“Bức tranh tình yêu”

Những ngày cuối năm Quý Mão, công chúng Thủ đô đã có dịp thưởng ngoạn những tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành và nữ họa sĩ Trương Mai San tại Nhà Triển lãm Ngô Quyền, Hà Nội, từ ngày 21/1- 30/1/2024 (gồm 37 tác phẩm hội họa của Lê Công Thành và 15 tác phẩm của họa sĩ Trương Mai San).

Lê Công Thành, Tình yêu, sơn dầu

Nhà điêu khắc Lê Công Thành (1932 - 2019), được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 1998, ông tiếp tục được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, năm 2020. Những năm cuối đời sức khoẻ không cho phép, ông sáng tác hội họa là chủ yếu. Nữ họa sĩ Trương Thị Mai San sinh năm 1947, là người dân tộc Dáy ở Sapa, Lào Cai. Câu hỏi là: - Hai người là bạn đồng nghiệp vong niên, có điểm gì chung trong một cuộc triển lãm này? Thậm chí, khi lựa chọn người bày chung triển lãm với chồng mình, nữ họa sĩ Kim Thái cũng dứt khoát chỉ chọn họa sĩ Mai San, bởi bà cho rằng họa sĩ Mai San có phong cách sáng tác “đối lập” với chồng mình.

Sau khi xem triển lãm của hai nghệ sĩ tôi đã chọn tiêu đề “Bức tranh tình yêu” cho bài viết này, bởi đó chính là điểm chung trong triển lãm của Lê Công Thành và Mai San.

“Bức tranh tình yêu” không phải tên một bức tranh cụ thể, mà đó là một bức tranh lớn về cuộc sống thông qua phương cách hội họa bày tỏ của người họa sĩ. Với tình yêu lớn có sẵn trong đời sống tinh thần, tình cảm mà không phải họa sĩ nào cũng may mắn có được, để trở thành “nội tố” tạo nên “tình yêu” trong mỗi bức tranh cụ thể của tác giả Lê Công Thành và Mai San. Đó là, người bạn đời- bạn nghề đồng hành của mỗi người, tương hỗ cho nhau trong đời và nghề, mà ta thấy trong cặp vợ chồng nghệ sĩ Lê Công Thành - Kim Thái và nghệ sĩ Mai San - Bằng Lâm, họ đã có “những mùa xuân bên nhau” vẽ “Bức tranh tình yêu” qua mỗi sáng tác độc lập trong triển lãm này của Lê Công Thành và Mai San.

Lê Công Thành, Tài tử, lụa. Sưu tập: Xuân Lan

Nhà Điêu khắc Lê Công Thành và họa sĩ Kim Thái đã có hơn 60 mùa xuân bên nhau. Trong nghề nghiệp, ông giống như một người thầy của vợ, họa sĩ Kim Thái chia sẻ: Ông không phải là thầy dạy của mình trên trường lớp, ông là người thầy trong đời sống, ông luôn động viên, khuyến khích bà vẽ. Ông có sức làm việc bền bỉ. Theo họa sĩ Mai San, Lê Công Thành có thể vẽ một lúc cả chục bức tranh.

Lê Công Thành sáng tác hàng nghìn bức tranh, hàng trăm tác phẩm điêu khắc và ở mỗi tác phẩm đều có dấu ấn hình bóng tinh thần là nữ họa sĩ Kim Thái. Nhà điêu khắc, hoạ sĩ Lê Công Thành trước đây công tác trong Tổ Sáng tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam, sau khi nghỉ hưu, ông vẫn thường đến Văn phòng Hội. Cách chừng 10 năm trước, trong một lần đến Hội, ông tâm sự rằng: Sau khi ốm dậy, ông có nhiều thay đổi trong “linh thức”... Ông hay nói về thân phận người phụ nữ có đời sống thiệt thòi trong xã hội và ông phải đi tìm gặp họ, để cảm thông, chia sẻ và hướng thiện cho họ... Lúc đó, tôi chỉ hiểu đại khái thế, bởi ông nói gần như nói với chính bản thân mình, nhưng giờ đây, tôi lại thấy những câu chuyện đó được thể hiện trong những sáng tác của ông. Ông vẽ bằng tình yêu thương, chỉa sẻ với người phụ nữ... với những khúc thăng trầm trong cuộc đời của họ, khi là đang xuân tươi phơi phới, khi là lúc vượt cạn đau đớn, tình mẫu tử thiêng liêng... Nhưng tất cả là vì ông nhìn thấy vẻ đẹp ở họ bằng lòng bao dung, thương yêu trìu mến và cả chút hóm hỉnh của một người nghệ sĩ già. Có thể nói, với người nghệ sĩ có nhiều đề tài khác nhau để vẽ còn với họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Công Thành thì luôn xuyên suốt luôn là chủ đề tình yêu. Phải chăng vì tình yêu là không tuổi nên ông có những chữ ký trên tranh kèm thời gian rất “ngẫu hứng”, chẳng hạn ở bức Tình yêu ông đã ký là 1930? Ông từng chia sẻ “Làm nghệ thuật tôi rất xúc động trước cái “tuyệt đỉnh” và “tuyệt mật” về vẻ đẹp thân xác của người đàn bà. Tôi cần cái vẻ đẹp ấy không có trong tôi. Đó là một nửa của tôi, nếu tôi tạc tượng về một người đàn ông, trong người đàn ông ấy có chứa đựng cả vẻ đẹp của người phụ nữ. Tôi muốn đem đến cho thế giới vẻ đẹp của người đàn bà là một phần nửa hệ trọng của thế giới này”. Lê Công Thành cho rằng: “Giữ được mình mãi là một nghệ sĩ, nghĩa là coi nghệ thuật là một thú vui để có được sự bình tâm hạnh phúc của riêng mình, chứ không phải vì một mục đích gì, và vì ai cả. Đó là một nghệ thuật chân chính, rất cần thiết cho xã hội, chứ không phải là một loại nghệ thuật vô bổ. Xã hội cần những con người nghệ sĩ như vậy, nếu không thì cuộc sống xã hội sẽ chao đảo.” Ông cho rằng: “Tôi không khiêm nhường mà cũng chẳng tự kiêu. Tôi được nhiều người kính trọng, là một người công dân tốt và một nhà điêu khắc giỏi. Nhưng tôi chỉ cảm thấy tôi là một người bình thường” (2006).

Trương Thị Mai San, Bụi chuối, Sơn dầu

Họa sĩ Mai San công tác và nghỉ hưu ở Hội Mỹ thuật Việt Nam, chồng bà là họa sĩ quân đội Nguyễn Bằng Lâm. Bên nhau từ những năm tháng học ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hai nghệ sĩ đã gắn bó hơn 50 năm, cùng nhau chia sẻ những thăng trầm, hạnh phúc bình dị trong cuộc sống... Họa sĩ Mai San chia sẻ: “Sáng, tôi dậy từ rất sớm, xem tin tức trên Facebook, cho mèo ăn, ăn sáng trong nhà xong đi tập thể dục, đi một vòng hồ Thành Công, xong đi chợ, về nhà tưới cây và chuẩn bị bữa sáng cho ông xã, sau đó là vẽ, vẽ đến độ tầm nào đấy thì đi đặt cơm. Trưa nghỉ tí nào thì nghỉ, không có thì lại vẽ đến tận chiều... “. Một ngày thật bình thường cảm nhận hạnh phúc bình dị vì vẫn còn được làm nghệ thuật, được trải tình cảm của mình trên từng tác phẩm...

Tôi hỏi (VMT): - Tranh của cô giờ mang mầu sắc “điềm đạm” hơn so với những bức tranh trước đây. Họa sĩ Mai San cười: “ - Thì già rồi nó phải điềm đạm hơn chứ”. Đã gần bước vào tuổi 80, ẩn sau phong thái điềm đạm của họa sĩ Mai San là nội lực mạnh mẽ của “người phụ nữ Dáy”, những sáng tác của bà với sắc mầu mạnh mẽ, tương phản trước đây, nay có phần dịu hơn và thêm vào đó thái độ bình thản, bao dung với cuộc đời, bà nhìn sự vật, hình ảnh bằng sự yêu mến chân thành, ấm áp của một người nữ họa sĩ. Người xem có thể thấy trên tranh của bà mang chung một phong cách tạo hình bởi những nét vẽ có phần tự nhiên đến thô mộc, phóng khoáng, trong hòa sắc xanh, hồng, đen trắng. Những nét vẽ “tự nhiên” này cho ta thấy sự gần gũi, với nghệ thuật chạm khắc dân gian trong đình làng, thấy đâu đó những bóng hình cô tiên trong tiên cưỡi rồng, hay họat cảnh trai gái nô đùa ở những miền quê... 

Trương Thị Mai San, Múa cỏ, sơn dầu, 2018

Triển lãm của Lê Công Thành và Trương Thị Mai San là một triển lãm đẹp, được công chúng đón nhận. Kết thúc triển lãm đã có 23 tác phẩm về với chủ mới, niềm vui năm mới cho những họa sĩ, người làm nghệ thuật. 

Thấy rằng, khi nghệ thuật được vẽ bằng tình yêu sẽ tạo nên những “Bức tranh tình yêu” đủ chân, thiện, mỹ bình dị, rất cần trong đời sống vốn nhiều lo toan thường ngày.

 VŨ MAI THƠ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024

 

;