BÀN VỀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH

Ngày 30-9-2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thế giới (UNESCO) đã công nhận không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của quan họ Bắc Ninh trong xã hội hiện nay đòi hỏi chúng ta cần có những nghiên cứu sâu sắc hơn nữa về những vấn đề xung quanh nó.

1. Về địa danh Bắc Ninh và Kinh Bắc

Trước đây, vùng đất phên dậu phía Bắc của kinh đô Thăng Long được mang tên Bắc Giang hoặc Kinh Bắc tùy cách phân chia đơn vị hành chính khác nhau, theo lộ hoặc đạo thừa tuyên. Cụ thể:

Thời Đinh (961 – 980), đất nước được chia thành 10 đạo, tương ứng với 10 đạo quân ở các địa phương. Đến năm 1002, vua Lê Đại Hành cải cách, cho đổi 10 đạo làm lộ, phủ, châu (1). Đến thời Lý, đất nước được chia thành 24 lộ (châu Hoan và châu Ái gọi là trại), gồm: Quốc Oai, Thiên Trường, Hải Đông, Kiến Xương, Bắc Giang, Trường Yên… (2). Thời Trần, vùng đất rộng lớn phía Bắc kinh thành thuộc khu vực sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) vẫn có tên lộ Bắc Giang.

Giai đoạn cuối nhà Trần, Hồ Quý Ly nắm quyền cai trị đất nước. Năm 1397 đã định quy chế về quan ngoài (chức quan ở các đại phương) và hệ thống hành chính lộ, phủ, châu, huyện được củng cố thêm một bước (3). Thời Hồ, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ được phân chia thành các lộ, dưới có các phủ, châu, huyện. Miền núi phía Bắc được chia thành các xứ như xứ Hưng Hóa, Yên Bang, Tuyên Quang, Lạng Sơn…

Năm 1466, vua Lê Thánh Tông tiến hành cải cách hành chính và chia đất nước thành 13 đạo thừa tuyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, Yên Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và phủ Trung Đô. Đồng thời Lê Thánh Tông cũng cho đổi lộ làm phủ, đổi trấn làm châu (4). Năm 1469, vua Lê Thánh Tông cho đổi đạo thừa tuyên Bắc Giang thành đạo thừa tuyên Kinh Bắc. Địa danh Kinh Bắc được sử dụng phổ biến từ giữa TK XV đến đầu TK XIX trong việc quốc gia đại sự như việc cắt cử quan lại tổ chức thi cử ở địa phương hoặc chinh phạt, dẹp loạn (5).

Đến triều Nguyễn, vua Gia Long chia đất nước từ Bắc chí Nam ra làm 23 trấn và 4 doanh. Từ Ninh Bình trở ra Bắc gọi là Bắc thành, bao gồm 11 trấn, chia làm 5 nội trấn (Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc và Hải Dương), 6 ngoại trấn (Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên). Từ Bình Thuận trở vào Nam là Gia Định thành gồm 5 trấn (Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Vĩnh Tường, và Hà Tiên), còn các địa phương miền Trung đặt trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định… Riêng đất kinh đô Huế gồm 4 doanh: Trực Lệ Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, dưới trấn lại chia thành phủ, huyện và đặt chức tri phủ, tri huyện, tri châu để cai trị (6).

 
 
 
Hát quan họ trên thuyền. Ảnh Quốc Nam 
 

Từ điển bách khoa Việt Nam cũng khẳng định, Kinh Bắc là địa danh hành chính một đạo thời Lê, dưới thời Hùng Vương, An Dương Vương thuộc bộ Vũ Ninh, từ thời Đinh đến thời Trần thuộc lộ Bắc Giang. Đầu thời Lê sơ, gọi là Bắc đạo. Năm 1469, Lê Thánh Tông đổi thành đạo Kinh Bắc gồm 4 phủ: Từ Sơn, Thuận An, Bắc Hà, Lạng Giang, tương ứng với 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và phần Bắc Hà Nội ngày nay (7).

Tên gọi Bắc Ninh có từ năm 1822 do vua Minh Mạng đổi trấn Kinh Bắc thành Bắc Ninh, rồi chia ra thành tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Năm 1831 - 1832, vua Minh Mạng bỏ cơ cấu hành chính phân quyền, bãi chức tổng trấn, chia cả nước thành 30 tỉnh, 1 phủ, tất cả đều trực thuộc chính quyền trung ương (8).

2. Thuật ngữ quan họ và lối hát quan họ Bắc Ninh

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, quan họ là tên gọi lối hát trữ tình đối đáp nam nữ nhân danh việc kết nghĩa giữa hai hoặc ba làng. Những người tham gia hát gọi là liền anh, liền chị, có phân ra thứ bậc anh hai, anh ba… và chị hai, chị ba… Họ hợp thành nhóm quan họ. Nhóm quan họ nam gồm các liền anh và nhóm quan họ nữ gồm các liền chị. Nhóm quan họ nam làng này hát với nhóm quan họ nữ làng kia. Khi hát, một đôi nam hát với một đôi nữ, có người hát chính, hát phụ. Việc hát thi, lấy đối giọng làm tiêu chuẩn đánh giá hơn thua. Một cuộc hát quan họ gồm ba phần lớn: hát các giọng lề lối (có khoảng 10 bài), giọng vặt (có khoảng trên 200 bài), giọng giã bạn (có khoảng 5 bài) (9).

Tuy nhiên, có nhiều thông tin trong Từ điển bách khoa Việt Nam không đúng với thực tế của sinh hoạt văn hóa quan họ.

Thứ nhất, 49 làng quan họ thuộc vùng Kinh Bắc, bao gồm cả Bắc Ninh và Bắc Giang, chứ không phải 49 làng quan họ chỉ thuộc Bắc Ninh ngày nay. Chính vì vậy, UNESCO đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới cho cả 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Thứ hai, thứ bậc trong quan họ không phải từ anh hai, chị hai như cách gọi Nam Bộ, mà còn có anh cả, chị cả…

Thứ ba, người sành quan họ không gọi là nhóm quan họ mà gọi là bọn quan họ.

Thứ tư, khi hát quan họ, thường có một bọn quan họ nam hát với một bọn quan họ nữ, mỗi bọn có khoảng bốn đến năm người và cũng có thể tới sáu hoặc bảy người. Chứ không phải một đôi quan họ nam hát với một đôi quan họ nữ.

Thứ năm, việc thi hát, hát giao duyên, hát đối không chỉ dựa vào đối giọng để đánh giá, mà còn dựa vào cả lời hát, cách biểu cảm, ứng xử khi hát để đánh giá, đặc biệt là hát đúng lề lối và có sự sáng tạo nhất định.

Thứ sáu, quan họ không có được, thua, mà là lối hát trữ tình, giao duyên nam nữ vào mùa xuân hoặc mùa thu, cuối cùng cả hai bên cùng thắng trong nỗi niềm nhớ thương, nuối tiếc khi phải chia tay sau khi đã được trải lòng.

Thứ bảy, trong các canh hát quan họ bao giờ cũng gồm hai phần chính là nghi lễ và hát. Phần nghi lễ diễn ra sự giao hòa giữa các chức sắc với thần linh, thể hiện tấm lòng biết ơn đến trời, đất, non sông, các vị thần linh và xin phép được mở canh hát. Trong phần hát có bốn phần: xã giao mời trầu, mời nước thể hiện lòng mến khách của người quan họ; hát các làn điệu lề lối (La giằng, Đường bạn, Cây gạo…); hát các giọng vặt (Ngồi tựa song đào, Ngồi tựa mạn thuyền, Đêm qua nhớ bạn, Giữa tối hôm rằm, Con nhện chăng mùng, Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu, Lên núi Ba Vì…); hát các giọng giã bạn thể hiện tình cảm và sự nhớ thương, mong đến hội sau đoàn tụ (Người ở đừng về, Chia rẽ đôi nơi, Chuông vàng gác cửa tam quan…).

Theo Trần Đình Luyện, quan họ Bắc Ninh được ra đời vào thời hậu Lê, tiếp tục phát triển vào thời Nguyễn. Cụm từ quan họ Bắc Ninh được sử dụng từ nửa cuối TK XIX đến đầu TK XX, sau đó trở thành thuật ngữ chỉ loại hình sinh hoạt văn hóa, diễn xướng quan họ của các làng xã thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh, thậm chí bao trùm cả những làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Giang và Hà Nội ngày nay.

Chúng tôi nhận thấy, trong những bộ chính sử không thấy đề cập đến hát quan họ, cũng như các loại hình nghệ thuật khác như hát xoan, hát chèo… Có lẽ vì đây là sinh hoạt văn hóa dân gian nên không được các sử quan ghi chép vào chính sử. Đến nay, chưa có một tư liệu nào xác định cụ thể thời gian ra đời của quan họ. Nhưng thông qua khảo sát trong các chuyến điền dã dân tộc học, văn hóa học ở vùng Kinh Bắc và các vùng phụ cận, chúng tôi nhận thấy, một vài làng quan họ kết bạn với nhau theo những nguyên tắc nhất định, ít nhiều có liên quan đến tục kết chạ giữa các công xã nông thôn ở buổi đầu thời dựng nước. Sự liên kết giữa xóm làng với nhau đã góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống làng xã. Những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian trong các làng quê tiếp tục được bổ sung, phát triển nở rộ vào thời Lý khi châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang trở thành đất phát tích của triều Lý.

Tổng hợp những điều đã nêu trên, chúng ta nhận thấy, thuật ngữ quan họ Bắc Ninh cần được hiểu là một cách gọi dân gian, chưa phản ánh đúng quá trình hình thành, phát triển của văn hóa quan họ cả về mặt không gian và thời gian. Không gian bao trùm các làng quan họ là vùng Kinh Bắc, nằm ở phía Bắc sông Hồng. Văn hóa quan họ xuất hiện vào thời Lý, sau đó phát triển ở thời Trần, hậu Lê. Trong những thế kỷ đó (từ TK XI đến XVIII) chưa có địa danh Bắc Ninh với tư cách là một tỉnh hay một vùng.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, về mặt khoa học, cần phải hiểu và sử dụng thuật ngữ quan họ Kinh Bắc để chỉ loại hình sinh hoạt văn hóa quan họ ở nước ta. Thuật ngữ này phản ánh đúng quá trình hình thành và phát triển của quan họ trong không gian và thời gian từ xưa đến nay.

3. Không gian văn hóa và không gian văn hóa quan họ Kinh Bắc

Nếu như không gian địa lý bao gồm vùng đất, trời, sông, núi, biển đảo liên quan đến quá trình lao động sản xuất và khu vực cư trú của một tộc người, thì không gian văn hóa bao gồm cả không gian địa lý, không gian xã hội, không gian tâm linh (10).

Chúng ta có thể hiểu rằng, không gian văn hóa bao gồm yếu tố vật thể, phi vật thể, thực, ảo và cả yếu tố thời gian.

 

Trong không gian văn hóa luôn diễn ra sự giao hòa giữa con người với môi trường họ đang sinh sống, với các thành viên trong cộng đồng xã hội và với các đấng siêu nhiên, tạo nên sự cân bằng trong đời sống.

Không gian địa lý, không gian sinh tồn chỉ bao gồm những gì hiện hữu xung quanh con người. Ngược lại, không gian văn hóa là sự hội tụ của ba trục trong một hệ tọa độ gồm không gian, thời gian và tâm linh. Điều đó thể hiện không gian văn hóa không chỉ gồm những gì đang hiện hữu, mà còn gồm những ký ức của cộng đồng từ quá khứ đến hiện tại, góp phần tạo nên bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời bao gồm cả những ham muốn, khát vọng, niềm tin, sự tôn thờ của con người.

Từ quan niệm nêu trên có thể phác thảo không gian văn hóa quan họ Kinh Bắc với những đặc điểm tiêu biểu như sau:

Thứ nhất, địa bàn của quan họ là vùng Kinh Bắc xưa, không phải tất cả các làng quê ở Kinh Bắc đều biết hát quan họ hoặc đều có truyền thống hát quan họ, mà chỉ có ở những làng quê dọc đôi bờ sông Cầu, sông Đuống, sông Ngũ Huyện, đến nay truyền thống đó vẫn được duy trì. Vùng núi các huyện Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang không còn hát quan họ, mà thay vào đó là các là điệu sli, lượn, hát giao duyên của người Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay. Trung tâm quan họ Kinh Bắc là 49 làng quan họ dọc theo đôi bờ sông Cầu thuộc các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay.

Thứ hai, làng quan họ phát triển trên nền tảng của văn minh nông nghiệp lúa nước kết hợp với một số nghề phụ như: nghề dệt, đan lát, làm giấy, chăn nuôi, đánh cá, làm đồ gốm, nghề mộc, làm bún bánh, vẽ tranh, buôn bán nhỏ… Vì vậy, làng quan họ không khép kín như các làng quê khác, mà có tính hướng ngoại, từ đó hình thành nên những làng nghề truyền thống như làng tranh Đông Hồ, làng giấy Võ Cường, làng gỗ Đồng Kỵ, làng gốm Thổ Hà, làng rượu Vân Hà… Ở những làng này, nghề phụ lại tạo ra thu nhập chính cho người dân. Kinh tế thủ công nghiệp đã kết hợp chặt chẽ với kinh tế nông nghiệp và thương nghiệp để tạo nên những làng quan họ trù phú. Người quan họ có đủ điều kiện để thực hiện những đam mê nghệ thuật ca hát của mình.

Thứ ba, không gian diễn xướng quan họ khá đa dạng, phong phú. Người làng quan họ không quan niệm đây là một loại hình biểu diễn nghệ thuật, mà xem đó là một cách chơi quan họ. Quan họ được thể hiện theo những canh hát, liền anh, liền chị có thể hát ở các trung tâm văn hóa của làng xã như sân đình, chùa, đồng thời họ cũng có thể hát đối đáp dọc theo các triền đê, hát ngoài ruộng vườn khi tăng gia sản xuất, khi đang giã gạo, xe tơ, kéo sợi, dệt vải. Vào những ngày hội làng, các bọn quan họ có thể đi thuyền trên sông Cầu, sông Đuống để hát giao duyên. Đặc biệt, mỗi gia đình cũng có thể tổ chức những canh hát quan họ trong khuôn viên nhà mình. Những người yêu quan họ tập trung lại với nhau để mời trầu, mời nước và hát quan họ thâu đêm.

Thứ tư, quan họ thường được tổ chức vào dịp hội xuân. Từ tháng giêng đến tháng 3 hàng năm, bước vào thời kỳ nông nhàn, thời tiết mát mẻ, khô ráo, thuận tiện cho việc tổ chức hội làng. Các lễ hội tiêu biểu vùng Kinh Bắc như hội Lim (từ ngày 11 đến 13 tháng giêng âm lịch), hội Đình Bảng (từ ngày 12 đến 16-3 âm lịch), hội Đông Hồ (từ ngày 4 đến 7 tháng giêng âm lịch), hội chùa Phật tích (từ 4 đến 5 tháng giêng âm lịch), hội chùa Dâu (17 tháng giêng âm lịch), hội đền Suối Mỡ (ngày 1-4 âm lịch), hội Đức La, Mật Ninh, Mỹ Lộc, làng Thành… Quan họ còn đi sâu vào cuộc sống của cư dân làng xã khi xuất hiện trong các dịp mừng thọ, mừng nhà mới, đám cưới…

Thứ năm, trước khi hát quan họ, dù là ở quy mô làng xã hay ở tư gia thì các bô lão cùng người đứng đầu địa phương hay gia đình và các liền anh, liền chị cũng phải tổ chức lễ cúng trời, đất, thần linh, đặc biệt là thủy tổ quan họ ở làng Diềm (ngoại thành Bắc Ninh ngày nay). Đình làng, chùa làng và bàn thờ của gia chủ là trung tâm tâm linh của canh hát quan họ. Liền anh, liền chị quan họ như được tiếp thêm sức mạnh từ các vị thần linh và hát với tất cả niềm say mê vô tận… Với chất giọng vang, rền, nền, nẩy và cách tổ chức mà các bọn quan họ có thể hát từ canh này sang canh khác bằng cách tiếp sức cho nhau, vừa hát vừa nghỉ ngơi lấy sức. Các liền anh, liền chị không chỉ hát quan họ thể hiện tình cảm, giao duyên, mà còn là hiện thân của sự giao hòa âm dương, cội nguồn cho vạn vật sinh sôi, phát triển. Trong canh hát quan họ luôn luôn có sự hội tụ những nét tinh hoa văn hóa từ quá khứ đến hiện tại và vươn tới tương lai, thể hiện trong từng lời ca, tiếng hát, cử chỉ, suy nghĩ của mỗi người. Từ trong vô thức, các bài dân ca quan họ đều hướng tới những khát vọng cao quý của con người, đều hướng tới những mơ ước tràn đầy tính nhân văn. Văn hóa quan họ Kinh Bắc không chỉ hướng tới những điều cao siêu trong hàng chuỗi những quy luật của vũ trụ, mà còn hướng tới những giá trị, chuẩn mực cao quý của cuộc đời, đó là sức khỏe, may mắn, đạo đức, trung hiếu, nghĩa tình… Đó là những rường cột không thể thiếu của bất cứ một xã hội nào.

Thứ sáu, quan họ Kinh Bắc là một loại hình nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo, bởi trong bất cứ không gian nào, dù không có nhạc đệm, các liền anh, liền chị vẫn có thể cất những tiếng ca hay, không đơn điệu mà vẫn thể hiện sức sống của mỗi làn điệu. Với giọng hát khỏe, đầy nội lực, các giọng ca nam, nữ nâng đỡ và hòa quyện vào nhau thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc, lắng đọng trữ tình, đi sâu vào lòng người. Theo tục truyền từ xa xưa, người hát quan họ dù rất yêu thương nhau, nhưng không được kết duyên vợ chồng. Có như vậy, lời hát mới có chiều sâu, lắng đọng nỗi nhớ thương và trở nên thiêng liêng.

Thứ bảy, các liền anh, liền chị là những nghệ sỹ dân gian, hàng ngày phải trực tiếp lao động sản xuất vất vả, nhưng khi đã bước vào cuộc chơi quan họ, đòi hỏi mỗi người phải tuân theo những chuẩn mực của bộ môn nghệ thuật này, đó chính là sự ý nhị, lịch lãm trong ca hát, cũng như trong ứng xử và trang phục. Lối hát quan họ yêu cầu phải rõ lời, vang, rền, nền, nẩy để tạo ra một giọng hát liên tục, không bị gián đoạn, tiếng hát bao giờ cũng được nâng đỡ bởi một giàn âm thanh trầm bổng với những âm ư, ừ, ứ, ôi, a… do cả bọn quan họ tạo ra. Giao duyên trong quan họ mặn mà nhưng không dung tục, đằm thắm nhưng không lả lơi, tình tứ mà cao sang.

Trang phục của người chơi quan họ giản dị và mang bản sắc văn hóa dân tộc: liền anh đội khăng xếp, mặc áo the, quần trắng, mỗi người có một chiếc ô đen to làm đạo cụ. Liền chị đội nón quai thao, mặc áo mớ ba, mớ bảy với các màu hồng, cánh sen, đỏ, vàng, xanh, nâu, tím… ngang lưng các liền chị thắt dải lụa đào, hòa cùng màu yếm đào trước ngực vô cùng đẹp mắt. Trong không gian gia đình, liền chị có thể chít khăn mỏ quạ đen. Các đạo cụ như ô, nón quai thao… của các liền anh, liền chị vừa có ý nghĩa sử dụng, vừa góp phần tạo ra vẻ duyên dáng, mềm mại khi ca hát.

Sự kết hợp hài hòa giữa không gian địa lý với không gian xã hội và không gian tâm linh luôn luôn có yếu tố thời gian song hành tạo nên không gian văn hóa quan họ Kinh Bắc. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của không gian văn hóa quan họ Kinh Bắc, chúng ta không chỉ chú ý tới hát quan họ, mà phải chú ý tác động một cách hợp lý đến tất cả những không gian nêu trên.

_______________

1, 2, 3, 5. Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội, 2004, tr.239, 262, 716-717, 422, 582, 762., tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin

4. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.273.

6. Trần Trọng Kim, Việt Nam văn hóa sử lược, Nxb Tổng hợp, TP.HCM, 2005, tr.404.

7. Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2, Nxb Từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 2002, tr.581.

8. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr.190.

9. Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 3, Nxb Từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 2002, tr.577.

10. Phạm Ngọc Trung, Giáo trình Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội, 2013, tr.45.

  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016

Tác giả : PHẠM NGỌC TRUNG

Bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích

Nguyễn Văn Bắc
;