“Bến không chồng” - một phiên bản mới trong dự án nghệ thuật hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và KAPAP

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam, 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, chiều ngày 12-10-2022, Nhà hát Kịch Việt Nam giới thiệu dự án Nghệ thuật hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) với vở diễn “Bến không chồng”.

Êkip vở diễn "Bến không chồng" trả lời câu hỏi từ phía báo chí

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ bên cạnh việc dàn dựng những tác phẩm sân khấu có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, truyền tải những nội dung, thông điệp, cũng như đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Nhà hát Kịch Việt Nam còn có vai trò và vị trí rất lớn trong việc quảng bá văn hóa, cũng như giao lưu, hợp tác quốc tế. Thời gian gần đây, Nhà hát vừa cho ra mắt vở nhạc kịch Alice in wonderland, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Nhà hát vẫn đang nỗ lực hằng ngày, hằng giờ với các đơn vị quốc tế để phối hợp thực hiện những tác phẩm mà ở đó lan tỏa văn hóa Việt Nam, cũng như giới thiệu bạn bè năm châu về nền kịch nói Việt Nam. Và dự án hợp tác với KAPAP lần này là một dự án được đánh giá vô cùng quan trọng. Hai bên đã lên kế hoạch hợp tác với nhau trong 3 năm và 5 năm tiếp theo.

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc phát biểu ra mắt vở diễn

Đây là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam được tiếp cận một quy trình sản xuất tác phẩm sân khấu của Hàn Quốc. Dự án này đã bắt đầu ngay từ trong tâm dịch, hai bên đã cùng làm việc online và đi đến thống nhất. Để có được thành quả như ngày hôm nay, hai đơn vị đã hợp tác trên tinh thần gắn kết, ăn ý, đồng điệu, tìm được sự tương đồng trong cách làm việc giữa hai nền văn hóa của hai quốc gia. Giai đoạn 1 của dự án gồm 2 phần: làm việc ở Việt Nam (khoảng 15 ngày) và làm việc ở Hàn Quốc (khoảng 15 ngày), đến khoảng ngày 12, 13-11-2022, show diễn đầu tiên giới thiệu về Bến không chồng sẽ ra mắt tại Hàn Quốc, sau đó sẽ ra mắt tại Việt Nam.

Ông Um Dung Youl, Giám đốc sản xuất phía Hàn Quốc mong muốn sẽ có thêm nhiều hợp tác với Nhà hát Kịch Việt Nam

Giám đốc sản xuất phía Hàn Quốc - ông Um Dung Youl phát biểu: “Nhằm mục đích phát triển văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc và châu Á, với dự án kịch Bến không chồng, chúng tôi mong muốn đưa những giá trị nghệ thuật của 2 nước ra thế giới. Đây chính là dự án có ý nghĩa hết sức to lớn. Bước chọn kịch bản, xây dựng cốt truyện thành kịch bản cụ thể, casting diễn viên, luyện tập, chúng tôi đã cùng nhau làm. Tôi cũng rất vinh dự, thông qua dự án này, tôi có thể mang đến cho khán giả Hàn Quốc những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam cũng như sự xuất sắc của diễn viên Việt Nam. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Dự án lần này cũng là bước tiền đề để sau này, chúng ta có thể hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực văn hóa”.

Đạo diễn Hàn Quốc Kim Min Jung cho biết ngay từ khi đọc kịch bản bà đã thấy không hề lạ lẫm với người Hàn Quốc vì Việt Nam và Hàn Quốc có những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, đều trải qua những đau thương, mất mát của chiến tranh và đều có ý chí hướng tới tương lai. Các diễn viên đã dốc hết sức mình để luyện tập. Bà Kim Min Jung tin rằng toàn bộ êkip có thể mang đến cho khán giả những giây phút tuyệt vời nhất trên sân khấu.

Đạo diễn Kim Min Jung chia sẻ về quá trình thực hiện vở diễn

Êkip thực hiện vở diễn Bến không chồng gồm: Tác giả kịch bản - Vũ Thị Thu Phong; Biên tập - Han Ah Reum; Đạo diễn - Kim Min Jung, NSƯT Hoàng Lâm Tùng; Trợ lý đạo diễn - Lê Quang Đạo, Yoon Young Min; Chủ nhiệm chương trình - Joo Hyun Lee; Trợ lý sản xuất - Mai Quyên; Đạo diễn âm thanh - Hujae Chung, Giáng Son; Phục trang - NSƯT Tiến Đạt; Biên đạo múa - Phạm Minh Trang; Giám đốc sản xuất (Hàn Quốc) - Um Dung Youl; Giám đốc sản xuất (Việt Nam) - NSƯT Nguyễn Xuân Bắc; Chỉ đạo nghệ thuật - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc.

Kịch bản được tác giả Vũ Thị Thu Phong chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Kịch bản này đã đoạt giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2019. Hai đơn vị tìm được sự đồng điệu trong cách cảm nhận tác phẩm, sự đồng cảm về số phận nhân vật và quyết định lựa chọn tác phẩm này bởi ý nghĩa nhân văn, những vấn đề của cuộc chiến, góc nhìn về thân phận người phụ nữ, sự đồng cảm, sự khát khao hạnh phúc của mỗi người. Đạo diễn Việt Nam - NSƯT Hoàng Lâm Tùng là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác với các đạo diễn nước ngoài, trước đây anh cũng từng làm đạo diễn cho vở Cô gái và chiếc xe máy (2019) - một vở diễn hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Acsan Theater Company của Hàn Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức casting để lựa chọn vai diễn phù hợp nhất.

Tác giả kịch bản Vũ Thị Thu Phong chia sẻ về việc chuyển thể tác phẩm

Tác phẩm Bến không chồng đã được dựng thành phim điện ảnh. Ở dự án này, vở kịch được dựng bối cảnh, cũng như sử dụng trang phục, đạo cụ truyền thống của Việt Nam. Điểm độc đáo của vở diễn chính là: sẽ mang nước lên sân khấu để miêu tả về con sông Đình Đoài. Đạo diễn muốn làm nổi bật vai Hạnh và các bà góa chuyên buôn chuyện ven con sông ấy. Theo chia sẻ của đạo diễn Hàn Quốc - Kim Min Jung: “Vở diễn không dàn dựng nhiều về quá khứ mà tôi cũng thiên hướng về tính hiện đại. Thông qua vai Hạnh, một cô gái rất mạnh mẽ, với tính cách của cô ấy, sẽ là con đường mới cho phụ nữ Việt Nam, thoát hỏi những hủ tục xưa và luôn hướng tới tương lai. Cảnh cuối của Hạnh là một cảnh mở ra tương lai của cô ấy cũng như hầu hết phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn ấy”.

NSƯT Hồ Liên chia sẻ về quá trình làm việc cùng Đạo diễn người Hàn Quốc

NSƯT Hồ Liên chia sẻ tại buổi họp báo: “Khi đọc kịch bản chúng tôi chưa thấy sự quan trọng của những người đàn bà buôn chuyện, họ không có tên mà chỉ gọi là người phụ nữ số 1, số 2, số 3. Với phong cách dàn dựng này, những người phụ nữ này chính là những người dẫn chuyện. Phương pháp làm việc của đạo diễn Hàn Quốc khiến diễn viên phấn khích khích, không có sự khác biệt. Khi đạo diễn dàn dựng, chúng tôi nắm bắt được ngay, đi từng cảnh một, phân đoạn một khá dễ dàng. Diễn viên chúng tôi học hỏi được nhiều điều về phong cách làm việc và luôn cảm thấy được trân trọng, động viên để tiếp nhận phương pháp mới. Kịch bản không hề mới nhưng được dàn dựng theo phong cách hiện đại. Tất cả 13 diễn viên có mặt trên sân khấu từ đầu đến cuối. Lúc thì chúng tôi đóng vai những người dân làng, lúc thì đóng vai những con quỷ mặt đỏ, lúc thì đóng vai thanh niên xung phong. Hy vọng rằng khi tác phẩm này hoàn thiện thì khán giả sẽ đón nhận như một làn gió mới với phương pháp biểu diễn kết hợp giữa 2 quốc gia. Đây sẽ là một tác phẩm đậm chất Việt Nam nhưng lại mang hơi hướng hiện đại”.

Bến không chồng là tác phẩm đầu tiên và là bước đầu trong dự án dài hơi trong mối quan hệ giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc do Nhà hát Kịch Việt Nam và KAPAP thực hiện. Thông qua việc giao lưu, học hỏi trong việc dàn dựng một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt việc áp dụng những công nghệ biểu diễn tiên tiến, hiện đại, dự án này cũng thể hiện tinh thần hữu nghị giữa hai quốc gia không chỉ gần về khoảng cách địa lý mà còn có sự tương đồng về văn hóa, nghệ thuật.

Cũng theo Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc cho biết, ngay sau khi trở về từ Hàn Quốc, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 18-12-2022. Nhà hát sẽ diễn 10 buổi liên tiếp tại Nhà hát lớn với những vở diễn gần đây nhất, được đánh giá là xuất sắc nhất để phục vụ cho đông đảo những người yêu sân khấu nói chung và yêu Nhà hát kịch Việt Nam nói riêng.

LIÊN HƯƠNG

;