về phía trước.

Trong quá trình tiếp nối, một số nghệ sĩ trẻ sẽ dựa trên nền tảng, hệ thống giá trị mà các thế hệ đi trước đã xác lập nên và từ đó gia giảm, thêm vào những cái mới. Trong mảng ca nhạc, có những nghệ sĩ đã sử dụng chất liệu dân gian, chất liệu truyền thống để phát triển nội dung. Ca khúc Để Mỵ nói cho mà nghe của nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh, Thị Mầu của Hòa Minzy là như vậy. Sử dụng chất liệu dân gian gợi trường liên tưởng với các lời mới và những phá cách trong phối âm, hòa khí đã giúp những sáng tác này vừa quen vừa lạ với công chúng. Quen với phần giai điệu, chất liệu sử dụng từ âm nhạc, trang phục, vũ đạo, ca từ… có khai thác, sử dụng một số yếu tố quen thuộc. Lạ với phần khí nhạc, hòa thanh, ca từ gần gũi với giới trẻ trong nước, thậm chí khu vực và quốc tế. Ca khúc Để Mỵ nói cho mà nghe vừa phảng phất câu truyện của nhà văn Tô Hoài vừa xen kẽ chất Pop, dân gian, EDM, rap với giai điệu vui tươi, trẻ trung. Đây là minh chứng cho sự kế thừa, tiếp nối, phát triển cái mới trên nền cái cũ, cái truyền thống của các nghệ sĩ trẻ.

Trong mảng trang phục, những hội nhóm tôn vinh áo dài Việt với form dáng, chất liệu, cách cắt may đã gìn giữ và lan tỏa áo ngũ thân (một dạng áo của người Việt cổ dành cho nam giới) tới với giới trẻ và bạn bè quốc tế tại những lễ hội, những sự kiện văn hóa. Sự kết hợp giữa tâm sức, chí hướng của người trẻ với các nghệ nhân, những chuyên gia hay những làng nghề cổ đã tạo nên chiều sâu cho các sản phẩm, các hoạt động của hội nhóm, các câu lạc bộ. Các hoạt động đó không chỉ giúp bảo tồn, lưu trữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc (thể hiện qua trang phục) mà còn góp phần lan tỏa và tìm hướng đi mới cho trang phục cổ trong dòng chảy đương đại của thời trang cũng như khẳng định nét riêng của văn hóa Việt trong xu hướng hội nhập với khu vực và quốc tế. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói chính nhờ các bạn trẻ với tình yêu thiết tha với áo dài, với di sản văn hóa của cha ông mà áo ngũ thân (áo dài nam) được nhắc đến nhiều và xuất hiện ngày một nhiều hơn tại các lễ hội, sự kiện văn hóa.

Ở mảng sân khấu, nhiều tác giả đi vào những thử nghiệm, tìm tòi mới lạ với kịch hình thể, ca kịch hay kết hợp nhiều loại hình trong một vở kịch. Có vở, ngoài phần diễn trên sân khấu, phần bối cảnh phía sau được bố trí phông bạt để chiếu phim kết hợp tạo nên một cảm nhận mới mẻ, đa chiều cho người xem. Nhóm Luc Team (một đoàn kịch tư nhân của thày và trò gồm đạo diễn, diễn viên NSND Trần Lực và các nghệ sĩ trẻ) đã biểu diễn nhiều vở kịch với sự cô đọng, tối giản của sân khấu. Toàn bộ sức nặng nội dung dựa vào kỹ thuật, khả năng và sự sáng tạo của diễn viên. Để đảm nhiệm tốt nhiều vai trò, diễn viên của Luc Team ngoài năng khiếu biểu diễn còn phải học thêm xiếc, uốn dẻo, giải phóng hình thể… để biểu hiện, nhập vai trên sân khấu. Qua các buổi diễn của nhóm Luc Team (dù một số trong đó là dựng lại các vở diễn cũ) cũng cho thấy sân khấu trẻ, sân khấu mới kết hợp nhiều loại hình, các phương thức biểu hiện từ đài từ đến hình thể nhằm chuyển tải tối đa ngôn ngữ sân khấu hiện đại. Sự ước lệ, tối giản của sân khấu cho phép Luc Team có thể biểu diễn ở bất cứ đâu, không hạn chế về không gian và có sự tương tác cao giữa nghệ sĩ biểu diễn và công chúng thưởng thức.

Trong lĩnh vực điện ảnh, nhiều tác phẩm kết hợp, tận dụng thế mạnh của công nghệ, của AI trong việc xây dựng nội dung, thiết kế bối cảnh, làm nhạc… mang lại nhiều yếu tố trẻ, yếu tố mới cho tác phẩm. Sự can thiệp của AI (trí tuệ nhân tạo) đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho điện ảnh. Dù còn những ý kiến trái chiều nhưng không thể phủ nhận lớp trẻ với sự hỗ trợ của AI đang tạo nên những bước ngoặt mới cho ngành công nghiệp này. Dòng phim tài liệu, nhất là các đạo diễn độc lập tận dụng tối đa ngôn ngữ mới trong cách biểu hiện như loại bỏ tối đa lời bình, dùng nhân vật, lời thoại, chi tiết xây dựng và thúc đẩy mạch phim. Lớp đạo diễn trẻ cũng là lực lượng tiếp thu nhanh cái mới, ngôn ngữ điện ảnh hiện đại vào trong cách xây dựng nội dung câu chuyện, thiết kế mạch phim cũng như tận dụng được tối đa sự ưu việt của công nghệ, kỹ thuật, kỹ xảo vào trong các bộ phim.

Văn học, một loại hình cổ xưa cũng được làm mới với nhiều bạn trẻ qua thi pháp, cách lựa chọn đề tài, nội dung. Nhiều bạn trẻ đi vào những đề tài ngách như tâm linh, kinh dị… trong đó sử dụng nhiều yếu tố giao thoa của văn học, tư tưởng Á - Âu trong cách xây dựng mô tuýp, tuyến truyện, không gian, tình tiết… và gặt hái không ít thành công. Ngoài cách đọc truyền thống thì sự ra đời của sách nói, sách điện tử cũng mang tới những thay đổi lớn trong việc sáng tác, quảng bá và thưởng thức văn học.

Văn hóa nghệ thuật với sức sáng tạo lớn luôn có sức hút lớn với giới trẻ. Bằng sự nhiệt huyết, đam mê, khao khát sáng tạo, nhiều bạn trẻ đã thành lập nên những nhóm nhạc, những câu lạc bộ hội họa, thư pháp, hội nhóm có cùng sở thích, chí hướng để hoạt động như Câu lạc bộ hát Xẩm, Chèo 48h - tôi chèo về quê hương, Thi pháp, Đình làng Việt… Thực tế, những nhóm trên hoạt động chủ yếu dựa trên niềm đam mê, khát vọng gìn giữ những nét hay, nét đẹp trong văn hóa truyền thống cũng như mong muốn mang tới những thay đổi, cách tân từ văn hóa truyền thống. Nhiệt huyết, sự đam mê và cả những sáng tạo của các bạn trẻ đã giúp công chúng có thêm những góc nhìn mới, sự so sánh. Tuy nhiên, do không có nguồn kinh phí, sự hỗ trợ nhiều từ các cấp ngành mà nhiều hội nhóm, các hoạt động khó duy trì được lâu cũng như thiết kế các hoạt động dài hơi khi chỉ dựa vào sự đóng góp, hỗ trợ từ hội viên, các Mạnh Thường Quân hay người yêu nghệ thuật.

Trong khi các nhà hát, đoàn kịch truyền thống, các hãng phim hay các hội nghệ thuật được nhà nước hỗ trợ kinh phí để duy trì, dựng vở, làm phim… còn gặp vô vàn khó khăn thì không gian sáng tạo của các hội nhóm, các bạn trẻ còn khó khăn gấp bội phần khi chưa có nguồn kinh phí ổn định trong hỗ trợ cũng như thiếu đi những không gian, môi trường thuận lợi để phát triển. Thực tế, bên cạnh những công ty, hãng phim, nhà hát, đoàn nghệ thuật của nhà nước (được tạo điều kiện, bao cấp về nhà xưởng, rạp chiếu, sân khấu, kinh phí…) vẫn luôn có những công ty, hãng phim, sân khấu tư nhân, các hội nhóm hoạt động bằng nguồn kinh phí tự túc, xã hội hóa… Đã đến lúc, cần tạo một không gian đủ rộng từ môi trường hoạt động (thể hiện trong các văn bản, nghị định, luật…) đến sự hỗ trợ kinh phí (một phần hoặc theo dự án, tác phẩm…) để nuôi dưỡng và tìm kiếm người tài trong giới trẻ.

Từ nhận thức đến hành động

Năm 2021, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, tiếp tục khẳng định văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Chính phủ ban hành cũng đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo công chúng, các cấp lãnh đạo, các nghệ sĩ làm nghề… Sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua cho thấy sự cần thiết của duy trì và phát triển văn hóa như một yếu tố sống còn của dân tộc trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế. Với tầm nhìn chiến lược, nhân tố trẻ cần được trân trọng, hỗ trợ và tạo điều kiện để có thể góp phần tạo nên một sự chuyến biến sâu rộng và lâu dài cho văn hóa.

Để thế hệ trẻ có thể trở thành nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật cần phải có những chiến lược bài bản từ cấp vĩ mô đến cấp cơ sở, trong đó không thể thiếu vai trò của đào tạo. Là ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều từ yếu tố năng khiếu, tài năng nên ngay từ khâu tuyển chọn đã phải có hướng khai khác để tìm ra những nhân tố có tiềm năng để đào tạo. Hướng đi của Nhà hát Tuồng Việt Nam trong việc tìm kiếm, đào tạo thế hệ kế cận cho tuồng - một bộ môn nghệ thuật truyền thống là một ví dụ hay, đáng tham khảo. Để có một lứa nghệ sĩ đồng đều từ biên kịch, đạo diễn, biểu diễn, nhạc công… làm nòng cốt duy trì, phát triển bộ môn nghệ thuật này, Nhà hát đã đi đến nhiều địa phương để tuyển chọn. Phương thức truyền nghề trực tiếp từ các nghệ nhân kết hợp đào tạo văn hóa đã giúp nhà hát có được một lực lượng kế cận sung sức, bao quát khá nhiều khâu của nghệ thuật tuồng. Với định hướng đó, lực lượng này có thể gánh vác, đảm đương việc duy trì và phát triển bộ môn nghệ thuật khá kén khán giả.

Đào tạo, cũng là khâu nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL thể hiện ở các dự án tìm chọn và cử sinh viên các ngành nghệ thuật đi đào tạo tại nước ngoài. Tuy nhiên, việc thiếu ngoại ngữ cũng là cản trở lớn khi nhiều sinh viên nghệ thuật có năng khiếu, khao khát, đam mê làm nghề nhưng thiếu ngoại ngữ khiến cho con đường du học tại những cái nôi nghệ thuật tiên tiến của thế giới gặp không ít trở ngại.

Ngoài những trường lớp đào tạo chính quy thì các lớp học ngắn, đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành hay năng khiếu cũng đang thu hút rất nhiều bạn trẻ. Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) của Hội Điện ảnh cung cấp nhiều lớp học hay dành cho những bạn trẻ đam mê nghệ thuật thứ bảy từ biên kịch, đạo diễn phim truyện, phim ngắn, phim tài liệu… Các đài truyền hình, các nhà hát cũng mở nhiều khoá đào tạo nhằm tìm kiếm những gương mặt, những tài năng mới. Bên cạnh các cơ sở đào tạo của nhà nước, nhiều mô hình xã hội hóa với sự giao lưu của các nghệ sĩ trong và ngoài nước cũng đáp ứng phần nào nhu cầu đào tạo về nghệ thuật.

Cùng với việc có thêm những Liên hoan sân khấu, Liên hoan xiếc, Liên hoan phim… mở thêm cơ hội giao lưu, học hỏi từ các nền văn hóa khu vực và thế giới. Nhiều nhà hát mời các đạo diễn nước ngoài sang dựng vở. Liên hoan phim tài liệu châu Âu là sự kết hợp của nhiều nước với hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương được tổ chức hằng năm mang đến một cơ hội tiếp cận cho nghệ sĩ và khán giả đối với dòng phim này. Các LHP quốc tế Hà Nội, LHP quốc tế Đà Nẵng, LHP quốc tế TP HCM… cũng mở ra nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi cho giới trẻ.

Tuy đa dạng về hình thức, mô hình đào tạo nhưng để đi đường dài với việc tạo dựng một lực lượng trẻ hùng hậu, một thế hệ đủ sức, đủ tài để trở thành nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật vẫn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, các lãnh đạo bộ, ngành. Sự quan tâm đó ngoài các chính sách, một môi trường thuận lợi còn cần những hỗ trợ, đầu tư về kinh phí để các cơ sở, trường lớp, trung tâm đào tạo, hoạt động về văn hóa nghệ thuật có thể duy trì và phát triển. Gặp gỡ mùa thu - một sự kiện điện ảnh thường niên - quy tụ nhiều nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến giảng dạy, giao lưu, học tập về điện ảnh đã phải dừng lại sau 10 năm là ví dụ cho việc thiếu đi những hỗ trợ về kinh phí. Một số bạn trẻ sau những cú bắt tay hợp tác đầy đam mê khi cho ra đời những sản phẩm là những bộ phim hoạt hình đẹp mắt, phản ánh văn hóa, lịch sử dân tộc như Tử chiến thành Đa Bang, Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt giang, Loa Thành rực lửa, Bạch Đằng dậy sóng, Huyết mạch Trần gia… đã rệu rã khi không còn nguồn kinh phí để duy trì và phát triển. Những mô hình câu lạc bộ văn hóa như ca trù, hát xẩm, nhạc kịch đường phố cũng chỉ lóe lên rồi tắt khi thiếu đi những nguồn kinh phí. Không gian văn hóa nghệ thuật Ơ kìa… cùng một số các không gian văn hóa khác được lập nên bởi một số nghệ sĩ, các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật ở Thủ đô cũng dần bị thu hẹp về quy mô, bớt đi địa điểm khi thiếu các nguồn kinh phí để duy trì và hoạt động.

Để văn hóa thật sự thấm sâu trong mọi tầng lớp nhân dân và phát huy hết vai trò của nó cũng như thu hút được nguồn nhân lực, các tài năng trẻ thì bên cạnh những đường lối, chính sách, chiến lược… không thể thiếu sự đầu tư về kinh phí. Nguồn kinh phí có thể đến từ ngân sách nhà nước, từ nguồn xã hội hóa. Những doanh nghiệp, tập đoàn hùng mạnh quan tâm đến văn hóa nghệ thuật cần có các chính sách miễn giảm thuế, phí cho các nguồn đầu tư về văn hóa. Sự tham gia, hỗ trợ của nhiều công ty, tập đoàn trong những cuộc thi tìm kiếm biểu tượng Việt cần được biểu dương. Dự án dài hơi về phim hoạt hình của Vintata (thuộc tập đoàn Vingroup) đã minh chứng cho điều đó. Có sự ủng hộ về vật chất, kinh phí, các dự án nghệ thuật như series phim Monta trong giải ngân hà kỳ lạ cũng đi được dài hơn, xa hơn tạo nên những tác phẩm hay cho công chúng và nuôi dưỡng, phát triển nguồn tài năng trẻ.

Trong quá trình tiếp biến, chuyển giao giữa các thế hệ sẽ không tránh khỏi có những đổi mới, phát triển đi ngược hoặc mâu thuẫn, phủ nhận các giá trị, truyền thống cũ. Tuy nhiên, sự sợ hãi sẽ không giúp cho văn hóa nghệ thuật phát triển và tiến về phía trước. Ngay cả những yếu tố mới cũng có thể sẽ gặp phải phản ứng lúc ban đầu nhưng những gì hợp quy luật, hợp với truyền thống, nét bản sắc văn hóa của dân tộc chắc chắn sẽ đâm chồi và phát triển. Thế hệ trẻ, đặc biệt là các tài năng trẻ luôn là lực lượng, nguồn lực mới cho đất nước trong phát triển, gìn giữ và dựng xây. Để những chồi búp hôm nay có thể trở thành những đại thụ cho mai sau không thể thiếu sự phát hiện, ươm trồng, nuôi dưỡng, nâng đỡ và tạo mọi điều kiện để phát triển. Một đất nước phát triển khi biết bồi dưỡng, đào tạo nên những thế hệ kế cận. Và một nền văn hóa mạnh, có thể sánh vai cùng khu vực và thế giới sẽ không thể thiếu sự chung tay, đóng góp của lớp trẻ, các tài năng mới bởi họ chính là tương lai, là tiền đồ mới của đất nước, của các ngành nghề và của văn hóa nghệ thuật. 

                                          

Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức ngày 12-11-2024.

 

NGÔ THỊ MINH NGUYỆT

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

 

 

 

;