Âm sắc Trường Sơn

Nghệ thuật diễn xướng dân gian là chất men tạo nên những cảm hứng, thăng hoa cho con người và cộng đồng. Âm nhạc, múa và nghệ thuật tạo hình là linh hồn của di sản văn hóa các dân tộc, là yếu tố làm nên bản sắc tộc người. Các loại hình di sản này chẳng những giúp đồng bào vui chơi, giải trí mà còn là mang ý nghĩa tâm linh của cộng đồng. Ca, múa, nhạc dân gian thường được thể hiện ở không gian kiến trúc nhà làng, xung quanh cây nêu, cột lễ, kiến trúc trang trí nhà mồ cùng với các nghi thức thiêng liêng.

Vũ điệu Da dá trước sân nhà gươl

Mỗi dân tộc đều sở hữu những loại hình nghệ thuật đặc sắc như Vũ điệu Tân tung da dá, Hát lý - Nói lý của dân tộc Cơ Tu; Đấu chiêng đôi, múa Ka đáu của dân tộc Cor, Đàn t’rưng của dân tộc Xơ Đăng, Đinh tút của dân tộc Giẻ - Triêng. Kho tàng âm nhạc dân tộc rất phong phú với những làn điệu dân ca, nhiều nhạc cụ khác nhau thuộc họ dây (các loại đàn), họ hơi (kèn, sáo, tù và), họ tự thân vang (chiêng, cồng, lục lạc, não bạt), họ màng rung (trống)...Riêng dân tộc Cơ Tu có đến 8 làn điệu dân ca, trong đó có điệu hát trữ tình, đằm thắm như Cha chấp, Ka lới, Ba booch...Điệu ca, khúc nhạc có tiết nhịp rõ ràng, tính chất vui tươi, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào.

Kiến trúc và nghệ thuật tạo hình trên ngôi nhà làng và nhà mồ chính là kho báu của làng, tạo nên nét văn hoá đặc sắc trong di sản văn hóa của dân tộc Cơ tu. Nghệ thuật điêu khắc gỗ vẫn còn sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng, là di sản nổi trội của tộc người. Đề tài điêu khắc của đồng bào khá phong phú, miêu tả những điều cảm nhận về thiên nhiên và cuộc sống, sinh hoạt ở bản làng. Âm nhạc và lễ hội là chủ đề tạo nên nguồn cảm hứng trong sáng tác nghệ thuật tạo hình của các nghệ sĩ dân gian trên các không gian kiến trúc. Điều thú vị là những tác phẩm của các nghệ nhân dân gian gửi gắm nơi nhà làng thì chủ đề về diễn xướng dân gian lại chiếm một ưu thế về số lượng tác phẩm và phong cách thể hiện. Có lẽ âm nhạc, nhịp điệu trống chiêng là chất men gây xúc cảm nghệ thuật để hình thành nên những tác phẩm khá độc đáo. 

Với các nghệ nhân Cơ Tu, mỗi lần tổ chức, sinh hoạt lễ hội cộng đồng, họ luôn đảm nhận nhiều vai trò, thể hiện sự đa năng, bao quát trong việc thực hành, trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian. Cùng một nghệ nhân, trước khi làng vào mùa lễ hội, họ là người đi đầu trong việc huy động mọi người tham gia công tác “hậu cần” và những công việc khác. Từ việc chuẩn bị nguyên vật liệu, vật dụng, lương thực thực phẩm, đến khâu trang trí, điêu khắc...Những người khéo tay trong làng dành hết cả tâm trí, tài năng để tạc tượng, chạm khắc, tô vẽ hoa văn trên cây cột lễ, cây nêu. Khi vào hội, với chút men say, có một sự hưng phấn, kích thích, họ có thể nhảy múa, tấu chiêng xuất thần, hát ca đối đáp trôi chảy, lời hát - nói lý cất lên thấm đẫm tình người. Không có gì lạ khi điệu dân vũ nổi tiếng của đồng bào là chủ đề gây nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật tạo hình với hàng loạt bức tranh, bức tượng, phù điêu, những dải hoa văn trang trí làm đẹp cho ngôi nhà làng truyền thống (gươl). Hình ảnh cô gái múa là chủ đề mà nghệ nhân dân gian Cơ Tu không bao giờ xa rời trong sáng tạo nghệ thuật truyền thống. Từ bàn tay khéo léo của họ, từng nhát đục vẹn nguyên như hơi thở, họ đã tận hiến cho vốn văn hóa bản làng thêm phần đặc sắc. 

Tù và sừng trâu vừa là vật trang sức của đàn ông vừa là nhạc cụ trong các lễ hội truyền thống

Trên cột cái (z’râng moong), những tấm ván thưng, những thanh xà, trên hai đầu nóc nhà... được chạm trổ hình cô gái múa, người đàn ông nhảy hội cùng với vô số những hình ảnh quen thuộc khác như con rồng, đầu trâu, kỳ đà, tắc kè, thằn lằn, hình trai gái tình tứ trong điệu khèn bè, những chiếc mặt nạ, cảnh đâm trâu và săn bắn, cảnh uống rượu cần…Hình tượng cô gái múa Da dá là đề tài, mô típ khá phổ biến trong hệ thống hoa văn trang trí trên trang phục, đặc biệt là ở đuôi khố của cánh đàn ông. Khi diễn đạt, miêu tả hình ảnh cô gái múa trong điêu khắc tượng tròn hay trong phù điêu, nghệ nhân Cơ Tu luôn có sự kết hợp màu sắc để làm hoàn thiện thêm về y phục, trang sức hoặc các chi tiết của thân thể con người như đôi mắt, chân mày, mái tóc. Có nơi, người ta mặc bộ áo váy thổ cẩm rực rỡ màu sắc, hoa văn cho bức tượng cô gái múa. Để làm nền loại hình di sản này, có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật thị giác. Chính nghệ thuật điêu khắc dân gian, nhất là các tác phẩm thể hiện ở nhà làng góp phần làm cho vũ điệu Tân tung Da dá thêm sinh động, phong phú và mang một giá trị đặc sắc.

Những nét đẹp của “người đàn ông nhảy hội” cũng được thể hiện sinh động trong nghệ thuật tạo hình. Trong nhà làng, ta thấy xuất hiện khá nhiều tranh vẽ, phù điêu, tượng tròn khắc họa hình ảnh của “người đàn ông nhảy hội”. Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc, tượng tròn về điệu múa Tân tung mang chiều sâu của cảm xúc, sống động, đó là gương mặt của các trai làng hân hoan, động tác thể hình uyển chuyển, đôi chân như nhún nhảy, đôi tay như cử động nhịp nhàng…Những vật dụng, đạo cụ mang theo như khiên, lao, kiếm, các nhạc cụ không thể thiếu khi mỗi dịp diễn ra lễ hội cộng đồng như trống, chiêng, khèn bè, tù và, lục lạc…cũng được đưa vào nghệ thuật điêu khắc, hội họa dân gian khá ấn tượng. Một số tượng tròn cũng đặc tả về phục sức của bức tượng người đàn ông nhảy điệu Tân tung như tóc búi tó, đeo trang sức bằng chiếc nanh heo nhà, mã não, nanh vuốt thú…

Bức phù điêu miêu tả điệu múa trống chiêng

Vào những ngày lễ hội truyền thống lớn nhất của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn, âm điệu diễn xướng và sắc màu tạo hình, trang trí luôn hòa quyện nhau. Các lễ hội lớn đều quy tụ các loại hình diễn xướng dân gian như múa điệu Tân tung dă dá, múa Ka đáu, đấu chiêng đôi, thổi đing tút. Lễ hội các dân tộc là sự hội tụ cao độ của các tinh hoa văn hoá, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan toả trở lại cộng đồng. Sự rộn ràng, tươi vui mang lại sức sống, khát vọng cho mỗi người, là chất men nuôi dưỡng, hình thành những tinh hoa di sản tộc người.

Bài, ảnh: TẤN VỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

;