10 năm nhìn lại việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đối với công tác văn hóa cơ sở

     ​​​​​​​Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, trong đó xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam nói chung và công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nói riêng những năm qua được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện và thiết thực góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội ở địa phương. Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ VHTTDL thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa cơ sở, để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Cục Văn hóa cơ sở luôn kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm đáp ứng yêu cầu hoạt động văn hóa ở cơ sở, góp phần xây dựng phát triển văn hóa - con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

 

     1. Kết quả đạt được

     Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

     Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (sau đây gọi chung là phong trào) trong những năm qua đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Phong trào đã thực sự đi vào đời sống, phát triển ngày càng sâu rộng, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị.

     Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào đã chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về văn hóa, trong đó tập trung bám sát nội dung Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, hướng dẫn Ban Chỉ đạo phong trào ở các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới cách làm, phương pháp thực hiện, giao các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu văn hóa để phù hợp với thực tiễn hiện nay (1).

     Thông qua các hoạt động của phong trào, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về mục đích, ý nghĩa xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa được quán triệt thực hiện nghiêm túc, toàn diện, sâu sắc. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo các cơ quan thành viên đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phong trào vào Nghị quyết gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; lấy văn hóa làm động lực phát triển kinh tế, xã hội đi đôi với nâng cao chất lượng sống của người dân.

     Phong trào đã được nhiều địa phương thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, giúp hoạt động văn hóa cơ sở trở nên sôi nổi, chất lượng. Đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhiều địa phương đã nhân rộng và phát huy tốt các mô hình như: tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Thừa Thiên Huế với mô hình dòng họ văn hóa; tỉnh Hà Nam với mô hình làng văn hóa sức khỏe; Sơn La với mô hình liên hoan bản, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu; liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc các cấp; Thái Bình xây dựng các mô hình thư viện gia đình, dòng họ, tổ dân phố (huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư, thành phố Thái Bình).

     Phong trào “Người tốt việc tốt” thực sự tạo được sự lan tỏa, thu hút ngày cảng đông đảo các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, đã vinh danh nhiều tấm gương tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; hiện cả nước có trên 1.200.000 gương “Người tốt, việc tốt” được suy tôn ở các cấp. Nhiều gia đình đã hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng nhà văn hóa, làm đường, xây dựng trường học, xây dựng nông thôn mới.

     Phong trào văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao quần chúng cả ở khu vực nông thôn, đô thị và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều duy trì và phát triển. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển mạnh mẽ, thu hút số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc đạt là 22.142.520 người. Nhiều hội thi, hội diễn thể thao quần chúng được các cấp, các ngành, làng, thôn, ấp, bản tổ chức thường xuyên, định kỳ tạo khí thế sôi nổi, qua đó phát hiện nhiều tài năng thể thao triển vọng, nhiều vận động viên có thành tích xuất sắc được tuyển vào các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp thi đấu đạt thành tích cao tại các giải lớn trong nước và quốc tế.

     Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

     Theo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong năm 2017 và đánh giá của dư luận xã hội, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, những tập tục không còn phù hợp với xã hội hiện đại được loại bỏ dần.

      Hiện nay, các đám cưới được thực hiện theo nếp sống văn minh, những nét đẹp vẫn được bảo tồn, phát huy, tính tự nguyện trong hôn nhân được đề cao, tổ chức cưới gọn nhẹ, giảm những thủ tục rườm rà, chỉ mời khách trong phạm vi gia đình, dòng tộc, không thuốc lá và hạn chế rượu, bia. Một số địa phương còn tổ chức đám cưới tập thể cho các đôi nam nữ tại các khu công nghiệp. Nạn tảo hôn, ép cưới, ăn uống linh đình đã được hạn chế và loại bỏ.

     Việc tang trước đây diễn ra với nhiều thủ tục công đoạn, trong đó có cả trừ tà, xem bói, khóc mướn, lăn đường, ăn uống linh đình... Nay, các nội dung xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa đã đưa việc tang vào hương ước, quy ước. Cộng đồng cam kết cùng nhau thực hiện theo hướng văn minh, tiến bộ, Nhiều địa phương đã quy hoạch và xây dựng nghĩa trang, hỗ trợ hỏa táng.

     Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đa số lễ hội được tổ chức an toàn, lành mạnh. Nhiều địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, vận động cộng đồng loại bỏ những tập tục lạc hậu, tổ chức lễ hội đảm bảo vệ sinh môi trường, quản lý tiền công đức hiệu quả, công khai, minh bạch. Những năm qua, phần lớn các lễ hội đều diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

     Việc tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản đáp ứng kịp thời công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nội dung các văn bản đã điều chỉnh những hạn chế như: công tác an ninh trật tự; các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội; đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ... Đối với một số lễ hội còn duy trì các tập tục không còn phù hợp được cộng đồng xã hội quan tâm, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc: Lễ hội ở Ném Thượng (Bắc Ninh) đã thay đổi tập tục chém lợn. Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) không tổ chức tranh phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) có phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội. Lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc...

     Về xây dựng đạo đức, lối sống, môi trường văn hóa

     Trong những năm qua, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được bảo tồn và phát huy thông qua các phong trào thi đua yêu nước; các phong trào xây dựng con người mới với các chuẩn mực cụ thể được triển khai phù hợp với từng ngành, từng địa phương. Đạo đức xã hội được nhìn nhận, đánh giá trên nhiều bình diện mới: Khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, tôn trọng pháp luật, quy ước của cộng đồng dân cư. Tính năng động, tích cực của người dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích… Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương đạo đức tốt, sống lương thiện, đề cao trách nhiệm, lương tâm vì lợi ích chung của cộng đồng; mạnh dạn đấu tranh phê phán cái xấu, cái ác; tuyên dương cái đúng, cái tốt đẹp, hình thành những giá trị đạo đức mới, phù hợp với xã hội hiện đại.

     Về quản lý hoạt động quảng cáo

     Cục Văn hóa cơ sở đã bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương để có sự tham mưu các cấp lãnh đạo chỉ đạo kịp thời; thường xuyên phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo trên cả nước. Hiện nay, Cục Văn hóa cơ sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai xây dựng “Công nghiệp văn hóa” trong lĩnh vực quảng cáo. Ngoài ra, Cục còn phối hợp với Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo cho cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động quảng cáo.

     Các địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về quảng cáo; tích cực tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo thực hiện nghiêm túc Luật Quảng cáo. Bên cạnh đó, công tác xây dựng quy hoạch quảng cáo cũng được các địa phương quan tâm triển khai. Tính đến tháng 1 năm 2019, cả nước có 54/63 địa phương hoàn thành quy hoạch và đang triển khai thực hiện có hiệu quả.

     Về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng

     Phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong toàn quốc thời gian qua đã được duy trì và phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, bám sát nhiệm vụ tuyên truyền. Nhiều chương trình nghệ thuật không chuyên được tổ chức đã thu hút một lượng lớn các diễn viên không chuyên là hạt nhân của phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Theo tổng hợp từ các địa phương, cả nước hiện có trên 53.000 CLB thể dục thể thao, trên 70.000 CLB văn hóa văn nghệ ở địa bàn cấp xã, cấp thôn hoạt động thường xuyên.

     Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và tiến hành thường xuyên tại các tỉnh/thành phố, đặc biệt là các đô thị lớn. Qua kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý những biểu hiện tiêu cực, các sai phạm. Theo số liệu thống kê của các địa phương, tính đến tháng 6-2017, các địa phương đã tổ chức, kiểm tra 8.312 lượt (2). Lực lượng kiểm tra đã có biện pháp chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý vi phạm tại chỗ đối với các biểu hiện vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

     Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

     Hệ thống thiết chế văn hóa trong cả nước đã được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp. Hiện nay, trên toàn quốc có 69 thiết chế văn hoá cấp tỉnh; 561/713 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, (khoảng 91%); 7.456/10.184 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao (73,2%); 75.996/101.732 thôn, bản, buôn, làng… có Nhà Văn hóa (74,7%). Tính đến năm 2017, cả nước có gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; 371 sân vận động có khán đài; 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia; 69 bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia, 11.923 cụm sân thể thao khác, như trường bắn, sân quần vợt, công trình tổ chức thi đấu theo từng môn thể thao.

     Các liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn, tuyên truyền viên giỏi. Nhiều chương trình nghệ thuật không chuyên được tổ chức đã thu hút một lượng lớn các diễn viên nghiệp dư, đây chính là những hạt nhân cho phong trào văn hóa ở cơ sở. Từ những hoạt động này, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở các cấp đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình, vừa tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, vừa là nơi giúp đỡ các địa phương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ; hướng dẫn, tổ chức hoạt động văn hóa cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

     2. Hạn chế

     Công tác xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều giá trị truyền thống, đạo đức nghề nghiệp, lối sống tốt đẹp của dân tộc bị biến đổi, mai một, thậm chí bị lấn át bởi quan hệ hàng hóa, lợi nhuận. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống chưa đồng bộ; chưa kết hợp tốt giữa giáo dục đạo đức và pháp luật; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tham gia xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam; các tệ nạn xã hội và sự xâm nhập các sản phẩm, dịch vụ độc hại, chủ nghĩa cá nhân vị kỉ, đang làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống nhất là giới trẻ hiện nay.

     Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển chưa đồng đều ở các khu vực, vùng, miền; hiệu quả chưa cao. Tác động của phong trào đến đời sống văn hóa, xã hội còn hạn chế, kết quả đạt được chưa vững chắc, chưa đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong đời sống. Hiện tượng nhiều nơi còn nặng về hình thức chạy theo thành tích trong công nhận các danh hiệu văn hóa đã làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của phong trào.

     Vẫn còn hiện tượng chưa nghiêm túc thực hiện quy chế về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc còn hạn chế; có những lễ hội còn nặng về hình thức, quy mô gây tốn kém, lãng phí. Còn xảy ra hiện tượng lợi dụng nhu cầu tín ngưỡng của người dân để trục lợi như xem bói, đốt đồ mã, cờ bạc trá hình, nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức - giọt dầu tùy tiện, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

     Một số địa phương chưa quan tâm thực hiện quy hoạch đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao hoặc đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng hay có nơi còn dùng quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao vào mục đích khác. Một số nơi đã có Trung tâm Văn hóa nhưng vẫn bị chuyển đổi vị trí để phục vụ mục đích kinh doanh thương mại (Ninh Bình, Đà Nẵng, Cà Mau); cơ sở vật chất Trung tâm văn hóa cấp tỉnh cũ kỹ, xuống cấp, không đủ sức mạnh để thu hút người dân tham gia (Thái Bình); một số Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, xã vừa được đầu tư, xây mới nhưng đã bộc lộ những bất cập (thiếu các hạng mục theo quy định, trang thiết bị chưa đồng bộ, địa điểm xây dựng chưa phù hợp)... Kinh phí tổ chức hoạt động không đảm bảo.

     Các công trình thể dục thể thao bị xuống cấp và thiếu trang thiết bị, không đủ điều kiện hoạt động. Quản lý, sử dụng công trình thể dục thể thao còn chậm đổi mới. Việc khai thác và sử dụng đối với các công trình thể dục thể thao thuộc các Trung tâm thể dục thể thao cấp tỉnh hầu hết chủ yếu dành cho huấn luyện, đào tạo và tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, chưa khai thác và phục vụ nhu cầu tập luyện cho nhân dân, nguồn kinh phí còn hạn hẹp...

     Đội ngũ cán bộ tuy đã được nâng lên về chất lượng nhưng vẫn còn bất cập về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu công việc. Nhiều nơi, cán bộ đã được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm lại luân chuyển, có nơi vẫn sử dụng cán bộ trái ngành trái nghề, hoặc chỉ có năng khiếu mà chưa qua đào tạo... Việc xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn chậm, thiếu.

     Đối với các ngành công nghiệp văn hóa như quảng cáo của nước ta còn non trẻ, yếu về năng lực, hạn chế về nguồn lực, nhiều vi phạm trong hoạt động quảng cáo xuất hiện nhưng khó phát hiện và xử lý vi phạm. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu quốc gia ngành quảng cáo Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mục tiêu xây dựng ngành quảng cáo gắn với yếu tố văn hóa dân tộc. Ngành kinh doanh dịch vụ có hiện tượng kinh doanh karaoke vũ trường không lành mạnh, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, tình trạng biến tướng trong hình thức kinh doanh, tàng trữ vũ khí, ma túy, rượu lậu, môi giới mại dâm, sử dụng trái phép băng đĩa hình chưa được kiểm định có nội dung xấu nhằm kích động, bạo lực, khiêu dâm… ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của giới trẻ.

     Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, lĩnh vực văn hóa cơ sở luôn đặt ra những yêu cầu phải đổi mới, một mặt để hội nhập và phát triển, mặt khác để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ thực tiễn đó, bắt buộc phải thay đổi tư duy, năng động, sáng tạo hơn để đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển, để hoàn thiện tốt nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

     Một là: nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về xây xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng, bồi dưỡng đạo đức, lối sống con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

     Hai là: xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa cơ sở; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa; xây dựng đạo đức, lối sống.

     Ba là: củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa hướng tới xây dựng phát triển văn hóa, con người lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

     Bốn là: tăng cường sự phối hợp hành động giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng đời sống văn hóa.

     Năm là: đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu sự phát triển. Mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa trên nguyên tắc tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tốt đẹp, phù hợp, có tính giáo dục cao.

     Sáu là: phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu dân cư; quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ về cơ sở vật chất; trang thiết bị; tổ chức bộ máy, cán bộ; tổ chức các hoạt động; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao và vui chơi giải trí.

______________

     1. Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9- 2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.

     2. Trong đó phát hiện cơ sở vi phạm, cụ thể: cảnh cáo: 3649 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính: 1102 (gồm tổ chức và cá nhân); thu hồi giấy phép: 67 cơ sở karaoke; hoạt động không có giấy phép: 297 trường hợp; tổng số tiền xử phạt: 17 tỷ 093 triệu 213 nghìn đồng.

 

Tác giả: Vi Thanh Hoài

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

;