Vai trò của người trẻ trong bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống - Nhìn từ thực tiễn

Một buổi diễn tại câu lạc bộ Xẩm 48h (Hà Nội)- Ảnh tư liệu minh họa

 

Lời nói đầu

Đối với lĩnh vực bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống nếu như các nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm được ví như “báu vật sống” thì những người trẻ giống viên ngọc còn ẩn mình trong đá, rất quan trọng nhưng để tỏa sáng cần có thời gian, sự kiên trì và sáng tạo. Trong khi, nếu đề cập tới khía cạnh sáng tạo giá trị mới trên nền tảng của di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc thì vai trò của người trẻ lúc này trở nên rất quan trọng. Từ trên thực tế hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận âm nhạc, đồng thời hoạt động cả trong lĩnh vực báo chí liên quan đến văn hóa nghệ thuật, người viết đã có những trải nghiệm trực tiếp hoặc quan sát, đồng hành liên quan đến sự tham gia của người trẻ trong bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống và sáng tạo giá trị mới.

Trong tham luận này người viết xin chọn ra và đề cập tới 3 trường hợp liên quan đến 3 nghệ thuật có truyền thống hàng trăm năm nhưng có nguy cơ thất truyền và với sự nỗ lực sáng tạo cùng sự kiên trì, những giá trị truyền thống đã dần hồi sinh và phát huy trong đời sống tinh thần. Điều đáng nói, cả 3 trường hợp đều đã có những kết quả nhất định nhưng đều có chung xuất phát điểm là bắt đầu tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy từ thời điểm còn ở độ tuổi thanh niên. Thông qua đó, nhìn nhận về đóng góp của người trẻ trong bảo tồn phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống và sáng tạo giá trị mới.

Trường hợp 1: Bảo tồn và sáng tạo ở phường rối nước làng Yên

Làng Yên thuộc xã Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) có truyền thống múa rối nước, truyền rằng phường rối từng được mời vào cung đình Huế múa cho Vua Bảo Đại xem và là phường rối duy nhất được múa trong dịp chào mừng ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954 tại Hà Nội ở địa điểm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (1). Múa rối nước làng Yên ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều giá trị cổ truyền độc đáo.

Phường rối thường múa 14 tích trò, nổi bật: “Rước kiệu”, “Rồng phun nước”, “Leo cây đốt pháo”, “Tứ mã tranh tài”, “Thủy tộc hội bàn”… Cách múa có nét riêng và khá cầu kỳ. Động tác chém chuối tích trò “Tứ mã tranh tài” phải chém thật (phường khác chặt sẵn cắm que để giữ); tích trò “Rước kiệu” khó nhất động tác chú tiểu bê tượng Phật Thích Ca đặt vào kiệu vì chú tiểu và tượng Phật tách rời; tích trò “Rồng phun nước” là sáng tạo của làng Yên... Các phường đều có nhân vật Tễu, riêng làng Yên có thêm Tướng Loa. Nét riêng còn thể hiện ở kích thước con rối nhỏ hơn so với mặt bằng chung, lý do là các làng đã sử dụng rối hiện đại, làng Yên vẫn dùng kích thước rối cổ. Kỹ thuật múa sào phổ biến trong khi làng Yên sử dụng múa dây làm chủ đạo.

Nguyễn Văn Thành sinh năm 1978 thuộc đội múa là một trong những thành viên có nhiều hoạt động tích cực của rối nước làng Yên. Anh Thành kiếm sống bằng nghề thợ xây, đồng thời kinh doanh dịch vụ cho thuê âm thanh, rạp và bàn ghế đám cưới tại địa phương. Trường hợp này vừa là nghệ nhân, vừa là người quen lâu năm nên người viết có điều kiện quan sát hoạt động gắn với rối nước của anh trong suốt gần 20 năm qua.

Thời gian hoạt động gắn với rối nước của anh Thành có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2008 - 2016, giai đoạn 2 từ 2019 đến nay. Anh Thành đến với rối nước khi đã ở độ tuổi trưởng thành, sau đó có thời gian từ 2016 - 2019 anh nghỉ sinh hoạt do quan điểm cá nhân. Sau đó, anh trở lại theo sự kêu gọi “cứu” phường rối trước nguy cơ tan rã của nghệ nhân Đỗ Văn Hoa (80 tuổi) uy tín bậc nhất phường rối.

Theo anh Thành, nét riêng của làng Yên một mặt tạo sự khác biệt, đồng thời cũng là hạn chế. Hạn chế lớn nhất là múa dây kỹ thuật khó, cần vừa có sức vừa khéo, cần nhiều nhân sự cho một tiết mục, một con rối có thể cùng lúc nhiều người đảm nhiệm, vì thế việc phối hợp phải nhịp nhàng và chính xác. Múa sào phổ biến hiện nay có ưu điểm dễ múa, cần ít người, trong khi việc sử dụng con rối có kích thước lớn diễn sát mành (sân khấu) khán giả vẫn theo dõi được. Ở phường rối, việc cải tiến kỹ thuật múa, sáng tạo trò diễn mới đều do anh Thành đảm nhiệm chính. Trước thuận lợi và hạn chế, anh Thành nghiên cứu đã nghiên cứu thành công để con rối ra xa khỏi mành tới trên 20 mét.

Gần đây, khi phường rối có nguyện vọng phục hồi tích trò “Tiên Cửa Lanh” đã thất truyền 40 năm. Anh Thành là người xung phong phục hồi, yêu cầu của anh là để yên cho anh chủ động làm, không được can thiệp cho đến khi tiết mục hình thành anh sẽ tiếp thu ý kiến. Bắt tay phục hồi, anh hỏi thật kỹ để hiểu về tích trò xưa. Bỏ gần nửa năm trằn trọc, suy nghĩ, kéo thêm cả một người bạn thợ mộc tham gia để tiện chế tác. Kết quả đầu năm 2024 tích trò “Tiên Cửa Lanh” không chỉ hồi sinh, mà còn phát triển từ 2 cô tiên ban đầu thành 8 cô, từ chỗ chỉ đứng một điểm động tác không linh hoạt thì nay 8 cô tiên rất linh hoạt, có thể xoay và hoán đổi vị trí cho nhau.

Không dừng ở đó, anh Thành đã sáng tạo thành công tích trò mới “Cô Đôi Thượng Ngàn” và cải tiến kỹ thuật múa dây để con rối vươn xa với khoảng cách đã lên tới 30m, cải tiến để động tác phun nước của tích trò “Rồng phun nước” phun mạnh hơn, có thể đến sát nơi khán giả ngồi, tạo cảm giác bất ngờ cho người xem, tăng tính tương tác giữa phường rối và khán giả.

Trường hợp 2: Dùng nét mới hồi sinh làng gốm cổ Phù Lãng

Cũng như Bát Tràng (Hà Nội) và Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh) là một trong 3 làng gốm cổ lâu đời xưa kia nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Phù Lãng là làng cổ nằm bên bờ sông Cầu thuộc xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ. Làng có vị trí giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi. Nghề gốm nơi đây được hình thành và phát triển vào thế kỷ XIV, thời kỳ nhà Trần. Chất liệu đất đặc trưng của gốm Phù Lãng là đất đỏ hồng, trong khi gốm Bát Tràng là đất sét trắng, gốm Thổ Hà đất sét xanh. Sản phẩm gốm Phù Lãng được biết đến tập trung vào 3 loại: gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh…); gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu…); gốm trang trí (bình, ấm hình thú như ngựa, voi…). Trong thời kỳ cao cấp cho tới thập niên 1990 gốm Phù Lãng vẫn được nhiều người dân Hà Bắc cũ (Bắc Ninh và Bắc Giang nay) biết tới nhưng chủ yếu chỉ với các sản phẩm gốm gia dụng đơn giản (bình, chum, vại, ang…), sản phẩm cao cấp không còn hiện hữu. Giai đoạn này, gốm Phù Lãng chỉ còn cái tên danh tiếng trong quá khứ, không có dấu ấn cho thời điểm hiện tại.

Vũ Hữu Nhung sinh năm 1975, sinh ra và lớn lên từ làng nghề Phù Lãng, trong gia đình có cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi 5 con, ngay từ nhỏ anh Nhung đã làm quen và thạo các công đoạn làm gốm. Thời anh Nhung học phổ thông, nghề gốm làng anh vẫn hoạt động mạnh nên việc anh thi đỗ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ngành Điêu khắc và quyết định đi học là trường hợp hiếm thấy ở làng lúc bấy giờ. Năm 1998, trong dịp về quê, chứng kiến cảnh những chum, vại, ấm sắc thuốc Phù Lãng bị ế ở chợ, làng nghề vắng dần người làm gốm, từ đó anh Nhung nuôi ý định vực dậy làng gốm Phù Lãng. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp, anh Nhung không trở về ngay mà tìm đến làng gốm Bát Tràng làm thuê trong 6 tháng cốt để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2000, anh Nhung về làng mở một cơ sở nhỏ. Anh nghiên cứu thay sản phẩm gốm gia dụng sang sản phẩm gốm mỹ nghê, trang trí nội thất. Tức là hướng vào phân khúc cao cấp hơn.

Giữ nét đặc trưng sử dụng đất sét đỏ, kết hợp với những chất liệu khác nhau gốm của Vũ Hữu Nhung dần tạo được chỗ đứng trên thị trường. Năm 2000, tác phẩm “Đồng đội” của Vũ Hữu Nhung được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc và đoạt giải Khuyến khích. Năm 2001, đoạt giải Đặc biệt tại Hội thi “Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng” do Hội đồng Anh tổ chức; danh hiệu “Ngôi sao Việt Nam”, giải thưởng cao nhất của hội thi các nghề truyền thống... Thương hiệu gốm Phù Lãng gắn với những nỗ lực của Vũ Hữu Nhung được nhiều người biết đến từ đó.

Trường hợp 3: Góp phần phục hồi và phát huy nghệ thuật hát Xẩm

Đối với hát Xẩm, người viết có may mắn được trực tiếp tham gia vào quá trình phục hồi, đưa hát Xẩm trở lại, xin chia sẻ hành trình người viết đã trải nghiệm.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc, nơi có truyền thống hát Quan họ. Tốt nghiệp ngành Lý luận hệ Đại học tại Nhạc viện Hà Nội (năm 2003), tôi về Nhà xuất bản Âm nhạc công tác. Tại đây năm 2005 tôi gặp nhạc sĩ Thao Giang, sau đó chính thức là thành viên nhóm phục hồi hát Xẩm cùng với GS.TS. NGND Phạm Minh Khang (2), nhạc sĩ Thao Giang, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSND Thanh Ngoan, NSƯT Văn Ty... Người trẻ thời điểm đó có Mai Tuyết Hoa và tôi (đều sinh 1976 lúc đó 29 tuổi), sau có thêm Khương Văn Cường (sinh năm 1982).

Thời gian đầu, nhiệm vụ trọng tâm là từ những tư liệu cùng phục hồi một số điệu, bài Xẩm từng phổ biến ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh mỗi thành viên trẻ, tôi đề xuất thành công với ban lãnh đạo Nhà xuất bản Âm nhạc thực hiện album hát Xẩm, vì thế đầu năm 2006 CD “Xẩm Hà Nội” ra mắt với 7 bài/điệu Xẩm xưa gồm: Xẩm “Anh Khóa” (Lời thơ: Á Nam Trần Tuấn Khải), Xẩm Tàu điện “Giăng sáng vườn chè”, “Lỡ bước sang ngang” (Lời thơ: Nguyễn Bính), Xẩm Xoan Chinh Bong, Xẩm Nhị tình (dân gian) và Xẩm chợ “Mục hạ vô nhân” (Lời thơ: Nguyễn Khuyến). Sau đó có thêm: Xẩm Hà Nội “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”, Xẩm Phồn huê “Quyết chi tu thân”, “Cái trống cơm”… đều là các bài đã thất truyền. Hiện nay tất cả các bài này đều đã quen thuộc với công chúng.

Tích cực vận động để Sân khấu âm nhạc dân gian “Hà Nội 36 phố phường” tại chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân sáng đèn (2006). Tháng 1/2008, phối hợp với một đơn vị tổ chức chương trình: “Đêm Xẩm Trống quân mừng xuân Mậu Tý” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cùng năm 2008, xuất phát từ nguyện vọng của nghệ nhân Hà Thị Cầu được thấy lễ giỗ tổ nghề hát Xẩm hồi sinh, tôi được giao nghiên cứu viết nội dung kịch bản, lễ giỗ tổ sau đó diễn ra vào 29/3 tức 22/2 âm lịch, đúng ngày giỗ tổ nghề hát Xẩm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Năm 2009, nhận thấy hát Xẩm truyền thống đã lan tỏa trong đời sống, nhiều nhóm Xẩm, câu lạc bộ đang dần hình thành, nhận thấy hát Xẩm cần có bước phát triển tiếp theo, cần thêm sáng tạo mới, nếu vẫn tiếp tục gắn bó với các thầy sẽ khó để tự do sáng tạo, tôi bàn với Mai Tuyết Hoa và Khương Văn Cường sau đó nhóm Xẩm Hà Thành được thành lập với phương châm “để Xẩm sống trong đời sống”. Với nỗ lực vận động, nhóm đã đủ kinh phí tổ chức chương trình “Xẩm Hà Thành” vào tối 4/1/2011 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong chương trình, nhóm mạnh dạn kết hợp giữa Xẩm (Khương Văn Cường đảm nhận) với Beatbox và nhảy Hiphop nhằm tạo không khí mới cho Xẩm. Sau đó Xẩm Hà Thành ra mắt nhiều sản phẩm mới như: “Tiễu trừ cướp biển” (2014), Xẩm Trà đá (2015), “Bốn mùa hoa Hà Nội” (2016), Xẩm “Tứ vị Hà Thành” (2017), “Chúc Xuân chúc phúc” (2020)…

Song song với sáng tạo bài mới cho hát Xẩm cổ truyền, năm 2018 xu hướng nhạc điện tử lên ngôi, trước nhu cầu phát triển của âm nhạc đại chúng, tôi đã biên soạn tác phẩm “Xẩm Hà Nội” (3) dựa trên Xẩm cổ kết hợp với EDM, Rap. Cùng với đó, chuyển soạn các bài sáng tác mới cho hát Xẩm truyền thống sang kết hợp với EDM như “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Xẩm Xuân chúc phúc”… các bài này sau đó được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu trong chương trình âm nhạc đêm giao thừa Xuân năm 2020, ngay sau lời chúc Tết của Chủ tịch nước.

Như vậy, phục hồi hát Xẩm có lộ trình riêng, bắt đầu từ phục hồi sống lại điệu/bài Xẩm cổ, sau đó xuất bản băng đĩa, trình diễn trước công chúng, phục hồi lễ giỗ tổ nghề, chưa kể công tác tìm kiếm nghệ nhân, tri ân cho nghệ nhân Hà Thị Cầu... và hành trình làm mới Xẩm của riêng chúng tôi khi sáng tạo bài mới cho hát Xẩm và kết hợp hát Xẩm với nhạc đại chúng xu hướng dành cho giới trẻ.

Suy nghĩ về vai trò của người trẻ

Qua 3 trường hợp trên đây, xin tạm đưa ra một số điểm đáng chú ý sau:

Tất cả đều sinh ra và lớn lên trong những cộng đồng và môi trường nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống, được tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống từ nhỏ, có người thưởng thức, có người trực tiếp thực hành ngay từ nhỏ.

Điểm khởi đầu để người trẻ tham gia vào bảo tồn, phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống thường ở vai trò người thực hành mức độ phổ thông: là nghệ nhân trình diễn, hoặc trực tiếp tạo ra sản phẩm.

Bắt đầu chính thức tham gia quá trình phục hồi giá trị truyền thống và sáng tạo giá trị mới khi đã hiểu rõ về di sản, sáng tạo giá trị mới khi đã ở độ chín của lứa tuổi thanh niên.

Xuất phát điểm khác nhau, người trực tiếp tham gia học tập tại các trường chuyên về nghệ thuật phù hợp, người trực tiếp lĩnh hội từ cộng đồng, học hỏi từ phương thức truyền khẩu và từ thực tiễn khi thực hành di sản.

Dù là sáng tạo cộng đồng, thành quả của sáng tạo sau khi áp dụng thuộc về cộng đồng nhưng quá trình phục hồi, cải tiến và sáng tạo cần đảm bảo yếu tố cá nhân, không can thiệp, không gây khó dễ trong quá trình một cá nhân hoặc nhóm cá nhân thực hiện cải tiến, sáng tạo giá trị mới. Đồng thời, cần các nhà chuyên môn và cộng đồng có cái nhìn nghiêm túc, khách quan nhưng bao dung khi đón nhận những giá trị mới. Song cũng cần điều chỉnh nghiêm túc nếu chưa phù hợp trên tinh thần thiện chí.

Thành phần tham gia bảo tồn phát huy giá trị truyền thống, sáng tạo giá trị mới sẽ chủ yếu đến từ cộng đồng, họ hoạt động một cách tự nguyện, theo phương thức xã hội hóa. Có người lấy hoạt động phục hồi và sáng tạo giá trị mới đưa vào sản phẩm để có thể tạo ra kinh tế và lấy đó làm công việc chính thức; có người hoạt động trong nghề nhưng chỉ xem quá trình hoạt động sáng tạo gắn với giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống là đóng góp; có người lấy nghề khác để sinh sống và tham gia mang tính chất giữ cho được truyền thống của quê hương.

Thuận lợi và hạn chế:

Có nhiều điểm thuận lợi bởi chủ yếu là tham gia tự nguyện và lấy việc tham gia này, cùng với những đóng góp của mình là một niềm vui trong cuộc sống. Nhưng hạn chế là yếu tố ràng buộc không cao, có thể bỏ bất cứ lúc nào nếu bất đồng quan điểm mà không có cách nào để giữ lại.

Luôn ở thế chủ động tự hoạt động, tự bươn chải, tự xoay sở về vật chất để có thể có những sản phẩm nghệ thuật biểu diễn, những tiết mục trình diễn dân gian như ý. Song hạn chế là số kinh phí cá nhân tự bỏ ra nên phụ thuộc vào khả năng của mỗi người cùng sự tham gia hỗ trợ đóng góp từ cộng đồng họ gắn bó. Nếu chưa đủ điều kiện tối thiểu để có thể triển khai, hoặc gặp giai đoạn điều kiện gia đình khó khăn họ sẽ không dành kinh phí cùng tâm huyết sáng tạo của mình cho nghệ thuật truyền thống.

Nhìn nhận vai trò của người trẻ và đề xuất

Cần nhìn nhận những nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ là nhóm đối tượng quan trọng, đóng góp trực tiếp trong công tác thực hành di sản, từ khía cạnh bảo tồn, phục hồi đến phát huy và sáng tạo giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống.

Cần tạo điều kiện tốt nhất cho những người trẻ có trình độ, có thực tiễn, đam mê sáng tạo cải tiến những phương thức cũ và sáng tạo những giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống; hỗ trợ về kinh phí, điều kiện tốt nhất để người trẻ có thể thực hành di sản.

Đối với những người trẻ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống thuộc khu vực các tổ chức, đơn vị, đoàn nghệ thuật nhà nước, cần có sự quan tâm ưu đãi về chế độ chính sách, về nơi ở và môi trường biểu diễn để họ yên tâm gắn bó với nghề.

Đối với những người trẻ hoạt động tự do tại các tổ chức phi chính phủ, tại các làng nghề, nhóm nghề truyền thống có năng lực và tâm huyết cần tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát huy năng lực và đam mê cống hiến cho xã hội.

Cần tạo môi trường giúp người trẻ có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nhóm, làng nghề cùng lĩnh vực; với các lĩnh vực khác nhau và có sự giao lưu quốc tế để người trẻ nắm được vị trí của làng nghề, nhóm nghề mình đang gìn giữ phát huy, kịp thời bổ sung yếu tố mới nếu thấy cần thiết cho phù hợp xu hướng thời đại.

Khuyến khích người trẻ ở các địa phương có truyền thống lâu đời liên quan đến văn hóa nghệ thuật theo đuổi và gắn bó với các giá trị nghệ thuật này. Đồng thời, khuyến khích người trẻ tiếp thu kiến thức theo phương thức truyền miệng từ truyền thống địa phương nhưng đồng thời không nên bỏ qua việc học tập, trau dồi kiến thức tại các trường chuyên nghiệp. 

Như vậy, song song với việc khuyến khích người trẻ tham gia đóng góp trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy và sáng tạo giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, đủ sức hấp dẫn thu hút người trẻ tham gia và giữ chân người trẻ gắn bó và cống hiến cho văn hóa nghệ thuật truyền thống.

                                                    

1. Theo lời kể của nghệ nhân Đỗ Văn Hòa (80 tuổi) trong cuộc phỏng vấn của tác giả với các nghệ nhân rối nước làng Yên ngày 19-4-2024.

2. GS, TS, NGND Phạm Minh Khang (1944-2015) nguyên Chủ nhiệm Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

3. Thể hiện: Ca sĩ Hà Myo - Nhà sản xuất âm nhạc: Thế Phương VBK - Rapper Tobby Quốc Trung.

 

NGUYỄN QUANG LONG

Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam

                                                     

Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức ngày 12-11-2024.

;