Quân đội nhân dân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ trưởng thành trong tình yêu thương, đùm bọc của nhân dân, trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, làm tròn nhiệm vụ cao cả: giữ vững từng tấc đất, tấc nước của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ của nước ta.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã khẳng định con đường  giai cấp, giải phóng dân tộc là phải “Tổ chức ra quân đội công nông (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2002, tr 1) để giành và giữ chính quyền. Vì vậy, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành, phát triển mạnh mẽ, rộng khắp như: Đội du kích Bắc Sơn; Quân du kích Nam Kỳ… đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Cuối tháng 10/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về Hà Quảng, Cao Bằng. Sau khi phân tích tình hình cách mạng ở trong nước, Người trực tiếp giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động và lập đội quân giải phóng.

Theo Chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Tham dự Lễ tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng giữa tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) có 34 chiến sĩ, được chia thành 3 tiểu đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì buổi lễ  và đọc diễn văn tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng. Đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách công tác kế hoạch - tình báo.

Thực hiện lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng”, ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tiến công đồn Phai Khắt; ngày 26/12/1944 tiến công đồn Nà Ngần. Cả hai trận đánh đầu tiên, quân đội ta đều giành thắng lợi, tiêu diệt và bắt sống nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch, mở ra truyền thống quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng kẻ thù xâm lược của quân đội ta. Tháng 3/1945, Thường vụ Trung ương họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân...) thành Việt Nam Giải phóng quân; đẩy mạnh tuyên truyền xung phong có vũ trang phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân; xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc; phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Từ tháng 4/1945, trong cao trào kháng Nhật cứu nước, phong trào vũ trang khởi nghĩa, khởi nghĩa từng phần đã giành thắng lợi ở nhiều nơi. Ngày 15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thượng (Định Hóa, Thái Nguyên), đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất, mang tên Việt Nam Giải phóng quân.

Trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước, Đảng ta đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc quân. Năm 1946, Vệ quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 22/12/1944, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, “đội quân đàn anh”, “đội quân khởi điểm của Giải phóng quân”. 

Tình quân dân - ảnh minh họa

76 năm qua, quân đội đã làm tròn sứ mạng là lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân đánh giặc, giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc; của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững ổn định chính trị. Lớp lớp thế hệ cán bộ chiến sĩ quân đội ta không ngừng phát huy bản chất cách mạng tốt đẹp, xây đắp nên truyền thống vẻ vang "Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"; được nhân dân trao tặng danh hiệu cao quý "Bộ đội Cụ Hồ". Cùng với sức mạnh của toàn dân tộc, quân đội ta làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ; làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đánh tan chủ nghĩa thực dân mới, thống nhất non sông, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước ra khỏi chiến tranh đã 45 năm  nhưng bốn nguy cơ mà Đảng ta đã dự báo vẫn tồn tại và có mặt còn trầm trọng hơn. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo sẽ ngày càng gay gắt, diễn biến phúc tạp. Nguy cơ “tụt hậu xa hơn về kinh tế”, tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến “, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nặng nề; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội xuống cấp, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Tình hình thế giới và trong nước nêu trên tạo ra thời cơ, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức đan xen nhau, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc, quân đội ta phải tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, ra sức phát huy nội lực, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đẩy lùi nguy cơ, kiên trì công cuộc đổi mới, củng cố quốc phòng; tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trải qua 76 năm, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên nhiều điều kỳ diệu, trong đó có việc xây dựng, giữ gìn và phát triển các giá trị cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Các giá trị cao đẹp đó đã, đang và sẽ sống mãi trong lý trí và tình cảm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cũng như của anh em, bạn bè quốc tế.

Tác giả: Nguyễn Văn Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020

 

;