Đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông ở Việt Nam trong kỷ nguyên số hiện nay

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mà cốt lõi là công nghệ số đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thích ứng và tận dụng những thời cơ của cuộc CMCN 4.0, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh xây dựng hạ tầng số, chúng ta đang thực hiện xây dựng nguồn nhân lực số, nhưng để thích ứng với thời đại số, kỷ nguyên số, vấn đề rất quan trọng là con người, chuẩn bị nguồn nhân lực có đủ năng lực để sử dụng công nghệ số. Báo chí, truyền thông là lĩnh vực chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ của công nghệ số, do đó cũng cần quan tâm chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.

1. Báo chí trong kỷ nguyên số và những vấn đề đặt ra cho nguồn nhân lực báo chí ở Việt Nam hiện nay

Theo quan điểm của GS Klaus Schwab phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, tổ chức ở thành phố Davos (Thụy Sỹ), cuộc CMCN 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính: công nghệ sinh học, kỹ thuật số, vật lý. Trong đó, kỹ thuật số liên quan đến sự phát triển của truyền thông đại chúng nói chung và báo chí nói riêng. Những yếu tố cốt lõi của lĩnh vực kỹ thuật số gồm: trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn. Báo chí trong kỷ nguyên số có những cơ hội lớn để tiếp cận với bạn đọc, nâng cao chất lượng, hiệu quả tác động của báo chí, nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn nếu không thích ứng được, sẽ bị mất vai trò. Có thể nói, kỹ thuật số đã thay đổi phương thức sản xuất và phát hành báo chí, từ công nghệ gắn với việc thu thập và xử lý dữ liệu đa phương tiện (xử lý chữ viết, âm thanh, hình ảnh, số liệu...), công nghệ biên tập và dàn dựng nội dung (thiết kế dàn trang, fomart chương trình, dựng và biên tập âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo hình ảnh), công nghệ sản xuất theo chuỗi đa nền tảng (một sản phẩm nguồn cung cấp cho nhiều loại thiết bị tiếp nhận điện thoại di động, máy vi tính, vô tuyến truyền hình, mạng xã hội... từ đó, tiết kiệm chi phí sản xuất; thông tin nhanh hơn, hấp dẫn hơn. Kỹ thuật số làm tăng khả năng tiếp cận nguồn tin, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí (trong đó có những trải nghiệm số). Như vậy, báo chí tận dụng quá trình số hóa để có những sản phẩm báo chí chất lượng, với độ tin cậy cao, tạo những tiện ích tốt nhất cho độc giả trong tiếp cận, sử dụng thông tin, đồng thời đa dạng hóa kênh truyền để gia tăng hiệu ứng và tăng hiệu quả. Thông qua trí tuệ nhân tạo, phân tích hành vi của bạn đọc, tòa soạn có thể biết được họ muốn nghe gì, xem gì để đáp ứng nhu cầu, từ đó sẽ thu hút độc giả, nâng cao uy tín vị thế của cơ quan truyền thông. Do đó, việc ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ số là yêu cầu bắt buộc, tất yếu của các cơ quan báo chí truyền thông nếu muốn tồn tại, phát triển và khẳng định vai trò của mình.

Trong kỷ nguyên số, báo chí truyền thông có sự thay đổi mạnh mẽ, từ đó đặt ra những yêu cầu cao hơn, mới hơn đối với nguồn nhân lực báo chí truyền thông, cụ thể như sau:

Thứ nhất, kỷ nguyên số khiến báo chí hiện nay đang biến đổi theo hướng hội tụ, đa phương, xuất hiện nhiều tòa soạn hội tụ các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện. Trước sự phát triển mạnh mẽ của số lượng người dùng internet và mạng xã hội, nhiều người dân Việt Nam hiện nay tìm hiểu thông tin chủ yếu qua internet. Mạng xã hội trở thành một đối thủ cạnh tranh với các cơ quan báo chí, truyền thông, việc cung cấp thông tin không còn là độc quyền của các cơ quan báo chí nữa.

Theo số liệu thống kê của Digital, tính đến tháng 6-2021, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6/35 quốc gia/ vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet; tỷ lệ người sử dụng internet hằng ngày là 94%, trong đó gần 76 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73,7% dân số. Người Việt Nam sử dụng thời gian để xem TV Streaming trung bình 2 giờ 40 phút/ ngày, để truy cập các mạng xã hội trung bình 2 giờ 21 phút/ ngày. Trong bối cảnh hiện nay, thông tin là nhu cầu không thể thiếu của con người. Nhiều người Việt sử dụng mạng xã hội để tiếp cận thông tin (48%, cập nhật tin tức thời sự, 39% đọc tin tức giải trí). Do tính tiện lợi, chỉ cần một thiết bị thông minh (smart) có kết nối internet, người dùng có thể tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi và không tốn phí. Do đó, để các sản phẩm của mình có thể tiếp cận rộng rãi tới bạn đọc, các cơ quan báo chí cần đưa thông tin lên môi trường mạng internet; phát hành, phổ biến trên nhiều kênh khác nhau, bên cạnh phương thức truyền thống, cần có thêm các kênh trên internet, mạng xã hội; thiết kế chuyển đổi linh hoạt chuẩn đầu ra để cung cấp nguồn cho đa loại hình tiếp nhận: máy tính bảng, điện thoại di động, máy tính xách tay. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các cơ quan báo in đều phải xuất bản thêm trang thông tin điện tử hoặc báo mạng điện tử để đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời vì không phụ thuộc vào tính định kỳ của việc xuất bản. Hơn nữa, với sự phát triển của công nghệ, cách đưa thông tin trên mạng xã hội không thuần túy là định dạng text (văn bản) mà có audio, video, livestream... Các sản phẩm báo chí đa phương tiện ngày nay có sức hút bạn đọc lớn, nên nếu báo chí không sớm tiếp cận, chuyển đổi theo xu hướng làm báo dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, công nghệ sản xuất thì có thể bị các mạng xã hội dẫn dắt và bỏ xa. Do đó, xu hướng hội tụ truyền thông nghĩa là các phương tiện truyền thông khác nhau (báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói...) có sự giao thoa và chồng lấn ngày càng trở thành tất yếu. Xu hướng tích hợp nhiều thể loại, loại hình báo chí với tên gọi siêu tác phẩm báo chí hay những bài báo được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, có nội dung chuyên sâu, góc nhìn mới lạ với nhiều tên khác nhau như Long-form, Maga Story, E-magazine là rất cần thiết. Đó là những tác phẩm báo chí gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa...

Hiện nay, các sản phẩm báo chí phải coi trọng nội dung, yếu tố kỹ thuật, công nghệ. Nội dung phải đảm bảo tính mới lạ, xác thực, khách quan, nhân văn có bản quyền, hình thức cần được trau chuốt kỹ thuật nhằm gia tăng tính thẩm mỹ và giá trị tin tức. Do đó, người sáng tạo ra các sản phẩm báo chí không chỉ giỏi chuyên môn mà phải thành thạo công nghệ, biết sử dụng máy tính để khai thác, truyền tải thông tin và các nghiệp vụ làm báo trên mạng, phải có năng lực phân tích, xác định giá trị thông tin để quyết định ứng dụng công nghệ phù hợp, có khả năng sử dụng kỹ thuật video, audio, image, đồ họa để xử lý tư liệu và sáng tạo sản phẩm báo chí. Để có một bài báo hoàn chỉnh, người làm báo phải thực hiện cùng lúc nhiều kỹ năng như viết tin, bài, chụp ảnh, quay phim, đồ họa… Sự ra đời của công nghệ truyền thông hiện đại đòi hỏi nhà báo trong quá trình tác nghiệp phải đa kỹ năng để sử dụng các phương tiện khác nhau. Các nhà báo phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất, tin, bài, hình ảnh phải phục vụ tối đa cho mọi nền tảng công nghệ của tòa soạn, từ báo giấy, báo điện tử, video cho truyền hình và audio cho phát thanh.

Thứ hai, kỷ nguyên kỹ thuật số đòi hỏi chức năng thông tin, tư tưởng của báo chí cần được quan tâm đặc biệt, bởi tính đa dạng thông tin trên nền tảng kỹ thuật số xuất hiện nhanh hơn, rộng hơn, thậm chí “nhiễu” hơn. Do đó, đặt ra những yêu cầu cao hơn về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn của nhân lực báo chí. Internet và mạng xã hội làm cho các tổ chức và cá nhân đều có thể làm báo, đưa tin ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào. Công chúng trở thành chủ thể thông tin thay vì là đối tượng tiếp nhận thông tin. Vai trò người đưa tin nhanh nhất của báo chí bị lấn lướt bởi sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội. Cơ quan báo chí dù mạnh đến đâu cũng không đủ nhân lực để bố trí phóng viên ở khắp mọi nơi. Thực tế các sự kiện, vụ việc xảy ra bất ngờ, phần lớn được đưa tin bởi những người sử dụng mạng xã hội ở khắp nơi.

Trong thực tiễn báo chí hiện nay, một số cơ quan báo chí coi trọng chức năng thông tin mà xem nhẹ chức năng tư tưởng, định hướng thông tin. Margaret Simons viết trên tờ The Guardian của Anh: “Các nhà báo đã trở thành những người tiếp nhận thông tin chứ không phải những người tạo ra thông tin”. Do sự phát triển như vũ bão của truyền thông xã hội, các nhà báo giờ đây không phải là người phát hiện ra thông tin nữa, nên họ phải đảm trách sứ mạng thẩm định thông tin và giải thích thông tin đó. Trước kia nhà báo được coi là “thư ký của thời đại”, người ghi chép lại thông tin, nhưng hiện nay vai trò đó đang bị lấn lướt bởi mạng xã hội. Cùng với đó, công nghệ số AI và rô-bốt nhà báo đã thay thế một phần công việc của nhà báo. Rô-bốt nhà báo có thể hoàn thành tin trong 2 phút sau khi trận đấu kết thúc ở sự kiện thể thao Olympic Rio Trung Quốc diễn ra năm 2016. Do đó, việc đưa tin thông thường sẽ dần được thay thế bởi các rô-bốt nhà báo. Vì vậy, nhà báo hiện nay cũng như các cơ quan báo chí cần thay đổi phương thức chuyển tải thông tin, cần chú trọng giải thích, phân tích, bình luận, định hướng thông tin thay vì chỉ là người cung cấp tin. Báo chí là công việc đòi hỏi năng lực sáng tạo và khả năng tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm thông tin. Đây là điểm mà rô-bốt nhà báo hay mạng xã hội không thể thay thế nhà báo. Kỷ nguyên số càng đòi hỏi cao hơn về trình độ chuyên môn của nhân lực báo chí. Họ không chỉ biết cách đưa tin thế nào cho hay, hấp dẫn mà còn phải biết giải thích, bình luận, phân tích thông tin. Người dân hiện nay đang phải tiếp nhận quá nhiều thông tin từ các nguồn cung cấp khác nhau, nhưng cũng khó để nhận xét, đánh giá về thông tin đó như thế nào. Muốn vậy, nhà báo phải am hiểu tình hình thực tiễn của đất nước và thế giới trên các lĩnh vực, nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để có những phân tích, bình luận xác đáng, lý giải được đúng bản chất của sự thật và chuyển tải thuyết phục người đọc, qua đó định hướng được dư luận. Hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng internet và mạng xã hội để chống phá Đảng và Nhà nước ta một cách toàn diện, nhân lực báo chí, truyền thông phải làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội. Khi Đảng và Nhà nước ta phát động đóng góp xây dựng quỹ vắc xin, các thế lực thù địch trên mạng xã hội đã xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chúng cho rằng, mua vắc xin là trách nhiệm của Nhà nước, bởi vì người dân đã đóng thuế cho Nhà nước, nên Nhà nước phải có trách nhiệm lo cho dân, vậy mà còn thành lập quỹ vắc xin để bòn rút, vơ vét của nhân dân trong khi nguồn lực, sức lực của nhân dân đã cạn kiệt vì COVID-19...

Sự am hiểu cùng bản lĩnh chính trị của nhà báo góp phần đẩy lùi, lật tẩy những tiếng nói sai trái, lệch lạc, phản động, cơ hội, vô trách nhiệm đã và đang phát tán, tương tác trên internet và mạng xã hội, định hướng dư luận xã hội để nhân dân tin tưởng và ủng hộ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc định hướng dư luận của các nhà báo không chỉ sắc bén mà còn phải kịp thời, đúng lúc, không rơi vào thế bị động trước tốc độ internet, nên nhà báo và các cơ quan báo chí vẫn cần thiết áp dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất và phát hành tin, bài. Kỷ nguyên số càng đặt ra yêu cầu cao hơn, sâu hơn về trình độ chuyên môn đối với nhân lực báo chí, bởi khi đã có quá nhiều người đưa tin, nếu nhà báo chỉ làm nhiệm vụ cung cấp thông tin thì sẽ trùng lặp, nhà báo phải tạo ra sự khác biệt và dấu ấn ở cách nhìn về thông tin đó.

Thứ ba, báo chí cạnh tranh với mạng xã hội bằng chất lượng thông tin, bảo đảm tính chính xác, khoa học, nhân văn, trách nhiệm cao với xã hội, do đó đòi hỏi rất cao về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và ý thức công dân của nhân lực báo chí, truyền thông. Mạng xã hội có ưu thế là tốc độ nhanh nhưng không có sự kiểm soát, kiểm chứng về nội dung thông tin từ phía các cơ quan chức năng nên chất lượng còn hạn chế. Thậm chí, có nhiều người cố tính đưa thông tin giả, sai sự thật để thu hút sự chú ý của người khác, để “câu view”, “câu like” nhằm quảng cáo, bán hàng thu lợi nhuận. Nạn tin giả, giật tin, tin tức không được kiểm chứng tràn lan trên mạng xã hội. Vì vậy, vai trò và thế mạnh của báo chí chính là đảm bảo tính chính xác, xác thực và khách quan của thông tin, thông tin phải được kiểm chứng. Để cạnh tranh được với truyền thông xã hội về tốc độ, một số nhà báo đã sử dụng lại những thông tin trên mạng xã hội, mà không có sự kiểm chứng đã gây hậu quả xấu đến đối tượng phản ánh cũng như mất niềm tin ở bạn đọc. Thậm chí, những thông tin sai sự thật mà nhà báo đưa ra có thể ảnh hưởng lớn để sự nghiệp, số phận của một cá nhân, tổ chức. Cho nên, trước khi đưa thông tin, nhà báo cần có sự cân nhắc, điều tra kỹ lưỡng, phân tích, đánh giá thông tin phải khách quan trên cơ sở quy định pháp luận, lý lẽ có căn cứ, không nên chỉ dựa vào cảm xúc, ý kiến chủ quan của mình, từ đó ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá của bạn đọc.

Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí” (2). Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí để báo chí hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Ngày 1-12-2004, Bộ Chính trị đã ra thông báo kết luận 162-TB/TW về một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí trong tình hình mới trong đó nêu rõ: “Quan tâm hơn nữa việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ các nhà báo về nhận thức chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, những yêu cầu đối với nhà báo không hề giảm đi mà thậm chí còn đòi hỏi cao hơn và có những yêu cầu mới. Ví dụ về chuyên môn nghiệp vụ, nhân lực báo chí đòi hỏi có khả năng mới như sử dụng công nghệ số, công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất và phát hành các sản phẩm báo chí vừa đòi hỏi cao hơn về chuyên môn để không chỉ ghi chép trung thực lại thông tin mà có những phân tích, giải thích thông tin để định hướng tư tưởng. Đồng thời, những yêu cầu về nhận thức chính trị, về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội lại càng được đặt ra ở mức độ cao hơn. Để báo chí có thể thực hiện tốt sứ mệnh cao cả của mình, cạnh tranh được trong kỷ nguyên số nhân lực báo chí, ngoài việc rèn luyện “bút sắc” (chuyên môn) giỏi, các nhà báo phải rèn luyện “mắt sáng” (tầm nhìn, bản lĩnh), “lòng trong” (đạo đức nghề nghiệp), tư tưởng vững vàng, kiên định. Để xây dựng được đội ngũ nhân lực báo chí với những yêu cầu mới đòi hỏi công tác đào tạo nhân lực báo chí cần có những đổi mới.

2. Một số định hướng đối với các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực báo chí trong kỷ nguyên số

Thứ nhất, chương trình đào tạo nhân lực báo chí truyền thông cần chuyển dần từ phương thức đào tạo phân tách, sang tích hợp chuyên ngành để đào tạo ra những nhà báo, có khả năng tác nghiệp trên các phương tiện truyền thông khác nhau. Trong xu hướng tòa soạn hội tụ, truyền thông đa phương tiện, với tư cách là bên cung cấp lao động, cơ sở đào tạo truyền thông, cần cung cấp cho các cơ quan truyền thông những nhà truyền thông có khả năng làm việc đa nhiệm và đa phương tiện. Tuy nhiên, chương trình đào tạo nhân lực báo chí, truyền thông của các cơ sở đào tạo trước đây thường thiên hướng đào tạo phân tách, đào tạo nhân lực cho từng loại hình báo chí chuyên biệt, cụ thể như báo in, báo điện tử, báo hình, phát thanh. Vì vậy, trước yêu cầu mới, các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, để nhân lực báo chí có khả năng làm việc trên các nền tảng khác nhau. Đây là chuyển hướng tất yếu trong đào tạo nhân lực báo chí ở các quốc gia. Năm 2012, Khoa Báo chí của Đại học Texas (Hoa Kỳ) triển khai chương trình đào tạo mới nhằm xóa bỏ bức tường giữa báo in, tạp chí, báo ảnh đa phương tiện và truyền hình ở nước ta. Với tư cách là cơ sở đi đầu về đào tạo nhân lực báo chí của cả nước, năm 2016, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xây dựng chương trình báo chí đa phương tiện. Vì vậy, các cơ sở đào tạo báo chí trên cả nước cần tích cực đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực báo chí tích hợp các loại hình báo chí. Đây là quá trình nghiên cứu công phu, bài bản, xây dựng môn học cung cấp những kiến thức, kỹ năng chung của người làm báo cũng như những môn học cung cấp kiến thức, kỹ năng chuyên biệt cho từng loại hình báo chí.

Thứ hai, các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí cần chú trọng hơn đến việc giáo dục kỹ năng thực hành, sử dụng công nghệ số trong quá trình sản xuất và phát hành báo chí. Hạn chế của các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí ở Việt Nam hiện nay là đào tạo thiên về truyền thụ kiến thức, ít chú ý đến kỹ năng thực hành. Nếu thiên về hàn lâm, người học sẽ thiếu kiến thức thực tế, mất thời gian tích hợp kỹ năng sau thời gian ra trường, chưa đáp ứng được ngay yêu cầu công việc của các tòa soạn khi hiện nay các cơ quan báo chí đều đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tất cả các khâu. Các giảng viên tại các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí có kiến thức lý luận chuyên sâu, kỹ năng sư phạm tốt, nhưng thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Do đó, cần đưa giảng viên ở các cơ sở đào tạo báo chí đến tác nghiệp cụ thể ở các cơ quan báo chí, để họ có thêm kỹ năng nghề nghiệp và những tình huống công việc cụ thể đưa vào bài giảng. Đồng thời, các trường cũng thường xuyên mời những nhà báo có chuyên môn nghiệp vụ cao, những nhà lãnh đạo, quản lý báo chí có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tham gia thỉnh giảng. Muốn vậy, các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, đặc biệt những cơ quan báo chí lớn có ứng dụng công nghệ số trong quá trình tác nghiệp. Sự phối hợp không chỉ trong trao đổi nguồn nhân lực giữa các cơ sở này, mà còn trong việc đào tạo sinh viên báo chí. Sinh viên báo chí phải có thời gian thực tập tại các cơ quan báo chí, nhưng nếu các cơ quan báo chí, không tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào những công việc cụ thể của tòa soạn, họ sẽ không rèn luyện được kỹ năng và tích lũy được kinh nghiệm từ thực tế. Vì vậy, cần có những cơ chế phối hợp cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan báo chí trong việc đào tạo sinh viên, đặc biệt trong kỹ năng thực hành. Các trường cần xây dựng các phòng biên tập đa phương tiện (ảnh, video, audio), các mô hình thực nghiệm sản xuất chương trình, để sinh viên hình thành đầy đủ kỹ năng thiết kế sáng tạo, kỹ năng biểu cảm bằng âm thanh, hình ảnh, độc lập tự chủ xây dựng tác phẩm, truyền dẫn, thiết lập sự tương tác với công chúng. Điều này đỏi hỏi sự quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng như sự năng động của các trường trong cơ chế thu hút nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, các trường cần hợp tác với các cơ quan báo chí để sử dụng hạ tầng, công nghệ số trong sản xuất tin, bài của các cơ quan trong quá trình dạy kỹ năng thực hành cho sinh viên.

Thứ ba, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục tăng cường đào tạo kiến thức chuyên sâu về chính trị, lý luận và nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho nhân lực báo chí. Các cơ sở đào tạo báo chí cần hiểu rõ cung cấp lý luận báo chí với thực hành làm báo đều quan trọng như nhau. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nhiều trường chưa chú ý đến giáo dục kỹ năng thực hành, sử dụng công nghệ số, mà xem nhẹ kiến thức lý luận báo chí. Nếu chỉ thiên về kỹ năng thực hành, người học sẽ thiếu hệ kiến thức nền tảng, nhất là phương pháp luận, phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề để có thể vươn xa tầm nhìn, mở rộng hiểu biết và khả năng phân tích, lý giải các sự kiện, vấn đề thời sự có sức thuyết phục công chúng cả về trí tuệ và cảm xúc. Việc nắm vững những vấn đề lý luận như các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, định hướng phát triển của Ðảng và Nhà nước, thực tiễn đất nước và thế giới và những kiến thức lý luận, nghiệp vụ báo chí của người làm báo giúp cho nhà báo có bản lĩnh chính trị, có kiến thức, phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, cách thức thuyết phục công chúng và dư luận xã hội.

Thứ tư, các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí cần đa dạng hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, không chỉ dành cho người học chuẩn bị hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông mà cả những nhà báo đang hoạt động. Nguồn nhân lực báo chí hiện nay khá đông đảo, tổng số thẻ nhà báo đã cấp tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với trên 21.000 người được cấp thẻ nhà báo (3). Các nhà báo có những người được đào tạo theo những chương trình cũ, trước yêu cầu mới về nhân lực báo chí trong kỷ nguyên số cần được đào tạo lại, tham gia các lớp bồi dưỡng bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí không chỉ chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực mới trong tương lai mà còn đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông hiện có rất đa dạng, vì vậy các trường cần thiết kế những chương trình bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu một kỹ năng, kiến thức nào đó như bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ số trong làm báo, bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin, dữ liệu viết tin, bài, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phân tích, bình luận, thuyết phục công chúng, các kiến thức chính trị, lý luận nghiệp vụ điều tra, phân tích báo chí chuyên sâu trên từng lĩnh vực... Các cơ sở đào tạo báo chí cần có những dự án điều tra về nhu cầu và thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng của đội ngũ nhân lực báo chí hiện có so với yêu cầu mới đang đặt ra để xây dựng các chương trình bồi dưỡng cụ thể.

Bối cảnh kỷ nguyên số đang đặt ra những cơ hội đồng thời là những thách thức đối với báo chí, đặt ra những nhiệm vụ, trọng trách, yêu cầu mới đối với cơ quan báo chí cũng như nguồn nhân lực báo chí. Trước những thay đổi của báo chí, các cơ sở đào tạo nhân lực cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để phát triển nguồn nhân lực báo chí đáp ứng yêu cầu mới trong kỷ nguyên số hiện nay.

_______________________

1. Hòa Bình, Đạo đức báo chí trong môi trường số: Thách thức và thích nghi của Việt Nam, vov.vn, 25-6-2021.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.166.

3. Đức Bình, Báo chí giảm cả số lượng lẫn doanh thu, tuoitre.vn, 31-12-2020.

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Quý Doãn, Đào tạo đội ngũ báo chí trong điều kiện hội tụ thông tin, Tạp chí Thông tin đối ngoại, số 6, 2009.

2. Trương Ngọc Nam, Đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông ở Việt Nam trong tình hình mới, Tạp chí Cộng sản chuyên đề cơ sở, số 138, 2018.

3. Nguyễn Viết Sơn, Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ báo chí, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 8, 2013.

4. Nguyễn Đình Tường, Giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên báo chí ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 2, 2019.

TS NGUYỄN TIẾN THƯ - TS HÀ THỊ THÙY DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;