Văn Cao - Một tầm vóc nghệ thuật lớn

Hội thảo khoa học với chủ đề “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” do Báo Nhân Dân và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương vừa phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hôm 8-11-2023 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (15/11/1923 - 15/11/2023) tại trụ sở báo Nhân Dân – 70 Hàng Trống – Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy.

Cùng tham dự Hội thảo còn có: PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam… và đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, đại diện gia đình, thân hữu của nhạc sĩ Văn Cao, phóng viên các cơ quan báo chí.

Phát biểu Khai mạc và Đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: “Hội thảo tiến hành ở vào thời điểm chỉ còn đúng một tuần nữa là tròn 100 năm Ngày sinh của người nghệ sĩ đặc biệt đa tài, cây đại thụ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam - Nhạc sĩ, Họa sĩ, Nhà thơ Văn Cao. Nhiều nhà văn hóa lớn, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ có tên tuổi đã từng được hỏi hoặc nếu được hỏi: Ở Việt Nam, thế kỷ XX, ai là nghệ sĩ lớn nhất, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm nhất, có đóng góp rất quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà, thì chắc chắn phần đông trong số họ đều đồng thanh, đồng tâm nói rằng: Người nghệ sĩ đó là Văn Cao! Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời. Chỉ cần lấy ngẫu nhiên các tác phẩm âm nhạc như Thiên thai, Trương Chi, Tiến quân ca, Sông Lô, Mùa xuân đầu tiên… đã thấy đó là những bảo chứng cho dấu ấn khai phá, mở lối, vượt lên chính mình, đặt nền móng rất quan trọng cho sự phát triển của nền tân nhạc và thơ ca Việt Nam, từ lãng mạn đến cách mạng - kháng chiến cho đến thời khắc rất sớm của thời kỳ đổi mới; của ca khúc, hành khúc và trường ca của nhạc, của thơ. Nhận định về sự nghiệp văn nghệ quý giá của Văn Cao, nhiều người ca ngợi ông là nghệ sĩ đa tài, thích "lãng du" qua những “miền” nghệ thuật khác nhau về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Dù không gắn bó liên tục và dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả ba "miền" ấy, ông đều lưu dấu rất nhiều sáng tạo mang tính khai phá - mở lối cho mình và cho những người đến sau. Những sáng tác của Văn Cao, nhất là âm nhạc và thơ ca, tuy không dồi dào về số lượng nhưng tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại. Cụ thể và hiển nhiên nhất là thể loại tình ca, hùng ca, trường ca trong âm nhạc và trường ca trong thơ Việt Nam hiện đại”.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho rằng, những điểm ông vừa nêu ở trên chỉ là một số nhận định, đánh giá chưa đầy đủ, chưa sâu sắc về thân thế, sự nghiệp của nghệ sĩ đặc biệt tài ba Văn Cao. Hội thảo mong muốn có được sự trao đổi, thảo luận sâu hơn, toàn diện và hệ thống hơn của các vị khách mời.

Các đại biểu chiêm ngưỡng bộ sưu tập 100 bức tranh minh họa và 100 bìa sách do nhạc sĩ Văn Cao vẽ

Những nhạc phẩm nổi tiếng tiêu biểu qua từng thời kỳ sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao, trong đó có tác phẩm: Tiến quân ca, Suối Mơ, Mùa xuân đầu tiên... do các nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam và các phóng viên, biên tập viên của Báo Nhân Dân cùng biểu diễn đã mở đầu chương trình Hội thảo.

Là đại biểu mở đầu tham luận tại Hội thảo, GS Phong Lê  đã đưa ra những nhận định sâu sắc về sự nghiệp sáng tác của Văn Cao, đặc biệt ở lĩnh vực âm nhạc và văn học, cũng như những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước. Bản tham luận của PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tập trung phân tích về những nét độc đáo trong sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao. Buổi hội thảo cũng là dịp để các diễn giả trò chuyện, cũng như chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm hay những cảm nhận về nhạc sĩ…

Các ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Doãn Nho, họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cùng chia sẻ những tình cảm kính trọng với các tác phẩm và tài năng của nhạc sĩ Văn Cao. Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý bày tỏ cái nhìn về những phức cảm lưu lạc và hội tụ trong các văn bản lời ca của Văn Cao, có sự đối chiếu với thơ, văn và một số quan niệm của Văn Cao. Tự nhận mình là “người ngoại đạo”, PGS, TS Phan Trọng Thưởng chia sẻ về những nhìn nhận, đánh giá về sự nghiệp và di sản của Văn Cao. Theo PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cuộc đời sự nghiệp thiên tài Văn Cao là cốt lõi của cả sự nghiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam trong bức tranh văn học, nghệ thuật Việt Nam từ những năm 40 đến nay.

Là con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao, được đồng hành cùng cha qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, tại Hội thảo, nhạc sĩ Văn Thao đã chia sẻ những câu chuyện về tình bạn giữa cha ông và nhạc sĩ Phạm Duy. Bản tham luận dài của nhạc sĩ Văn Thao kể lại những chi tiết thú vị, ít người biết và có thể sẽ là những tư liệu quý cho những nghiên cứu tiếp tục về cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao...

Nhạc sĩ Văn Thao con trai của nhạc sĩ Văn Cao và các đại biểu khách mời tham quan triển lãm

Hơn 20 tham luận và nhiều ý kiến của các diễn giả cùng tập trung đánh giá những phẩm chất, tài năng xuất chúng của nhạc sĩ Văn Cao và lý giải mạch nguồn làm nên phẩm chất, tài năng ấy. Các ý kiến cũng đi sâu phân tích, đánh giá những đặc điểm và những giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, phong cách trong các sáng tác của Văn Cao qua các giai đoạn sáng tạo nghệ thuật của ông về âm nhạc, hội họa, thơ ca; để thấy rõ hơn đâu là tài năng thiên bẩm, đâu là kết tinh của nỗ lực miệt mài học hỏi, sáng tạo, đổi mới, dấn thân của Văn Cao cho nghệ thuật, cho văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng phân tích bằng cái nhìn khoa học biện chứng, lịch sử và nhân văn, lý giải sâu hơn về thân thế, sự nghiệp, những cống hiến, những giá trị và những di sản văn nghệ lớn lao mà Văn Cao để lại cho đất nước. Các diễn giả cũng đóng góp những ý kiến đề xuất: chúng ta cần làm gì, làm như thế nào để phát huy giá trị di sản văn hóa, văn nghệ quý giá, lớn lao mà Văn Cao để lại ở cấp quốc gia cũng như ở Nam Định - cố hương của ông; ở Hải Phòng - nơi ông được sinh ra và lớn lên; ở Hà Nội - nơi ông hoạt động nghệ thuật dài lâu và các địa phương, các tổ chức văn hóa, văn nghệ khác trong cả nước. 

Các tranh minh họa của nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao được trưng bày tại Hội thảo

Trưng bày một số bìa sách của nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao

Phát biểu tổng kết Hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân nhấn mạnh: “Nhạc sĩ Văn Cao là một hiện tượng đặc biệt không chỉ vì ông là tác giả Quốc ca Việt Nam mà bởi với tư cách một người nghệ sĩ ông đã làm nên điều tưởng chừng như nghịch lý: Đó là thời gian càng lùi xa thì tầm vóc nghệ thuật của ông càng trở nên lớn hơn và lộng lẫy hơn. Bằng cách nhìn trí tuệ, khách quan, khoa học khi đã có một độ lùi lịch sử nhất định, các tham luận đã tập trung đánh giá về phẩm chất, bản lĩnh, tài năng, phong cách nghệ thuật của Văn Cao. Hội thảo tập trung phân tích, lý giải sâu hơn về thân thế, sự nghiệp cũng như những cống hiến, những giá trị và những di sản văn nghệ lớn lao mà Văn Cao để lại cho đất nước. Các tham luận cũng cố gắng làm rõ tư tưởng nghệ thuật, sự thay đổi phong cách sáng tác của Văn Cao qua ba giai đoạn sáng tạo của âm nhạc, hội họa, thi ca; làm sâu sắc hơn các nghiên cứu, đánh giá về tài năng, tinh thần tự học và khát khao luôn đổi mới sáng tạo của ông, để vươn tới những cảnh giới cao nhất của chân, thiện, mỹ. Một điều đặc biệt mà nhiều tham luận chỉ ra, đó là các sáng tác của Văn Cao thuộc ba lĩnh vực âm nhạc, hội họa và thi ca đều luôn mang tính dự báo, thậm chí dự báo rất xa... thể hiện thiên tài nghệ thuật của ông. Thời gian không làm Văn Cao bị lãng quên, mà ngược lại, làm cho ông được nhớ mãi. Và vì thế, chúng ta và nhiều thế hệ sau cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá về ông”.

Tại buổi Hội thảo, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ và nhà báo Lê Quốc Minh đã trao tặng đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao bức tranh đồng khắc họa chân dung nhạc sĩ Văn Cao và bản nhạc bài hát Mùa xuân đầu tiên. Bằng công nghệ, Ban Tổ chức đã phục chế lại thủ bút của nhạc sĩ Văn Cao và đưa vào bức tranh bài hát do chính tay nhạc sĩ viết. Nhạc sĩ Văn Thao, họa sĩ Nghiêm Thành đại diện gia đình nhạc sĩ nhận bức tranh.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;