ẤN TƯỢNG RENOIR

Năm 1872, Claude Monet gây rúng động giới mỹ thuật bởi bức tranh ấn tượng mặt trời mọc. Bố cục thiếu rõ ràng, không còn sự cân xứng hợp hòa giữa những khối hình, mảng màu như ở các tác phẩm hàn lâm cổ điển kinh viện, cũng không có cả chủ đề mà chỉ có cảm đề, cảnh vật mơ hồ chìm trong bản giao hưởng của sắc màu và ánh sáng.

 

Với Ấn tượng mặt trời mọc, Monet đã khai quang chân trời mới của hội họa: Chân trời phiếm định huyền ảo trong sương mờ không còn phân biệt bến bờ mây nước. Nhãn thức ấn tượng ra đời từ đấy, nó như một cơn địa chấn mạnh làm sụp đổ cái nhìn thấu thị và phép phối cảnh truyền thống tưởng chừng đã trở thành thiên la địa võng ở Âu châu duy lý. Công đầu này thuộc về Claude Monet, Auguste Renoir, Alfred Sisley, Edgar Degas... Và, nếu như bút pháp của Monet là tiêu biểu thì trường phái ấn tượng cũng tự hào với hai thành viên có lối vẽ mang một sắc thái rất đặc biệt, đó là Degas và Renoir.

Auguste Renoir sinh ngày 25-12-1841 ở Limoges, mất ngày 3-12-1919 tại Cagnes, Pháp. Trước khi đến với hội họa, ông đã phải vật vã với nhiều nghề để kiếm sống, nhưng lạ thay, toàn bộ tác phẩm của Renoir không có chỗ cho nỗi buồn ngự trị mà là những khúc hoan ca ca tụng mùa xuân và tuổi trẻ. Đó chính là quan niệm sống và phổ thẩm mỹ bao trùm cuộc đời làm nghệ thuật của Renoir.

Là một nghệ sĩ ấn tượng chủ nghĩa, đương nhiên Renoir mang tính cách Pháp đặc trưng trong lối sống và cách biểu đạt, nhưng nghệ thuật Italia thời Phục hưng, mà đặc biệt nghệ thuật của Raphael có địa vị dẫn đường và chi phối. Điều này đã được minh chứng bằng cuộc hành hương của ông đến Rome vào năm 1881 để tìm nhận con đường nghệ thuật cho mình. Tại đây, ông đã bị nghệ thuật Raphael thuyết phục. Vốn nhạy cảm với những khối ánh sáng và sự phản quang phong phú của màu sắc cùng sự chuyển động vi tế của vạn vật, Renoir đã sáng tạo nên một loạt tranh phong cảnh vô cùng ấn tượng. Với nét bút nhẹ bay, trôi nổi, với gam màu nhẹ, những nét mờ tạo nên sự du dương như những cung bậc âm thanh nhẹ lướt, khi dìu dịu mát xanh, khi ẩn hiện trong khói sương mờ. Tất cả đã kết tinh trong họa phẩm Monet đang vẽ trong vườn - sơn dầu, khổ 50,5 x 61,5 cm, sáng tác năm 1873. Đó là một bức tranh ám ảnh, không cần nhiều sự bố trí song rất lay động bởi những mảng màu, khối hình như có ma lực dưới bàn tay của một họa sĩ tài ba. Renoir đã biến ngoại cảnh thành tâm cảnh, hiệu quả không gian lung linh, mạnh mẽ của nhãn quang ấn tượng.

Renoir có tài vẽ những cái quyến rũ, vui tươi, tràn đầy sức sống thanh xuân, mà đặc biệt là vẽ đám đông, cái thần thái của nhân vật từ dáng điệu, cử chỉ, tính cách, thậm chí cả tâm trạng đều được ông khắc họa một cách vô cùng sinh động, tinh vi; dù ở gần, có cơ hội đặc tả, hay ở xa, lấp ló giữa những vai áo, bình hoa nhòa nhạt trong bóng tối... Nét vẽ Renoir uyển chuyển, tinh tế. Trong Bữa ăn trưa trên tàu, Renoir thâu vào lăng kính mình một hình tượng tươi xinh, xao động như thể đó là một thiên đường có thật ở Paris: người ngồi uống, kẻ đang tranh luận, người ngồi xa hơn đang quan tâm lắng nghe... tất cả đang hòa chung cảm xúc, hướng đến câu chuyện trên bàn ăn hào hứng theo cách riêng của mình.

Bằng sự quan sát tinh tế, cùng sự buông thả của con tim ngập tràn yêu thương, Renoir đã làm nên một phong cách vô cùng hấp dẫn, thanh tao, nhẹ lướt: Vũ hội ở Moulin de la Galette. Với một lối vẽ giàu chất thơ và dễ cảm nhận, Renoir đã phổ nhạc vào tranh: tiết tấu nhịp điệu rộn ràng, những tiếng hát, những bước nhảy, như đang tan loãng trong dạ khúc đêm nồng nàn, khiến ta liên tưởng đến những vần thơ say của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:

Âm ba gờn gợn nhỏ,

Ánh sáng phai phai dần...

Dưới ánh sáng ngọn đèn ảo mờ ấy, gương mặt giai nhân bừng sáng, rạng rỡ. Đất trời xoay tròn, đảo điên trong tiếng nhạc ru đêm, thầm lặng mà người xem nghe được qua màu mắt đê mê, đắm chìm. Vũ hội ở Moulin de la Galette của Renoir đã cho ta về lại cái không khí lễ hội mơ mòng của một thời xa. Ngày nay, ngắm lại, bức tranh đó vẫn làm con tim ta bồi hồi, run rẩy bởi cái đẹp cứ lung linh, ảo diệu, mơ hồ mà gắn bó, gần gũi, lạ thường...

Vũ hội ở Moulin de la Galette

 

Không chỉ đơn thuần là một trong những người khai sáng con đường mới cho hội họa mà Renoir còn làm ngây ngất lòng người bởi những kiệt tác để đời về thiếu phụ khỏa thân bùng nổ giới tính. Với ông, người suốt đời đi tìm sự tuyệt mỹ nơi những đường cong nuột nà, mê hoặc, không có niềm vui sướng nào hơn là được đắm chìm trong vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ, kết quả hơn 300 tác phẩm đã ngự trị trong đời ông, làm nên một motip nữ kiểu Renoir đẫm mùi thơm da thịt. Một vẻ đẹp đầy giới tính óng ả, giàu sức biểu hiện: nồng nàn, khỏe khoắn, sung mãn đến độ thăng hoa. Đấy là những khúc ca đầy màu sắc, bừng âm vang da thịt: Khuôn hình eo mông mượt mà, bầu ngực căng nở sinh lực phồn thực, mắt biếc xanh màu núi lung liêng, môi đỏ mơ mơ, gợi tình, lưng tròn, bụng nở... tất cả đang lồ lộ phơi bày dưới bầu trời nồng nàn sắc tố lung linh. Những hình, những sắc ấy được Renoir giải xác trên các họa phẩm đã vươn tới tầm cao của cái đẹp, cái cao thượng: khiêu chứ không dâm, gợi tình chứ tuyệt nhiên không gợi dục, hướng người xem tranh tới xúc cảm khỏe khoắn, thanh sạch, không nhục dục tầm thường. Đấy là do bút pháp của Renoir mang lại. Ta ngắm những họa phẩm này với cảm giác say mê, trân trọng, không gợn chút suồng sã.

Renoir - nhà nghệ sĩ ấn tượng, người suốt đời dành cho sự hồn nhiên, tươi trẻ của thế giới hình sắc - đã sáng tạo một phong cách nghệ thuật hấp dẫn lạ thường nơi những đường cong phồn thực, nữ tính cũng như những bức tranh phong cảnh để đời. Ông đưa người xem vào một thế giới của sự hòa hợp tình người, tràn ngập hương thơm, ánh sáng và những run rẩy nhịp đập con tim. Khác với tư duy hiện thực, ông không miêu tả cái nhọc nhằn, vật vã mà mình phải chịu đựng, nếm trải, ngược lại, khai thác ước vọng về sự thiếu hụt, đẩy lên thành hạnh phúc tràn trề chỉ có thể khả kiến được bằng hội họa ấn tượng. Chính điều này làm nên tên tuổi và khu biệt Renoir với những tên tuổi lớn khác của trường phái ấn tượng.

 

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 310, tháng 4-2010

Tác giả : Trịnh Chu

;