Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở khu vực Bắc miền Trung lành mạnh, giàu bản sắc

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của khu vực trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, lành mạnh, giàu bản sắc, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Văn hóa các tỉnh khu vực Bắc miền Trung. Những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Tại các địa phương trong khu vực đã xuất hiện nhiều điểm sáng, những mô hình hay, với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hướng về cơ sở, ở khắp vùng miền, người dân được chứng kiến, hòa mình trong không gian văn hóa truyền thống với những giá trị được vun đắp qua nhiều thế hệ, từng bước khẳng định đây là một hướng đi đúng đắn.

Hội nghị giao ban nghiệp vụ năm 2024 khu vực Bắc miền Trung

 

Tạo dựng những môi trường đáng sống

Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở luôn là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra, khẳng định vai trò của văn hóa trong việc bồi đắp các giá trị chân - thiện - mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xác định vai trò quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, ngành Văn hóa và Thể thao các tỉnh trong khu vực Bắc miền Trung luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cộng đồng, gìn giữ những giá trị di sản - hạt nhân cốt lõi tạo sự gắn kết cộng đồng, thu hút du khách và phát triển kinh tế, du lịch…

Điều đó đã được khẳng định tại báo cáo hoạt động Hội nghị giao ban nghiệp vụ năm 2024 của khu vực Bắc miền Trung, mục tiêu đã được cụ thể hóa trong chương trình hoạt động hằng năm của các đơn vị cũng như chương trình chung của khu vực. Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, mỗi đơn vị đều có những cách làm riêng, sáng tạo về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, làm cho môi trường văn hóa các tỉnh trong khu vực ngày càng lành mạnh, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực.

Văn hóa là sự nghiệp của nhân dân, do vậy, các đơn vị đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của các địa phương với nhiều hình thức sinh động, phong phú, hấp dẫn, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, đặc trưng văn hóa vùng, miền, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị ở các địa phương. Các Trung tâm Văn hóa trong khu vực đã dệt nên bức tranh đẹp, lung linh sắc màu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở bằng việc tổ chức thành công, chất lượng các hoạt động nghiệp vụ về văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền, cổ động triển lãm, chiếu phim lưu động, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, xây dựng Nông thôn mới như: Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa tổ chức Liên hoan tuyên truyền lưu động Quê Thanh làm theo lời Bác, Lễ hội Hương sắc vùng cao, Nghệ An với hoạt động văn nghệ tuyên truyền Con đường hạnh phúc phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Quảng Bình thành lập các Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng hát Chèo cạn, đàn và hát dân ca; Thừa Thiên Huế nâng cao chất lượng của các hoạt động lễ hội trên địa bàn, hỗ trợ hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng các chương trình nghệ thuật, nghiệp vụ về công tác xây dựng đời sống văn hóa… Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa các tỉnh còn tổ chức hàng chục đợt tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng hạt nhân phong trào, sáng tác hàng trăm mẫu tranh cổ động, bản tin văn hóa, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ phục vụ cho công tác tuyên truyền, triển khai các đề tài nghiên cứu hoa học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về các vấn đề xã hội... Không thể kể hết được những thành tích mà các Trung tâm Văn hóa đã đạt được nhưng đọng mãi trong lòng nhân dân các dân tộc của các tỉnh trong khu vực là thành quả về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở - môi trường quan trọng trong xây dựng nhân cách con người, hình thành lối sống, nếp sống chuẩn mực, là yếu tố nền tảng để xây dựng một xã hội tốt đẹp, nhân văn, đồng thời phản ánh sự tiến bộ xã hội.

Hội nghị giao ban nghiệp vụ năm 2024 khu vực Bắc miền Trung

Xây dựng môi trường văn hóa đi vào chiều sâu

Nhận thức tầm quan trọng của Đảng về chủ trương “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Trung tâm Văn hóa các tỉnh Bắc miền Trung tập trung đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa đi vào chiều sâu. Bởi vấn đề cốt lõi của công tác xây dựng môi trường văn hóa, chăm lo xây dựng con người văn hóa vì nếu không có con người văn hóa thì không có môi trường văn hóa. Vì vậy, để các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và đặc biệt là các tầng lớp nhân dân, chủ thể trong việc sáng tạo, thực hành văn hóa hiểu được tầm quan trọng đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa của Đảng thông qua các chỉ thị, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”,… góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Xây dựng môi trường văn hóa theo tinh thần tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, các Trung tâm Văn hóa trong khu vực đã có những cách làm riêng, sáng tạo, có tính đột phá trên cơ sở thực tiễn hoạt động tại các địa phương và xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong thực hành văn hóa gắn với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, ngấm sâu vào từng bản, làng, thôn xóm. Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An đã chủ trì, tham mưu cho Sở Văn hóa và Thể thao trình và thông qua Nghị quyết 20 về một số chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở, trong đó mỗi mô hình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh được công nhận hỗ trợ 20 triệu đồng. Nghị quyết số 29 về xây dựng mô hình CLB nghệ thuật và hỗ trợ cho nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể… Thanh Hóa đổi mới nâng cao hoạt động tập huấn, hướng dẫn chuyển giao thực hành và sáng tạo văn hóa trong cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi trong phát triển du lịch tại các bản làng vùng cao. Trung tâm Văn hóa các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị triển khai hiệu quả hệ thống các Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài chòi trong các hoạt động lễ hội cộng đồng. Thừa Thiên Huế triển khai có hiệu các Đề án về xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, hướng dẫn rà soát hệ thống quy ước, hương ước để bổ sung sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Chỉ thị 27/CT-TW để nhân rộng trên địa bàn tỉnh ….

Với những nỗ lực của cán bộ hệ thống các Trung tâm Văn hóa khu vực Bắc miền Trung đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong khu vực lành mạnh, rực rỡ, giàu bản sắc, góp phần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tự hào và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc. Thông qua quá trình hướng dẫn, tác nghiệp tại cơ sở đã tiếp thêm động lực để đội ngũ cán bộ làm văn hóa các tỉnh trong khu vực luôn nỗ lực, không ngừng tiến lên phía trước, với quyết tâm, thể hiện khát vọng chấn hưng, xây dựng thành công môi trường văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc.

Ông Cao Văn Xích – Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An cho biết: Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu, nhân rộng mô hình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh, thử nghiệm các mô hình mới cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Mặc dù còn không ít những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, trong xu thế mở cửa, hội nhập và công nghệ số phát triển, yếu tố văn hóa nước ngoài tác động sâu rộng đến môi trường văn hóa ở nước ta. Các sinh hoạt văn hóa cũng thay đổi không ngừng, tư tưởng, lối sống, nếp sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng sẽ biến chuyển theo, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, với bản lĩnh chính trị, yêu nghề, yêu văn hóa dân tộc đã thôi thúc mạnh mẽ hệ thống cán bộ văn hóa cơ sở trong khu vực không quản ngại khó khăn, thách thức để gánh vác và làm tròn sứ mệnh xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xây dựng môi trường văn hóa được xem là nhiệm vụ chính trị của ngành Văn hóa và Thể thao, cần tiếp tục phải được hiện thực hóa thường xuyên, thực chất, quyết liệt để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới "Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Để văn hóa trở thành "sức mạnh mềm", là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, là động lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở mỗi địa phương trong khu vực Bắc miền Trung.

Các học viên tham gia lớp truyền dạy Cồng chiêng

 

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;