Hà Nội: Thêm một không gian sáng tạo nghệ thuật độc đáo

Tối 23-4-2024, công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội chính thức khánh thành hứa hẹn trở thành điểm tham quan mới cho người dân và du khách khi tới Hà Nội. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 1-5.

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật là lối giao thông đi bộ kết nối khu phố cổ và khu vực Phúc Tân

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật là lối giao thông đi bộ kết nối khu phố cổ và khu vực Phúc Tân cửa khẩu Thanh Yên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dự án này được thực hiện bởi nhóm các nghệ sĩ từng tham gia các dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, Phùng Hưng gồm các thành viên: giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân.

Nhóm nghệ sĩ cho biết, qua khảo sát, cầu đi bộ chủ yếu được những người lớn tuổi, người bán hàng gánh rong và học sinh đi học sử dụng. Buổi tối ánh sáng chưa đủ, nên mặt cầu khá tối, mật độ người qua lại không quá cao. Từ thực trạng đó, nhóm nghệ sĩ đã có ý tưởng biến cây cầu đi bộ này trở nên vui tươi, sinh động hơn cũng như được thắp sáng thêm vào buổi tối bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng, một phần được sử dụng từ vật liệu tái chế.

Trước dịp nghỉ lễ dài ngày, công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật đã hoàn thiện, sáng lung linh ánh đèn. Đây là hoạt động vô cùng sáng tạo, không chỉ làm đẹp thêm cảnh quan Thủ đô mà dự án này còn góp phần kích thích thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hóa nghệ thuật trong đô thị.

Công trình nghệ thuật trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật góp thêm một không gian sáng tạo nghệ thuật độc đáo cho Hà Nội

Với chủ đề là Nước, hai tác phẩm vẽ 3D sẽ tương tác với trụ cột cầu thành một hình kéo khóa nước chảy tràn, và một bức tranh 3D phía sau bức tường đê với những con thuyền giấy rất thân thuộc với tuổi học trò. Các tác phẩm sắp đặt tương tác khắp các vị trí trên cây cầu đi bộ đã biến nó trở thành một bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng. Tận dụng ánh sáng từ đèn cao áp chiếu hắt xuống đi qua tấm che của cây cầu, những tác phẩm hiện lên trông như đường "hầm thủy cung" trên cạn với rất nhiều loài động vật dưới biển đang bơi lội phía trên vòm cầu.

Tác phẩm Thủy cung của họa sĩ Vũ Xuân Đông gợi lại sự sống của các loài vật dưới biển như cá voi xanh, cá heo, cá đuối, cá kiếm, cá nhà táng, sứa, san hô… Tác phẩm được làm từ chất liệu: khung sắt, nilon, màng nhựa trong, nhựa tái chế, màu vẽ xuyên sáng với các vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, ni lông tái chế, thu gom từ khắp nơi trong thành phố. Sắp đặt các loài cá đại dương được hấp thu ánh sáng bởi hệ thống đèn hắt dọc hai bên vòm cầu cũng như hệ thống ánh sáng đèn led bên trong. Các loài sinh vật biển như bơi lượn trong một dòng chảy suốt chiều dài cây cầu vượt, quấn quýt, múa lượn khoe dáng.... tạo cảm giác cho người xem như đang tham dự một lễ hội của biển sâu.

Tác phẩm "Thủy cung" của họa sĩ Vũ Xuân Đông

Tác phẩm Tương lai của tác giả Cấn Văn Ân (chất liệu: Tranh vẽ 3D với sơn phủ ngoài trời) với kích thước tùy biến trên từng khu vực cầu đi bộ thể hiện sự bứt phá, vượt qua thử thách, vươn lên trong cuộc sống. Tác phẩm cho thấy sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người, sự uyển chuyển của nước cho chúng ta liên tưởng đến tương lai của thế hệ mới của sáng tạo mới.

Dọc suốt hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề Sóng của họa sĩ Lê Đăng Ninh cũng gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh tái hiện những người lao động trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger. Với chất liệu sắt cắt CNC, nhựa composit, đèn led, tác phẩm Sóng lấy cảm hứng từ những con sóng kết hợp với việc sử dụng các hình ảnh tư liệu đã được nghiên cứu tạo nên một tác phẩm bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại với mong muốn kết nối lại những giá trị văn hóa xưa cũ. Dùng ánh sáng đèn led làm nổi bật một phần cây cầu đi bộ và để rọi sáng lối đi cho các em nhỏ tiểu học, giữa khu phố tấp nập và khu dân cư ven sông.

Tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của họa sĩ Lê Đăng Ninh

Phía chân cầu thang đi bộ từ cả 2 hướng được thiết kế vẽ các bức Cá chép vượt Vũ Môn từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống gợi nhắc hành trình học tập rèn luyện của các em học sinh mỗi ngày leo thang bộ đi học giống như hành trình “cá chép hóa rồng”.

Cây cầu đi bộ với chủ đề Nước giống như một gạch nối về mặt địa lý giữa hai khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê, trở thành một không gian nghệ thuật công cộng nối dài với địa điểm Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ba địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau sẽ tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn thu hút khách tham quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.

Phía chân cầu thang đi bộ từ cả 2 hướng được vẽ các bức "Cá chép vượt Vũ Môn"

Công trình nghệ thuật công cộng biến cầu đi bộ Trần Nhật Duật trở thành một tác phẩm nghệ thuật công cộng hấp dẫn đã góp thêm một điểm đến văn hóa ở quận Hoàn Kiếm, kích thích thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hóa nghệ thuật trong đô thị - một thói quen dần phát triển trở lại, giúp gắn kết cộng đồng hiệu quả.

NGÔ HỒNG VÂN

;