Văn hóa doanh nghiệp - yếu tố quan trọng để các ngân hàng phát triển bền vững

Trong giai đoạn hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vừa tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn đối với ngành Ngân hàng. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, để xây dựng và phát triển doanh nghiệp, không thể không quan tâm đến việc nâng cao văn hóa doanh nghiệp, vì đây là giá trị cốt lõi, là cơ sở bền vững, khẳng định thương hiệu, uy tín, tầm nhìn, vị trí và chiến lược kinh doanh của các ngân hàng.

Hội thi "Văn hóa Vietcombank dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh" - Ảnh tư liệu

1. Văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi của mỗi tổ chức tín dụng

Ở Việt Nam, khái niệm văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp… mới chỉ được bàn luận nhiều kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới và tham gia vào quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa từ năm 1991. Kể từ khi Việt Nam tham gia quốc tế hóa, các khái niệm, nội dung về văn hóa doanh nghiệp đã được nghiên cứu nhiều trên bình diện lý luận và được chú trọng trong thực tiễn. Về khái niệm, có thể hiểu văn hóa doanh nghiệp là một dạng văn hóa của cộng đồng người trong doanh nghiệp; đó là 1 hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do doanh nghiệp xây dựng nên, trong quá trình sản xuất kinh doanh, nó tác động tới tình cảm, lý trí và hành vi của các thành viên cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu và tạo nên sự độc đáo, khác biệt của mỗi doanh nghiệp/ ngân hàng.

Trên thực tế, theo các chuyên gia ngân hàng, trong lộ trình hội nhập sâu với thế giới, cùng với việc chạy đua về khoa học, công nghệ, dịch vụ ngân hàng… Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình để mỗi ngân hàng/ tổ chức tín dụng hoàn chỉnh, nâng cao thương hiệu của mình, nâng cao sức cạnh tranh đối với chính các “đồng nghiệp” của mình trong nước và thế giới. Văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định then chốt và không thể thiếu để doanh nghiệp bước vào hành trình mới đầy thử thách này.

Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm đến xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, trong đó có văn hóa doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp. Từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến văn kiện Đại hội Đảng các khóa và các Nghị quyết của Đảng về văn hóa như Nghị quyết Trung ương V khóa XIII (7-1998), Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (6-2014), thì việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam luôn là chiến lược lớn của Đảng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Đặc biệt, Đại hội Đảng XIII còn đề ra những quan điểm mới về xây dựng văn hóa trong kinh tế, đó là “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh” (1), tạo định hướng chiến lược đưa văn hóa kinh doanh Việt Nam thực sự trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế Việt Nam.

Để thực hiện chính sách văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp là một yêu cầu cấp thiết, phù hợp với điều kiện phát triển doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó có các tổ chức tín dụng. Đối với hoạt động ngân hàng, với đặc thù kinh doanh tiền tệ, văn hóa doanh nghiệp càng cần được quan tâm vì trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng rủi ro đạo đức là điều luôn thường trực, có thể đến từ các yếu tố khách quan hoặc chủ quan. Vì vậy, cần có những chuẩn mực văn hóa, đạo đức để hạn chế tối đa những vi phạm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh, hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Trong ngành Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng đã xây dựng những chuẩn mực/ quy chuẩn văn hóa doanh nghiệp từ rất sớm, vì văn hóa doanh nghiệp bao hàm cả những giá trị vật chất hữu hình, định lượng được và có thể quy định bằng các chuẩn mực như: logo, thương hiệu, chiến lược, mục tiêu, giá trị cốt lõi, định hướng phát triển, các quy tắc trong hoạt động, trong cách ứng xử, các sản phẩm… Đồng thời, văn hóa doanh nghiệp cũng bao hàm những giá trị tinh thần, đạo đức nghề nghiệp không chỉ được quy định bằng các tiêu chí, mà nó được tạo dựng từ niềm tin mà ngân hàng tạo được trong một quá trình nhất định. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất to lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng.

2. Một số đặc điểm về văn hóa doanh nghiệp trong ngành Ngân hàng hiện nay

Hiện nay, trong ngành Ngân hàng Việt Nam, hầu hết các tổ chức tín dụng đều đặt vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp lên hàng đầu trong việc hoạch định các chiến lược phát triển kinh doanh. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở rất nhiều phương diện, như: xây dựng những chuẩn mực, hoặc quy chuẩn riêng về văn hóa doanh nghiệp của hệ thống mình, gắn việc truyền thông về chiến lược, xây dựng hình ảnh ngân hàng, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu với nhiệm vụ kinh doanh; tham gia các hoạt động an sinh xã hội…

Nhiều tổ chức tín dụng có các văn bản riêng quy định về văn hóa doanh nghiệp như: Cẩm nang văn hóa Agribank; Quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử BIDV; Sổ tay văn hóa Vietinbank; Sổ tay văn hóa Vietcombank; Bộ Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp VPBank; Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ, nhân viên các ngân hàng CBBank, OceanBank, MSB, VietABank; Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của LienVietPostBank; Bộ Quy ước văn hóa ứng xử SeaBank; Bộ quy chuẩn đạo đức SHB... Ngoài ra, còn một số đơn vị chưa có quy định riêng thì lồng ghép các tiêu chuẩn văn hóa doanh nghiệp trong nội quy, quy định của đơn vị và thực hiện theo Bộ Quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng do Hiệp hội Ngân hàng ban hành năm 2019.

Mỗi tổ chức tín dụng có các quy định riêng, căn cứ vào phạm vi, quy mô, đặc điểm hoạt động, mục tiêu kinh doanh, giá trị cốt lõi của đơn vị. Tuy nhiên, về tổng thể, các quy định văn hóa nghề nghiệp ở các tổ chức tín dụng trong ngành Ngân hàng có nhiều điểm chung về các mặt sau:

Quy chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ: nắm chắc hệ thống pháp luật và quy định, quy trình nghiệp vụ; có trình độ chuyên môn tốt; năng động, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp: tất cả các tổ chức đều yêu cầu cán bộ, nhân viên tuân thủ luật pháp; có trách nhiệm; cẩn trọng; liêm chính; coi trọng chữ tín; đề cao tính minh bạch; tôn trọng và tận tâm phục vụ khách hàng; chú ý thực hiện trách nhiệm xã hội; cam kết bảo mật thông tin.

Quy chuẩn về văn hóa ứng xử: các tổ chức đều quy định các nguyên tắc ứng xử của cán bộ, nhân viên với khách hàng, đối tác và trong quan hệ nội bộ. Yêu cầu chung là ứng xử chuẩn mực, thân thiện, văn minh. Đối với nội bộ phải đoàn kết, tôn trọng, hợp tác, dân chủ.

Việc thực hiện văn hóa nghề nghiệp của các tổ chức tín dụng luôn được chú trọng và thực hiện tốt; cán bộ, nhân viên ngân hàng luôn đảm bảo thực hiện đúng pháp luật và các quy định liên quan đến hoạt động ngân hàng; trong ứng xử với khách hàng luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, tận tình phục vụ; chuyên nghiệp, sáng tạo, văn minh, hiện đại; luôn giữ vững các giá trị đạo đức nghề nghiệp. Nhìn chung, các quy định về văn hóa doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng cũng đã quy định những chuẩn mực văn hóa cụ thể nhằm xây dựng và phát triển các dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại, tiệm cận với các chuẩn mực chung của thế giới.

3. Những đóng góp của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam

Đối với ngành Ngân hàng Việt Nam, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo vẫn là tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, triển khai các biện pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đưa hoạt động ngân hàng ngày càng an toàn, hiệu quả, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, còn tích cực xây dựng, kiến tạo môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng thông thoáng, thuận lợi, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng môi trường văn hóa thực sự chuẩn mực, trở thành nền tảng để ngành Ngân hàng phát triển bền vững.

Bởi vậy, song song với việc xây dựng và củng cố hệ thống quản trị, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, thì việc xây dựng và nâng cao văn hóa nghề nghiệp trong đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng cũng là một trong những tiêu chuẩn cần thiết, là giá trị cốt lõi, khẳng định thương hiệu và vị thế của ngành Ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Trong những năm qua, văn hóa doanh nghiệp đã tạo dựng nên thương hiệu chung của cả Ngành, đồng thời với các thương hiệu riêng của các tổ chức tín dụng. Văn hóa doanh nghiệp đã tạo nên diện mạo mới cho ngành Ngân hàng trong giai đoạn hội nhập, đặc biệt là đã tiệm cận được với xu hướng chung của thế giới.

Xét về những đóng góp của văn hóa doanh nghiệp từ khía cạnh kinh doanh, có thể thấy văn hóa doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng đổi mới môi trường làm việc theo xu thế chung của thời đại với hàm lượng công nghệ cao, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng; thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển, mở rộng dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng trực tuyến (bank online), dịch vụ ngân hàng điện tử (Call banking, Home banking, Internet banking, Mobile banking, dịch vụ ngân hàng tự phục vụ…).

Về khía cạnh quản trị hệ thống, văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố thúc đẩy các tổ chức tín dụng cần nâng cấp, xây dựng hệ thống quản trị ngân hàng với hành lang pháp lý chặt chẽ; nâng cấp, ứng dụng các công cụ thông minh (AI, Big Data, ToT,…) trong quản trị; quản trị bằng sự kết hợp khoa học hệ thống, điều khiển học và mô phỏng sinh học; phát triển, sử dụng hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking Systems - CBS)…

Về khía cạnh văn hóa, xã hội, văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, lành mạnh, hiện đại; khuyến khích trí tuệ tập thể; thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua các vị trí nữ quản lý ngân hàng; xây dựng hệ sinh thái ngân hàng hiện đại để hỗ trợ mỗi người lao động được đào tạo lại và đào tạo nâng cao, hướng đến mô hình “công dân học tập 4.0” với đầy đủ các kỹ năng cần thiết về đạo đức, văn hóa cá nhân, chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động cộng đồng, tích cực đóng góp trong công tác an sinh xã hội…

Nhìn chung, trước những thách thức của giai đoạn hiện nay, các ngân hàng không chỉ đứng một mình, không chỉ cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp riêng của mỗi tổ chức tín dụng, mà cần có sự phối hợp, tương trợ nhau, duy trì ràng buộc theo hệ thống, để vừa có các dịch vụ ngân hàng toàn diện cho khách hàng, vừa có thể hỗ trợ nhau khi đứng trước các nguy cơ, rủi ro. Mỗi ngân hàng cần xây dựng một tiêu chuẩn/ chuẩn mực riêng về văn hóa doanh nghiệp, làm thước đo để mỗi cán bộ, nhân viên hành động, ứng xử theo chuẩn mực văn hóa của ngân hàng mình, đồng thời, vừa phải có trách nhiệm cùng xây dựng ngành Ngân hàng Việt Nam phát triển bền vững.

___________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144.

NGUYỄN VĂN TÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;