Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

Sáng 19-2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã tiến hành họp phiên bế mạc.

Trước Phiên bế mạc, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, biểu quyết thông qua 2 nghị quyết: Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quốc hội họp phiên bế mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Hoàn thiện thủ tục đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để thực hiện ngay trong năm 2025

Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, về mục tiêu tổng quát của dự thảo Nghị quyết nhằm củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.

Dự thảo Nghị quyết cũng điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ đô la Mỹ (USD); GDP bình quân đầu người khoảng 5.000 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để thực hiện ngay trong năm 2025… Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế; đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.

Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số; phát triển thương mại điện tử. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. Phát triển ngành vận tải hàng không và tạo điều kiện hơn nữa để thu hút khách du lịch nước ngoài; khẩn trương xem xét, quyết định giải pháp đơn phương miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho công dân một số nước châu Âu, Trung Đông mang hộ chiếu phổ thông; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa… Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến…

Các đại biểu biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử thông qua 2 Nghị quyết

Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Với kết quả: 463/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,86%). Như vậy, với đại đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Cũng tại phiên bế mạc, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quốc hội đã tiến hành biểu quyết.

Kết quả biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, có 454/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,98%). Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, dân chủ thảo luận, thể chế hóa đầy đủ pháp luật; cùng với tinh thần hết sức cầu thị lắng nghe, nghiên cứu kỹ để giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa của các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra; tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.

Đồng thời, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Quốc hội đã bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội cũng đã bầu 6 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 4 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời, miễn nhiệm một số Bộ trưởng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nhận nhiệm vụ khác.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, quyết nghị các nội dung khó, phạm vi ảnh hưởng rộng; trong điều kiện đặc biệt, đặc thù, chịu áp lực về thời gian nhưng với yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo sự đồng bộ, chặt chẽ, triển khai ngay trong thực tiễn, các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự ủng hộ, quyết tâm rất cao, có nhiều ý kiến thẳng thắn và có giá trị về cả lý luận và thực tiễn. Nhiều đại biểu đã ghi nhận: các dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV; khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước. Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, còn nhiều vấn đề cụ thể của thực tiễn rất khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hiến định, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thông suốt, khả thi, hiệu quả, đạt được những mục tiêu đã đề ra. Những băn khoăn, lo ngại của các vị đại biểu Quốc hội là có cơ sở, cần hết sức lưu ý trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và công tác giám sát sau khi các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành, đảm bảo thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã thành công tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm.

“Đề nghị Chính phủ nỗ lực cao nhất để xây dựng các kế hoạch, các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong các luật và các nghị quyết của Quốc hội; các cơ quan khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp bộ máy cần xử lý ngay, có tính chất đặc thù, mà không thể xử lý theo nguyên tắc chung để ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chủ động chuẩn bị tốt nhất các nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15 tới đây” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

NGỌC BÍCH – Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

;