VÀI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT TRANG SỨC ĐÔNG SƠN

Nghệ thuật trang sức Đông Sơn chứa đựng những giá trị riêng biệt, đặc sắc của văn hóa Việt. Trong bài này, chúng tôi đề cập vài nét về nghệ thuật trang sức Đông Sơn trong tương quan ít nhiều với Trung Hoa và Champa, để từ góc độ nghệ thuật, chúng ta nhìn thấy rõ hơn những tương đồng và khác biệt của nghệ thuật trang sức ở và các nền văn hóa này.

Nghệ thuật trang sức Đông Sơn

Đồ trang sức Đông Sơn là dấu tích ghi lại cuộc chinh phục chất liệu, công nghệ và chủ nhân của chúng đã bước một bước khá dài từ thợ thủ công đến nhà sáng tạo nghệ thuật. Đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật trang sức Đông Sơn là đồ trang sức bằng đồng thau. Người Đông Sơn đi từ kỹ thuật đúc, khắc, chạm nông, trổ thủng, uốn gò, tạo nhám và tạo vạch…với vai trò thợ thủ công lành nghề cho đến khi chủ động và thuần thục trong thiết kế kiểu dáng, hình tượng nghệ thuật, các đồ án trang trí. Đến mức này, có thể nói, họ đã đảm đương vai trò nhà sáng tạo, thiết kế.

Một đặc thù của đồ trang sức Đông Sơn là đối tượng sử dụng. Thông thường, đồ trang sức được thiết kế và dành trọn cho phái nữ, nhưng trong xã hội Đông Sơn, đồ trang sức còn dành cho thủ lĩnh bộ lạc, chiến binh, thợ săn và thày cúng Shaman (thày phù thủy). Bức tượng trên cán dao găm Đông Sơn cho thấy cả nam và nữ thời ấy đều mang những đồ trang sức đẹp.

Chất liệu đồ trang sức Đông Sơn

Chất liệu đồ trang sức Đông Sơn rất phong phú với đá, gốm, xương thú, nhuyễn thể, thủy tinh, đồ sa khoáng, sắt, nhưng nổi bật hơn là chất liệu đồng.

Đồ gốm Đông Sơn được đặt trong một hệ thống cũng như một sự phát triển chung và liên tục, từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, giai đoạn bắt đầu thời đại kim khí ở Việt Nam, qua giai đoạn văn hóa Đồng Đậu, tiếp đến giai đoạn văn hóa Gò Mun và cuối cùng là giai đoạn Đông Sơn. Đồ gốm Đông Sơn có nguồn gốc phát triển trực tiếp từ đồ gốm của các giai đoạn văn hóa trước đó.

Đồ trang sức đá được coi là nguyên mẫu cho chế tác đồ trang sức đồng sau này, người Đông Sơn đã ứng xử tạo hình quen thuộc và có kỹ thuật chế tác thành thục trên chất liệu đá, biết khai thác tính ưu việt và tránh những hạn chế của chất liệu này để tạo dáng hợp lý. Chúng tôi cho rằng người Đông Sơn đã thừa hưởng ở phân kỳ lịch sử trước, thời đại đồ đá (cũ và mới). Thể loại đồ trang sức đá phong phú như vòng đeo tay, khuyên tai… và làm nguyên mẫu cho trang sức đồng ở thời kỳ đầu.

Bên cạnh đồ trang sức đá, đồ trang sức thủy tinh hiện diện với một tư cách khác. Người Đông Sơn chinh phục kỹ thuật chế tác thủy tinh tự nhiên, đồng thời đã nấu, đúc khuôn và các kỹ nghệ làm khuôn đồ trang sức thủy tinh nhân tạo. Kỹ thuật chế tác thủy tinh nhân tạo là thành tựu mới thuộc nửa cuối của văn hóa này.

Sừng, xương, nanh và vuốt mãnh thú dữ được người Việt cổ coi là có sự linh nghiệm phù trợ, đó là niềm tin ma thuật thường thấy trong thế giới cổ đại, đưa chất liệu lấy từ mãnh thú sang thành những vật linh. Người cổ đại cho rằng những vật này tiềm ẩn một sức mạnh vô hình nào đó và thậm chí nó giúp họ tránh tại họa và đem lại may mắn. Những vật linh này đã trở thành một thứ bùa hộ thân, được đối xử một cách trân trọng nhất thông qua những trang trí công phu và cuối cùng, đã nghiễm nhiên thành một đồ trang sức với nhiều giá trị từ hình thức đến nội dung. Điều này được Lévy Bruhl khẳng định: những vật linh này “có giá trị như đồ trang sức sau khi với tư cách là các lá bùa, từng mang ý nghĩa thần bí…”(1).

 Chất liệu này gắn với tín ngưỡng một cách mật thiết. Trang trí trên đồ trang sức xương, sừng, nang thú không cầu kỳ, đôi khi chỉ là các khắc vạch, mang tính chất huyền bí như một dạng ngôn ngữ siêu nhiên của người nguyên thủy, nhưng đồ trang sức loại này có trang trí hoa văn chiếm số lượng ít, người Việt cổ sử dụng những linh vật này để đeo đơn chiếc hay xâu chuỗi.

Ngày nay chúng ta bắt gặp những vỏ sò, ốc hóa thạch bám tận trên vách núi hay hang động cheo leo, điều đó cho ta thấy sự lùi xa của biển cả. Người Việt cổ, đặc biệt là cư dân biển, đã sử dụng vỏ sò, vỏ ốc khá phù hợp cho chế tác những đồ trang sức mang đậm tính tự nhiên này.

Chất liệu gỗ khá phổ biến trong thế giới cổ đại, nhưng việc chế tác lại khó khăn bởi dụng cụ chế tác chưa có. Phải chăng, đó là lời giải thích cho việc thiếu vắng đồ trang sức gỗ ở đồ trang sức Đông Sơn. Chỉ có vài di vật là tấm che ngực bằng gỗ (hộ tâm phiến), nhưng nếu căn cứ vào tạo hình thì tấm che ngực này khó có thể coi là đồ trang sức, nó mang tính công năng sử dụng nhiều hơn là trang sức.

Phải chăng, ngay từ lúc phát hiện kỹ thuật luyện sắt, người xưa đã xác định sắt là một kim loại quý, bên cạnh việc dùng sắt để chế tác nông cụ thì người xưa còn sử dụng sắt để chế tác đồ trang sức.

Đồ trang sức đồng có một thành tựu to lớn và được ưa chuộng với nhiều thể loại như vòng đeo tay, bắp tay, chân, vòng ống gắn nhạc, xà tích, trâm cài, dao cán ngắn….Chất liệu này phong phú về thể loại và số lượng trong kho tàng đồ trang sức Đông Sơn. “Đồ trang sức bằng đồng phát triển đột biến, số lượng và kiểu dáng rất phong phú. Vòng đeo tay, đeo tai, đặc biệt có vòng ống đeo nhạc” (2). Ngay từ khi ra đời, đồ trang sức đồng đã mượn hình của đồ trang sức đá mà cụ thể là vòng đeo tay chẳng hạn. Sau này, người Đông Sơn chinh phục đồng và chất liệu đồng đã chiếm ưu thế trong chế tác đồ trang sức bởi nhiều tính ưu việt của nó, đồng là kim loại quý và người cổ đại coi là ẩn chứa tính thiêng.

Một số tạo dáng của đồ trang sức Đông Sơn

Có thể nói, tạo dáng đồ trang sức đồng là đại diện cho tạo dáng đồ trang sức Đông Sơn với một số thể loại như: vòng tay đồng (vòng cổ tay, vòng bắp tay, vòng gắn nhạc chuông), trâm cài đầu, khuyên tai, nhẫn và khóa thắt lưng…

Vòng đeo tay có thiết diện hình tròn là loại vòng có sự kế thừa những chiếc vòng đá, “về mặt thẩm mỹ, có thể vòng ống Đông Sơn là một bước phát triển so với loại hình vòng đá và vòng đồng khác” (3). Sau đó, người Đông Sơn đã chủ động sáng tạo độc lập với chiếc vòng đeo tay đồng thiết diện hình tam giác cân. Từ đây, hàng loạt mẫu mới được ra đời như vòng tay thiết diện hình bán nguyệt, hình lòng máng, nón cụt …

Một di vật quan trọng trong nghệ thuật trang sức Đông Sơn là những chiếc nhạc chuông đồng đeo trên vòng ống đeo chân, tay, bắp tay và cài ở xà tích ngang thắt lưng. Tạo dáng chung của những chiếc nhạc đồng đeo trên vòng ống thuộc loại chóp dài, được xẻ rãnh ở thân, hoa văn đa dạng, có khi là những hình hình học, hình bông lúa được đúc nổi. Cũng như đối với khuyên tai các vòng đeo tay khác, cách đeo vòng ống có nhạc đồng đã phản ánh phần nào cách đeo loại nhạc cụ này của người đương thời. Chúng tôi căn cứ trên những hình vẽ ở trống đồng để đề xuất một hướng suy nghĩ nữa là việc đeo nhạc đồng của người Đông Sơn có liên quan đến tâm linh.

Khuyên tai đồng có bản vòng rộng, dẹt, thiết diện ngang hình chữ nhật. Những mẩu còn lại cho thấy hình dáng nguyên vẹn của chúng giống như hình chữ nhật nhô ra. Bản mặt của khuyên tai lại được trang trí nhiều hoa văn hình răng cưa, xen kẽ hoa văn các đường gạch chéo song song với nhau, chúng không đều nhau về độ sâu, tạo nên cái duyên cho bề mặt.

Nhẫn gắn nhạc đồng là loại trang sức đặc biệt mà sau này ít gặp, nhẫn gắn nhạc có tạo dáng hình trụ tròn, rỗng giữa, đeo vào các ngón tay, trên thân có gắn 2 nhạc đồng loại nhỏ, nhìn khái quát thì chiếc nhẫn này là chiếc vòng ống được thu nhỏ. Trang trí chiếc nhẫn không cầu kỳ, hai dải hoa văn bông lúa ôm lấy vòng nhẫn, đường diềm cuốn thừng.

Xà tích là đồ trang sức độc đáo của người Việt cổ, dành cho người ở tầng lớp trên. Xà tích có cấu tạo gần giống hình hộp chữ nhật, bên trong rỗng, có một quai hình chữ U. Ở trên đỉnh xà tích và hai quai ở hai bên có đeo nhạc đồng. Mặt xà tích có trang trí chạm khắc hoa văn hình bông lúa theo đường viền chữ nhật.

Trâm cài đầu là những mảnh đồng được đúc dẹt, có tiết diện tam giác hay hình thang. Thường, những chiếc trâm cài tóc mang hình cong ở một đầu, thân trâm lại có hai nhánh thẳng để cài vào tóc.

Khóa thắt lưng Làng Cả gồm 2 phiến phẳng được nối với nhau bởi hai cặp móc. Các bản đồng hình chữ nhật, được đục thủng nhiều chỗ theo hình hoa văn như xoáy, vạch ngắn. Trên mỗi bản đồng có 4 hình rùa đúc nổi.

Một số hoa văn tiêu biểu trên đồ trang sức Đông Sơn

Phần lớn là hoa văn hình học, trang trí theo dải với những môtip hoa văn kỷ hà tiêu biểu như đường kẻ thẳng, răng cưa, góc nhọn, chữ V, vạch ngắn, hoa văn nét vạch, đường tròn có chấm giữa, hình thoi, tam giác, chữ nhật, hoa văn hình bông lúa và cuốn thừng... Những hoa văn này phủ khắp đồ trang sức Đông Sơn, cho chúng ta một nhận định: “Người Đông Sơn đã biết khắc kẻ những hình kỷ hà, những hình chim, hình thú và cảnh sinh hoạt hội hè của con người trên các đồ gốm, các trống đồng, thạp đồng … phản ánh cuộc sống hiện thực phong phú, một nền văn minh rực rỡ và một trình độ thẩm mỹ cao” (4).

Nhìn sang nghệ thuật trang sức Trung Hoa và Champa

Có thể bằng cái nhìn lịch đại để hiểu sơ lược quá trình phát triển và đặc thù nghệ thuật trang sức Trung hoa, chúng tôi trình bày theo lịch đại.

Thời Tam hoàng Ngũ đế: các đồ trang sức xương và nanh thú như vật liên lạc giữa các bộ lạc và người đeo nó là các tù trưởng và thầy pháp, những nhân vật có uy quyền trong cộng đồng. Thời Thương Ân sử dụng giáp cốt văn khi tế lễ, đồ trang sức kim loại đã khắc hình hoa văn khá tỷ mỷ như trâm cài đầu khai quật ở An Dương, Hà Nam.

 Thời Xuân Thu - Chiến Quốc: phát triển khá mạnh về đồ trang sức bằng ngọc, đá, sa khoáng hay ngà voi khắc. Nhiều đồ trang sức đã trở thành vật không thể thiếu được trong giao tế xã hội. Chúng không chỉ là trang sức mà nhiệm vụ chính là phô diễn uy lực của các vị vương đứng đầu tiểu quốc. Các chiến binh đeo đồ trang sức bằng đồng. Quan lại đã sử dụng bài khắc phẩm hàm quan bằng đồng khảm ngọc như di vật bài đồng khảm ngọc, hoa văn tùng thạch thao thiết. Thời này, kỹ thuật chế tác đồ trang sức ngọc và đá quý theo lề lối kim hoàn đã đạt đến tinh xảo, đồ ngọc và đồng thau phát triển. Một trong những đại biểu đồ trang sức tinh xảo thời này là những di vật được tìm thấy ở khu lăng mộ Hoắc Khứ Bệnh.

Thời Đường- Tống: mang dấu ấn Phật giáo, thể hiện trên chất liệu quý, là những món đồ được quý tộc thời Đường ưa chuộng. Bên cạnh kim loại quý là ngọc đá và ngọc trai điểm xuyến, đồ trang sức thời Đường đã đặt một nền móng xa hoa cho nghệ thuật trang sức Trung Hoa. Đến đời Tống, nghệ thuật này còn xa hoa hơn nữa và sự xa hoa này kéo dài mãi sau tới cuối đời Thanh.

Thời Minh: khúc chiết hơn với tạo hình chắc khỏe và rõ nét, hoa văn đơn giản hơn, linh thú được sử dụng nhiều, có tính trang trí hóa cao và khác xa với thực tế. Đặc biệt, đồ binh khí nhỏ được coi là đồ trang sức có sự dụng công công phu, khảm ngọc quý, châu báu, thậm chí tô điểm thêm cả bùa chú để đẹp và thiêng hơn.

Thời Thanh: môtip trang trí là các biểu tượng dạng chữ xen thực vật, mây, nước, lửa…, hoa văn thực vật và linh thú. Nhiều hoạt cảnh xuất hiện trên đồ trang sức, chúng như những bức tranh thu nhỏ mang nội dung ở các tích truyện cổ như Cỗ xe ngựa Tần, Khương Tử Nha đánh Thân Công Báo, Chiêu Quân cống Hồ, Bát mã tề phi

Nghệ thuật trang sức Trung Hoa có một lịch sử lâu dài, có những thành tựu lớn trong tạo hình với những đặc thù nghệ thuật mang đậm dấu ấn ở mỗi thời kỳ lịch sử.

Tuy tồn tại trong một giai đoạn khá ngắn nhưng đề chế Champa xuất hiện trong lịch sử nghệ thuật nhân loại với những thành tựu đáng khâm phục, từ nghệ thuật tạo hình đến nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc và thi ca… Việc nghiên cứu điền dã về nghệ thuật trang sức Champa không cho phép chúng tôi trình bày phần này theo lịch đại như ở phần về nghệ thuật trang sức Trung Hoa. Chúng tôi trình bày khái quát về nghệ thuật trang sức Champa có thể được nhìn nhận thông qua trang sức trên tượng cổ.

Trang sức trên tượng là sự phóng chiếu của hiện thực xã hội, nó bắt nguồn từ cái có thực, dẫu rằng nó có những thăng hoa của nghệ thuật và niềm sùng bái. Cách tiếp cận đó, tuy rằng không đầy đủ, nhưng cũng góp phần giúp chúng ta nắm sơ lược về tư duy tạo hình đồ trang sức Champa. Trên các bức Nữ thần Laksmi ở Trà Kiệu hay bức Vũ nữ ca múa (Mỹ Sơn), Nữ thần Sarasvati, Thần Siva (Tháp Mẫm) đều có cách trang sức tương tự nhau, cho thấy trang sức của người Champa gồm hoa tai, vòng đeo cổ, vòng đeo bắp tay và vòng đeo cổ tay, được làm bằng hạt xâu chuỗi, riêng vòng đeo bắp tay có hoa văn vân xoắn, hoa tai là hạt lớn lớn, có tạo hình theo liên kết hình nhài quạt. Kết cấu chuỗi hạt ở đồ trang sức Champa dường như là kết cấu chủ đạo và ta bắt gặp kết cấu này ở những vòng chuỗic xuyên dây ở đồ trang sức thời tiền sử và vòng chuỗi hạt đồng ở đồ trang sức Đông Sơn. Điều này gợi lên câu hỏi: phải chăng đây là một trường hợp đồng quy văn hóa?

Như vậy, ở nghệ thuật trang sức Đông Sơn, giá trị nghệ thuật được nhận diện ở kỹ thuật, cách tạo dáng, hoa văn trang trí và cách thức sử dụng chất liệu. Chất liệu được khai thác triệt để, sử dụng với nhiều mục đích và chúng đều được chế tác bằng những kỹ thuật phù hợp để đem đến hiệu quả thẩm mỹ cho đồ trang sức. Trong nhiều chất liệu được chế tác thành đồ trang sức thì đồ trang sức đồng vượt trội hơn cả. Những di vật trang sức đồng còn lưu đến ngày nay quả là những thành tựu đáng khâm phục. Chúng ta nhìn thấy một con đường kế thừa khi người Đông Sơn đi từ chế tác đồ trang sức đá (đẽo gọt) đến chế tác đồ trang sức đồng (đúc, nguội). Đồ trang sức đồng kế thừa đồ trang sức đá bắt đầu từ tạo dáng, đến khi chủ nhân chinh phục thuần thục chất liệu đồng cho việc chế tác đồ trang sức đồng, họ đi tiếp những bước đi tự tin hơn trong thiết kế dáng, kiểu mới, hoa văn trang trí và nhiều kỹ thuật, công nghệ được sử dụng hiệu quả.

Nằm trong vùng giao thoa với hai nền nghệ thuật trang sức khá lớn từ hai phía, phía bắc là Trung Hoa, phía nam là Champa, nhưng nghệ thuật trang sức Đông Sơn ít chịu ảnh hưởng từ phía Trung Hoa song lại có giao thoa ít nhiều với nghệ thuật trang sức Champa, đặc biệt là ở những đồ trang sức chất liệu đồng. Sự giao thoa đó tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho phép chúng ta gần với kết luận về tính thuần khiết Đông Nam Á trong văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa vừa giàu bản sắc, vừa giao thoa và tiếp biến. Thẩm mỹ Đông Sơn nói chung và nghệ thuật trang sức Đông Sơn nói riêng đạt đến những thành tựu mà không có sự lặp lại nào trong lịch sử, nó là cái mốc nghệ thuật đầu tiên trong dặm dài nghệ thuật của người Việt.

_______________

1. Lévy Bruhl, Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.87.

2. Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2004, tr.314.

3. Trịnh Sinh và Nguyễn Văn Huyên, Trang sức của người Việt cổ, Hà Nội Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội 2001, tr.115.

4. Viện Mỹ thuật, Bản rập họa tiết mỹ thuật cổ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2000, tr.7.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

Tác giả : ĐẶNG THỊ HUỆ

;