Không ít người trong chúng ta hiện nay dành nhiều thời gian trong ngày để sống trên một không gian tồn tại song song với thế giới thực, là không gian mạng. Vì vậy, vấn đề xây dựng và phát triển con người Việt Nam cũng cần được lưu tâm triển khai trên cả không gian mạng.
Nhân tố con người được chú trọng hơn bao giờ hết
Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ VHTTDL đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 ‐ 2035. Tán thành với chương trình này, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, nếu coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế ‐ xã hội thì triển khai chương trình vào thời điểm này là hoàn toàn đúng lúc. Bởi trong những năm 2023 đến 2025 là những năm đầu của giai đoạn có tính bản lề, chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới của Việt Nam, đó là trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Chấn hưng văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa truyền thống lâu đời. Từ sự phát triển này, mỗi công dân đều có thể đặt niềm tin đến năm 2045, nước ta sẽ trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.
Điểm đặc biệt trong chương trình lần này, vấn đề con người được Bộ chú trọng và đặt cạnh phát triển văn hóa. Văn kiện Đại hội XIII cũng đã xác định nhân tố con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Chính vì thế, song hành với chấn hưng và phát triển văn hóa, phát triển tối đa nhân tố con người cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Văn hóa. Quan trọng là vì con người cùng với văn hóa có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời. Con người là chủ thể sáng tạo, sản sinh ra văn hóa, đồng thời cũng vừa là đối tượng thụ hưởng của nền văn hóa mình tạo ra. Con người dựa vào những giá trị văn hóa do mình tạo ra và trao truyền cho các thế hệ sau, để điều chỉnh những hành vi, lối sống và tư duy của chính mình.
Chính vì vậy, TS Nguyễn Viết Chức nhận định, trong chương trình chấn hưng, phát triển văn hóa đề cập đến con người là phương hướng hoàn toàn đúng đắn của Bộ VHTTDL, cùng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước. Theo ông, vấn đề xây dựng và phát triển con người không khi nào muộn, cũng chẳng khi nào sớm mà cần phải được thực hiện liên tục. Bởi phát triển văn hóa, suy cho cùng là để phát triển con người và phải phát triển con người thì văn hóa mới phát triển được.
Kế thừa truyền thống, xây dựng tương lai
Trong truyền thống, con người Việt Nam đã hội tụ nhiều đức tính tốt đẹp, được đúc kết thành ca dao, tục ngữ như: “Thương người như thể thương thân”, “Uống nước nhớ nguồn”... Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, đó là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Bước sang thế kỷ XXI, Việt Nam từng bước khẳng định vị thế khi tích cực tham gia vào nhiều tổ chức, hiệp định quốc tế uy tín. Trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng như hiện nay, chúng ta cởi mở tiếp thu những tinh hoa văn hóa mới, song, phải giữ được bản sắc vốn có của dân tộc mình, là quan điểm được TS Nguyễn Viết Chức bày tỏ. Nếu không giữ được bản sắc riêng, vậy chúng ta mang gì ra trường quốc tế, để các quốc gia khác có thể nhận diện được Việt Nam khi đứng chung một khung hình. Bản sắc đó có thể được thể hiện qua cách ứng xử cho đến các sinh hoạt, sản phẩm trong lao động, sản xuất, và đáng được nhắc đến nhất trong thời gian gần đây đó là tinh thần ưa chuộng hòa bình. Tinh thần ấy cũng được Đảng và Nhà nước thể hiện rất rõ trong hoạt động ngoại giao.
Tham gia vào những sân chơi có tầm cỡ như vậy, nếu người Việt Nam chỉ gìn giữ những bản sắc truyền thống thôi là chưa đủ, cần phải trang bị năng lực thích ứng với những yêu cầu, thậm chí thách thức của thời đại mới. Ông Chức chỉ ra, một năng lực yêu cầu cần phải có ở mỗi người là năng lực hợp tác. Sự hợp tác ở đây được cấu thành giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tổ chức, với phạm vi trong nước và rộng hơn là ngoài nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Dĩ nhiên, mọi sự đoàn kết đều phải dựa trên lòng tự trọng, trung thực, tinh thần thượng tôn pháp luật.
Cùng với đó, những giá trị tinh thần truyền thống cũng cần biến đổi sao cho hài hòa với hoàn cảnh sống mới. Như đã nói ở trên, yêu nước là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong hệ giá trị con người Việt Nam. Dưới những tháng ngày đất nước oằn mình chống giặc ngoại xâm, tinh thần yêu nước được thể hiện bằng việc xung phong lên đường, cầm súng, đánh đuổi ngoại xâm. Còn trong thời đại hiện nay, yêu nước phải gắn với niềm tự hào dân tộc, tự tin, tự chủ và kiên quyết không chịu tụt hậu. Và để không bị tụt hậu lại phía sau, mỗi công dân phải ý thức, trách nhiệm luyện rèn tri thức, tu dưỡng đạo đức.
Không gian ảo tác động tới xã hội thực
Thời đại khoa học – kỹ thuật phát triển mạnh mẽ hiện nay đã xây dựng thêm cho chúng ta một không gian sống mới tồn tại song song với không gian thực, đó chính là mạng xã hội. Tại môi trường này, những giá trị cao đẹp của người Việt Nam vẫn tiếp tục được truyền tải. Hẳn ta vẫn chưa nguôi nỗi xót xa sau trận hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra trong tháng 9 năm ngoái tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhưng đằng sau những đau thương đó, ta lại được thấy tấm lòng cao cả cùng với ý thức, trách nhiệm san sẻ với cộng đồng của người Việt Nam được tỏa sáng. Mỗi người mượn sức lan tỏa của mạng xã hội để chia sẻ thông tin về chỗ ăn, chỗ ở, quyên góp kinh phí hỗ trợ nạn nhân chịu ảnh hưởng sau hỏa hoạn.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số con sâu “phản văn hóa” đang làm rầu nồi canh. Không ít trường hợp phát tán, đăng tải những thông tin, hình ảnh xấu, độc hại, làm xói mòn hình ảnh tốt đẹp của con người Việt Nam lên không gian mạng. Khảo sát của Microsoft công bố vào tháng 2/2020 cho hay, nước ta đang đứng thứ 5 trên tổng số 25 quốc gia có hành xử không văn minh trên môi trường internet (1). Dẫu chỉ có 500 người ở độ tuổi 13-74 tham gia khảo sát, trong khi theo con số ghi nhận đến tháng 2/2022, có 76.95 triệu người ở Việt Nam dùng mạng xã hội, tương đương 78.1% dân số cả nước thì kết quả đó cũng nhắc nhở mỗi người về những hiện tượng gây suy thoái về đạo đức trên môi trường số (2). Điều này không khó lý giải, bởi ngay cả ở ngoài đời thực, len lỏi đâu đó trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là tàn dư của sự lạc hậu, thiếu văn minh. Khi một số người đem những cái xấu đó lên không gian mạng, chúng bắt đầu phát tán mạnh mẽ, và có dấu hiệu khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Viết Chức nhận định, trên không gian mạng, chúng ta đang giao tiếp không chỉ với một người, mà với nhiều người. Và chúng ta đang nói chuyện với những người có thật, chỉ là vắng mặt nhau. Vậy nên, đừng hiểu lầm rằng, trên không gian mạng thì không ai biết mình là ai, có thể phát ngôn một cách thiếu kiểm soát, thiếu chính xác. Bởi không gian mạng tuy là ảo, nhưng mọi hành động diễn ra trên đó đều để lại kết quả thật trong cuộc sống thực. Hiện nay, nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng,… đều liên quan đến không gian mạng. Như vậy, có thể thấy, cuộc sống của con người hiện đại không thể thiếu không gian mạng. Cho nên, không thể coi nhẹ vấn đề tu dưỡng con người trên không gian mạng ra sao. Phải làm thế nào để những người trẻ, thậm chí cả những người lớn tuổi chập chững bước vào đời sống mạng hiểu được, dù trên mạng hay ở ngoài đời thực, đạo đức, tư cách cũng đều cần được giữ gìn, phát huy. Mỗi người hãy mở rộng thêm cho không gian mạng bằng những hoa thơm trái ngọt, thay vì mang tới những chất độc hại, để rồi chính mình và toàn xã hội phải chịu hậu quả từ đó. Chúng ta tiến tới số hóa, nhưng đừng để môi trường số làm tha hóa những giá trị đạo đức quý báu.
_______________
1. Dựa theo số liệu trong bài viết “Việt Nam “lọt” top 5 ứng xử kém văn minh trên Internet”, đăng ngày 22/2/2020 trên báo điện tử VTC News cung cấp.
2. Dựa theo số liệu trong bài viết “Sử dụng mạng xã hội: Tự do nhưng văn minh”, đăng 29/9/2022 trên website Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang
NGUYỄN PHÚC NAM DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024