XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN TIỂU THUYẾT LUẬN ĐỂ SANG TIỂU THUYẾT TÂM LÝ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM 1930-1945

Trong giai đoạn văn học 1930 - 1945, tốc độ hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng cùng với sự xuất hiện cùng một lúc nhiều nhà văn có tài năng, nhiều tiểu thuyết có giá trị đã thành hình, để lại dư âm đến ngày hôm nay. Có thể nói, văn học nước nhà giai đoạn này đã chứng kiến nhiều nhà văn viết tiểu thuyết có khuynh hướng luận đề: Khái Hưng, Nhất Linh, Lê Văn Trương, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nam Cao... Cũng chính những nhà văn này, trước yêu cầu đổi mới nền văn học, theo dòng chảy tự nhiên của tiểu thuyết hiện đại, đã chuyển mình sang sáng tác tiểu thuyết tâm lý.

 

Căn cứ xác định sự dịch chuyển tiểu thuyết luận đề sang tiểu thuyết tâm lý

Ở văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, hầu hết các nhà văn thành công với thể tài tiểu thuyết tâm lý đều đã từng trước đó đến với tiểu thuyết luận đề. Họ đã vận dụng thành công nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật, đạt đến đỉnh cao so với tiểu thuyết cùng thời hay giai đoạn trước đó, là dấu hiệu đánh dấu sự thành công của công cuộc hiện đại hóa tiểu thuyết. Có thể nói, tiểu thuyết luận đề hay tiểu thuyết tâm lý giai đoạn 1940 - 1945 đã trở thành xu hướng sáng tác chủ đạo với sự góp mặt của nhiều nhà văn thành danh qua nhiều tác phẩm.

Một điểm nữa là bối cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ cũng như nhu cầu tự thân vận động, đổi mới nền văn học đã dẫn đến việc tiểu thuyết có những bước phát triển nhanh chóng. Đã có nhiều công trình nghiên cứu những đóng góp của Tự lực văn đoàn với tiến trình văn học dân tộc. Các tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam... đã thực sự dịch chuyển từ tiểu thuyết luận đề sang tiểu thuyết tâm lý.

Từ những năm 1940 trở đi, tiểu thuyết luận đề đã bớt đi hẳn giọng điệu triết lý, thay vào đó là sự lên ngôi của cái tôi cá nhân cho phép nảy nở những diễn biến tâm lý một cách tự nhiên, sự gia tăng của tình tiết, ngôn từ miêu tả tâm lý; những trường đoạn miêu tả tâm lý nhân vật đã thúc đẩy thể loại này phát triển lên một tầm cao mới về nghệ thuật biểu hiện. Có thể kể đến: Hồn bướm mơ tiên, Hạnh của Khái Hưng, Bướm trắng của Nhất Linh, Trúng số độc đắc, Lấy nhau vì tình của Vũ Trọng Phụng, Thiếu quê hương của tác giả Nguyên Tuân, Sống mòn của Nam Cao...

Cơ sở để khảo sát còn dựa trên thời điểm ra đời của tác phẩm cụ thể. Tiểu thuyết tâm lý, từ Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đến Bướm trắng, Sống mòn là cả một chặng đường rất dài, chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật tiểu thuyết. Bướm trắng đại diện cho khuynh hướng tiểu thuyết lãng mạn, Sống mòn đại diện cho khuynh hướng tiểu thuyết hiện thực. Ở đó, nhà văn thể hiện tài năng phân tích tâm lý nhân vật đến mức điêu luyện.

Đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết luận đề, tâm lý

Theo Từ điển Thuật ngữ văn học: “Cội nguồn của tiểu thuyết này là cách các nhà viết kịch lấy tính cách nhân vật mà giải thích hành động của họ” (1). Lại Nguyên Ân nói đến các tiểu thuyết tiêu biểu ở châu Âu đã chứng tỏ “khả năng khai thác, miêu tả thế giới nội tâm của con người đồng thời củng cố vai trò chủ đạo của kiểu tiểu thuyết luận đề trong thời đại này” (2). Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã nhận định: “Đây là loại truyện tính cách chứ không phải truyện luận đề” (3). Nhà văn Nhất Linh cũng cho rằng: “Viết luận đề tiểu thuyết nghĩa là viết tiểu thuyết để nêu lên một lý thuyết, để tán dương tuyên truyền một cái gì mà tác giả cho là đẹp, để đả đảo một cái gì tác giả cho là xấu xa” (4).

Không khó để nhận thấy tiểu thuyết giai đoạn này đều thể hiện tính luận đề, mang những đặc điểm của tiểu thuyết tâm lý, nở rộ trong văn học Việt Nam từ năm 1940 trở đi. Trên thực tế, tiểu thuyết luận đề đã chuyển sang tiểu thuyết tự truyện, rồi tiểu thuyết tâm lý với những thành công nổi bật ở những dấu mốc. Có thể nói, tiểu thuyết luận đề khơi nguồn cho việc nhà văn giai đoạn này tập trung miêu tả tâm lý nhân vật như một thử thách đối với tài nghệ của nhà văn, thuyết phục độc giả tin vào luận đề mà mình hướng đến. Đó là thành công của các nhà văn Tự lực văn đoàn với luận đề xuyên suốt nhiều cuốn tiểu thuyết là chống lễ giáo phong kiến, đề cao cái tôi cá nhân. Tuy nhiên, không nhất thiết tiểu thuyết luận đề phải ra đời trước. Xét tổng thể các tác phẩm, có thể thấy, bức tranh tiểu thuyết với sự chuyển hóa từ tiểu thuyết luận đề sang tiểu thuyết tâm lý đã diễn ra một cách tự nhiên, phù hợp với thực tế lịch sử văn học lúc bấy giờ.

 Điểm giao thoa giữa hai loại hình tiểu thuyết này chính là việc xây dựng hình tượng nhân vật chính. Ở đó, nhà văn không lấy cuộc đời nhân vật là đích hướng tới của cuốn tiểu thuyết mà chọn quá trình diễn biến tâm lý của nhân vật chính làm đối tượng hướng đến của ngòi bút văn chương. Nhân vật trong tự truyện dễ dàng chuyển thành nhân vật trong tiểu thuyết tâm lý, thậm chí sự giao thoa đó cho phép đặt Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân, Mực mài nước mắt của Lan Khai, Sống mòn là tiểu thuyết có khuynh hướng luận đề nhưng xét tổng thể thì với những gì nhà văn đã thể hiện từ xây dựng nhân vật đến nghệ thuật kể chuyện, đây là những cuốn tiểu thuyết tâm lý.

Đặc điểm cơ bản của xu hướng dịch chuyển tiểu thuyết luận đề sang tiểu thuyết tâm lý

Sự đánh thức cái tôi cá nhân trong quá trình diễn biến tâm lý nhân vật

Có thể lấy mốc thời điểm công bố Bướm trắng làm tiêu chuẩn để thấy sự biến chuyển thực sự của quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết ở nước ta. Đây là cuốn tiểu thuyết thành công nhất của Nhất Linh ở nghệ thuật miêu tả tâm lý.

Khảo sát tiểu thuyết có khuynh hướng luận đề, phân tích tâm lý trước, sau 1939 có thể thấy rõ sự dịch chuyển điểm nhìn từ ngôi kể thứ ba sang ngôi kể thứ nhất. Nguyễn Hoành Khung nhận định: “Sau Nắng thu là hai cuốn tiểu thuyết luận đề quyết liệt, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng... Có thể coi Đoạn tuyệt là tác phẩm tiêu biểu nhất của Tự lực văn đoàn thời kỳ đầu, là bản tuyên ngôn đầy đủ nhất của nhóm về vấn đề mới - cũ, về nhân sinh, xã hội” (5). Không còn chuyện gò cốt truyện, dàn nhân vật để đưa tiểu thuyết thành một bản tuyên ngôn, đầy giọng triết lý hùng hồn, luận điệu lập thuyết, Nhất Linh cũng như các nhà văn trong Tự lực văn đoàn càng về sau càng tập trung chuyển từ sáng tác tiểu thuyết luận đề sang sáng tác tiểu thuyết tâm lý. Nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của họ thời kỳ này mang đậm dấu ấn của chính tác giả, gửi gắm nỗi niềm tâm sự vào tâm trạng của nhân vật.

Có thể nói, ra đời sau Hồn bướm mơ tiên nhưng Đoạn tuyệt đã xứng đáng là tác phẩm tiểu thuyết luận đề tiêu biểu nhất của nhóm Tự lực văn đoàn. Trong tác phẩm này, Nhất Linh hoàn toàn vận dụng điểm nhìn từ người kể chuyện ngôi thứ ba, miêu tả những diễn biến tâm lý tinh vi nhất đang nảy nở trong lòng nhân vật để dẫn dắt độc giả vào câu chuyện tình lãng mạn. Sự sắp đặt này chứng tỏ từ điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba, nhà văn đã thực sự làm chủ ngòi bút trong việc đón ý bạn đọc mà trình bày lại câu chuyện.

Lạnh lùng, bạn đọc không còn bắt gặp những lời tuyên ngôn, thách thức như thế nữa. Sức hấp dẫn của tác phẩm lại ở những đoạn phân tích tâm lý sắc sảo. Đó là cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra liên tục với đủ mọi cung bậc tâm trạng cảm xúc của nhân vật Nhung, người phụ nữ góa chồng khi còn rất trẻ đã phải luôn sống trong tâm trạng vừa bất an vừa hạnh phúc với mối tình vụng trộm của mình. Tác giả đã đặt nhân vật vào một hoàn cảnh éo le để bộc lộ tâm trạng. Nhà văn đã dành phần lớn cuốn tiểu thuyết để diễn tả tâm trạng nhân vật Nhung. Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất chứng tỏ, vị chủ soái của Tự lực văn đoàn đã chủ động đi từ sáng tác tiểu thuyết luận đề sang sáng tác tiểu thuyết tâm lý.

Tự phá phách, tự đọa đày chính mình để lấy đó làm niềm vui hay cốt để thỏa mãn cái tôi cá nhân hưởng lạc, các nhân vật trong Đời mưa gió không hẳn phát ngôn cho một luận đề quen thuộc trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn nhưng dành phần lớn số trang dẫn bạn đọc đến với nhưng đoạn phân tích tâm lý nhân vật, đưa những giằng co phức tạp trong tâm hồn nhân vật thành đối tượng chính của cuốn tiểu thuyết. Đó có thể là tiếng nói phản ứng với lễ giáo phong kiến một cách mạnh mẽ nhất nhưng không vì thế mà cuốn tiểu thuyết này không chứng tỏ có sự vận động theo xu hướng từ tiểu thuyết luận đề sang tiểu thuyết tâm lý.

Nói đến tiểu thuyết tâm lý cũng như những ngón nghề phân tích tâm lý nhân vật tinh vi, không thể không nhắc đến tác giả Thạch Lam. Đó là những trang văn thấm đẫm chất thơ, của những tác phẩm dường như không có cốt truyện. Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông chỉ viết một cuốn tiểu thuyết là Ngày mới. Cuốn tiểu thuyết này không đặc sắc về mặt nội dung, không lớn tiếng tuyên ngôn cho một luận đề nhưng dẫn dắt người đọc miên man theo tâm trạng của nhân vật.

Đến Sống mòn, Nam Cao đã thể hiện tác phẩm là cuốn tiểu thuyết tâm lý sâu sắc. Bằng lời văn nửa trực tiếp, tác giả đã thay lời nhân vật hoặc lồng vào lời nhân vật tâm sự của chính mình. Ngay cái tên tiểu thuyết tự nó cũng là một luận đề, là một thứ tuyên ngôn.

Sự hạ giọng của cái tôi triết lý

Từ những tiểu thuyết ban đầu của nhóm Tự lực văn đoàn như Hồn bướm mơ tiên, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Một trái tim, Tôi là mẹ, Lòng mẹ, Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội, Lan và Hữu… tiểu thuyết giai đoạn này đã dần hạ giọng của cái tôi triết lý xuống, thay thế vào đó là những đoạn trữ tình bộc lộ tâm trạng nghĩ suy của nhân vật. Càng về sau, nhất là những tiểu thuyết sau 1940, chúng ta có thể nhận thấy trong tiểu thuyết không còn những lời tuyên ngôn, cổ vũ cho tự do cá nhân, chống lễ giáo phong kiến một cách gay gắt như trước bởi phần nhiều nhân vật chính trong tác phẩm có dấu ấn của chính cái tôi cá nhân của tác giả; luận đề của tác phẩm không còn được thể hiện một cách lộ liễu qua bàn tay sắp đặt của nhà văn mà chìm khuất trong lời độc thoại biểu lộ nội tâm hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp hoặc nửa trực tiếp của nhân vật hay chính tác giả.

Không khó nhận thấy, trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương xuất hiện triết lý sức mạnh như một bài diễn thuyết của ông. Từ Tôi là mẹ, giọng triết lý xuất hiện rất nhiều lần. Tuy vậy, đến những tác phẩm như Cánh sen trong bùn, giọng điệu triết lý đã giảm bớt, chùng xuống, nhường chỗ cho những dòng tâm tình, dù vẫn mang tính triết lý sâu sắc. Sự giảm bớt giọng điệu triết lý không cốt nhằm xóa đi triết lý sức mạnh xuyên suốt nhiều tiểu thuyết của Lê Văn Trương, đó chỉ là sự thay thế giọng điệu triết lý hoặc đan xen với giọng điệu triết lý bằng giọng điệu trữ tình sâu lắng nhằm diễn tả tâm lý nhân vật. “Trong trang nhật ký, bốc ra một mùi hương thừa, một mùi nước mắt, một mùi hoa héo, một mùi giấy ẩm, một mùi... yêu đương, nó là tượng hình của tất cảnh những cuộc tình duyên tan tác trên đời (6). Những đoạn như thế này xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương, ưa triết lý, cuối cùng là thể hiện cả quá trình diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật. Càng về sau, tiểu thuyết của Lê Văn Trương không còn nhiều đoạn diễn tả triết lý sức mạnh hùng hồn mà hành động, nghĩ suy của nhân vật chỉ còn là những hình ảnh minh họa cho triết lý sức mạnh ấy.

Sau năm 1940, giọng điệu triết lý giảm dần, không còn là giọng điệu chủ đạo như trong các tiểu thuyết luận đề trước đó. Thay vào đó, giọng điệu triết lý đơn có gia tăng về số lượng nhưng lại giảm về tông giọng để nhằm bộc lộ đời sống nội tâm nhân vật. Sự hạ giọng của giọng điệu triết lý trong tiểu thuyết sau năm 1940 chứng tỏ, tiểu thuyết đã dịch chuyển từ tiểu thuyết luận đề sang tiểu thuyết tâm lý, hoàn thành quá trình dịch chuyển này với đỉnh cao là sự ra đời của Sống mòn năm 1944.

Sự gia tăng chi tiết miêu tả tâm lý, tình huống tâm lý

Nếu lấy mốc thời gian làm tiêu chuẩn thì tính từ Hồn bướm mơ tiên đến Bướm trắng là một chặng đường phát triển của văn xuôi Tự lực văn đoàn, trong đó rõ ràng chi tiết biểu hiện tâm lý, tình huống tâm lý đã được gia tăng đáng kể. Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự khác biệt giữa hai cuốn tiểu thuyết tâm lý của cùng một đội ngũ tác giả trong một văn đoàn sáng tác. Ở Bướm trắng Nhất Linh, xây dựng chi tiết thể hiện tâm lý khác hẳn, có nhiều đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật. Điều này trước đây ta ít bắt gặp trong Hồn bướm mơ tiên của ông. Đây là dấu hiệu chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật tiểu thuyết nói chung, nghệ thuật tiểu thuyết tâm lý nói riêng.

Có thể nói, từ sau Hồn bướm mơ tiên, các nhà văn Tự lực văn đoàn đã đem đến cho độc giả hàng loạt cuốn tiểu thuyết luận đề. Các tác giả đã rất chú trọng đến nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật nhưng dù nhân vật chứa chất bao nhiêu mâu thuẫn cũng chưa đến mức nổi loạn, phá vỡ tính cách để bộc lộ hết những diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp của con người. Những cuốn tiểu thuyết trên vẫn dừng lại ở miêu tả nhân vật từ ngoài vào trong thông qua hàng loạt chi tiết được bài trí thậm chí hết sức lộ liễu bởi bàn tay can thiệp của tác giả nhằm thể hiện rõ luận đề của tiểu thuyết. Phải đến Bướm trắng, người đọc mới chứng kiến việc nhà văn đang miêu tả nhân vật với một tính cách nổi loạn, nhưng diễn biến tâm lý khó lường đối với bạn đọc. Với Mực mài nước mắt của Lan Khai, Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng cũng thế. Phải đợi đến Sống mòn, người đọc mới chứng kiến sự thay đổi khi nhà văn để cho nhân vật có liên tiếp những đoạn độc thoại nội tâm. Lúc này, khám phá diễn biến tâm lý trở thành mục tiêu hướng tới của tác giả.

Sự gia tăng ngôn từ miêu tả tâm lý

Bên cạnh sự gia tăng của chi tiết miêu tả tâm lý, tình huống miêu tả tâm lý, tiểu thuyết giai đoạn này còn chứng kiến sự gia tăng ngôn từ miêu tả tâm lý. Điều này là điều hiển nhiên khi các nhà văn thời đó đều thống nhất ở một trào lưu là khám phá tâm lý con người. Có thể thấy để làm nên giá trị của một cuốn tiểu thuyết, để cuốn tiểu thuyết cuốn hút độc giả, các nhà văn đều thống nhất hướng tiểu thuyết đến phân tích tâm lý con người. Muốn vậy việc không thể không làm là gia tăng ngôn từ miêu tả tâm lý, trong đó, ngôn từ là vấn đề tối quan trọng.

Như vậy, quá trình vận động, phát triển của tiểu thuyết trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 diễn ra liên tục trong khoảng 15 năm, đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, phải kể tới xu hướng dịch chuyển từ tiểu thuyết luận đề sang tiểu thuyết tâm lý. Những tác phẩm tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn, của Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nam Cao... đủ tư cách làm cột mốc đánh dấu quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam, sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật tiểu thuyết, sự tồn tại của nhiều khuynh hướng tiểu thuyết, biểu hiện phong phú của nền văn học dân tộc. Tiểu thuyết tâm lý đã đạt được những thành tựu chứng tỏ khuynh hướng vận động, phát triển của tiểu thuyết tâm lý giai đoạn này có vị trí quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa nền văn học dân tộc, làm tiền đề cho sự phát triển tiếp tục của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam sau này.

_____________

1. Hà Minh Đức, Các trào lưu và thể loại văn học thời kỳ 1930 - 1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.339 - 340.

2. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.330.

3. Phan Cự Đệ, Tiểu thuyết Việt Nam TK XX, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.140.

4. Bùi Việt Thắng, Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.

5. Nguyễn Hoành Khung, Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989, tr.30.

6. Lê Văn Trương, Lê Văn Trương - tác phẩm chọn lọc, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006, tr.122.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1-2018

Tác giả : TRẦN THANH VIỆT

;