Ý nghĩa của bông hồng trắng mùa Vu Lan

Hằng năm, cứ dến tháng 7 âm lịch, rất nhiều gia đình người Việt Nam theo đạo Phật hoặc đang thờ cúng cha mẹ đều có sự chuẩn bị để đón một ngày lễ lớn của đạo Phật. Theo truyền thuyết đấy là rằm tháng bảy âm lịch - ngày xá tội vong nhân; cũng là ngày lễ báo hiếu cha mẹ. Người Việt có câu: “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng bảy" nghĩa là ngày lễ này rất quan trọng rất có ý nghĩa với đại đa số người Việt Nam...

Truyền thuyết và đạo lý

Rằm tháng Bảy âm lịch từ lâu đã trở thành một ngày lễ tâm linh và văn hóa của người Việt Nam. Với đạo Phật là lễ Vu Lan hay Vu Lan Bồn, xuất phát từ tiếng Phạn cổ (Ấn Độ) “Ullumbama” có nghĩa là “khổ tột cùng”, theo cách hiểu phổ biến là “cứu vớt người đau khổ". Điều này liên quan đến truyền thuyết “Có một người con mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Khi lớn lên, người con nghe làng xóm xì xào về việc mẹ của mình khi còn sống có tính tham lam và đã làm nhiều việc gian dối như buôn gian bán lận, mua rẻ, bán đắt ... làm việc tội lỗi. Vì vậy, khi chết bị đày xuống âm phủ và phải chịu tra tấn cực hình. Người con rất đau khổ về điều này. Anh không thể sống yên ổn trên trần gian trong khi mẹ phải chịu cực hình dưới âm phủ. Vì thế, anh quyết định tìm cách xuống âm phủ để sẵn sàng chịu các hình phạt thay cho mẹ. Diêm Vương cảm kích trước tấm lòng của người con nên xá tội cho người mẹ. Hơn thế nữa, Diêm Vương chọn ngày rằm tháng Bảy cho tất cả những người dưới âm phủ lên dương gian hưởng lộc...”.

Xuất phát từ truyền thuyết này, rằm tháng Bảy còn được gọi là ngày "Xá tội vong nhân", nghĩa là xóa tội cho tất cả những cô hồn, trong đó có những âm hồn lầm lỗi, lang thang, cơ nhỡ... Trong ngày này, mọi nhà làm cơm cúng tổ tiên. Ngoài ra, còn có đồ cúng dành cho những vong hồn không người hương khói, không ai thờ cúng như cháo hoa, khoai luộc, bỏng ngô, bỏng gạo, hoa quả, bánh trái ... Điều đó chứng tỏ từ lâu, con người đã có lòng tương thân, tương ái, quan tâm, giúp đỡ không chỉ những người sống nghèo khó, cô đơn, lang thang, cơ nhở, không nơi nương tựa, mà còn cả những người chết không có người thân thờ cúng. Đấy cũng là đạo lí trong tâm linh người Việt Nam.

Ngày hội của tất cả mọi người

Rằm tháng Bảy là một ngày có ý nghĩa nhân văn như vậy, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu thấu đáo về truyền thuyết và nguồn gốc của Ngày Vu Lan. Những từ ngữ "xá tội vong nhân ", "Vu Lan Bồn" gợi lên một cái gì đó man mác, trắc ẩn, mơ hồ khiến người ta muốn lặng lẽ quay về ngôi nhà của mình, sống dịu dàng bên người thân với một chút thổn thức trong tâm tưởng. Cũng ngày này năm xưa, những người đi làm ăn xa nhà tìm cách trở về thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên nhân rằm tháng Bảy.

Phải về làng quê mới thấy hết được sức lay động của rằm tháng Bảy. Bởi chỉ ở đó mới thấy được vẻ đẹp và huyền bí của ánh trăng. Sau một ngày tất bật với những cảm xúc và công việc của ngày lễ, ta có thể ra hiên nhà, ra vườn ngắm trăng lên. Mặt trăng tròn và lặng lẽ nhô lên tỏa ra một thứ ánh sáng dịu dàng, hư ảo...

Trong ánh trăng dường như có lời tâm sự, giãi bày, như hòa quyện âm dương. Và chính trong lúc này, rất có thể, nhiều người lại nhớ tới một  vài chi tiết của truyền thuyết. Người ta tự răn nhủ mình cần phải sống sao cho có đức, để sau này con cái được hưởng lộc. Đây chính là sức sống mãnh liệt của tinh thần nhân văn rằm tháng 7 Việt Nam.

Dân gian có câu: Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ đội rá đứng đường (ăn xin). Nghĩ cho cùng, trong bất cứ hoàn cảnh nào người mẹ cũng tìm cách lo cho con chu đáo đến cùng. Người mẹ có lỗi với thiên hạ chứ không phải có lỗi với con. Tuy nhiên, cái lỗi này là do cạn nghĩ. Bởi rõ ràng, con cái  không cần những thứ đó bằng mọi giá. Ngược lại, con cái sẵn sàng chịu cực hình thay cho mẹ dể có sự thanh thản trong tâm hồn. Trong cái tĩnh lặng của làng quê, trong cái huyền ảo của ánh trăng, con người thả hồn phiêu diêu trong gió, suy tưởng, cảm nhận, yêu thương, tha thứ... Đây chính là giá trị đích thực của lễ Vu Lan.

Biểu tượng hoa hồng và hoa hồng trắng

Hoa hồng nói chung thường được xem là nữ hoàng của các loài hoa và là biểu tượng của tình yêu. Tình yêu ở đây được xem là tình yêu đôi lứa giữa một người con trai và một người con gái. Nhân loại mặc nhiên công nhận như vậy và dành cho hoa hồng vị trí đặc biệt giữa các loài hoa. Vào dịp lễ Vu Lan, người ta thường cài lên ngực một bông hoa hồng nếu mẹ còn sống trên đời và một bông hồng màu trắng nếu mẹ đã mất. Bông hoa hồng màu đỏ hay màu trắng đều nói lên nỗi nhớ, tình yêu và lòng biết ơn của con dành cho cha mẹ. Đây là một biến tấu biểu tượng của hoa hồng. Nó cũng biểu hiện tình yêu, nhưng là tình yêu dành cho cha mẹ. Tình yêu, nỗi nhớ nằm sâu trong tâm tưởng, vì vậy dù cha mẹ ở đâu, trên trần gian hay dưới âm phủ đều thấu hiểu và cảm nhận được. Đây hoàn toàn không phải là một nghi lễ bắt nguồn từ truyền thuyết hay thủ tục có tính tôn giáo. Hình như nó được xuất hiện đơn giản, bất ngờ nhưng không phải ngẫu nhiên. Một nhóm bạn bè chơi với nhau, bỗng cảm thấy cần phải làm một điều gì đấy để thể hiện lòng mình với cha mẹ trong dịp Vu Lan. Tặng quà tặng bưu ảnh, tặng hoa thì phổ biến quá rồi; nói lời chúc thì hơi trang trọng và không phù hợp với tinh thần và không khí sâu lắng của lễ Vu Lan. Ý tưởng cài lên ngực một bông hoa hồng, hoặc hoa hồng trắng để mọi người hiểu và đồng cảm với nhau. Đây là cách thể hiện tình yêu, nỗi nhớ, lòng biết ơn một cách chân thành, lặng lẽ của con đối với cha mẹ, dù họ còn sống hay đã qua đời.

Với những người theo đạo Phật, họ cũng có nghi lễ liên quan đến hoa hồng trong lễ Vu Lan. Đấy là những bông hồng đã được nhà chùa chuẩn bị (có thể là hoa tươi, cũng có thể là hoa vải, giấy...). Theo đạo Phật thì những bông hồng mang lại may mắn, sức khỏe và sự yên bình cho mọi người. Trong cuộc sống hiện đại thời kĩ thuật số có bao nhiêu điều mới mẻ nhưng không nên quên những tập quán phong tục tốt đẹp. Bông hồng cài lên ngực trong ngày lễ Vu Lan sẽ cho ta ý nghĩa nhân văn về cội nguồn dân tộc Việt Nam. 

 

Tác giả:  Nguyễn Tấn Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

 

;