Bác về, đem tới mùa Xuân cho cách mạng Việt Nam

Kể từ năm 1911, sau chặng đường bôn ba hải ngoại chẵn 30 năm, khi nắm chắc tình hình thế giới và các điều kiện trong nước đã chín muồi, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở về Tổ quốc (mùa Xuân 1941), mở ra một thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

“Bác Hồ về nước” -Tranh sơn dầu của Trịnh Phòng

Vừa về đến Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng. Ngày 8/2/1941, để bảo đảm an toàn, Người chuyển đến hang Pác Pó (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) để chỉ đạo phong trào cách mạng.

Tại đây, Nguyễn Ái Quốc liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện về tổ  chức, vận động, chuẩn bị thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) cùng chương trình, điều lệ  hoạt động. Phong trào Việt Minh từ đó đã thâm nhập vào từng chòm xóm, bản làng. Các tổ chức Cứu quốc phát triển nhanh, mạnh. Cán bộ, đảng viên đã biết vận động, tuyên truyền phù hợp với từng tầng lớp, lứa tuổi.

Sau 3 tháng thí điểm tổ chức phong trào Việt Minh, số hội viên ở 3 châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình đã lên tới 2.000 người, thuộc đủ các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông - đủ các tầng lớp thanh thiếu niên, phụ nữ, nông dân.

Tháng 3/1941, hai quần chúng cơ sở của cách mạng trên đường đi liên lạc cho đoàn thể bị bắt, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí đã chuyển trụ sở từ Pác Bó lên Lũng Lạn, cách hang Cốc Bó vài trăm mét.

Từ ngày 10 đến 19/5/1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Khuổi Nặm (Pác Bó - Cao Bằng). Tại Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những nhận định quan trọng về vấn đề dân tộc và quốc tế đang đặt ra đối với cách mạng Việt Nam: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy” (1).

Đây là một Hội nghị có tầm quan trọng lịch sử, quyết định chính sách mới của Đảng, đặt nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, đề ra chủ trương thành lập tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh), xây dựng các căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa đánh đuổi Pháp - Nhật. 

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, phong trào cách mạng Cao Bằng như diều gặp gió, lên rất nhanh ở các địa phương, nhiều cơ sở cách mạng nảy nở, hình thành và ngày càng trở nên vững chắc. Tại Khuổi Nậm, ngày 6 tháng 6 năm 1941, trong thư kêu gọi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: “Toàn dân đoàn kết” và Người kêu gọi “Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”(2). Ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc.

Sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời được hơn hai tháng, ngày 1 tháng 8 năm 1941 báo Việt Nam Độc lập do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra đời. Nội dung của báo tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh việc cổ động, tuyên truyền, tổ chức nhân dân vào các hội Cứu quốc của Việt Minh, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chủ yếu của cách mạng là phát xít Nhật - Pháp và bè lũ tay sai, hướng dẫn cách tổ chức các đội du kích, đội tự vệ, cách vận động binh lính, công tác đào tạo đội ngũ và hướng dẫn phương pháp tự rèn luyện cho cán bộ hội viên. Tuy chỉ in với số lượng vài trăm bản, phát hành trong phạm vi hẹp nhưng báo Việt Nam Độc lập rất được quần chúng yêu mến. Với mục đích: “Cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do” (3), báo Việt Nam Độc lập đã cùng với nhiều tờ báo cách mạng khác, phát động toàn dân tiến tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.

Như vậy, sau 30 năm bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 Người đã trở về Tổ quốc, lập căn cứ địa cách mạng, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu quốc, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân bằng cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945, sau này là  Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước để  hôm nay, chúng ta có được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm đổi mới.

Thêm một mùa Xuân mới lại về, lòng ta nhớ Bác khôn nguôi. Nhớ Bác, mỗi người dân Việt Nam quyết tâm, ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng đất nước Việt Nam   ngày một “đàng hoàng hơn”, to đẹp hơn" như Bác từng mong muốn.

 

_______________

1. Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr198.

3. Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, tập 2, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tác giả: Nguyễn Văn Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021

;