Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam từ phân tích SWOT

Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa (CNVH) được nhìn nhận như bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo. Phân tích SWOT làm rõ hơn những thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh, ưu thế của chúng ta trong việc phát triển CNVH, cũng như những khó khăn, trở ngại, hạn chế, yếu kém tạo nên những thách thức trên con đường phát triển ngành CNVH của Việt Nam. Từ đó, đề xuất hướng tiếp cận phát triển CNVH hiện nay.

1. Về phát triển CNVH

Khái niệm công nghiệp hóa (tiếng Đức: kulturindustrie) lần đầu tiên được Theodor W.Adorno, nhà triết học và xã hội học người Đức nêu ra vào những năm 40 của TK XX. CNVH được hiểu là cách thức làm ra sản phẩm văn hóa đại chúng, là thứ văn hóa phục vụ cho số đông người tiêu dùng, không phải là văn hóa “bản gốc” mà là văn hóa “bản chế”.

Đồng tình với quan điểm trên, một số học giả phương Tây cũng quan niệm công nghiệp hóa xuất hiện là tất yếu do sự phát triển thuần túy kỹ thuật, làm cho người tiêu dùng văn hóa không có sự lựa chọn. Đó là sự tiêu chuẩn hóa và sản xuất băng chuyền hàng loạt, loại bỏ sự phân biệt giữa tính logic của sản phẩm và tính logic của hệ thống xã hội. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự tăng trưởng kinh tế trên thế giới đã dẫn đến sức sản xuất có sự phát triển vượt bậc nhằm tạo ra hàng hóa lớn đáp ứng cho xã hội tiêu dùng. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ về điện tử, bưu chính viễn thông nửa thế cuối TK XX đã làm xuất hiện các ngành công nghiệp liên quan đến giải trí, truyền thông và sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa mới. CNVH là kết quả của sự tích hợp những phát minh, thành tựu sáng tạo kỹ thuật, kinh tế với những giá trị văn hóa, được hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ nhờ công nghệ thông tin, kinh tế thị trường và quá trình quốc tế hóa.

Năm 1976, thuật ngữ “các ngành CNVH” (cultural industries) lần đầu tiên được UNESCO đem ra sử dụng, nhưng khi đó nội hàm của nó chỉ giới hạn ở việc bảo tồn và thúc đẩy các thực hành văn hóa, còn việc khai thác khía cạnh lợi nhuận kinh tế, thương mại hóa thị trường đối với lĩnh vực văn hóa là không phù hợp.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về hoạt động văn hóa được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) tháng 4-1998, thuật ngữ CNVH đã được gần 200 quốc gia thông qua. Theo đó, khái niệm “các ngành CNVH” đã trở thành một trong những trọng tâm thảo luận của UNESCO và được hội nhập vào các chính sách về phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia và khu vực. Tới năm 2000, khái niệm “các ngành CNVH” được UNESCO xác định: Thuật ngữ này sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo, những nội dung này về bản chất mang tính phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới hình thức sản phẩm hay dịch vụ… CNVH nhìn chung bao gồm in ấn, xuất bản, truyền thông đa phương tiện, các sản phẩm âm thanh hình ảnh điện ảnh và âm nhạc cũng như thủ công nghiệp và thiết kế.

Như vậy, thuật ngữ CNVH dùng để chỉ các ngành sản xuất các sản phẩm văn hóa khác nhau, cung cấp cho một thị trường văn hóa được hình thành một cách rõ rệt. Đó là những ngành sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa với đầy đủ các yếu tố về sản suất, kinh doanh, tiếp thị và truyền thông, gắn kết giữa các sáng tạo, biểu tượng văn hóa với sản phẩm và khách hàng. Lực lượng lao động riêng, được gọi tên rõ ràng.

Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh khái niệm CNVH khá phổ biến và được chấp nhận rộng rãi còn xuất hiện một số khái niệm gần gũi, tương đương hoặc có liên quan như: công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa sáng tạo hay công nghiệp dựa trên bản quyền; công nghiệp nội dung; công nghiệp nội dung số, công nghiệp giải trí… Điều đó phụ thuộc và tình hình thực tiễn phát triển CNVH cũng như điều kiện đặc thù về kinh tế, xã hội và văn hóa của từng quốc gia, từng khu vực, dẫn tới những khác biệt nhất định trong cách xác định nội hàm khái niệm cũng như cơ cấu ngành liên quan.

Do vậy, trong số các định nghĩa về CNVH, định nghĩa do UNESCO đưa ra được cho là mang tính chất chung nhất và được nhiều quốc gia lấy làm căn cứ. Năm 2007, UNESCO đã xác định lại khái niệm CNVH: Là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể, phi vật thể về nghệ thuật sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa, sản xuất những sản phẩm và dịch vụ dựa vào trí thức (kể cả những giá trị văn hóa hiện đại và truyền thống). Điểm chung nhất của các ngành CNVH là sử dụng tính sáng tạo, tri thức văn hóa và bản quyền trí tuệ để sản xuất ra các sản phẩm dịch vụ, cũng như nó mang giá trị văn hóa.

Như vậy, theo UNESCO, CNVH là ngành công nghiệp kết hợp các yếu tố: nguồn vốn văn hóa, tài năng sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, từ đó có thể sản sinh ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đem lại lợi ích kinh tế. Theo quan niệm đó, 11 ngành được coi là thuộc về CNVH bao gồm: Quảng cáo; Kiến trúc; Giải trí kỹ thuật số; Mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ; Thiết kế mỹ thuật; Phim ảnh và video; In ấn, xuất bản; Âm nhạc; Nghệ thuật biểu diễn; Phát thanh, truyền hình; Phần mềm (mang nội dung văn hóa).

Đến nay, diện mạo của CNVH cũng như vị trí, vai trò của loại hình công nghiệp này ngày càng được nhận thức sâu sắc hơn, không chỉ giới hạn ở những lợi ích kinh tế mà cả những lợi ích về phát triển, quảng bá văn hóa, thúc đẩy ngoại giao. Sự phát triển của CNVH ngoài ý nghĩa to lớn về kinh tế còn đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng sức mạnh mềm, tạo ảnh hưởng văn hóa của mỗi quốc gia trên trường quốc tế. Cũng vì vậy, CNVH đang được nhiều quốc gia đưa vào vị trí trọng tâm của các chính sách, chiến lược phát triển nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh toàn cầu của TK XXI.

2. Phân tích SWOT với sự phát triển CNVH ở Việt Nam

SWOT là khung lý thuyết mà dựa vào đó, chúng ta có thế xét duyệt chiến lược, xác định vị thế cũng như hướng đi của một tổ chức, một lĩnh vực, phân tích các đề xuất phát triển hay bất cứ ý tưởng nào liên quan đến định hướng phát triển. SWOT là tập hợp viết tắt trong tiếng Anh: strengths (điểm mạnh), weaknesses (điểm yếu), opportunities (cơ hội) và threats (nguy cơ).

Điểm mạnh

Thứ nhất, Việt Nam có nền văn hóa giàu bản sắc, đa dạng, độc đáo, có bề dày truyền thống. Điều này được biểu hiện qua các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo của 54 dân tộc. Trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến sự phong phú của các di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc truyền thống, nghề thủ công, lễ hội, diễn xướng dân gian, ẩm thực... Nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa mang tầm nhân loại (Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích danh thắng Tràng An, Thành nhà Hồ, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Di sản Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Đờn ca Tài tử…). Cùng với đó là sự hỗ trợ, quảng bá của truyền thông số, phim ảnh, âm nhạc, thời trang… đã giúp cho các di sản tiếp thêm hơi thở của thời đại, lan tỏa giá trị truyền thống, mạch nguồn dân tộc trong xã hội hiện tại.

Thứ hai, với truyền thống văn hóa đặc sắc, đa dạng, người Việt Nam là chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa. Điều này đồng thời phản ánh tài năng sáng tạo của người Việt Nam. Chúng ta cũng được biết đến là đất nước có dân số trẻ, năng lực sáng tạo tốt, tăng trưởng kinh tế những năm gần đây khá nhanh, khả năng thích ứng cao, giao lưu, tiếp biến văn hóa tốt và đặc biệt rất nhanh nhạy trong kết nối toàn cầu. Đây là những điểm mạnh rất lớn để phát triển CNVH ở Việt Nam.

Thứ ba, với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn, trong đó chủ yếu là lớp dân số trẻ. Đây là lớp công chúng có nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ sản phẩm, dịch vụ văn hóa, góp phần phát triển CNVH ở Việt Nam. Từ đó, giúp nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa ngoài nước.

Thứ tư, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm, chú trọng phát triển CNVH. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đề cao phát triển CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa. Năm 2016, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó chú trọng vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, chúng ta đã có những thay đổi, cải thiện tích cực về thể chế, cơ chế, môi trường kinh doanh.

Thứ năm, Việt Nam đang cải thiện vượt bậc về cơ sở hạ tầng thông tin - truyền thông. Mức độ sử dụng internet, số hóa ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu thống kê mới nhất được công bố vào tháng 1-2017 bởi We AreSocial (công ty có trụ sở tại Anh chuyên thực hiện các thống kê, đánh giá về internet, kỹ thuật số, di động và các lĩnh vực liên quan ở Đông Nam Á), thì Việt Nam có số người dùng internet được xem là ở mức cao trên thế giới với 50,5 triệu người sử dụng, chiếm 53% dân số (năm 2017, Việt Nam có 93,6 triệu dân), tăng 6% so với năm 2016. Hiện, Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực châu Á về số lượng người dùng. Đây là những tiền đề quan trọng về khoa học công nghệ và kỹ thuật số cho sự phát triển các ngành CNVH ở nước ta.

Điểm yếu

Thứ nhất, đầu tư trong lĩnh vực văn hóa hiện nay còn thấp, hiệu quả chưa cao, vẫn dựa chủ yếu vào nguồn lực Nhà nước. Các tổ chức văn hóa nghệ thuật hạn chế về năng lực thu hút đầu tư. Hiện nay, quá trình sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến các sản phẩm văn hóa phần lớn vẫn do các đơn vị công lập đảm nhiệm. Các đơn vị tư nhân ngoài công lập chủ yếu tham gia các khâu lưu thông, phân phối trên thị trường, sự tham gia này còn manh mún, tự phát, đặc biệt chưa mang tính chuyên nghiệp…

Thứ hai, hiện tượng xâm phạm bản quyền tràn lan đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển các ngành Văn hóa. Chính sách đãi ngộ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chưa thỏa đáng. Hoạt động của các đơn vị văn hóa nghệ thuật thiếu sự đổi mới, hiệu quả kinh doanh còn thấp. Điều này dẫn tới việc không khuyến khích, động viên được nhân lực và chất lượng trong lĩnh vực CNVH.

Thứ ba, các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo của Việt Nam có đặc trưng là đang ở trình độ thấp về quản lý và kỹ năng kinh doanh. Đội ngũ những người làm nghề chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng hoạt động trong cơ chế thị trường (kỹ năng lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp, sáng tạo, kinh doanh, marketing, gây quỹ…). Bên cạnh đó, các nhà trường ở Việt Nam chưa chú trọng đến giáo dục nghệ thuật cho học sinh. Ở các trường đại học, mức độ giáo dục sáng tạo thấp, ít trang bị cho sinh viên kỹ năng quản trị, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, các kiến thức nền cho phát triển các ngành CNVH, vì thế làm hạn chế sự hình thành các tài năng sáng tạo. Chúng ta thiếu các tổ hợp sáng tạo chất lượng cao, là những hạt nhân quan trọng giữ vai trò trung tâm trong các kết nối mạng lưới của CNVH, nơi khởi nguồn của các sáng kiến chất lượng cao, tổ hợp sáng tạo và nơi tập trung các doanh nghiệp mạnh trong mạng lưới kinh doanh CNVH.

Thứ tư, hiện nay, thị trường nội địa và thị trường quốc tế trong phát triển CNVH còn nhiều hạn chế. Mức độ tiêu dùng của người dân chưa gắn với các sản phẩm văn hóa được sản xuất tại thị trường nội địa - điều này đối lập hoàn toàn với nhu cầu và sự ưa thích có thể cảm nhận rõ đối với các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước phương Tây, Mỹ. Điều này phản ánh chất lượng thấp trong các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của Việt Nam. Nhiều lĩnh vực phát triển chưa tương ứng với tốc độ phát triển và nhu cầu thưởng thức của công chúng như điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật…

Cơ hội

Thứ nhất, trong thế giới toàn cầu hóa và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, các ngành CNVH phát triển và mang tính kết nối có thể vận hành như mọi tài sản chiến lược trong chính sách mở mang vị thế quốc tế và làm tăng cường tính độc đáo của quốc gia.

Thứ hai, CNVH là một công cụ cho sự tăng trưởng, đổi mới và cạnh tranh của nền kinh tế. Với tâm điểm là sự sáng tạo không giới hạn, các ngành CNVH chính là một công cụ hữu hiệu cho sự tăng trưởng, đổi mới và cạnh tranh của nền kinh tế, giúp Việt Nam xây dựng được nền kinh tế phát triển, được tạo nên từ các ngành nghề có tính sáng tạo và có giá trị gia tăng cao.

Thứ ba, thúc đẩy sự liên kết trong ngành Văn hóa và các lĩnh vực sáng tạo. Các ngành CNVH thúc đẩy sự kết nối xã hội thông qua sự tham dự các cá nhân, tổ chức vào các hoạt động văn hóa, sáng tạo, tổ chức văn hóa chuyên nghiệp.

Thứ tư, CNVH kích thích tạo ra văn hóa mới, để sáng tạo đi vào chiều sâu, cung cấp cơ hội để nuôi dưỡng các tài năng và góp phần tạo ra các công việc có tính bền vững.

Thứ năm, CNVH tạo ra “tác động lan tỏa”, đem lại sức hấp dẫn lớn cho các mô hình du lịch văn hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực dịch vụ và sản xuất; tăng trưởng các doanh nghiệp nội dung số hóa di sản, mở ra các thị trường quốc tế mới cho văn hóa Việt Nam.

Thách thức

Thứ nhất, từ phía các cơ quan chức năng còn thiếu những cam kết mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược để phát triển CNVH, chưa tiến hành đổi mới đầu tư, còn thiếu sự hoàn thiện thể chế và bộ máy, chưa chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNVH, thiếu các kỹ năng và kiến thức phù hợp để quản lý và quản trị CNVH.

Thứ hai, ngoài sự thiếu hụt giáo dục sáng tạo thì rất nhiều kỹ năng mà những người làm trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam còn thiếu hụt và cần được bổ sung (tác động tiêu cực với cung và cầu, tính cạnh tranh - chất lượng, sự phù hợp hàng hóa, dịch vụ văn hóa, vi phạm bản quyền…).

Thứ ba, thị trường văn hóa nội địa và quốc tế còn yếu. Do chưa có nhiều sản phẩm văn hóa hấp dẫn, đặc sắc, thiếu khả năng kết nối và xây dựng mối quan hệ đối tác với công chúng.

Thứ tư, thiếu hụt các mạng lưới liên kết, phối hợp các lĩnh vực, thị trường lao động thấp.

Thứ năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế có sự cải thiện nhưng vẫn ở mức độ chưa cao.

3. Những gợi ý phát triển CNVH ở Việt Nam

Những phân tích trên đây đã làm rõ hơn những thuận lợi gồm cả những tiềm năng, thế mạnh, ưu thế của chúng ta trong việc phát triển CNVH, cũng như những khó khăn, trở ngại bao gồm cả những hạn chế, yếu kém tạo nên những thách thức trên con đường phát triển ngành CNVH của Việt Nam. Có thể thấy, để phát triển hiệu quả các ngành CNVH ở Việt Nam đòi hỏi phải có một sự thay đổi cải thiện triệt để, toàn diện từ thể chế, chính sách đến phương thức thực hiện, nguồn lực tài chính, xây dựng đội ngũ nhân lực, phát triển hệ thống các tổ chức, doanh nghiệp có khả năng thích ứng cao với môi trường cạnh tranh, hội nhập khu vực quốc tế… trong đó cần đảm bảo nội dung cốt lõi nhất là tạo mọi động lực và môi trường cho sự sáng tạo văn hóa. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất hướng tiếp cận phát triển CNVH sau:

Trong đó, các chính sách đảm cho sự phát triển của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa. Bản sắc văn hóa đảm bảo cho các sản phẩm văn hóa dù có yếu tố công nghệ nhưng vẫn đảm bảo tính đặc sắc, riêng có, gìn giữ yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc. Marketing nhằm hướng tới nghiên cứu mở rộng thị trường nội địa và ngoài nước, cho phép các ngành CNVH phát triển. Đồng thời với đó là việc đẩy mạnh mạng lưới liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất và phát triển các ngành CNVH. Tiến hành số hóa, áp dụng công nghệ để các sản phẩm văn hóa, các di sản văn hóa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là của giới trẻ với các di sản văn hóa truyền thống. Song song với đó là đào tạo giáo dục nghệ thuật, giáo dục sáng tạo, giáo dục việc áp dụng công nghệ số trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật cũng như đào tạo kỹ năng quản lý, quản trị trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo.

Việt Nam đang trong xu thế hội nhập quốc tế, dần hình thành một nền kinh tế tri thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này đòi hỏi chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến chính sách thúc đẩy các ngành CNVH. Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, cũng như việc nhận thức đầy đủ những khó khăn, thách thức sẽ giúp chúng ta phát triển CNVH, để trở thành ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả ở Việt Nam như kỳ vọng.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Quế Anh, Về Công nghiệp văn hóa Việt Nam, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 5, 2016, tr.70-76.

2. Hoàng Chí Bảo, Công nghiệp văn hóa đối với phát triển bền vững đất nước, Tạp chí Lý luận chính trị, số 9, 2015, tr.8-13.

3. Phạm Duy Đức (chủ biên), Trần Văn Bính, Nguyễn Văn Dân, Phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011-2020 - Những vấn đề phương pháp luận, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009.

4. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn, Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.

5. Lương Hồng Quang, Các ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, môi trường thể chế, thị trường và sự tham gia, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2018.

6. Đặng Hoài Thu, Phạm Bích Huyền, Giáo trình các ngành công nghiệp văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

PGS, TS DƯƠNG THỊ THU HÀ - Ths NGÔ THỊ THU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;