Âm nhạc truyền thống ngày xuân xứ Quảng

Trong không gian tươi trẻ, tuôn tràn sức sống của những ngày Tết đến xuân về, âm nhạc truyền thống là một phần không thể thiếu để làm nên những ngày Tết đúng nghĩa. Nằm trong không gian văn hóa độc đáo của mảnh đất duyên hải miền Trung, ngày Tết xứ Quảng may mắn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền. Mỗi độ đất trời vào xuân, trên các nẻo đường quê, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hội bài chòi, hát sắc bùa hay những câu hò, điệu lý vang lên trong không khí tưng bừng, rộn rã.

1. Vài nét về nghệ thuật âm nhạc truyền thống xứ Quảng

Con người ở bất kỳ một nền văn minh nào đều không thể tách rời âm nhạc. Những giai điệu, tiết tấu, cao độ, trường độ, cường độ của âm thanh đã góp phần không nhỏ tạo nên niềm vui trong cuộc sống, chuyên chở tâm tư, tình cảm và biết bao thông điệp của lịch sử. Là chủ nhân của một nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm tuổi tại Đông Nam Á, nghiễm nhiên Việt Nam sở hữu một nền âm nhạc truyền thống lâu đời và có giá trị. Theo những tài liệu thành văn và khảo cổ, nền âm nhạc cổ truyền của Việt Nam được định hình từ thời đại Hùng Vương, gắn với nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc. Cư dân nước Văn Lang và sau này là Âu Lạc được biết đến như những người “yêu nghệ thuật” và có “tài sáng tạo nghệ thuật” (1).

Hát bài chòi - Ảnh dulichdanang.vn

Trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, nhân dân ta vẫn bảo tồn được vốn quý âm nhạc dân tộc trước âm mưu đồng hóa thâm độc của kẻ thù. Năm 938, Ngô Quyền giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc sau hơn một thiên niên kỷ dưới ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Kỷ nguyên độc lập của dân tộc là thời đại phục hồi và phát triển trở lại của nền âm nhạc dân gian bên cạnh nền âm nhạc cung đình vừa manh nha xuất hiện. Hai dòng nhạc tưởng chừng như tách biệt xa lạ này đã hội tụ, đan xen và bổ sung cho nhau để làm nên sự đa dạng trong thống nhất của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trải qua nhiều triều đại với những thăng trầm lịch sử, âm nhạc truyền thống vẫn được các thế hệ người Việt lưu giữ trong mạch nguồn văn hóa dân tộc; không ngừng được bổ sung, cải tiến để trở thành những di sản văn hóa vô giá cho đời sau; đúng như lời cố GS, nhạc sĩ Tô Vũ từng khẳng định: “Cứ mỗi lần đọ sức với âm nhạc ngoại lai, âm nhạc truyền thống Việt Nam lại tìm thấy sức mạnh tiềm tàng để tự bảo vệ, tự cải tạo và nâng cao trình độ của mình lên một bước” (2).

So với các địa phương khác trong cả nước, âm nhạc truyền thống xứ Quảng mang những nét độc đáo riêng. Bởi lẽ, trước khi thuộc về người Việt, đây là vùng đất trung tâm của Vương quốc Chămpa lừng lẫy một thời. Âm nhạc Chămpa được xem như cơ sở ban đầu quan trọng của âm nhạc truyền thống xứ Quảng. Năm 1306, vua Chămpa Chế Mân đã dâng hai châu Ô, Lý để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của Đại Việt. Vua Trần Anh Tông đổi châu Ô thành Thuận Châu và châu Lý thành Hóa Châu. Một phần của xứ Quảng lúc bấy giờ đã thuộc Hóa Châu. Các triều đại tiếp theo từ nhà Hồ đến Hậu Lê dần dần mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Với nền tảng âm nhạc Chăm trước đó, từ TK XV, khi những đoàn lưu dân từ đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh vượt đèo Hải Vân vào khai cư lập nghiệp ngày càng đông, thì những thành tựu âm nhạc cổ truyền người Việt có cơ sở từ thời đại Hùng Vương đã theo chân họ vào Nam. Xứ Quảng thời ấy được xem như vị trí “tiền tiêu”, “trạm trung chuyển”, “bàn đạp” quan trọng cho các luồng di dân từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiến vào mở cõi phương Nam nên cư dân xứ Quảng có ý thức rất cao trong việc giữ gìn những vốn quý của văn hóa Đại Việt, họ đã “lận lưng” không ít những làn điệu dân ca, câu hò, điệu hát, điệu chèo, câu ví giặm thân thương mà mẹ, bà của họ đã từng hát ru con, hay những ấn tượng khó phai của câu hát cửa đình ở buổi hội làng.

Có thể nói, các thể loại dân ca, hò, vè, điệu lý, hát bài chòi đã dần hình thành và phát triển phổ biến tại xứ Quảng vào TK XV-XVI khi những lưu dân từ phía Bắc dần ổn định cuộc sống tại vùng đất mới. Từ vốn âm nhạc cổ truyền mang theo, kết hợp với những yếu tố âm nhạc Chăm từ trước đó đã hình thành nên một nghệ thuật âm nhạc cổ truyền có bản sắc riêng của mảnh đất này. Các điệu lý, câu hò, điệu hát, sau này là nghệ thuật tuồng, hát bài chòi, bả trạo, sắc bùa... đều có chất đậm đà, chứa chan tình cảm và mang âm điệu, tiết tấu đặc sắc xứ Quảng; vừa có cái vui tươi, rộn rã của không khí lao động ngày mùa, vừa có cái sâu lắng, thiết tha của tình yêu đôi lứa hay trăn trở cho cuộc sống mưu sinh.

2. Nghệ thuật âm nhạc truyền thống ngày xuân ở xứ Quảng

Với người Việt Nam nói chung và người Quảng nói riêng, Tết Nguyên đán là ngày Tết quan trọng nhất trong năm. Với ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”, ngày Tết được người người, nhà nhà chờ đón với tất cả niềm háo hức, mong đợi những điều tốt đẹp nhất. Để có được một cái Tết đủ đầy, người nông dân phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó. Trong hơi thở rộn ràng của đất trời những ngày cuối năm, không gian đón Tết truyền thống của người Việt Nam dường như trở nên đậm đà, sâu lắng hơn khi những thanh âm, giai điệu của các thể loại âm nhạc truyền thống được cất lên. Chúng ta cùng điểm qua một số thể loại âm nhạc truyền thống gắn liền với ngày xuân của xứ Quảng.

Các điệu lý

Xứ Quảng là mảnh đất sinh ra nhiều điệu lý. Các điệu lý xứ Quảng thường đa dạng trong việc biểu hiện các sắc thái tình cảm, từ trữ tình, duyên dáng đến hài hước, trào lộng, trong sáng, vui tươi. Các điệu lý thường không mang tiết tấu, nhịp điệu của lao động mà có độ dài ngắn khác nhau thể hiện trọn vẹn những cung bậc cảm xúc. Ngày xuân xứ Quảng không thể thiếu những điệu lý mang sắc thái tươi vui, rộn rã như: Lý chơi xuân, Lý bán quán, Lý con sáo, Lý ngựa ô, Lý thương nhau, Lý thiên thai...

Trong những dịp gặp gỡ đầu xuân, nam thanh nữ tú xứ Quảng thường dành cho nhau những câu hò khoan đối đáp giao duyên. Một buổi hát hò khoan thường có ba chặng: hát chào, vào cuộc (gồm hát đố, hát đối, hát xạo, hát nhân ngãi) và giã bạn. Nhiều đôi lứa đã nên duyên chồng vợ từ những buổi hát hò khoan ngày xuân với câu hát “khoan hố hợi hò khoan” quen thuộc.

Đồng dao

Với các em nhỏ, mùa xuân là mùa của bao thứ quà ngon, được diện quần áo mới, người lớn mừng tuổi. Trong sự háo hức của trẻ thơ, còn có những câu đồng dao ngày xuân vui nhộn, mang ý nghĩa cầu chúc cho một năm mới đủ đầy. Điểm nổi bật của hát đồng dao là tính diễn xướng, cộng đồng rất cao, vừa hát vừa vỗ tay theo nhịp. Để phù hợp với tâm lý, tâm hồn của trẻ thơ, lời ca của đồng dao thường ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc. Bài đồng dao ngày xuân xứ Quảng được bao thế hệ thuộc nằm lòng đó là bài Xúc xắc xúc xẻ với những câu quen thuộc: Xúc xắc xúc xẻ/ Năm mới năm mẻ/ Nhà nào còn thức/ Mở cửa cho chúng tôi.

Nghệ thuật tuồng

Ngày Tết xứ Quảng không thể thiếu nghệ thuật tuồng (hát bội). Mỗi dịp xuân về, hát bội thường được tổ chức tại sân đình. Nhiều gia đình khá giả còn mời đội hát bội về biểu diễn phục vụ dân làng vào dịp cúng cầu an đầu năm. Thưởng thức nghệ thuật tuồng đầu xuân đã trở thành một phần không thể thiếu trong những sinh hoạt văn hóa đầu năm của người dân Quảng. Theo dân gian, tuồng Quảng Nam ra đời từ cái nôi của hai vùng Đức Giáo và Khánh Thọ (khoảng đầu TK XIX). Sơn Hậu được xem là vở tuồng cổ đầu tiên của Quảng Nam, tương truyền do Đào Duy Từ sáng tác vào giữa TK XVII (dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên). Ngày nay, nhiều làng quê xứ Quảng ở các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Tiên Phước… thị xã Điện Bàn, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) hay huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn còn duy trì các đội hát bội không chuyên phục vụ nhu cầu của nhân dân vào những dịp đầu xuân hoặc trong những ngày lễ tế, hội làng (3).

Hô hát bài chòi

Đến với xứ Quảng những ngày xuân, khắp làng trên xóm dưới, ta dễ dàng bắt gặp những hội bài chòi sôi động, tươi vui. Đây cũng là một loại hình âm nhạc truyền thống không thể thiếu trong không gian ngày Tết ở nơi đây. Người ta tổ chức hội bài chòi ở sân đình, chợ làng, có khi tổ chức ở sân miếu, nhà sinh hoạt văn hóa của làng hay đôi khi ở những bãi đất trống thuận tiện đi lại trong làng.

Bài chòi đầu tiên ra đời để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của người nông dân sau những ngày làm việc vất vả. Về sau, khi thường thức thẩm mỹ của nhân dân được nâng cao, người ta đã lồng ghép các làn điệu dân ca vào trò chơi để thêm phần hấp dẫn, họ đã “biến cuộc đỏ đen thành một trò chơi văn chương tao nhã” (4).

Mở đầu hội bài chòi, một hồi trống chầu vang lên giục giã. Khi mọi người đã mua hết số thẻ bài. Người phát thẻ bài ra hiệu để anh hiệu bắt đầu hô bài. Anh hiệu bước ra giữa sân đến ống thẻ bài rút từng con bài, rồi hô lên cho người chơi trong các chòi con nghe để “ăn”, mỗi quân bài là một lời ca. Chính sự dí dỏm, hài hước và tài ứng biến, đối đáp của anh hiệu sẽ tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn của cuộc chơi. Thỉnh thoảng, anh hiệu xen vào một số điệu hát bội, nói vè, hò khoan, ngâm thơ, cải lương để tạo không khí, nhưng chủ đạo vẫn là điệu hô bài chòi.

Chòi nào có quân bài trúng thì đánh mõ báo hiệu để anh hiệu mang một lá cờ đến cắm vào khúc thân chuối hoặc cây rơm đặt ở trước chòi. Chòi nào ăn đủ 3 quân thì phải đánh một hồi mõ báo hiệu bài tới. Ban tổ chức đánh một hồi trống báo hiệu rồi đốt một dây pháo tiểu, dàn nhạc cổ trỗi lên chúc mừng. Anh hiệu bưng khay tiền đến trao cho chòi thắng cuộc. Một bộ bài chòi thường có 30 con gồm 3 pho là pho văn (chín gối, nhì bánh, ba bụng, tứ tượng, ngũ rún, sáu miểng, bảy liễu, tám miểng, chín cu, ông ầm), pho võ (nhứt trò, nhì bí, tam quăn, tứ móc, ngũ trợt, lục trạng, thất vung, bát bồng, cửu chùa, bạch huê) và pho sách (nhứt nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ cẳng, ngủ dụm, sáu hội, bảy thưa, tám dây, cửu điều, thái tử). Ba con còn lại xếp thành ba cặp là cặp thái tử, cặp ông ầm và cặp bạch tuyết. Nội dung lời ca của bài chòi khá phong phú, từ ca ngợi tình yêu lao động, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân nghĩa, đức hạnh, tình yêu lứa đôi đến thể hiện lập trường đấu tranh giai cấp, chống xâm lược, tình yêu đối với quê hương xứ Quảng, với những xóm làng yên vui, trù phú. Ngày xuân, thử vận may đầu năm với một ván bài chòi là thú vui tao nhã, lành mạnh của người dân xứ Quảng.

Hát bả trạo

Văn hóa biển là một phần không thể thiếu trong tổng thể văn hóa xứ Quảng. Trong số các loại hình nghệ thuật truyền thống ngày xuân xứ Quảng, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến các thể loại âm nhạc gắn liền với đời sống của ngư dân, tiêu biểu là hát bả trạo. Đây là hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp gắn với các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cư dân ven biển miền Trung. Tại xứ Quảng, thể loại âm nhạc cổ truyền này thường được tổ chức tại lễ hội Cầu ngư gắn với tục thờ Cá Ông. Vào dịp đầu năm, trong tiết xuân tháng 2, tháng 3 âm lịch, các làng biển ở xứ Quảng từ vùng Nam Ô, Thanh Khê, Sơn Trà... của thành phố Đà Nẵng đến các làng biển ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành... của Quảng Nam, cộng đồng ngư dân thành kính tổ chức lễ hội Cầu ngư để tưởng nhớ công ơn che chở của đức Ngư Ông (Cá Ông, Ông Nam Hải...) và cầu cho sóng yên biển lặng, tôm cá đầy ghe. Trong lễ hội Cầu ngư dịp đầu năm của ngư dân, hát bả trạo là một loại hình âm nhạc truyền thống không thể thiếu. Theo cách lý giải của những ngư dân cao tuổi, bả có nghĩa là bạn, còn trạo có nghĩa là chèo, bả trạo có nghĩa là bạn chèo. Cũng có một cách lý giải khác, bả tức là cầm chắc, còn trạo có nghĩa là mái chèo, bả trạo có nghĩa là cầm chắc mái chèo (5).

Về xuất xứ của hát bả trạo, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng hát bả trạo có liên quan về nguồn gốc với hát chèo ở miền Bắc, khi theo chân các đoàn người Việt về phương Nam đã tiếp nhận nhiều ảnh hưởng, biến đổi để trở thành hát bả trạo.

Hát bả trạo - Ảnh: Baodanang.vn

Trước khi hát bả trạo thường có phần đọc văn tế, các điệu hát bả trạo thường kết hợp giữa các điệu Nam ai, ca Huế, hát bội với lời văn lục bát, phú... được chọn lọc kỹ từng câu từ để có thể gây xúc động cho người xem. Các điệu múa bả trạo là sự hình tượng hóa sinh hoạt thường nhật của ngư dân như giăng câu, bủa lưới, chèo thuyền lúc sóng êm hay lúc có phong ba bão tố. Đạo dụ gồm một chiếc thuyền bọc vải không đáy, trạo tử đứng hai bên khua tay chèo. Một buổi hát bả trạo thường có một tổng mũi (còn gọi là tổng tiền), tổng khoang (còn gọi là tổng thương) và tổng lái (người chỉ huy con thuyền). Tổng lái thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng mũi cũng ăn mặc giống như tổng lái, nhưng cũng có khi tổng mũi mặc một bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn tổng khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Những người tham gia còn lại lập thành đội chèo.

Tùy từng địa phương, mỗi đội chèo thường có từ 12 đến 16 người, cũng có khi lên đến 18 hoặc tối đa là 20 người, đặc biệt, số người tham gia đội chèo bao giờ cũng là số chẵn để cân xứng và di chuyển dễ dàng hơn. Các bạn chèo (trạo tử) thường đầu chít khăn đỏ, lưng thắt vải đỏ, tay cầm chèo được phết sơn đủ màu... Kết hợp giữa những động tác, lời hô của các bạn chèo là điệu hát bả trạo sinh động, mạnh mẽ tạo nên cho không gian lễ hội cầu ngư một đặc sắc riêng biệt.

Hát sắc bùa

Đầu năm nghe hát sắc bùa đã trở thành một nét đẹp trong ngày Tết truyền thống xứ Quảng. Giải thích tên gọi “sắc bùa”, nhạc sĩ Trần Hồng trong tác phẩm Hát sắc bùa, đã lý giải, “sắc” là lệnh của nhà vua ban ra, như ban chức tước cho quân thần, “bùa” là lá bùa để trừ ma quỷ, chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng, “sắc bùa” nghĩa là một sắc lệnh ban ra bằng lá bùa viết, vẽ trên giấy nhằm trừ ma yểm quỷ, độ trì, hộ mạng cho con cháu, cầu chúc cho gia đình luôn mạnh khỏe, thịnh vượng.

Hát sắc bùa không phải là một sản phẩm độc quyền của cư dân Nam Trung Bộ mà có ở nhiều địa phương như Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Hát sắc bùa thường diễn ra vào những ngày đầu xuân, với mục đích chúc Tết các gia đình trong những ngày đầu năm. Cái ao ước được xem đoàn hát sắc bùa đi chúc mừng mọi nhà trở thành háo hức của lũ trẻ mỗi độ vào xuân:

Sắc bùa là sắc bùa ơi

Trông cho tới Tết ăn xôi với chè

Sắc bùa là sắc bùa hòe

Trông cho tới Tết ăn chè với xôi.

Một gánh hát sắc bùa thường cha truyền con nối. Hát sắc bùa gồm nhiều bài chúc phù hợp với mỗi gia đình, từ nghề biển, nghề mộc, nghề nuôi tằm dệt vải đến nghề rèn, thày thuốc, nghề nông... làm vừa lòng tất cả gia chủ. Đội hát sắc bùa thường được gia chủ thưởng tiền, bánh trái, đầu heo để chúc mừng.

Quy trình hát sắc bùa thường gồm các bước: đến ngõ, mở cửa, mở ngõ, chúc Tết, chúc mừng chủ gia, mừng tuổi ông bà, trừ tà, trấn bùa, cầu an chủ nhà, giã từ và đi ra. Không gian hát sắc bùa đầy màu sắc và âm thanh. Những câu hát sắc bùa ngoài ý nghĩa trừ tà, chúc tụng còn có tính khuyên răn, giáo dục rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc; các động tác, điệu bộ được cách điệu và sắp xếp khéo léo, phù hợp với âm nhạc.

Một đội hát sắc bùa thường có 8 nam, 8 nữ, 1 ông cái, 4 nhạc công (trống, kèn, nhị, sáo), tổng cộng 21 người, có khi ít hơn. Trang phục thường rất sặc sỡ, gồm nhiều màu sắc tươi vui. Trong hát sắc bùa thường sử dụng các làn điệu, bài bản như vè, đồng dao, lô tô, hò, lý, nói lối, kể, xướng, bài tạ.

Nội dung các lá bùa chúc tụng trong hát sắc bùa tùy mỗi gia đình, nghề nghiệp mà có sự khác nhau, thường được viết bằng chữ Hán như Thần Nông Hộ Vận, Thần Ngư Phù Trợ, Phước Lộc Thọ, Kính Chúc Tân Xuân, Kính Chúc Gia Chủ Nông Tang Đắc Lợi, Trường Sinh Vạn Tuế... Hát sắc bùa là một hình thức âm nhạc cổ truyền độc đáo, tổng hợp của âm nhạc, trang phục, lời hát, lời chúc, bùa chú... với ý nghĩa tốt đẹp gắn liền với ngày Tết truyền thống của dân tộc (6).

3. Kết luận

Đất trời đang hối hả vào xuân, giữa bao bộn bề, lo toan của nếp sống hiện đại, chúng ta bỗng lắng lòng mình khi nghe một tiếng trống chầu, một điệu bài chòi hay một câu hát đồng dao. Đó là một phần của ngày Tết truyền thống mà trong nhịp sống hối hả ngày nay đôi khi bị lãng quên. Mong rằng với sức sống mạnh mẽ, cùng những chính sách bảo tồn từ các cấp ngành liên quan, âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng sẽ mãi trường tồn với những giá trị độc đáo riêng.

_______________

1. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Thời đại Hùng Vương, Nxb Khoa học xã hội, 1976, tr.252-262.

2. Tô Vũ, Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005, tr.24.

3. Nguyễn Thụy Loan, Giáo trình lịch sử âm nhạc thế giới và Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, 2007.

4. Trần Thùy Mai, Dân ca Thừa Thiên - Huế, Nxb Thuận Hóa, 2003, tr.26.

5. Võ Văn Hòe, Văn hóa dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, 2008.

6.Trần Hồng, Hát sắc bùa, Nxb Văn hóa Thông tin, 2011.

Ths TĂNG CHÁNH TÍN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022

;