Xây dựng văn hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Diễn Châu

Thành quả xây dựng nông thôn mới trong 12 năm qua (từ năm 2011-2023) đã tạo đà cho huyện Diễn Châu xây dựng thành công huyện nông thôn mới, với 36/36 xã đạt 19/19 tiêu chí. Thị trấn Diễn Châu đạt đô thị văn minh xanh sạch. Toàn huyện có 74.300 hộ, hơn 30 vạn người dân, tất cả đều có cuộc sống ấm no, với mức thu nhập bình quân năm 2022 đạt 60 triệu đồng người/ năm. Huyện có 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Trong đó, xã Diễn Hồng thu nhập bình quân cao nhất huyện gồm 68 triệu đồng người/năm. 17 năm liền huyện nằm trong tốp đầu của tỉnh Nghệ An về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, giáo dục y tế. Tổng giá trị sản xuất năm 2022, toàn huyện đạt 17.500 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 1.057 tỷ đồng, bằng 208% dự toán.

Cả 288 xóm ở huyện Diễn Châu - Nghệ An có Nhà văn hóa khang trang

 

Diễn Châu có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, cả trước đây, hiện nay và sau này. Tài nguyên của Diễn Châu là đất đai, là lao động, là biển, là hệ thống giao thông, là truyền thống lịch sử và văn hóa được tích tụ hàng ngàn năm... Đất đai Diễn Châu phì nhiêu. Bờ biển dài 25km có tiềm năng lớn về nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và du lịch. Giao thông ở Diễn Châu thuận lợi: Có tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường quốc lộ 1A, quốc lộ 7, quốc lộ 48, tỉnh lộ 538 nối liền Nam - Bắc, Đông - Tây. Đường giao thông nông thôn cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa. Người dân Diễn Châu không chỉ cần cù trong lao động mà rất năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, có ý chí vươn lên về mọi mặt. Diễn Châu là một trong những địa phương đi tiên phong trong công cuộc đổi mới đầy tự tin và phấn khởi. Liên tục nhiều năm qua, kinh tế Diễn Châu phát triển toàn diện, giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại đều tăng. Bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Diễn Châu đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Một số chương trình dự án lớn trong công nghiệp xây dựng, giao thông trên địa bàn huyện đã được tỉnh đưa vào quy hoạch và có chính sách hỗ trợ. 6 xã phía Nam của huyện thuộc khu kinh tế Đông - Nam Nghệ An nên được hưởng các chính sách ưu đãi trong phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, của tỉnh. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, sự đoàn kết nhất trí cao trong cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, trong nhân dân là nhân tố quan trọng thúc đẩy Diễn Châu phát triển. Còn khó khăn nội tại của Diễn Châu cũng không phải là ít. Đó là tích lũy từ nội bộ kinh tế chưa cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa có doanh nghiệp có quy mô lớn; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ còn thấp; lao động thiếu việc làm còn lớn, tệ nạn xã hội nhất là ma tuý còn diễn biến phức tạp; năng lực chỉ đạo điều hành của một số chính quyền cơ sở còn yếu; tư duy kinh tế thị trường trong xu thế hội nhập của một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân chậm đổi mới; tư tưởng bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, níu kéo... vẫn còn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỷ lệ người lao động có tay nghề cao còn ít, chưa đáp ứng với yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới...

Việc đầu tiên đó là Đảng bộ huyện khoá 31 (Nhiệm kỳ 2020-2025) đã để ra được các mục tiêu, chỉ tiêu, các chương trình đề án, các công trình trọng điểm cụ thể, sát đúng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và phân công cho từng tổ chức, cá nhân cấp uỷ, chỉ đạo từng đơn vị triển khai thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, quyết liệt, phát huy vai trò dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu; kịp thời cho chủ trương triển khai lập dự án các công trình để tranh thủ nguồn vốn của trung ương, của tỉnh, đồng thời chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi về đất đai, về cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư để các doanh nghiệp tiếp cận triển khai đúng tiến độ; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở để huy động nguồn lực nội tại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể là trong nhiệm kỳ vừa qua, đã có 6 chương trình kinh tế (chương trình phát triển CN TTCN và xây dựng làng nghề; chương trình phát triển đô thị, thị tứ và khu du lịch; chương trình nhân rộng cánh đồng cho thu nhập cao; chương trình phát triển chăn nuôi hàng hóa; chương trình phát triển nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn), 5 chương trình xã hội trọng tâm (chương trình xã hội hóa giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia; chương trình xã hội hóa y tế và xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế chương trình xây dựng huyện có đời sống văn hóa phát triển chương trình phát triển dân số; chương trình giải quyết việc làm cho người lao động) và 10 công trình trọng điểm trên địa bàn được triển khai thực hiện hiệu quả.

Sau chặng đường 16 năm nỗ lực phấn đấu, kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Diễn Châu đạt được thật đáng phấn khởi. Hầu hết các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra đều hoàn thành. Nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người/năm. Thủ Thu ngân sách năm 2022 là 1.027 tỷ đồng, bằng 208% dự toán. Tỷ lệ hộ dân nông thôn dùng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ rác thải rắn được thu gom đạt 90%. Trong 6 chương trình kinh tế, 5 chương trình xã hội trọng tâm đã nêu trên, nhiều chương trình đạt cao như: Xây dựng được 20 làng nghề, xây dựng, mở rộng cánh đồng có thu nhập cao (từ 100 triệu đồng/ha trở lên) đạt 8.200ha, chiếm 85% diện tích canh tác. Xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa dưa hấu đỏ, bí xanh, rau màu cao cấp vào trồng có giá trị thu nhập trên 140 triệu đồng/ha ở các xã Diễn Phong, Diễn Thành, Diễn Hồng, Diễn Kỷ... Xây dựng giao thông nông thôn cũng vượt chỉ tiêu đề ra với 359,7km đường nhựa, 644,4 km đường bê tông. Đáng phấn khởi nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt kết quả cao với hơn 100 trường, nằm trong tốp đầu của tỉnh về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, thi đậu vào các trường ĐH, CĐ rất cao. Số lượng giáo viên dạy giỏi, giáo viên đạt chuẩn cũng nằm trong tốp đầu của tỉnh. 18 năm liên tục, giáo dục Diễn Châu được xếp loại tiên tiến xuất sắc. Về cơ bản, các xã, thị trấn đều có bác sĩ, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Năm 2009, Diễn Châu vinh dự có 2 đơn vị: Trường Tiểu học Diễn Xuân và Trạm y tế xã Diễn Vạn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đánh giá một cách tổng quát thì 15 năm qua, kinh tế Diễn Châu có bước tăng trưởng và chuyển dịch đúng hướng, sản xuất kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển, tăng khá. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc. Đời sống nhân dân được nâng lên, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ, tạo tiền để tốt cho thời kỳ phát triển mới cao hơn.

Để đảm bảo phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế mở theo hướng thị trường định hướng XHCN, huyện luôn khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của nhân dân và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, phát triển các ngành, các lĩnh vực mà huyện có lợi thế như: kinh tế biển và thương mại dịch vụ. Gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh, phát triển nhanh nhưng phải đảm bảo môi trường sinh thái và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh toàn diện.

Về nông nghiệp nông thôn, huyện chủ trương xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích, thâm canh sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của làng xã Việt Nam. Với quan điểm phát triển đó, cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Đến năm 2024, tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 41%; Công nghiệp - Xây dựng 32,7%; ngành Nông - Lâm - Ngư 26,3%. Trong nông lâm ngư nghiệp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: Tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm chăn nuôi và dịch vụ trong nông nghiệp - nông thôn. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp lên 50%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong từng vùng, tạo ra nhiều diện tích có thu nhập cao. Với điểm phát triển như trên, mục tiêu tổng quát của đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ này là: Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của huyện, xây dựng Diễn Châu trở thành một huyện đứng trong tốp đầu của tỉnh về mọi mặt, là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, phát triển một xã hội lành mạnh, ổn định, đấu tranh ngăn chặn, kìm giữ và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý. Phát triển kinh tế gắn liền với quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, phấn đấu Đảng bộ liên tục đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13 -  14%/năm; 100% diện tích canh tác đạt doanh thu trên 100 triệu/ha/năm, trong đó có 60% diện tích đạt doanh thu trên 120 triệu/ha/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1%, 90% số trường đạt chuẩn Quốc gia; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 80 - 85% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 80% làng; 85% cơ quan, trường học đạt danh hiệu Đơn vị văn hóa: 85-90 xã, thị trấn có thiết chế văn hóa thể thao đạt chuẩn Quốc gia; Trên 90% đảng bộ, chi bộ cơ sở đạt TSVM, Đảng bộ huyện hằng năm đạt vững mạnh; chính quyền huyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 100% chính quyền các xã, thị trấn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 70% hoàn thành XSNV, MTTQ và các đoàn thể hằng năm được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Huyện đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp về vốn đầu tư; về phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực; về ứng dụng phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, giải pháp mang tính đột phá là: Đào tạo, bồi dưỡng thu hút nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình trọng điểm. Đây là giải pháp cần được quan tâm đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đón đầu cung cấp nhân lực cho các khu công nghiệp địa phương, đặc biệt là Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An sắp tới; các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, cải thiện các hoạt động dịch vụ theo nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Huyện còn đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề, hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm, hỗ trợ nâng cao năng lực của các Trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm. Chú trọng giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ theo nhiều trình độ phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội của huyện, trong đó quan tâm đào tạo đội ngũ công nhân tay nghề cao, nhà kinh doanh giỏi, đào tạo nhân lực khu vực nông nghiệp và nông thôn và một số ngành mũi nhọn. Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; có cơ chế chính sách đào tạo cán bộ trẻ có triển vọng, nâng cao trình độ chuyên môn sau Đại học, chính trị cao cấp trở lên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và tạo nguồn cho nhiệm kỳ tới. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, nghiệp vụ chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt và công chức xã. Bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ hợp lý, đánh giá xếp loại cán bộ chính xác để bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Huyện xác định trong 3 năm tới có 9 công trình trọng điểm cần tập trung chỉ đạo thực hiện, gồm: nâng cấp hệ thống tưới, tiêu trên địa bàn huyện (sông Bùng kênh Nhà Lê, kênh Diễn Hoa); nâng cấp các hồ chứa trên địa bàn các xã Diễn Phú, Diễn Lâm; từng bước đầu tư hệ thống đường cứu hộ, cứu nạn; xây dựng 2-3 tuyến đường trục chính đô thị mở rộng từ ga Phủ Diễn về biển Diễn Thành theo quy hoạch đã được duyệt xây dựng cầu Lạch Vạn trên tuyến đường quốc lộ ven biển và nâng cấp, sửa chữa cầu Diễn Kim; cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm trên địa bàn; đầu tư nâng cấp khu du lịch Hòn Câu, Diễn Hải, bãi tắm cửa Hiền, xã Diên Trung.

Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phấn đấu đến năm 2025, Diễn Châu có 86% Gia đình văn hóa, thể thao; 75% số làng. 85% cơ quan, trường học, đơn vị đạt danh hiệu văn hoá. Tiếp tục mở rộng hoạt động TDTT, nâng cao tỷ lệ dân số luyện tập TDTT thường xuyên lên 40%, góp phần nâng cao thể lực, phát triển con người toàn diện. Phát triển văn hóa thông tin hướng đến xây dựng môi trường văn hóa đô thị hiện đại. văn minh. Hoàn thiện và nâng cấp các thiết chế văn hóa ở các xã, bảo tồn. phát huy giá trị các di sản văn hóa ở địa phương, văn hoá làng xã Việt Nam. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin. Từng bước giảm chênh lệch về mức thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân trong toàn huyện.

 

LÊ HOÀI THUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024

;