VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở VIỆT NAM

Toàn cầu hóa đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới hiện đại trên nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở nhận thức rõ bối cảnh của thế giới, thực tại phát triển của các quốc gia, có thể thấy được sự liên kết phát triển kinh tế, an ninh, chính trị không đủ bền vững ở mỗi quốc gia, khu vực nếu thiếu định hướng xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội. Bởi văn hóa, xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, tác động mạnh mẽ tới kinh tế, an ninh, chính trị. Có thể thấy khi xã hội không công bằng sẽ đe dọa đến sự phát triển kinh tế, châm ngòi nổ cho các xung đột về an ninh, chính trị. Khi nền kinh tế khủng hoảng có thể đe dọa trực tiếp đến các vấn đề đói nghèo, nguy cơ thất nghiệp, bệnh tật, các tệ nạn xã hội tăng cao. Những bất ổn xã hội có thể do môi trường cạn kiệt hoặc do phân phối không đồng đều. Các vấn đề xã hội này trở nên cấp thiết, cần phải được giải quyết để tránh gây ra sự xáo trộn về kinh tế, chính trị.

Hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các quốc gia muốn phát triển bền vững cần phải đạt được sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, xây dựng văn hóa. Văn hóa bao gồm tất cả mọi hoạt động thực tiễn của con người để hình thành, phát triển xã hội. Trong xã hội loài người, văn hóa ra đời, phát triển, thay đổi theo lịch sử, địa lý tạo nên những nét đặc trưng văn hóa của một cộng đồng, khu vực. Con người đã tạo ra thiên nhiên thứ hai cho mình là văn hóa. Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (1). Văn hóa là hành trang của mỗi người, dân tộc, quốc gia, khu vực, con người luôn luôn không ngừng tạo ra các giá trị văn hóa, biến đổi văn hóa phù hợp với từng hoàn cảnh, từng thời đại để phát triển xã hội. Trong thời kỳ hiện tại, những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin trên thế giới, sự ra đời của các nền kinh tế kỹ trị, kinh tế tri thức, sự phát triển mất cân bằng, thiếu hài hòa càng làm cho thế giới của chúng ta nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết vai trò, vị trí của văn hóa trong mọi hoạt động sáng tạo của con người ở phạm vi dân tộc, quốc gia, khu vực, thế giới. Điều đó được thể hiện qua thập kỷ văn hóa do UNESCO phát động, đồng thời khẳng định rằng trong một xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ phát triển kinh tế nào, văn hóa, phát triển là hai mặt gắn liền với nhau. Từ nay trở đi văn hóa cần coi mình là người cổ xúy trực tiếp cho phát triển, ngược lại phát triển cần phải thừa nhận văn hóa đứng ở vị trí trung tâm, có vai trò điều tiết xã hội.

Ở nước ta, ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến cùng, phải coi trọng ngang nhau, đó là chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa” (2). Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa chính là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững. Kinh tế chính là cơ sở, điều kiện cho sự hình thành, pt triển văn hóa: “Muốn tiến lên CNXH thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu có thực mới vực được đạo, vì thế kinh tế phải đi trước. Phải phát triển kinh tế, văn hóa để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân ta” (3). Đảng ta luôn luôn khẳng định phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, là yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội” (4).

Tại Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta đã nhận định: “Văn hóa là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải quan tâm”. Đến Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Hội nghị Trung ương 10 khóa IX tiếp tục phát triển thêm quan điểm trên: “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ cả ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định để bảo đảm cho sự phát triển toàn diện, bền vững của đất nước”. Nghị quyết đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ hơn với phát triển kinh tế, xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội” (5). Tiếp tục quan điểm “phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế” được nêu tại đại hội lần thứ IX của Đảng, hội nghị lần thứ IX của ban chấp hành Trung ương khóa XI lại một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế cả về lý luận, thực tiễn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Như vậy, xuyên suốt các quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng đều thể hiện trực tiếp hay gián tiếp vai trò của phát triển văn hóa trong mối quan hệ với phát triển kinh tế.

Văn hóa, kinh tế có mối quan hệ biện chứng với nhau.

Tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa có mối quan hệ biện chứng. Kinh tế phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn hóa. Theo Hồ Chí Minh, kinh tế không độc lập với văn hóa mà có mối quan hệ biện chứng với nhau, kinh tế cũng chính là một lĩnh vực của văn hóa. Ngay từ năm 1943, sau khi định nghĩa về văn hóa, Người chỉ rõ: “5 điểm lớn trong xây dựng nền văn hóa dân tộc là: xây dựng tâm lý, tinh thần độc lập tự cường; xây dựng luân lý, biết hy sinh mình làm lợi cho quần chúng; xây dựng xã hội, mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; xây dựng chính trị, dân quyền; xây dựng kinh tế” (6). Quan điểm này thể hiện tầm chiến lược thiên tài của Hồ Chí Minh trong việc xác định những tiêu chí cơ bản nhằm định hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam trong tương lai. Theo nghĩa hẹp, văn hóa là một lĩnh vực riêng trong tương quan với các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường. Theo nghĩa rộng, văn hóa là nhân hóa hoạt động của con người, đánh dấu sự vượt lên của con người đối với trạng thái tự nhiên. Theo cách hiểu này, mọi hoạt động của con người đều là hoạt động văn hóa kể cả các hoạt động kinh tế, chính trị. Theo đó, văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội được gọi là sức mạnh mềm, lực nâng đỡ, lực hội tụ. Thực tiễn ngày càng cho thấy văn hóa không thể đứng ngoài sự phát triển mà phải hài hòa trong mối quan hệ với kinh tế, chính trị. Văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực mà nằm ngay trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa phát triển đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội.

Văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Văn hóa với tư cách là sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của một dân tộc, đóng vai trò to lớn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói riêng, của cả dân tộc nói chung. Văn hóa phát triển là cơ sở cho phát triển kinh tế một cách bền vững, toàn diện.

Văn hóa, tăng trưởng kinh tế là mối quan hệ đa chiều, mật thiết với nhau, cùng phát huy nhiều năng lực khác nhau. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của con người, xã hội thì văn hóa là nền tảng tinh thần. Văn hóa phát triển thông qua chức năng xây dựng con người, bồi dưỡng nguồn lực con người về trí tuệ, tâm hồn, đạo đức, nhân cách, lối sống của cá nhân, cộng đồng, sẽ là điều kiện không thể thiếu để thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định.

Văn hóa là mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, là nền tảng tinh thần xã hội.

Theo quan điểm của Đảng, mục đích của phát triển kinh tế, xã hội là nhằm phục vụ công cuộc cách mạng XHCN, công cuộc cách mạng giải phóng con người. Mục tiêu cụ thể của cách mạng XHCN Việt Nam là: xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, những kết quả, giá trị to lớn nhất của văn hóa. Văn hóa là mục tiêu của kinh tế, phát triển kinh tế để phát triển con người. Văn hóa đóng vai trò là mục tiêu trước mắt, lâu dài của sự phát triển kinh tế. Đại hội X của Đảng đã nêu: “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục...; giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác, thông qua phúc lợi xã hội”. Như vậy, phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, con người được hạnh phúc, phát triển toàn diện.

Văn hóa là nền tảng tinh thần bởi văn hóa có chức năng định hình các giá trị, những chuẩn mực trong đời sống xã hội, chi phối các hành vi của mỗi người, toàn xã hội. Các giá trị, chuẩn mực đó được chắt lọc, lưu giữ, phát triển trong tiến trình lịch sử, trở thành hệ thống các giá trị đặc trưng cho một dân tộc như chính trị, đạo đức, luật pháp, khoa học, văn học, nghệ thuật, các thể chế, thiết chế văn hóa, tập quán, lối sống..., tạo nên cái cốt, cái hồn, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.

Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định rằng văn hóa không chỉ là động lực của phát triển kinh tế, xã hội mà còn là động lực phát triển đối với một quốc gia, dân tộc. Người cũng đã chỉ rõ sức mạnh nội sinh của văn hóa: “Phải làm thế nào cho văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm sao cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân từ già đến trẻ, cả đàn ông, đàn bà ai cũng hiểu được nhiệm vụ của mình, biết hưởng hạnh phúc mình nên hưởng. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(7). Thông qua mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội để đặt ra chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế. Mọi kế hoạch phát triển kinh tế đều phải hướng đến mục tiêu cao nhất, đảm bảo yêu cầu cơ bản nhất là bảo vệ con người, phục vụ con người, vì chính lợi ích của con người, nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

_____________

1, 2, 3, 6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.6, 431, 448, 59.

4. Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55.

5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.33.

7. Báo Cứu quốc, 8 - 10 - 1945.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : LÊ THỊ BÍCH THỦY

;