Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong bài viết “Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tổng Bí thư Tô Lâm xác định cán bộ là một trong những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mỗi công việc”(1) và “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2). Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là nền tảng cốt lõi góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư , Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ Khai giảng Lớp cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng ngày 14-10 - 2024. Nguồn ảnh: vov.vn

Trong Nghị quyết Đại hội XIII, xây dựng Đảng về cán bộ lần đầu tiên được Đảng ta đề cập với tư cách là thành tố thứ năm nhằm tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(3). Đảng ta quyết định tách nội hàm cán bộ từ xây dựng Đảng về tổ chức thành một thành tố độc lập và khẳng định: “Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”(4). Không phải ngẫu nhiên Đảng quyết định tách nội hàm cán bộ từ xây dựng Đảng về tổ chức, mà xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, đây cũng là kết quả sự đúc kết những kinh nghiệm của công tác xây dựng Đảng trong nhiều nhiệm kỳ, trực tiếp là hai Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII (1997) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (2018) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (Nghị quyết số 26-NQ/TW), với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả: “Quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta cả trước mắt và lâu dài”(5). Đảng ta quyết định tách nội hàm cán bộ nhằm tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ và giải quyết vấn đề cán bộ: “Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ - nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng”(6). Đây là bước đột phá tư duy lý luận của Đảng trong nhìn nhận, cân nhắc vấn đề xây dựng Đảng với trọng tâm, trọng điểm, trước nhất là xây dựng Đảng về cán bộ.

Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi công tác cán bộ phải tiếp tục điều chỉnh và đổi mới toàn diện nhằm thực hiện thắng lợi “kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”(7). Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu rất cao, có thời cơ nhiều, vận hội lớn nhưng khó khăn, thách thức cũng rất gay gắt. Do đó, hơn bao giờ hết, công tác cán bộ phải được quan tâm, đặc biệt chú trọng: “Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết”(8).

Chỉ khi làm tốt công tác cán bộ thì mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới mới được hiện thực hóa. Công tác cán bộ là một trong những công tác trọng yếu của Đảng, là nhân tố trực tiếp quyết định thành công của mọi công việc, đó là nguyên lý. Theo đó, yêu cầu đối với cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới, trước hết và nền tảng là yêu cầu về phẩm chất có vai trò đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra: “(i) Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. (ii) Có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân. Dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu; khơi thông điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; giải quyết những vấn đề sai sót tồn đọng, kéo dài hoặc đột phá đối với những vấn đề mới chưa có quy định hoặc quy định chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện. (iii) Có năng lực cụ thể, tổ chức thực hiện, đưa chủ trương chiến lược của Đảng vào thực tiễn từng ban, bộ, ngành, địa phương (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng chiến lược, cải cách triệt để thủ tục hành chính…)”(9).

Bước vào kỷ nguyên mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ và công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ. Hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Xây dựng đồng bộ, toàn diện các đối tượng cán bộ ở các cấp. Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ. Thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Hai là, tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số. Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt và thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ. Tăng cường công tác tự giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ thường xuyên, bền bỉ tự tu tâm tích đức; rèn luyện bản lĩnh ngày càng chỉn chu, chín chắn; sống chân thành, trung thực, cởi mở với chính mình, với người khác, với tập thể. Chú trọng rèn luyện tính khiêm nhường, lắng nghe, học hỏi và thân ái, giúp đỡ, sẻ chia, động viên mọi người xung quanh để cùng chung tay, góp sức hoàn thành công việc chung. Nỗ lực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; với tinh thần cầu tiến bộ để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, góp phần phòng và chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ba là, xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nâng cao trách nhiệm, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ. Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với từng nhóm đối tượng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng suất lao động, hiệu quả công tác và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực của đất nước: “Trên cơ sở phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế; bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch, không để nhụt chí”(10). Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chú trọng giữ vững các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “xây” và “chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ, những khâu yếu, mặt yếu. Kịp thời sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, quy định, quy chế và những chủ trương thí điểm, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển lý luận xây dựng Đảng về cán bộ.

Bốn là, sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Quản lý chặt chẽ, hiệu quả đội ngũ cán bộ các cấp theo hướng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ. Hoàn thiện các quy định, quy chế để kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền. Xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ, hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền. Thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ. Kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, đẩy lùi những biểu hiện lệch lạc, sai trái trong công tác cán bộ.

Năm là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các đồng chí là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược - “tinh hoa dẫn dắt” đất nước, dân tộc bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và đáp ứng yêu cầu: “Bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn” (11). Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ làm công tác cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp. Tăng cường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác cán bộ “trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sớm tới đích hay không phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm và sức mạnh phấn đấu của toàn dân tộc, trong đó, đội ngũ cán bộ là một trong những nhân tố then chốt, giữ vai trò động lực quyết định. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước, của chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Đây là nền tảng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược ngang tầm với yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

________________

Tài liệu tham khảo

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.269, 273.

3, 4, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.26, 75, 26.

5. Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 21-KL/TW về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa ”, Hà Nội, 2021, tr.4.

7, 8, 9, 10, 11. Tô Lâm, Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tạp chí Cộng sản, số 1.050, tháng 11/2024, tr.3, 9.

NGUYỄN QUANG BÌNH - NGUYỄN CÔNG VƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025

;