Trong không khí hào hùng của tháng Tư lịch sử – thời khắc đất nước tròn 50 năm thống nhất – cầu truyền hình nghệ thuật chính luận “Bản trường ca hòa bình” đã vang lên như một nốt nhạc trầm hùng nhưng cũng đầy tha thiết, kết nối hồn thiêng sông núi với triệu con tim người dân Việt. Chương trình không chỉ là một bản giao hưởng tưởng niệm và tri ân mà còn thắp lên niềm tin vào một tương lai với hòa bình và phát triển.
Khoảnh khắc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trương Công Thái nhận kỷ vật chiến tranh từ Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - Ảnh: T. An
Với hình thức cầu truyền hình kết nối giữa các điểm cầu Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Đắk Lắk, chương trình tái hiện một cách sinh động chiều dài lịch sử dân tộc qua những lát cắt sâu sắc, chân thực về chiến tranh và hòa bình. Nếu như Hà Nội là biểu trưng cho sự chỉ đạo, quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc thì Buôn Ma Thuột là nơi mở màn thắng lợi (ngày 10/3/1975), tạo bước ngoặt lịch sử cho đại thắng mùa Xuân, còn di tích lịch sử Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất) là nơi đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 30/4/1975), một trong những biểu tượng của chiến thắng, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ở mỗi điểm cầu đều đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Chính sự hòa quyện tinh tế giữa chính luận và nghệ thuật khi xen kẽ những thước phim tư liệu quý giá, với lời dẫn sâu sắc, đầy chất nhân văn. Những giai điệu của các ca khúc đi cùng năm tháng vang lên đã làm sống lại những ký ức hào hùng. Khán giả cùng hòa theo điệu nhạc hát vang khúc ca “Dậy mà đi” (nhạc sĩ Tôn Thất Lập), “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (nhạc sĩ Phạm Tuyên) và “Đất nước trọn niềm vui” (nhạc sĩ Hoàng Hà)… ai cũng say sưa trong điệu nhạc, cùng chung một cảm xúc hào hùng và hân hoan.
Tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc Tây Nguyên tại điểm cầu Đắk Lắk - Ảnh: T. An
Không lên gân cũng không bi lụy, “Bản trường ca hòa bình” chọn cách thể hiện nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm tinh thần nhân đạo và niềm kiêu hãnh. Không ít người xem đã rơi nước mắt khi những câu chuyện thật, những ký ức chiến tranh hiện lên chân thực, ám ảnh. Đặc biệt là những phút giao lưu ngắn ngủi với nhân chứng của lịch sử. Từ điểm cầu Đắk Lắk, khoảnh khắc đặc biệt đã khiến khán giả nghẹn ngào xúc động khi lần đầu tiên được gặp gỡ Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại đội trưởng đội xe tăng Trung đoàn 273, Quân đoàn 3. Ông là người đã lái chiếc xe tăng 980 trong chiến dịch Tây Nguyên (3-1975) giải phóng Buôn Ma Thuột. Sau 50 năm về lại chiến trường xưa, ông bồi hồi nhớ đến những người đồng đội đã cùng mình chiến đấu trong lửa đạn và không khỏi vui mừng khi nhìn thấy Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk đang phát triển từng ngày.
Xúc động hơn cả là giây phút Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng trang trọng trao tặng lại kỷ vật chiến tranh là 4 chiếc mũ lái xe tăng của ông và các đồng đội cho tỉnh Đắk Lắk, để những chứng nhân lịch sử này được bảo tồn và phát huy giá trị, giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
Xen lẫn các phần giao lưu là những tiết mục nghệ thuật sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc từ các nghệ sĩ ở mỗi điểm cầu, tái hiện lịch sử đấu tranh hào hùng qua âm nhạc, múa và hình ảnh tư liệu quý hiếm. Khán giả như được sống lại khoảnh khắc khi đón đoàn quân giải phóng trở về, quân và dân cờ hoa rực rỡ cùng vẫy tay chào nhau trong niềm vui sướng vì từ nay Bắc Nam đã nối liền một dải. Rồi cùng nhau vỡ òa trong chiến thắng. Muôn người như một không ai bảo nhau đều hô vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Khi tiếng nhạc lắng lại, dư âm của chương trình vẫn như đang vang vọng đâu đây gợi nhắc rằng: Hòa bình không phải là điểm kết, mà là khởi đầu cho một hành trình lớn lao hơn. Đó là hành trình gìn giữ và phát triển đất nước bằng tất cả tình yêu, trách nhiệm và khát vọng.
Nhưng trên hết, những người trẻ đã tìm thấy trong “Bản trường ca hòa bình” niềm tự hào, niềm tin và hy vọng. Rằng dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục viết nên những bản trường ca mới của hòa bình, dựng xây và phát triển. Từ Tây Nguyên nắng gió đến mọi miền đất nước, đêm hội ngộ ấy đã để lại dư âm khó phai, tiếp thêm niềm tin, lòng tự hào dân tộc cho bao thế hệ hôm nay và mai sau.
THÚY AN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025