Các Nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL chung tay “san sẻ yêu thương, vượt qua bão lũ”

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các nghệ sĩ tại chương trình "Trung thu không xa cách" của Nhà hát Kịch Việt Nam - Ảnh: NHKVN

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào biển Ðông trong suốt 30 năm qua. Bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực phía Bắc; gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Theo Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 17-9-2024, đã có 329 người chết, mất tích, 1.929 người bị thương. Khoảng 234,7 nghìn căn nhà; 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sụp đổ, hư hại... hậu quả của bão rất nặng nề. Trước tình hình này, Bộ VHTTDL đã có những chỉ đạo sát sao, kịp thời và hiệu quả, được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức của Bộ VHTTDL ủng hộ, đồng thời nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, của khán giả nhằm gây quỹ sẻ chia với đồng bào chịu ảnh hưởng sau cơn bão số 3.

Sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của lãnh đạo Bộ VHTTDL và sự hưởng ứng, đồng thuận từ các nhà hát

Ngày 11/9/2024, Công đoàn Bộ VHTTDL đã tổ chức lễ phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Thời gian vừa qua, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, vùng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, chủ động khắc phục và huy động các lực lượng hỗ trợ nhằm khắc phục hậu quả mưa bão. Ðến thời điểm này, cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Ngoài các giải pháp về mặt chiến lược, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, điều hành khắc phục hậu quả sau bão. Với nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, đó là đoàn kết chung sức chung lòng, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng vượt qua khó khăn hoạn nạn, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ VHTTDL tiến hành phát động  cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong phạm vi của Bộ, thiết thực ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Ngay tại chương trình, nhiều khán giả đã trực tiếp quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ

Chiều ngày 17/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã thay mặt Lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ VHTTDL trao 1,5 tỷ đồng (đợt 1) ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi bão lũ cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngày 13/9/2024, Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL đã họp thống nhất chủ trương thực hiện các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra. Theo đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã giao nhiệm vụ cho Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp và chỉ đạo 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ xây dựng Kế hoạch tổ chức các chương trình nghệ thuật với tinh thần “san sẻ yêu thương, vượt qua bão lũ”.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly đánh giá: “Ngay khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ban hành, thực hiện triển khai kịp thời đến 12 đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Các đơn vị đều đồng lòng nhất trí, gấp rút chuẩn bị và dàn dựng những chương trình nghệ thuật đặc sắc, chất lượng, hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Các chương trình được các đơn vị chủ động kịp thời triển khai đúng tiến độ, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, tuyên truyền giáo dục cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc của các tầng lớp Nhân dân về những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc, của Ðảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chia sẻ khó khăn với đồng bào bị thiệt hại do thiên tai”.

Tiết mục tại chương trình kịch - xiếcChị Hằng và những người bạn

Các đơn vị nghệ thuật của Bộ đã thực hiện các buổi biểu diễn ngay khi bão Yagi đi qua với mục đích quyên góp ủng hộ, giúp đỡ nhân dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, truyền cảm hứng vượt lên thử thách, khó khăn tới toàn cộng đồng. Nhà hát Múa Rối Việt Nam biểu diễn chương trình Trăng Trẻ thơ; Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn Dạ tiệc đêm rằm; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn hòa nhạc Lalo STravinsky; Chương trình nghệ thật đặc biệt ủng hộ trẻ em chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 Trung thu không xa cách của Nhà hát Kịch Việt Nam do NSND Xuân Bắc và NSND Tự Long thực hiện; Liên đoàn Xiếc Việt Nam với chương trình Nối vòng tay nhân ái - Ước mơ của em; Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn chương trình Tâm sự quê; Nhà hát Nghệ thuật Ðương đại Việt Nam biểu diễn đêm nhạc Hà Nội - Những tháng năm; Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn vở Mặt trời đêm thế kỷ...

TS, NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: “Trong không khí cả nước hướng về đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của bão lũ thì việc Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện chuỗi chương trình nghệ thuật “san sẻ yêu thương, vượt qua bão lũ” là một sáng kiến mang tính nhân văn và trách nhiệm cao. Ðây cũng là dịp để những người nghệ sĩ được thực hiện thiên chức của mình. Ðó là bằng tài năng trí tuệ, bằng lời ca tiếng hát góp phần làm vơi đi những đau thương, mất mát cho bà con đang hứng chịu hậu quả do cơn bão Yagi để lại. Với các nghệ sĩ biểu diễn tại các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL, đó chính là lẽ sống, là niềm hạnh phúc”.

Đông đảo khán giả nhỏ tuổi tham gia ủng hộ, hỗ trợ người dân các tỉnh chịu thiệt hại của bão lũ

Bằng lời ca tiếng hát, các chương trình biểu diễn giúp khán giả thấu hiểu hơn sức sống mãnh liệt, chan chứa yêu thương, truyền thống đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lại. Toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên của các Nhà hát tham gia chương trình, không nhận thù lao với mong muốn sẽ đóng góp được nhiều nhất cho đồng bào chịu ảnh hưởng hậu quả của bão Yagi. Rất đông khán giả đã biết đến các chương trình để ủng hộ, chia sẻ và thưởng thức nghệ thuật.

Một phần số tiền bán vé và phát động quyên góp trong quá trình tổ chức các chương trình nghệ thuật được gửi về Trung ương MTTQ Việt Nam để ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ và công khai, minh bạch về tài chính. 

Các chương trình nghệ thuật đặc sắc, giàu ý nghĩa nhân văn

Ngày 15-9-2024, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã tổ chức chương trình biểu diễn đầu tiên. “Bởi trong lòng của mỗi chúng tôi đã nung nấu muốn được làm điều gì đó bằng tấm lòng, bằng chuyên môn của mình. Ðó là san sẻ tình yêu thương, lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái với đồng bào vùng bão lũ. Dù số tiền thu được không lớn vì rạp đặc thù không rộng nhưng cái lớn hơn chính là tấm lòng của các nghệ sĩ, cán bộ Nhà hát, của khán giả, đặc biệt của các em nhỏ đối với đồng bào. Hôm nay, các em cũng được trực tiếp đi lên sân khấu, ủng hộ đồng bào, các bạn nhỏ vùng lũ lụt là một việc làm rất ý nghĩa” - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam - NSND Nguyễn Tiến Dũng tâm sự.

Cảnh trong vở cải lương Mặt trời đêm thế kỷ 

Không chỉ tổ chức các chương trình nghệ thuật, ý nghĩa, nhiều đơn vị nghệ thuật còn tổ chức nhiều đợt quyên góp ủng hộ. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phát động phong trào “Tương thân tương ái - Chia sẻ yêu thương” nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ làm 3 đợt. Ðợt 1: Liên đoàn Xiếc Việt Nam trích từ chương trình ủng hộ ngày 14/9/2024 với số tiền là 20 triệu đồng thông qua Ủy ban MTTQ Phường Nguyễn Du để chuyển tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ðợt 2: Mỗi Cán bộ công nhân viên, người lao động trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam quyên góp ủng hộ 1 ngày lương thông qua Công đoàn Bộ VHTTDL chuyển tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ðợt 3: Vào ngày 21/9/2024, thông qua chương trình biểu diễn, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiếp tục quyên góp, ủng hộ từ doanh thu và từ các nhà hảo tâm, số tiền ủng hộ là 32 triệu đồng. Theo NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên Ðoàn Xiếc Việt Nam, nghệ sĩ cũng xuất phát từ nhân dân mà ra. Nhờ sự yêu thương, ủng hộ của khán giả mà người nghệ sĩ thăng hoa hết mình trên sân khấu. Vì vậy, khi người dân gặp khó khăn, người nghệ sĩ phải đồng hành, san sẻ bớt đau thương cùng nhân dân. Ðây chính là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta.

Ngày 17/9/2024, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), chương trình Trung thu không xa cách quyên góp được số tiền lên tới 1 tỷ 187 triệu đồng ủng hộ đồng bào vùng bão lũ. Trung thu không xa cách được livestream trên các nền tảng mạng xã hội để trẻ em ở khắp nơi, đặc biệt những vùng mà các em không có cơ hội đến với chương trình. “Thông qua chương trình, chúng tôi mong các con vẫn có một mùa Trung thu đáng nhớ. Bên cạnh cảm xúc đó, các con hiểu về sự sẻ chia. Người nghệ sĩ đóng góp lời ca tiếng hát, kết nối với hàng trăm nghìn bạn nhỏ có thể xem, giao lưu với các bạn ở vùng bị thiệt hại do lũ lụt thiên tai. Dù khó khăn, vừa trải qua lũ lụt kinh hoàng nhưng chúng ta vẫn cần sức mạnh tinh thần để vượt qua” - NSND Xuân Bắc nhấn mạnh.

Tiết mục Người Hà Nội do ca sĩ Viết Danh và Đoàn Múa Nhà hát Nghệ thuật đương đại biểu diễn

Tâm sự quê của Nhà hát Chèo Việt Nam là một chương trình đặc biệt gồm nhiều tiết mục được tuyển chọn từ các tiết mục âm nhạc của Nhà hát đã từng đoạt giải cao trong các kì liên hoan và được dàn dựng, đầu tư thành một chương trình nghệ thuật đặc sắc. “Thông qua chương trình nghệ thuật này, Nhà hát mong muốn chia sẻ những đau thương, mất mát của người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi. Ðồng thời, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp từ các nhà đồng hành, các mạnh thường quân, các nghệ sĩ và đặc biệt là những tấm lòng hảo tâm của khán giả để qua đó, góp phần cùng Ðảng, Nhà nước nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục đời sống của nhân dân” - NSND Tuấn Cường - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ. 

Tối ngày 20/9/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Ðương đại Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt Hà Nội - Những tháng năm… Chương trình đưa khán giả Thủ đô trở về những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc, thưởng thức vẻ đẹp lãng mạn, thanh lịch của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Theo NSƯT Quỳnh Trang - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, chương trình mong muốn gửi gắm thông điệp yêu thương, sẻ chia với đồng bào vùng lũ lụt, cùng nhau vượt qua những mất mát, tiếp thêm sức mạnh cho mọi người trong giai đoạn khó khăn. Ðêm nhạc có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ danh tiếng như: NSND Thanh Lam, NSND Mai Hoa, NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Anh Thơ, Viết Danh, An Thu An, Thanh Thảo, Trung Sỹ, Phúc Ðại, Nhóm Phương Nam, Nhóm Thời gian…

Hành động đẹp từ trái tim người nghệ sĩ

Nhiều nghệ sĩ ngoài việc biểu diễn tại các chương trình lớn, còn đồng hành, trực tiếp đến với bà con vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, động viên tinh thần và vật chất giúp bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Những chiếc áo xanh tình nguyện "san sẻ yêu thương" tới đồng bào ở Cao Bằng

Với tinh thần “không có việc gì khó” và sức mạnh của tuổi trẻ, đội ngũ “áo xanh tình nguyện” của Nhà hát Tuổi trẻ đã có nhiều hoạt động, sáng kiến kịp thời giúp đỡ đồng bào vùng bão lũ, kêu gọi sự ủng hộ từ các nghệ sĩ và cán bộ đang làm việc tại Nhà hát Tuổi Trẻ, các cá nhân và nhiều tổ chức khác. NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: “Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nhà hát Tuổi Trẻ rất năng động. Các đoàn viên luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động do Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ VHTTDL, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động với tinh thần của tuổi trẻ, việc gì khó có thanh niên. Ðiều quan trọng là các bạn trẻ trong Chi đoàn của Nhà hát luôn hành động kịp thời”. Các tình nguyện viên đã không quản khó khăn, xung phong đến các vùng bị ngập lụt, trao tận tay những món quà thiết yếu hỗ trợ người dân ở tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn và Cao Bằng với khối lượng hàng hóa mỗi chuyến lên tới 10 tấn hàng. 

Ông Lại Huy Hoàng - Trưởng đoàn thiện nguyện của Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Ngay sau khi nắm được những thông tin chính xác về những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão, với tinh thần tiên phong của tuổi trẻ, trưa ngày 10-9-2024, chúng tôi đã nhanh chóng liên hệ với chính quyền địa phương và kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ. Chúng tôi đã quyên góp được một số lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, chất đầy 2 xe tải, 3 xe bán tải và nhanh chóng khởi hành vào ngày 11-9-2024 để kịp thời đưa đến tận tay bà con huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Với số lượng gần 10 tấn hàng hóa thiết yếu, bằng các phương tiện, chúng tôi đã đến 5 thôn là: thôn Hương Lý, thôn Hương Giang, thôn Ðá Chồng, thôn Hồng Bàng, thôn Làng Ðát thuộc xã Ðại Ðồng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái để trao tận tay cho bà con đang chịu thiệt hại nặng nề sau bão lũ”.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ bằng tài năng, tấm lòng của mình đã tổ chức những chương trình thiện nguyện riêng để quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ trong khả năng của mình. Tiêu biểu như mini show kịch câm của nghệ sĩ Hoàng Tùng - giảng viên Trường Ðại học Sân khấu Ðiện Ảnh Hà Nội dành toàn bộ số tiền bán vé để ủng hộ các em nhỏ tại Trường TH & THCS Ðức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng... NSND Tự Long và NSND Xuân Bắc trực tiếp đến các vùng bị ảnh hưởng do ngập lụt ở phường Trung Hưng và phường Ngô Quyền, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây để tặng quà, động viên các em thiếu nhi và người dân vùng lũ.

Có thể khẳng định, trong khoảng thời gian rất ngắn, ngay sau khi bão Yagi đi qua, nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ðảng, Nhà nước, cũng như của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn mà các nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL đã có những việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm sẻ chia, giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai. Với các loại hình nghệ thuật đa dạng, các chương trình nghệ thuật phong phú đã mang đến thông điệp sống bất khuất, vượt lên gian khó, lan tỏa truyền thống yêu thương đùm bọc, “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam tới cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết giúp đất nước vượt qua thiên tai, hoạn nạn.

 LIÊN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024

;