Tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung

Tối ngày 8-9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và các đơn vị có liên quan đã long trọng tổ chức Lễ Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Miền Trung lần thứ IV, năm 2023.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện 11 đoàn đồng bào dân tộc các tỉnh tại Lễ Khai mạc Ngày hội

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr; Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh;

Về phía tỉnh Bình Định: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn; cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các ban, Sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Bình Định và các diễn viên, nghệ nhân các tỉnh tham dự Ngày hội.

Ngày hội văn hóa các dân tộc được Bộ VHTTDL cùng 11 tỉnh miền Trung luân phiên tổ chức nhằm tôn vinh những tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc miền Trung Việt Nam; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các đồng chí: Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr; Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh tại Lễ Khai mạc Ngày hội

Phát biểu Khai mạc Ngày hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, dải đất miền Trung được xem là nơi hội tụ, chuyển tiếp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa; cộng đồng các dân tộc miền Trung đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với bề dày hơn 2.000 năm, tiêu biểu là nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn minh Chăm Pa. Thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, cải tạo thiên nhiên, lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày đã hình thành nên kho tàng văn hóa phong phú. Nơi đây sở hữu giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đồ sộ với 5 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 6 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, 37 di tích quốc gia đặc biệt, 46 bảo vật quốc gia, 691 di tích quốc gia và nhiều di sản có giá trị khác. Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Co, Xơ Đăng, Mnông, Chăm và nhiều tộc người khác gắn liền với quá trình khai thiên lập địa, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên, ước mơ cũng như khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

“Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, của các vùng miền trên cả nước nói riêng, trong những năm qua Bộ VHTTDL đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai nhiều hoạt động, nhiều chương trình nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt là tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu Khai mạc Ngày hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cùng với Ngày hội VHTTDL các dân tộc tại các vùng miền của cả nước, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung đã trải qua ba lần tổ chức, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung. Tiếp nối thành công của ba kỳ Ngày hội lớn, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-9-2023 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung bình đẳng – đoàn kết – hội nhập và phát triển” hứa hẹn sẽ tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa để các cơ quan quản lý văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, để nhân dân và du khách có cơ hội hiểu rõ hơn về đặc trưng văn hóa của vùng núi cao, vùng núi thấp, vùng ven biển mang hơi thở cuộc sống gắn với núi rừng, sông, suối, biển cả. Cùng với tập quán canh tác mùa vụ của đồng bào các dân tộc miền Trung qua các hoạt động dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, khám phá ẩm thực, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn một các công phu; được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong các nghi lễ truyền thống.

Nhắc đến câu danh ngôn của người Pháp “Văn hóa là những gì còn lại khi tất cả những cái khác đã mất đi”, Bộ trưởng nhấn mạnh: cũng chính vì lẽ đó mà thông qua Ngày hội, những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ được tiếp nối, vun đắp và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử. Đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đây cũng là dịp để tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân và du khách quốc tế, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các địa phương trong vùng.

11 đoàn dân tộc thiểu số của các tỉnh miền Trung ra mắt tại Lễ Khai mạc

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, với truyền thống cần cù, chịu khó trong lao động, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm và trong xây dựng, bảo vệ đất nước. Cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất Việt Nam đã sáng tạo và vun đắp nên một nền văn hóa đặc sắc, thống nhất trong đa dạng và luôn được giữ gìn, kế thừa, phát huy.

Đồng bào các dân tộc miền Trung trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, được hình thành, phát triển trong quá trình lao động sản xuất và được lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán, trang phục, nghi thức lễ hội, tín ngưỡng dân gian… đây là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho biết: tỉnh Bình Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, thừa hưởng một mạch nguồn văn hóa đồ sộ và cổ xưa của nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn hóa Chămpa nổi tiếng; là cái nôi của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bình Định là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, nổi bật là Nghệ thuật Tuồng và những làn điệu Bài chòi mượt mà, sâu lắng, trong đó Nghệ thuật Bài chòi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Miền đất võ Bình Định với những tinh hoa võ thuật đã hun đúc, kết tinh thành truyền thống thượng võ của con người Bình Định qua nhiều thế hệ.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc

Bình Định còn là nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em, ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc: Bana, Chăm, Hrê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, đã làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định. Những bản sắc văn hóa riêng đó đã trở thành nếp sống, trở thành các chuẩn giá trị được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Với bề dày giá trị văn hóa đặc sắc, tại Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Cùng với sự quan tâm của Trung ương trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, trong đó chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong tỉnh, qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

“Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung bình đẳng – đoàn kết – hội nhập và phát triển”, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần này là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc miền Trung trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021” – Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Bình Định quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch của quê hương và con người Bình Định với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, gắn công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.

Tại lễ khai mạc, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu và khán giả cả nước đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề Miền Trung – Lung linh sắc màu hội tụ do Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung, năm 2023 chỉ đạo nội dung; Sở VHTT tỉnh Bình Định, Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTTDL) và các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện.

Chương trình nghệ thuật với sự góp mặt của gần 800 nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đến từ các đoàn nghệ thuật, Nhà hát, Trường nghệ thuật chuyên nghiệp…; diễn viên, nghệ nhân dân gian đến từ 11 tỉnh về tham dự Ngày hội; và các diễn viên không chuyên của tỉnh Bình Định là học sinh trường THPT DTNT, sinh viên trường Cao đẳng, Đại học và thiếu nhi.

Các tiết mục trong chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày hội

Miền Trung – Lung linh sắc màu hội tụ gồm 3 chương: chương 1 với chủ đề Bình Định miền đất địa linh – anh hùng hào kiệt; chương 2 có nội dung Sắc màu Văn hóa các dân tộc miền Trung; và chương 3: Miền Trung hội nhập và phát triển cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Chương trình được thể hiện bằng hình thức trình diễn, lồng ghép những sự tích, huyền thoại, văn hóa, nghệ thuật đa dạng đã, đang phổ biến trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào. Bên cạnh đó là các hình thức nghệ thuật diễn xướng mang tính cộng đồng, kết hợp với chủ đề tri ân công lao của những con người đang bám trụ, sống kiên cường nơi miền Trung nắng gió của Tổ quốc, những người đang đi đầu trong các bước tiến thời đại, mang tâm hồn nhiệt huyết, tinh thần đại đồng dân tộc, luôn khát khao và luôn cống hiến hết mình…

Cùng với các màn trình diễn, khán giả được thưởng thức các ca khúc: Bình Định hôm nay, Sáng trong buôn, Việt Nam quê hương tôi, Ngẫu hứng Chăm, Chờ Mẹ dệt vải… Chương trình nghệ thuật đã phác họa bức tranh toàn cảnh đời sống sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần của các đồng bào dân tộc, đã tạo ấn tượng đối với người xem. Qua đó đã góp phần quảng bá sâu rộng văn hóa truyền thống, sản phẩm du lịch đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;