Bước đầu tìm hiểu về thang âm, điệu thức trong dân ca nghi lễ thờ thần

Nghi thức cầu cúng, tế lễ ở một số hội làng vùng trung du và châu thổ sông Hồng đã sớm hình thành nên một số thể loại dân ca như: hát Xoan, hát Dô, hát Dậm, hát Chèo tàu; các thể loại này còn được gọi chung là dân ca nghi lễ thờ thần. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi bước đầu tìm hiểu và nêu rõ những nét riêng độc đáo, đặc sắc trong thang âm, điệu thức của dân ca nghi lễ thờ thần.

1. Khái niệm thang âm và điệu thức

Thang âm: theo Từ điển tiếng Việt là “Chuỗi âm thanh lên hoặc xuống từng bậc” (1). Đối với cách giải thích này, thì chuỗi âm thanh lên hoặc xuống từng bậc không có giới hạn, điều này chưa thật chính xác.

Cố GS, TS Trần Văn Khê viết: “Những chữ nhạc sắp theo thứ tự từ thấp lên cao như những nấc của một cây thang mà chữ giai có nghĩa là cây thang”, và “Âm giai Việt Nam lấy theo âm giai của âm nhạc Trung Hoa nên chỉ có năm âm: hò, xự, xang, xê, cống. Giọng liêu và ú chỉ là giọng hò và xự mà cao hơn một bát độ (octave). Âm giai đó người phương Tây thường gọi là âm giai ngũ cung” (2). Theo ông, thang âm là âm giai, là những chữ nhạc sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao trong một bát độ (quãng 8). Âm giai ngũ cung gọi theo thuật ngữ quốc tế là gamme pentatonique. Gam (gamme) theo Lý thuyết âm nhạc cơ bản của V.A.Vakhrameev do Vũ Tự Lân dịch: “Sự sắp xếp các âm thanh của điệu thức theo thứ tự độ cao (bắt đầu từ âm chủ đến âm chủ ở quãng tám tiếp theo) gọi là hàng âm của điệu thức hay gam” (3). Định nghĩa về thang âm của Trần Văn Khê và định nghĩa về gam của V.A.Vakhrameev có sự tương đồng.

Qua một số ý kiến nêu trên, có thể định nghĩa, thang âm chính là hệ thống cao độ âm thanh của một tác phẩm âm nhạc, được sắp xếp từ thấp đến cao trong một quãng 8.

Điệu thức: thang âm trong một bài hát, bản nhạc có mối liên quan đến điệu, thường gọi là điệu thức. Điệu thức được thể hiện bằng cấu tạo của các bậc âm trong một thang âm. Một tác phẩm âm nhạc thường có từ một đến nhiều điệu thức. Tuy nhiên cũng có tác phẩm không có điệu thức hoặc không rõ tính chất của một điệu thức.

Cố GS,TS Trần Văn Khê viết: “Toàn thể những thanh sắp xếp theo thứ tự là một giai. Nếu chúng ta lựa trong những thanh ấy một số thanh dùng đặc biệt để diễn tả một lối vui hay buồn, những thanh được lựa chọn ấy hợp với nhau thành một điệu (mode). Âm giai (thang) giống như những chữ a, chữ b, còn điệu là tiếng nói đặc biệt của một dân tộc, hay là một lối văn vui hoặc buồn. Sắp các chữ từ a đến z là làm công chuyện sắp đặt âm giai. Lựa chọn những chữ cần thiết để viết thành câu văn là làm công chuyện sắp điệu” (4). Như vậy, ông phân rõ sự khác nhau giữa thang âm và điệu thức: thang âm là tổng thể các âm trong một bài hát, bản nhạc; điệu thức là sắp đặt các âm đã lựa chọn để diễn tả tư tưởng, tình cảm của con người trong tác phẩm âm nhạc.

Định nghĩa về điệu thức, V.A.Vakhrameev viết: “Hệ thống tương quan giữa các âm ổn định và không ổn định gọi là điệu thức” (5). Định nghĩa điệu thức do V.A.Vakhrameev nêu ra là chuẩn xác đối với âm nhạc 7 âm (bình quân luật) phương Tây: đô1 - rê1- mi1 - pha1 - son1 - la1 - si1 (c1 - d1 - e1 - f1 - g1 - a1 - h1).

Trong âm nhạc 5 âm (ngũ cung), có loại điệu gồm các âm ổn định như thang 7 âm, ví dụ như điệu Huỳnh (Cung) và điệu Nam (Vũ), có loại điệu không có đủ các âm ổn định như điệu Nao (Thương) và điệu Bắc (Chủy). Do đó, định nghĩa về điệu thức của V.A.Vakhrameev ngoài việc sử dụng cho nghiên cứu, sáng tác, phân tích tác phẩm âm nhạc 7 âm phương Tây, có thể sử dụng cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích một số tác phẩm âm nhạc 5 âm. Tuy nhiên, khác với điệu thức trưởng, thứ phương Tây, điệu thức trong dân ca nghi lễ thờ thần không xác định rõ tính chất trưởng hay thứ, mà chỉ có xu hướng gần với tính chất điệu thức trưởng hoặc gần với tính chất điệu thức thứ. Các bài dân ca thang 2 âm, thang 3 âm, thang 4 âm trong dân ca nghi lễ thờ thần chưa hình thành nên cấu tạo của điệu thức ngũ cung.

2. Một số loại thang âm trong dân ca nghi lễ thờ thần

Dân ca nghi lễ thờ thần có nhiều loại thang âm, từ thang 2 âm đến thang 5 âm. Điều này cho thấy dân ca nghi lễ thờ thần có những bước phát triển, biến đổi trong quá trình tồn tại.

Thang 2 âm trong dân ca nghi lễ thờ thần

Trong những thể loại dân ca nghi lễ thờ thần của người Việt ở trung du và châu thổ sông Hồng, hát Xoan có nhiều yếu tố cổ nhất, biểu hiện trong tập tục, lề lối, trong lời ca và âm nhạc... Ví dụ như trong lề lối diễn xướng tiết mục Mó cá, trai gái có động tác biểu hiện tín ngưỡng phồn thực, là tín ngưỡng cổ. Trong lời ca hát Xoan còn bảo lưu nhiều từ tiếng Việt cổ thuộc nhánh Proto Việt-Chứt, chi Môn-Khmer cách ngày nay khoảng 4.000 năm, như bưng (trống), gốc là păng; chẻ, xẻ (ván) gốc là cheek; cài, gài (hoa), gốc là kaaj

Âm nhạc trong diễn xướng nghi thức hát Xoan rất giản dị. Ở chặng nghi thức, có bài chỉ có 2 âm, 3 âm, 4 âm. Đây là dạng những bài dân ca cổ nhất, là tiền thân của các dạng bài có 5 âm. Bài Thơ nhang dưới đây cấu tạo chỉ có 2 âm.

                   THƠ NHANG (trích)

       Người hát: Nghệ nhân Lê Xuân Ngũ

        Phù Đức, Kim Đức, Việt Trì, Phú Thọ

       Ghi âm, Ký âm: Nguyễn Thanh Tiến

Thang 3 âm trong dân ca nghi lễ thờ thần

Cho đến nay, những bài dân ca nghi lễ thờ thần thang 2 âm, 3 âm còn duy trì là do gắn liền với lối đọc lời văn, lời thơ trong nghi thức tế lễ và trong sinh hoạt ca hát dân gian. Đó là lối hát nói (hát như nói - nói như hát). Hát nói là khởi đầu của các lối hát trong diễn xướng nghi lễ thờ thần, ít có những luyến láy nên rất giản đơn, mộc mạc.

                   CÀI HOA (trích)

       Người hát: Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch

       An Thái, Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ

       Ghi âm, ký âm: Nguyễn Thanh Tiến

Thang 4 âm trong dân ca nghi lễ thờ thần

Trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, xuất hiện nhiều hơn những từ, ngữ mới, làm ngôn ngữ của con người trở nên phong phú, đa dạng hơn. Con người diễn đạt tư tưởng, tình cảm qua các câu văn, câu thơ không chỉ là nói - đọc, mà còn là ngâm - đọc. Khi người ta ngâm - đọc lời văn, lời thơ thì âm điệu có cao độ phong phú hơn. Do đó, những bài dân ca nghi lễ thờ thần khởi đầu thường có số âm ít, dần dần những bài dân ca xuất hiện sau có số âm nhiều hơn. Những bài thang 4 âm trong dân ca nghi thức thờ thần tiêu biểu như: hát Dô có: Hát chúc, Chúc thơ, Giáo hương; hát Dậm có một số bài như Trấn Ngũ Phương, Đẩy xe, Hóa sắc, Phong ống, Hồi quân...; hát Chèo tàu gồm: Lễ trình, Dâng hương, Dâng rượu...

 TRẤN NGŨ PHƯƠNG (trích)

 Người hát: Nghệ nhân Trịnh Thị Phẩm

 Quyển Sơn, Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam

 Ghi âm, ký âm: Nguyễn Thanh Tiến

Thang 5 âm trong dân ca nghi lễ thờ thần

Trong hát Xoan có bài Bợm gái, Bỏ bộ, Đố chữ, Đố hoa, Mó cá…; trong hát Dô có bài Hái hoa, Chèo thuyền, Chơi qua bãi cát, Trồng chuối, Xe chỉ, Răng đen hạt đỗ…; trong hát Dậm có bài Mái hò, Đi cấy, Múa vãn, Tiệc là, Nếp mây, Đố ai...; trong hát Chèo tàu có bài Hát chúc, Cổ kiêu ba ngấn, Răng đen hạt đậu, Xe chỉ... là thang 5 âm.

 NẾP MÂY (trích)

 Người hát: Nghệ nhân Trịnh Thị Phẩm

 Quyển Sơn, Thi Sơn, Hà Nam

 Ghi âm, ký âm: Nguyễn Thanh Tiến

Thang âm bài Nếp mây gồm 5 âm: đô1 - rê1 - pha1 - son1 - la1 (c1 - d1 - f1 - g1 - a1).

3. Một số loại điệu thức trong dân ca nghi lễ thờ thần

Điệu thức 5 âm trong dân ca nghi lễ thờ thần không giống hoàn toàn với điệu thức 7 âm phương Tây, tuy có các âm ổn định, song không có nhiều âm không ổn định (4 âm) mà chỉ có 2 âm không ổn định, nên khi tiến hành giai điệu thường không có sự hút dẫn các âm không ổn định về các âm ổn định, để tạo thành các điệu thức trưởng, thứ như âm nhạc 7 âm phương Tây. Tính chất của các điệu thức trong âm nhạc dân ca nghi lễ thờ thần chỉ có xu hướng gần với tính chất điệu thức trưởng hoặc điệu thức thứ. Mặt khác, nghệ nhân diễn xướng dân ca nghi lễ thờ thần và những người hoạt động âm nhạc cổ truyền Việt Nam thường gọi điệu Cung, Thương, Huỳnh, Nao… mà không gọi điệu thức Cung, điệu thức Thương… Dân ca nghi lễ thờ thần có 4 điệu chính là Huỳnh, Nao, Bắc, Nam, tương ứng như các điệu Cung, Thương, Chủy, Vũ của âm nhạc Trung Hoa.

Một số bài dân ca nghi lễ thờ thần điệu Huỳnh là: Xe chỉ vá may (hát Xoan); Trồng chuối, Xe chỉ, Răng đen hạt đỗ (hát Dô); Bỏ bộ, Nếp mây (hát Dậm), Răng đen hạt đậu (hát Chèo tàu).

 RĂNG ĐEN HẠT ĐỖ (hát Dô, trích)

 Người hát: Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan

 Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội

 Ghi âm, ký âm: Nguyễn Thanh Tiến

Các âm bậc I, III, V của các bài dân ca nghi lễ thờ thần là điệu Huỳnh, khi vang lên cùng lúc hoặc vang lên nối tiếp nhau tạo thành một hợp âm ba trưởng. Nên tính chất những bài dân ca nghi lễ thờ thần này gần với tính chất của điệu thức trưởng của âm nhạc 7 âm phương Tây. Giai điệu các bài dân ca nghi lễ thờ thần có điệu thức là điệu Huỳnh như: Xe chỉ vá may, Trồng chuối, Nếp mây... vui tươi, rộn ràng, phấn khởi, màu sắc sáng sủa.

Tương ứng như điệu Nao (Thương), dân ca nghi lễ thờ thần có một số bài: Hát phú (hát Xoan), Mái hò III (hát Dậm), Chúc Bà Chúa (hát Chèo tàu).

MÁI HÒ 3 (hát Dậm, trích)

Các âm bậc I, III, V của các bài dân ca nghi lễ thờ thần là điệu Nao (Thương), khi vang lên cùng lúc hoặc vang lên nối tiếp nhau không tạo thành một hợp âm ba trưởng hay hợp âm ba thứ. Nên những bài dân ca nghi lễ thờ thần điệu Nao có tính chất trung gian, không gần điệu thức trưởng, cũng không gần điệu thức thứ.

Dân ca nghi lễ thờ thần có bài Chèo thuyền (hát Dô), bài Mái hò ông và bài Đi cấy (hát Dậm) điệu giống điệu Bắc (Chủy).

CHÈO THUYỀN (hát Dô, trích)

 Người hát: Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan

 Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội

 Ghi âm, ký âm: Nguyễn Thanh Tiến

Tuy các âm bậc I, III, V của các bài dân ca nghi lễ thờ thần là điệu Bắc (Chủy), khi vang lên cùng lúc hoặc vang lên nối tiếp nhau không tạo thành một hợp âm ba trưởng hay hợp âm ba thứ. Song tính chất trung gian của điệu Bắc có xu hướng hơi thiên về điệu trưởng. Giai điệu các bài dân ca nghi lễ thờ thần có điệu thức là điệu Bắc như: Chèo thuyền, Mái hò ông, Đi cấy, trong sáng, nhẹ nhàng.

Một số bài dân ca nghi lễ thờ thần có điệu tương ứng như điệu Nam (Vũ) là: Trèo lên cây bưởi hái hoa, Hát Phú (hát Xoan); Hái hoa số 6, Chèo thuyền, Chơi qua bãi cát (hát Dô); Múa vãn (hát Dậm); Mùa xuân, Bài tầu 2, (hát Chèo tàu).

 HÁT PHÚ (hát Xoan, trích)

Các âm bậc I, III, V của các bài dân ca nghi lễ thờ thần là điệu Nam (Vũ), khi vang lên cùng lúc hoặc vang lên nối tiếp nhau tạo thành một hợp âm ba thứ. Nên tính chất những bài dân ca nghi lễ thờ thần này gần với tính chất của điệu thức thứ của âm nhạc 7 âm phương Tây. Giai điệu các bài dân ca nghi lễ thờ thần có điệu thức là điệu Nam như: Trèo lên cây bưởi hái hoa, Hát Phú, Chèo thuyền... uyển chuyển, trữ tình, màu sắc hơi tối.

Nghệ thuật âm nhạc có nhiều loại thang âm, điệu thức. Tùy thẩm mỹ của từng dân tộc, người ta sử dụng các loại thang âm, điệu thức khác nhau trong các bài bản dân ca hay các tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp. Dân ca của các dân tộc ở nước ta, có giai điệu sử dụng thang âm từ âm thấp đến âm cao, nhưng cũng có giai điệu sử dụng thang âm từ các âm cao xuống thấp (trong một số bài dân ca Ê đê).

Hát Xoan Phú Thọ - Nguồn: internet

Dân ca nghi lễ thờ thần sử dụng chủ yếu là thang 5 âm không bán âm (bán cung). Mặc dù, trong một số bài dân ca nghi lễ thờ thần có 6 âm, song không có các quãng bán âm, đây là sự đan xen hai loại thang 5 âm, đan xen hai điệu thức ngũ cung không bán âm trong cấu tạo giai điệu. Các bậc âm trong thang 5 âm dân ca nghi lễ thờ thần được nối tiếp với nhau, bởi những quãng một cung (tương ứng với quãng 2 trưởng) và những quãng một cung rưỡi (tương ứng với quãng 3 thứ). Trong các bài dân ca nghi lễ thờ thần, các âm có mối quan hệ với nhau theo các quãng 2 trưởng và 3 thứ khác nhau, tạo nên tính chất, màu sắc của các bài khác nhau.

Dân ca nghi lễ thờ thần có thang 2 âm, thang 3 âm mà hầu như các thể loại dân ca khác không có. Đây là một nét riêng độc đáo, là yếu tố rất cổ trong âm nhạc cổ truyền nói chung, trong dân ca nói riêng. Điệu thức dân ca nghi lễ thờ thần có nhiều loại ở dạng tiền điệu thức, như nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Tú Ngọc đã nhận xét: “Nếu sự hiện diện của các thang 3 âm, 4 âm và 5 âm là hiện thực và nếu chúng ta coi thang 5 âm là số lượng cần và đủ để xác định điệu thức thì chúng ta cần phải coi các thang 3 âm, 4 âm là những thang âm tiền ngũ cung và những thang âm tiền điệu thức” (6). Có thể nói, những yếu tố cổ trong dân ca nghi lễ thờ thần phản ánh rõ nét nhất tính bản địa, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc tính dân tộc.

____________________

1. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1996, tr.880.

2, 4. Viện Âm nhạc, Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, tập I, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003, tr.235, 237.

3, 5. V.A.Vakhrameev, Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Vũ Tự Lân phiên dịch, Nxb Văn hóa Hà Nội, 1985, tr 94, 93.

6. Tú Ngọc, Hát xoan dân ca lễ nghi - phong tục, Viện Âm nhạc và Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1997, tr.163.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Hữu Bách, Khảo cứu về lễ hội hát dậm Quyển Sơn, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.

2. Phạm Đình Hổ, Vũ Trung tùy bút, Nxb Văn học, Hà Nội, 1972.

3. Tân Huyền, Sơn Tùng, Giới thiệu hát dậm (Dân ca tỉnh Hà Nam), Phòng Nghiên cứu Âm nhạc dân gian, Vụ Nghệ thuật, Hà Nội, 1958.

4. Trần Bảo Hưng, Nguyễn Đăng Hòe, Hát dô, hát Chèo tàu, Ty Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình, 1978.

5. Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1995.

6. Vũ Nhật Thăng, Thang âm nhạc cải lương tài tử, Viện Âm nhạc - Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1998.

Ths NGUYỄN THANH TIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;