"Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng"

Ngày 25-4, tại Hội trường Thành ủy TP.HCM, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Thành ủy TP.HCM đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Tuấn Huy

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải; cùng đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật,  văn nghệ sĩ trên cả nước.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ- Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương; Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng; các Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương: Bùi Thế Đức, Trần Khánh Thành, Ngô Phương Lan.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cùng các đại biểu tham dự Hội thảo- Ảnh: Xuân Hướng

Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Phát biểu khai mạc Hội thảo và báo cáo đề dẫn, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá về sự lãnh đạo, định hướng, khích lệ của Đảng, Nhà nước đối với VHNT nước nhà, nhất là mảng đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Qua đó, Hội thảo sẽ xác định rõ hơn vị trí, vai trò, đóng góp của VHNT đối với việc nắm bắt, phản ánh, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc được hun đúc, ngời sáng trong các cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, quân đội, các lực lượng vũ trang.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo- Ảnh: Xuân Hướng

Trong lịch sử phát triển của VHNT Việt Nam thời hiện đại, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Sự ra đời và phát triển của mảng VHNT tiêu biểu và xuyên suốt này đã góp phần làm phong phú thêm nền VHNT của dân tộc, góp phần vào việc nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta, cả người Việt Nam và người có nguồn cội Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một chủ đề không chỉ mang tính sử thi hào hùng mà còn chứa đựng giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, phản ánh chiều sâu và tầm cao tinh thần, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc, truyền cảm hứng cho mọi giới, mọi người, mọi nhà.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định, dù đã gần 50 năm chúng ta được sống trong hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển nhưng đề tài này vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sĩ say mê khám phá, sáng tạo. Số lượng tác phẩm VHNT ra mắt công chúng trong những năm qua và chất lượng, sức lan tỏa các giải thưởng VHNT cho thấy: đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn là “mảnh đất” thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ và là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng.

Hội thảo được tổ chức ở thời điểm rất có ý nghĩa, khi Đảng ta vừa hoàn thành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; đang triển khai từng bước việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước ta trong năm 2024, hướng đến năm 2025.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo- Ảnh: Xuân Hướng

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh vẻ vang và trách nhiệm to lớn của văn hóa, nghệ thuật: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”... Hôm nay, sau gần 80 năm nhìn lại, chúng ta có thể tự hào nói rằng, nền VHNT Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm phong phú và rạng rỡ nền văn học Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”.

Đất nước ta đang bước vào vận hội mới... Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng, các văn nghệ sĩ hôm nay, nhất là thế hệ sinh ra trong hòa bình, cần không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tài năng, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của lực lượng vũ trang và của nhân dân; nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang nhân dân phải “lĩnh ấn tiên phong”, là hạt nhân tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn của nền văn học Việt Nam trên con đường đổi mới, phát triển.

Để phát huy vai trò của VHNT trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu: quán triệt sâu sắc vai trò quan trọng của VHNT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy hiệu quả của VHNT trong việc xây dựng tinh thần, bản lĩnh, nhân cách người chiến sĩ quân đội nhân dân, người chiến sĩ công an nhân dân; bằng hoạt động VHNT cần phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cần có những chính sách khuyến khích, đầu tư đúng mức cho những tác phẩm VHNT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

“Quan điểm nhất quán của Đảng ta trong suốt 80 năm qua là coi văn hóa nghệ thuật là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức hôm nay là công việc có ý nghĩa thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, phát huy sức mạnh của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp bảo về Tổ quốc trong tình hình mới”- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định.

Thành quả ghi nhận từ Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 126 tham luận của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT công tác ở các cơ quan trung ương, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ; văn nghệ sĩ. Trong đó có: GS, TS Lê Huy Bắc; GS, TS Đinh Xuân Dũng; PGS, TS Trần Luân Kim; Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha; GS Phong Lê; PGS, TS Phạm Quang Long; Nhà thơ- nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát; Nhà văn Bùi Việt Thắng; PGS, TS Phan Trọng Thưởng…

Thiếu tướng, Tiến sĩ- Nhà văn Nguyễn Hồng Thái phát biểu ý kiến- Ảnh: Xuân Hướng

Các tham luận cùng tập trung vào: đánh giá thực trạng của VHNT trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong 80 năm qua, nhất là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; phân tích, đánh giá thực trạng VHNT tham gia phản ánh  tầm vóc, ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở thời điểm 70 năm trước và những năm sau; phân tích, đánh giá thực trạng, vai trò của VHNT cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến tranh và thời hậu chiến; đánh giá vai trò của các nhà văn, nghệ sĩ trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng Công an nhân dân và các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ cách mạng... Số lượng và chất lượng tham luận cho thấy, sự hưởng ứng của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước đối với Hội thảo.

Có 21 tham luận như: Nữ giới và chiến trang (nhìn từ văn xuôi hậu chiến Việt Nam);  Nhiếp ảnh với đề tại lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; Đội quân văn hóa – truyền thống và đặc trưng của quân đội ta; Văn học nghệ thuật với đề tài chiến tranh cách mạng, từ một góc nhìn sau 1945; Nghệ sĩ điện ảnh với đề tài chiến thắng Điện biên phủ; Nét đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong vẻ đẹp truyền thống dân tộc Việt Nam; Môi trường số và văn học đề tài chiến tranh cách mạng... đã được trình bày trực tiếp tại Hội thảo trong cả ngày 25-4. Theo đánh giá của Ban Tổ chức (BTC), chất lượng tham luận trình bày trực tiếp và trên văn bản kỷ yếu Hội thảo cho thấy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, năng lực nghiên cứu của các tác giả.

Tổng kết Hội thảo, BTC cho biết, trong các tham luận, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã phân tích, đánh giá theo nhiều góc độ, bình diện khác nhau (từ góc nhìn đặc trưng về thể loại, từ thực tiễn vận động của VHNT, từ vấn đề tiếp nhận, vận dụng lý thuyết nghiên cứu, phê bình, hoặc từ sự đổi mới tư duy và bút pháp nhà văn, từ đội ngũ sáng tạo, không gian sáng tạo, điều kiện sáng tạo...), cách đánh giá và thể hiện cũng có điểm khác nhau nhưng tựu trung đều bám sát chủ đề và các yêu cầu mà BTC Hội thảo đề ra.

Thứ nhất, khẳng định đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng sâu sắc và vô tận cho các văn nghệ sĩ; là đề tài có chiều sâu của truyền thống- văn hóa; luôn nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ nghệ sĩ và công chúng yêu VHNT.

Thứ hai, dù không còn giữ được vị thế chủ lưu như đã có trong VHNT từ 1945-1975, nhưng mảng VHNT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vẫn là một dòng chảy quan trọng của văn học nghệ thuật hiện nay. Có 103/126 tham luận đã phân tích làm rõ vai trò của mảng đề tài này trong việc ghi chép, khắc họa, lưu giữ lịch sử qua cái nhìn, qua trải nghiệm và cảm xúc của người sáng tạo, và cả người tiếp nhận. Điều này giúp thế hệ sau này có thể hiểu rõ về quá khứ, về những gì mà cha ông đã phải trải qua để đất nước có được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc hôm nay... Bên cạnh đó, từ hiện thực của đời sống VHNT, qua hoạt động giao lưu, dịch thuật, một số tham luận đã phân tích và đánh giá cao sứ mệnh của VHNT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng trong vai trò sứ giả hòa bình và hòa giải, hàn gắn và kết nối; quảng bá các giá trị của văn hóa, văn nghệ Việt Nam ra thế giới.

Nhà văn- nhà biên kịch Huỳnh Mẫn Chi trình bày tham luận- Ảnh: Xuân Hướng

Thứ ba là ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa- xã hội đến đặc trưng, cách thức phản ánh của các tác phẩm VHNT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Có 93 tham luận cho rằng, viết về đề tài này sau năm 1975 mang cách nhìn mới, bút pháp mới, phản ánh sự thay đổi về tư tưởng và thẩm mỹ của văn nghệ sĩ. Theo đó, việc khắc họa nhân vật thuộc lực lượng vũ trang trong văn học nghệ thuật thời hậu chiến cũng có sự vận động rõ rệt. Con người lý tưởng hóa đã nhường chỗ cho con người đầy chất nhân văn, nhân bản với những trăn trở, suy tư khát vọng và cả những toan tính, sai sót, lầm lỗi trong đời thường.

Thứ tư, có 43 tham luận ít hoặc nhiều bàn về việc nghiên cứu, giảng dạy, phê bình và tiếp thu các tác phẩm văn học nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng trong nhà trường ở các cấp học là cần thiết hiện nay, nhằm giáo dục lòng vị tha, tính nhân văn, lòng yêu nước, dũng cảm và trách nhiệm cho lớp trẻ. Một số tác giả mạnh dạn đề xuất ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy VHNT đề tài này, để tác phẩm gần hơn với công chúng và nâng cao hiệu quả tiếp nhận cho học sinh, sinh viên.

Thứ năm, các tham luận và ý kiến ở Hội thảo đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị về định hướng, giải pháp để phát huy vai trò của VHNT đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng trong giai đoạn mới, làm gì để có được những tác phẩm đỉnh cao tư tưởng và nghệ thuật về đề tài này, như: coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường giáo dục nghệ thuật và hướng dẫn thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng; mở rộng không gian sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thưởng thức tác phẩm VHNT chất lượng cao; có chính sách, ưu đãi để khích lệ, động viên, tập hợp văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo tác phẩm về đề tài này...

Nghệ sĩ TP.HCM biểu diễn chào mừng Hội thảo - Ảnh: Xuân Hướng

BTC cũng cho biết, kết quả Hội thảo, tính khoa học của các luận điểm, luận cứ nêu ra giúp Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương xây dựng và hoàn thiện báo cáo trình Ban Bí thư và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương để đưa vào nội dung đề án: Tổng kết 50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển do Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng.

Kết quả Hội thảo cũng là cơ sở khoa học để Hội đồng tiếp tục tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa, văn nghệ trong tình hình mới; gợi mở để các cơ quan, đơn vị, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương đổi mới hơn nữa phương thức lãnh đạo, quản lý, có những quyết sách phù hợp nhằm khuyến khích, phát huy vai trò văn học nghệ thuật ở mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng trong giai đoạn mới; khơi nguồn cảm xúc sáng tạo để có thêm các tác phẩm đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XUÂN HƯỚNG

;