Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc

Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một địa chỉ đào tạo Sư phạm âm nhạc (SPAN) lớn của cả nước, trong đó, môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp là một trong những nội dung giảng dạy cơ bản và trọng tâm. Môn học này đã được đưa vào chương trình đào tạo của trường từ nhiều năm nay và đạt những kết quả khả quan. Song, hiện nay, công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước đang đòi hỏi ngành Giáo dục đào tạo nói chung, khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng phải có bước chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang từng bước đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, hiện đại.

1. Thực trạng giảng dạy và học tập môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành SPAN ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Nhiều năm qua, nhu cầu giảng dạy, học tập chuyên ngành SPAN ở khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hoạt động âm nhạc ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên toàn quốc rất lớn. Nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu trên có hạn. Các cơ sở đào tạo chuyên ngành SPAN trong cả nước không nhiều. Nội dung chương trình đào tạo còn nhiều bất cập đối với yêu cầu thực tế của xã hội. Số lượng sinh viên ra trường hằng năm quá ít. Giáo trình giảng dạy cùng với dung lượng kiến thức về Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành SPAN vẫn còn khá khiêm tốn, nhiều nội dung cần được bổ sung hoàn thiện hơn. Trong môi trường giáo dục phổ thông hiện nay, kiến thức âm nhạc không chỉ là một số bài xướng âm, hay dăm ba bản nhạc giản đơn, mà đã đến lúc cần đến những chương trình nghệ thuật có quy mô lớn, mang tính chuyên nghiệp cao để chuyển tải được các nội dung hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nhà trường. Thực tế đó đòi hỏi cần có một đội ngũ giảng viên SPAN đông đảo với đầy đủ phẩm chất, năng lực nghiệp vụ sư phạm và chuyên môn nghệ thuật.

Trong khi khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nơi đào tạo lực lượng giáo viên chuyên ngành SPAN cho các trường phổ thông trên phạm vi toàn quốc đang còn khó khăn về nhiều mặt như: cơ sở vật chất quá thiếu thốn, số giảng viên chuyên môn quá mỏng, số giờ học giành cho đào tạo SPAN quá ít... Tất cả không thể một sớm, một chiều khắc phục ngay được.

2. Nguyên nhân của thực trạng trên

Nguyên nhân chủ quan      

Nhiều năm trôi qua, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và những trường đào tạo nghiệp vụ sư phạm cũng như hệ thống các trường phổ thông trên toàn quốc chỉ coi trọng các môn văn hóa như: Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Sinh… mà có phần xem nhẹ các môn phụ trợ, trong đó có Âm nhạc. Xuất phát từ quan niệm như vậy, nên việc mở rộng phạm vi đào tạo, thường xuyên nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành này chưa được quan tâm đúng mức. Tất cả những điều đó dẫn đến tình trạng đầu tư chưa thỏa đáng cho công tác đào tạo chuyên ngành SPAN, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng được các yêu cầu dạy và học. Ví dụ, khi xây dựng một chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành SPAN, rất cần có đầy đủ các thiết bị âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ, nhạc cụ, phông màn trang trí sân khấu… Điều kiện để xây dựng một chương trình nghệ thuật rất tốn kém.

Bên cạnh đó, dù đã có giáo trình giảng dạy từ lâu, nhưng qua thời gian, yêu cầu phát triển của ngành, của xã hội đã có sự thay đổi, không còn phù hợp với thực tế của công tác đào tạo nữa. Nội dung và phương pháp giảng dạy trong đó vẫn chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy và học tập.

Vấn đề còn lại là yếu tố con người. Đội ngũ giảng viên ngành SPAN của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nhiều trường có nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành này vẫn còn rất mỏng. Trong số đó, trình độ năng lực về nghiệp vụ sư phạm cũng như chuyên môn nghệ thuật vẫn còn có những mặt hạn chế.

Nguyên nhân khách quan  

Hầu hết hình thức sinh hoạt cộng đồng trong nhà trường phổ thông và ngoài xã hội đều cần tới các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nhu cầu giảng dạy, học tập, trang bị kiến thức âm nhạc phổ thông cho học sinh ở khối trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ngày càng cao. Hơn thế nữa, công cuộc đổi mới đất nước đang đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải có sự chuyển biến, bứt phá toàn diện hơn nữa. Cùng với đó, việc cải cách, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập chuyên ngành SPAN cho học sinh, sinh viên đang là bước đột phá chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo hiện nay. Thêm vào đó, nhu cầu học tập, hoạt động của phong trào Đoàn, Đội, phong trào văn hóa nghệ thuật của học sinh các cấp ngày một tăng, nên công tác giảng dạy môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành SPAN trở thành đề tài nóng đang đặt ra cho khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cùng với những yêu cầu về đầu ra của sinh viên ngành SPAN, đòi hỏi nhất thiết phải mở rộng và nâng cao chất lượng giảng dạy môn học này.

Hơn bao giờ hết, chuyên ngành SPAN cần được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội coi trọng đúng mức và đầu tư thỏa đáng hơn nữa về con người, cơ sở vật chất để nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả các đề tài khoa học trong lĩnh vực SPAN. Có như vậy, mới hy vọng cải thiện được tình hình hiện tại, nhằm cung cấp cho ngành giáo dục những sản phẩm tốt nhất trong lĩnh vực đào tạo SPAN.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành SPAN

Nhằm thúc đẩy việc giảng dạy và học tập chuyên nghành SPAN đạt kết quả tốt, nhà trường cần có quan điểm, nhận thức đúng mức hơn, coi trọng môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp hơn nữa. Sinh viên SPAN khi trở thành giáo viên của các cấp học sẽ có đầy đủ khả năng tổ chức xây dựng các chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ phong trào hoạt động của Đoàn, Đội và phong trào văn hóa, văn nghệ của nhà trường. Các chương trình nghệ thuật ở dạng này luôn chiếm vị trí quan trọng trong các hoạt động của các cấp học, do nội dung thường mang ý nghĩa chính trị, xã hội rộng lớn, phù hợp hình thức sinh hoạt tập thể, dễ dàng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các em học sinh. Nó mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, tập hợp đông đảo lực lượng học sinh tham gia, hướng các em vào những hoạt động mang tính cộng đồng cao.

Biểu diễn văn nghệ tại lễ khai giảng năm học mới Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  Ảnh: Thu Hà

Tiếp đến, cần hoàn thiện hơn nữa giáo trình giảng dạy môn học này trong khuôn khổ đào tạo SPAN của khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhằm đưa ra một số phương pháp chủ yếu cho việc xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp. Giáo trình này ngày càng quy chuẩn, chuyên nghiệp hơn. Đây là nguồn cung cấp chính thống những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành SPAN. Làm thế nào để xây dựng được một chương trình nghệ thuật tổng hợp hoàn chỉnh, đạt yêu cầu, chất lượng về nhiều mặt? Giáo trình đào tạo môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành SPAN sẽ cung cấp những kiến thức cùng những kinh nghiệm cho sinh viên để các em có tâm thế sáng tạo chủ động, thích hợp khi xây dựng chương trình. Đồng thời nhấn mạnh vai trò, chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong từng bước xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp, từ khâu hình thành ý tưởng đến khâu đạo diễn, sáng tác âm nhạc, biên đạo múa, thiết kế mỹ thuật sân khấu, thiết kế âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ… Đó là sự xâu chuỗi những phần việc cụ thể cần làm, là toàn bộ quá trình vận dụng sáng tạo sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa các yếu tố liên quan để tạo nên một chương trình nghệ thuật hoàn hảo. Đây chính là cẩm nang cho các giáo viên âm nhạc tương lai hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của mình.

Một yếu tố mang tính quyết định tới giải pháp căn cơ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành SPAN phải nói đến ở đây là vai trò con người. Vấn đề quan trọng còn lại là phải tuyển dụng bổ sung và tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm, trình độ chuyên môn nghệ thuật cho đội ngũ giảng viên khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đào tạo hiện nay.

Trước đây, chương trình nghệ thuật tổ chức ở các trường phổ thông rất giản đơn, sơ lược, cốt chỉ để tạo không khí, không cầu kỳ, không cần đầu tư nhiều công sức, chuyên môn. Mỗi chương trình chỉ tập hợp một số bài hát tạo sự vui tươi, sôi nổi, không nhất thiết phải có chủ đề, nội dung. Song giờ đây, yêu cầu của xã hội, của ngành Giáo dục và Đào tạo đã đổi khác, đòi hỏi mỗi chương trình nghệ thuật phải có những tiêu chí cụ thể với các kỹ năng dàn dựng rất công phu. Bởi vậy, sinh viên SPAN muốn tác nghiệp hiệu quả phải có kiến thức sâu rộng, với khả năng tư duy, kỹ năng bao quát, tổng hợp, hiểu biết một cách cơ bản các loại hình nghệ thuật liên quan để phối hợp làm nên một chương trình nghệ thuật hoàn chỉnh.

Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp được tiến hành theo trình tự các bước sau: trước khi bắt tay vào xây dựng chương trình phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của sự kiện để hình thành nên ý tưởng xây dựng chương trình; xác định chủ đề, nội dung, quy mô, hình thức thể hiện, kết cấu bố cục, thời lượng, thời gian, không gian diễn ra chương trình; sau đó chọn lựa các tác phẩm, các tiết mục để đưa vào chương trình. Nhiệm vụ quan trọng cuối cùng là định liệu lực lượng tham gia và sắp xếp, kết nối các tác phẩm, các thành phần âm nhạc, múa, trang phục, đạo cụ, thiết kế mỹ thuật, lời bình, hình ảnh phim tư liệu…

Quá trình xây dựng chương trình phải lưu ý đến yếu tố cấu trúc tổng thể, tạo nên tính thống nhất trong một chương trình sao cho khi kết hợp các tiết mục với nhau phải có sự cân đối, hài hòa. Phải xây dựng cho được hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, điển hình, tạo điểm nhấn cho chương trình thêm sinh động và hấp dẫn. Nếu như tất cả các yếu tố đó không có một bàn tay, khối óc nghệ thuật tài hoa, sắp xếp một cách khéo léo thì chương trình sẽ không tạo được điểm nhấn. Bố cục tản mạn, rời rạc, chủ đề nội dung nghệ thuật sáo mòn, không lắng đọng, không mới lạ, hấp dẫn. Hậu quả là chương trình sẽ thất bại cả về phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.

Xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp có rất nhiều dạng. Song, phần nhiều xây dựng theo hình thức bán sử thi qua sự thể hiện bằng ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca múa nhạc. Âm nhạc và múa giữ vai trò kết nối, sâu chuỗi các tiết mục xuyên suốt từ đầu đến cuối chương trình. Lời bình có nhiệm vụ diễn giải và chuyển tải nội dung. Có thể sử dụng hình ảnh phim tư liệu minh họa cho chương trình thêm phong phú.

Xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp là quá trình triển khai hệ thống các kỹ năng, nhằm hiện thực hóa việc tập hợp, xâu chuỗi và sắp xếp các tác phẩm, các tiết mục thành một thể thống nhất trong một chương trình nghệ thuật hoàn chỉnh. Hệ thống các kỹ năng đó cùng với cách thức sắp đặt thể hiện chính là phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp, tạo nên những hình tượng nghệ thuật độc đáo mang lại sức hấp dẫn cho người xem. Do vậy, khi xây dựng chương trình phải tìm ra cách thức bố cục cho chặt chẽ, chọn lựa các loại hình nghệ thuật phù hợp để chuyển tải chủ đề, nội dung, ý nghĩa của sự kiện mà nó đang hướng tới.

Thông thường, tất cả các tác phẩm âm nhạc đều có thể đưa vào dàn dựng trong một chương trình nghệ thuật tổng hợp. Song, lựa chọn tác phẩm để đưa vào dàn dựng phải phù hợp với chủ đề, nội dung của chương trình. Bên cạnh đặc tính chung của một ca khúc nghệ thuật còn phải có cấu trúc âm nhạc mạch lạc, rõ ràng. Không nên chọn các tác phẩm có hình thức thể loại nghiêng về chất ủy mị, tự sự, trầm lắng. Để việc xây dựng chương trình phát huy được hiệu quả tối đa về nghệ thuật, tùy theo yêu cầu, mục đích, nội dung, tính chất của từng chương trình, sinh viên sẽ lựa chọn tác phẩm, tiết mục cho thích hợp.

Trong những chương trình nghệ thuật ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, việc chọn lựa và dàn dựng theo hình thức ca múa nhạc tổng hợp sẽ dễ chinh phục được mọi đối tượng. Phần lớn các chương trình ca múa nhạc tổng hợp đều mang tính chất ngợi ca. Các tiêu chí về chủ đề, nội dung như vậy sẽ rất phù hợp với chương trình văn nghệ ở môi trường giáo dục.

Xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp không chỉ đảm bảo các yêu cầu đúng và đủ về mặt kỹ thuật mà còn phải có tính nghệ thuật cao. Tính nghệ thuật của một chương trình nghệ thuật được bộc lộ khá tinh tế. Nó là phần hồn, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, có sức biểu cảm lớn qua những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, điển hình, giúp cho việc chuyển tải chủ đề, nội dung của chương trình tới công chúng khán giả chân thực và sinh động hơn.

Điều cần chú ý là tất cả những yếu tố về phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp trên đây còn phải đảm bảo phù hợp với đối tượng biểu diễn. Đối tượng ở đây mang tính đặc thù rất riêng của môi trường giáo dục bao gồm rất nhiều thành phần. Song, phần nhiều, người biểu diễn và người thưởng thức cùng là một. Đó là những nam nữ học sinh, sinh viên. Vì vậy, các tác phẩm phải tạo được không khí trẻ trung, sôi động, gợi mở những khát khao sáng tạo vươn tới ước mơ của thế hệ trẻ hôm nay. Một điều cần lưu ý nữa là khi dàn dựng, giảng viên phụ trách cần chú ý tới tố chất nghệ thuật của từng học sinh, sinh viên để xây dựng lực lượng hạt nhân nòng cốt cho chương trình. Đây là những cột trụ, là xương sống, đảm bảo cho sự thành công về mọi mặt, nhất là về chất lượng nghệ thuật của chương trình.

Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành SPAN ở khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Hy vọng những giải pháp trên đây sẽ hữu ích phần nào đối với các đồng nghiệp đang quan tâm tới vấn đề này (1).

________________________

1. Bài viết nằm trong khuôn khổ đề tài: “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành Sư phạm âm nhạc”, nghiên cứu khoa học được hỗ trợ bởi đề tài cấp trường, mã số SPHN 18-08.

Tài liệu tham khảo

1. Dương Viết Á, Mỹ học âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994.

2. Dương Viết Á, Đức Trịnh, Tổ chức và dàn dựng chương trình biểu diễn ở cơ sở, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, 2000.

3. Đức Bằng, Ca hát và biểu diễn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1980.

4. Đào Ngọc Dung, Các thuật ngữ âm nhạc, Nxb Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương, 2002.

5. Nguyễn Trung Kiên, Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc, 2001.

6. Ngô Thị Nam, Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Giáo dục, 2001.

Ths ĐINH THU HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;