Các khái niệm và khung tiêu chí định hướng đánh giá về môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch

1. Các khái niệm liên quan đến môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch

Thuật ngữ Môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch, thường được gọi tắt là Môi trường văn hóa du lịch, liên quan đến 3 khái niệm cơ bản: du lịch, môi trường du lịch và văn hóa du lịch. Ba khái niệm này được xác định trong các công trình đã công bố hoặc được luật hóa.

Du lịch: Khoản 1, Điều 3, Luật Du lịch 2017 xác định: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”. Hoạt động du lịch là hoạt động của du khách, của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan đến du lịch. Các hoạt động này diễn ra trong môi trường xung quanh, chịu tác động của môi trường và tác động trở lại môi trường.

 Môi trường du lịch: Khoản 18, Điều 3, Luật Du lịch 2017 quy định: “Môi trường du lịch là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nơi diễn ra các hoạt động du lịch”. Du lịch muốn phát triển phải có môi trường trong lành, phải có tài nguyên du lịch hấp dẫn. Theo Khoản 4, Điều 3, Luật Du lịch 2017, tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Như vậy, có thể coi tài nguyên du lịch là thành tố của môi trường du lịch.

Văn hóa du lịch: Văn hóa du lịch (viết đầy đủ là văn hóa trong lĩnh vực du lịch) là sự thể hiện nội dung văn hóa trong lĩnh vực du lịch, được tích lũy và sáng tạo ra trong hoạt động du lịch bởi 4 chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch: Khách du lịch, Doanh nghiệp du lịch, Chính quyền các cấp, Cộng đồng dân cư nơi diễn ra hoạt động du lịch. Văn hóa du lịch được hình thành và phát triển cùng với hoạt động du lịch. Đây là một phạm trù lớn, thể hiện những giá trị văn hóa của hoạt động quản lý, nghiên cứu, kinh doanh, trải nghiệm du lịch; một khái niệm có cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hóa du lịch là ứng xử du lịch, giá trị du lịch và chuẩn mực du lịch của từng khách du lịch với quyền và nghĩa vụ của họ; của cộng đồng xã hội với vai trò chủ nhân của tài nguyên du lịch khi tham gia du lịch và làm du lịch; của các nhà nghiên cứu, đào tạo, truyền thông, quản lý du lịch và của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong thực hiện nghiên cứu, hoạch định và quản lý nhà nước về du lịch; và của doanh nghiệp du lịch, cá nhân trong kinh doanh (thường gọi là văn hóa doanh nghiệp du lịch, biểu hiện thông qua triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội; kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp, trang phục và ứng xử của nhân viên; văn hóa và chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm du lịch; kiến trúc của cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; các biểu tượng, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp…). Theo nghĩa hẹp, văn hóa du lịch là ứng xử, giá trị và chuẩn mực du lịch của mỗi cá nhân khi tham gia du lịch. Văn hóa du lịch còn bao hàm cả thái độ ứng xử (văn hóa ứng xử) của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch đối với cảnh quan - môi trường, đặc biệt là môi trường văn hóa); đối với nhau theo mối quan hệ: Chính quyền - Doanh nghiệp - Cộng đồng dân cư - Khách du lịch, đặc biệt là mối quan hệ giữa doanh nghiệp du lịch đối với khách du lịch.

Môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch: Khái niệm Môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch được sử dụng ở đây đồng nghĩa với Môi trường văn hóa du lịch. Vận dụng các khái niệm đã nêu ở phần trên, có thể hiểu môi trường văn hóa du lịch là một thành tố, một phương diện cấu thành của môi trường văn hóa, là tổng hòa của thực tiễn sáng tạo văn hóa du lịch thông qua các ứng xử, thích nghi của con người với môi trường du lịch; của hệ giá trị văn hóa du lịch, kết quả của hoạt động sáng tạo văn hóa trong du lịch; và của quá trình kế thừa, trao truyền và chọn lọc tiếp nhận văn hóa du lịch; bao trùm mối quan hệ nội tại của văn hóa du lịch, phản ánh văn hóa du lịch và là thuộc tính bản chất của văn hóa du lịch, dạng hoạt động của đời sống xã hội trong du lịch, biểu hiện kết quả hệ thống giá trị sáng tạo văn hóa du lịch. Môi trường văn hóa du lịch là một bộ phận cấu thành của toàn bộ hệ thống văn hóa xã hội.

2. Cơ cấu và đặc điểm môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch

Cơ cấu của môi trường văn hóa du lịch: có hai cách tiếp cận nổi bật về cơ cấu môi trường văn hóa du lịch: Tiếp cận theo không gian môi trường văn hóa du lịch, thì môi trường văn hóa du lịch được cấu thành bởi môi trường văn hóa du lịch vi mô và vĩ mô. Trong đó, môi trường văn hóa du lịch vi mô là môi trường ở đó diễn ra quá trình thâm nhập, thích nghi và tạo lập văn hóa du lịch của tất cả các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, nơi mà cá nhân và tổ chức trao đổi, tác động ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau, chung sống với nhau trong quá trình du lịch. Đây là môi trường gần gũi nhất với mỗi cá nhân và tổ chức tham gia du lịch như: khách du lịch, nguồn nhân lực du lịch trực tiếp và cộng đồng dân cư điểm đến du lịch. Môi trường văn hóa du lịch vĩ mô là khung cảnh để những giá trị văn hóa du lịch, những hoạt động du lịch, sự giao tiếp và những mối quan hệ liên quan đến du lịch của các chủ thể du lịch được mở rộng ra ngoài phạm vi vi mô của một điểm đến du lịch; Tiếp cận theo cấu trúc hệ thống của môi trường văn hóa đã công bố (1), vận dụng vào lĩnh vực du lịch và bổ sung yếu tố con người liên quan đến du lịch, với vai trò quyết định hoạt động du lịch, có thể xác định những thành tố cơ bản tạo nên môi trường văn hóa du lịch bao gồm: Toàn thể những cảnh quan văn hóa du lịch; Hệ thống các thể chế và thiết chế văn hóa du lịch; Hệ thống các hình thái hoạt động văn hóa du lịch; Hệ thống những quan hệ ứng xử văn hóa du lịch; Con người liên quan đến môi trường văn hóa du lịch.

Đặc điểm của môi trường văn hóa du lịch: Có thể khái quát 6 đặc điểm chung nhất của môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch:

Một là, luôn có sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Môi trường văn hóa du lịch của mỗi cộng đồng, mỗi tổ chức liên quan đến du lịch, thường gắn với các giá trị truyền thống của cộng đồng, tổ chức, địa phương, vùng, miền, quốc gia đó và với hệ thống các giá trị mới trong tiếp biến văn hóa được chấp nhận, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.

Hai là, mang tính phong phú và đa dạng, thể hiện ở sự kết hợp các bản sắc văn hóa vùng, miền, sắc tộc, tổ chức. Tài nguyên du lịch của Việt Nam đa dạng và phong phú nên môi trường văn hóa du lịch mỗi điểm đến du lịch ở cấp độ nhỏ đến quy mô quốc gia cũng rất đa dạng và phong phú, được hình thành phụ thuộc các vùng văn hóa, các sắc tộc văn hóa với những nét đặc trưng riêng có, tạo nên tính phong phú và đa dạng của môi trường văn hóa du lịch của từng điểm đến, từng tổ chức du lịch, mỗi địa phương, vùng, miền và đất nước. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, sự nghiệp cách mạng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong sự nghiệp phát triển du lịch của đất nước, qua các thời kỳ cũng tạo ra tính đa dạng của môi trường văn hóa du lịch.

Ba là, được hình thành và phát triển do yếu tố nội sinh (bên trong) và yếu tố ngoại sinh (bên ngoài). Ngược lại, môi trường văn hóa du lịch của từng điểm đến du lịch, mỗi doanh nghiệp du lịch, mỗi cộng đồng, địa phương, vùng miền và cả quốc gia trong quá trình tồn tại và phát triển luôn có sự tác động giữa những yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, những yếu tố ngoại sinh mang ý nghĩa tích cực sẽ thúc đẩy môi trường văn hóa du lịch của các cộng đồng, địa phương, quốc gia và khu vực phát triển phong phú, đa dạng hơn.

Bốn là, không tồn tại biệt lập, mà luôn nằm trong mối quan hệ hữu cơ với các môi trường văn hóa khác trong môi trường sinh thái, môi trường kinh tế, môi trường sản xuất, môi trường chính trị, ngoại giao,... Môi trường văn hóa du lịch được hình thành và phát triển do con người, thông qua hoạt động của con người, nhất là những con người liên quan trực tiếp đến hoạt động du lịch, trong mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Vì thế, môi trường văn hóa du lịch có quan hệ mật thiết, biện chứng với môi trường văn hóa ở các lĩnh vực khác, không nằm ngoài môi trường xã hội, môi trường kinh tế, chính trị, ngoại giao... và môi trường tự nhiên.

Năm là, mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Môi trường văn hóa du lịch là kết quả của một quá trình hình thành lâu dài, luôn chịu sự tác động của những yếu tố dọc thời gian và những yếu tố ngang của không gian. Năm yếu tố cấu thành của môi trường văn hóa du lịch đã nêu ở trên luôn tồn tại như một chỉnh thể trong không gian cụ thể và thời gian xác định.

Sáu là, luôn có sự đa xen giữa môi trường văn hóa du lịch chính thống và môi trường văn hóa du lịch không chính thống. Đặc điểm này đã tồn tại một cách khách quan từ trước đến nay. Cần có biện pháp với các chế tài đủ mạnh để khống chế, áp đảo môi trường văn hóa du lịch thiếu lành mạnh.

3. Khung tiêu chí định hướng đánh giá môi trường văn hóa du lịch

Chưa thấy có khung tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa du lịch được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Tác giả xin đề xuất 2 khung tiêu chí mang tính vận dụng để đánh giá môi trường văn hóa du lịch:

Khung tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa du lịch theo 5 yếu tố cấu thành môi trường văn hóa du lịch

 Hệ thống (khung) tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa du lịch có thể được xây dựng bao gồm 5 nhóm tiêu chí đánh giá từng thành tố cơ bản tạo nên môi trường văn hóa du lịch, bao gồm: Nhóm tiêu chí đánh giá cảnh quan văn hóa du lịch; Nhóm tiêu chí đánh giá thể chế và thiết chế văn hóa du lịch; Nhóm tiêu chí đánh giá các hình thái hoạt động văn hóa du lịch; Nhóm yếu tố đánh giá những quan hệ ứng xử văn hóa du lịch; Nhóm yếu tố đánh giá con người liên quan đến môi trường văn hóa du lịch. Mỗi nhóm tiêu chí đánh giá với những tiêu chí cụ thể, số lượng tiêu chí của từng nhóm có thể không bằng nhau. Các tiêu chí đánh giá theo từng nhóm đã được quy định ở từng lĩnh vực chuyên môn về đánh giá cảnh quan văn hóa phục vụ phát triển du lịch; đánh giá thể chế và thiết chế văn hóa phục vụ du lịch; đánh giá hình thái hoạt động văn hóa trong du lịch; đánh giá quan hệ ứng xử văn hóa du lịch; đánh giá con người, tổ chức liên quan đến môi trường văn hóa du lịch như chấp hành nội quy, quy chế của điểm du lịch văn hóa, sự hài lòng của khách du lịch, văn hóa của nguồn nhân lực du lịch, văn hóa công sở tại cơ quan quản lý, sự nghiệp du lịch, văn hóa doanh nghiệp du lịch và văn hóa cộng đồng dân cư tại điểm đến du lịch.

Khung tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa du lịch theo thang đánh giá phát triển du lịch bền vững của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC - Global Sustainable Tourism Council)

Hệ thống tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa du lịch cũng có thể ứng dụng có chỉnh sửa thang đánh giá phát triển du lịch bền vững do Hội đồng Du lịch toàn cầu (GSTC) xây dựng, bao gồm 4 nhóm với 24 chỉ số, cụ thể:

Nhóm một là: Quản lý du lịch bền vững, hiệu quả, gồm 8 tiêu chí: Thực hiện một hệ thống quản lý bền vững, lâu dài, phù hợp với quy mô và thực lực, quan tâm giải quyết các vấn đề về môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa, chất lượng, sức khỏe và an toàn; Tuân thủ pháp luật và các quy định quốc gia, quốc tế liên quan du lịch; Nhân viên du lịch được đào tạo, bồi dưỡng định kỳ về vai trò trong quản lý áp dụng về môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa, sức khỏe và an toàn trong hoạt động du lịch; Đánh giá sự hài lòng của khách du lịch để có sự điều chỉnh phù hợp; Quảng bá, quảng cáo sản phẩm du lịch đúng sự thật, cam kết bền vững và không hứa hẹn những điều không có; Thiết kế, xây dựng, cải tạo và vận hành cơ sở hạ tầng du lịch đảm bảo tuân thủ pháp luật, quy hoạch, tôn trọng di sản văn hóa, sử dụng vật liệu địa phương; Sở hữu hợp pháp đất đai và tài sản theo các quy định pháp luật của địa phương; Cung cấp thông tin, diễn giải về thiên nhiên, di sản, văn hóa và hướng dẫn cách ứng xử phù hợp cho du khách khi tham quan tại điểm đến du lịch.

Nhóm hai là: Gia tăng lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực, gồm 9 tiêu chí: Tích cực ủng hộ các sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và hỗ trợ phát triển cộng đồng thông qua hoạt động du lịch; Người dân trong cộng đồng địa phương được ưu tiên tuyển dụng và đào tạo về du lịch, ưu tiên sử dụng hàng hóa và dịch vụ sản xuất tại địa phương, trừ khi sản phẩm không phù hợp; Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất nhỏ của địa phương phát triển và bán các sản phẩm bền vững dựa trên những đặc thù về thiên nhiên, lịch sử văn hóa của điểm đến du lịch; Có quy tắc xử sự văn hóa du lịch phù hợp với các hoạt động của cộng đồng bản địa; Chống bất kỳ hành vi khai thác và “bóc lột” nào về thương mại và tình dục, đặc biệt đối với trẻ em, phụ nữ và người thiểu số; Đối xử công bằng trong tuyển dụng các lao động nữ và người dân tộc thiểu số, không được sử dụng lao động trẻ em trong hoạt động du lịch; Tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền của người lao động; Các hoạt động du lịch không được gây nguy hiểm cho nguồn dự trữ cơ bản hay hệ thống vệ sinh của cộng đồng; Các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương.

Nhóm ba là: Gia tăng lợi ích đối với các di sản văn hóa và giảm thiểu những tác động tiêu cực, gồm 4 tiêu chí: Tuân thủ các hướng dẫn và quy tắc ứng xử khi tham quan các điểm văn hóa hay lịch sử nhạy cảm; Các đồ tạo tác lịch sử hoặc giả cổ không được phép mua bán, kinh doanh hay trưng bày, trừ khi được phép; Đóng góp cho công tác bảo tồn di tích, tài sản giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ, có ý nghĩa tinh thần, tuyệt đối không cản trở việc tiếp cận của cư dân địa phương; Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của cộng đồng địa phương khi sử dụng các yếu tố về nghệ thuật, kiến trúc hoặc di sản văn hóa địa phương trong hoạt động kinh doanh, thiết kế, trang trí, ẩm thực.

Nhóm bốn là Tối đa hóa lợi ích đối với môi trường và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực, gồm 3 tiêu chí: Bảo tồn các nguồn tài nguyên; Giảm ô nhiễm; Bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.

__________________

1. Nhiều tác giả, Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 1998.

Tài liệu tham khảo

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

3. Hội đồng Du lịch toàn cầu (GSTC-Global Sustainable Tourism Council), Thang đánh giá phát triển du lịch bền vững, Madrid, 2011.

4. Phạm Trung Lương, Chuyên đề Bảo vệ môi trường du lịch của - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2010.

5. Nguyễn Văn Lưu, Tham luận Văn hóa du lịch - Nguồn lực quan trọng phát triển bền vững du lịch Việt Nam, tại Hội thảo quốc gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tháng 11-2017.

6. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường, 2014; Luật Du lịch, 2017.

7. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22-1-2020 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

8. Nhiều tác giả, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa và môi trường văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015, tr.60.

9. Hồ Sỹ Quý, Về môi trường văn hóa và môi trường văn hóa ở Việt Nam, hids.hochiminhcity.gov.vn.

NGUYỄN VĂN LƯU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;